Bước tới nội dung

Về mục Hán văn độc tu

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Về mục Hán văn độc tu  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 184 (5. 1. 1933) 

1. Sự tạm đình mấy số để học ôn

Từ ngày Bổn báo mở thêm mục “Hán văn độc tu”, nói cho phải, được các bạn thanh niên hoan nghinh một số khá đông. Một việc làm ra, có hiệu quả rỡ ràng như vậy, thật chúng tôi chẳng những khỏi thất vọng mà lại còn giục lòng hăng hái thêm lên, kỳ đạt cho đến mục đích, −  ấy là cái mục đích giúp cho các bạn thanh niên nam nữ khỏi phải "ôm tráp theo thầy" mà tự học lấy trong một vài năm cũng đủ thông hiểu chữ Nho.

Số báo vừa rồi đã đến bài học thứ hai mươi. Trong hai chục bài học đó tính phỏng người học đã biết được trên dưới ba ngàn chữ. Từ bài thứ nhứt cho đến bài thứ mười, toàn là tiếng một và tiếng đôi, mà chia ra các mối rõ ràng; về phần Văn pháp thì dạy cho ít nhiều luật phổ thông của chữ Hán. Đến bài thứ mười một trở đi, dạy học câu mà là câu vấn đáp, cho đến bài học thứ hai mươi, trong mười bài đó, chứa rất nhiều các lối câu hỏi khác nhau. Còn về Văn pháp thì dạy cho từng chữ hư tự một, ấy là cái then chốt của chữ Hán, biết nó rồi thì đem ứng dụng ra khỏi lầm.

Ngoài ra, những món Thành ngữ, Văn liệu, Tập đặt, đều là món phụ mà đều để giúp ích cho sự học rất nhiều. Nói tóm lại, nếu ai dụng công cho thiệt tiêm tất từ hồi mới bắt đầu học đến giờ, thì nội hai chục bài học đó đưa cái trình độ Hán văn của người ấy lên cũng đã khá lắm.

Học nhiều mà không nhớ hết hay là không hiểu hết, ấy là một sự đáng tiếc. Muốn cho khỏi cái tệ ấy, chúng ta nên học ôn lại (revision).

Nhơn dịp gần tới Tết ta, soạn giả về thăm nhà, luôn thể cũng nghỉ một lúc. Vậy Bổn báo xin tạm đình mục Hán văn độc tu chừng một tháng, ra ngoài giêng sẽ tiếp theo.[1]

Các bạn học mục nầy nên thừa dịp nầy mà học ôn lại. Nhứt là những câu vấn đáp từ bài học thứ mười một đến thứ hai mươi, nếu đọc thuộc lòng được thì hay lắm. Thứ đến, hết thảy những bài Văn pháp, phải xem đi xem lại, dầu không đọc thuộc chớ cũng phải nhớ nhập tâm.

Sau Tết An Nam, sẽ ra bài học thứ hai mươi mốt rồi tiếp dạy luôn. Bấy giờ sẽ bày cách tra tự điển, giảng phép "tứ thanh"; lần lần thêm món famille des mots, món tập dịch; còn về Văn pháp thì sau rồi sẽ không học riêng từng chữ hư tự nữa, mà học những luật đặt câu, nối câu thành bài, tức trong mẹo Lang-sa là Syntaxe vậy.

Bởi vậy, hiện giờ phải ôn cái cũ đi đặng sẽ rước lấy cái mới.

2. Trả lời cho ông Lâm Q. Hiếu, Tourane

Chúng tôi có tiếp được thơ ông, gợi ý cho chúng tôi mấy điều về mục “Hán văn độc tu”, chúng tôi lấy làm cảm ơn lắm, vì lời nói có nhiều điều rất có giá trị.

Món "famille des mots" của chữ Hán, chúng tôi đã định trong chương trình của chúng tôi rồi, nhưng mà chưa dạy tới. Vì món ấy nó sẽ như là tự điển, có hơi buồn một chút, nên chúng tôi phải dạy trước những món như là Thành ngữ và Văn liệu, so sánh có vui hơn, để người học khỏi vì sự tẻ ngắt mà ngã lòng.

Đến như món Tập đặt (exercice), ông có ý phàn nàn rằng ít quá; sự ông phàn nàn đó rất phải. Nhưng xin ông biết cho rằng độc giả của bổn báo có một phần rất đông không học mục Hán văn độc tu. Vậy nếu mục nầy mà choán mất nhiều giấy trong mỗi số báo, thì những người ấy lại không thích.

Xin xét lại, trước kia mục Hán văn độc tu kỳ nào cũng ba trương hoặc đến bốn trương. Nhưng gần đây phải giảm bớt, có khi chỉ hai trương mà thôi, ấy là vì chúng tôi còn phải chiều lòng những độc giả nào không có duyên với mục ấy.

Tuy vậy, những lời trong bức thơ ông Lâm, khi tiếp đăng bài học thứ hai mươi mốt về sau, chúng tôi sẽ liệu châm chước mà thiệt hành cho được, hầu cho vừa ý người đọc hơn bây giờ.

P.N.T.V.

   




Chú thích

  1. Trên thực tế, mục Hán văn độc tu dừng hẳn lại sau 20 bài đầu này; suốt năm 1933, Phan Khôi hầu như không đăng bài nào trên Phụ nữ tân văn. Chỉ đến năm 1934 ông mới trở lại cộng tác với tuần báo này.