Việt Nam phong tục/II.10

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm

X.— AM CHÚNG SINH

Mỗi làng, đầu làng hoặc cuối làng, có một khu đất rộng để làm chỗ tha ma mộ địa, trong làng có ông già bà cả hoặc người nào mất thì cứ đem tại đó mà chôn.

Mỗi chỗ tha ma mộ địa có lập một cái am năm ba gian, hoặc xây bệ lộ thiên, đề 3 chữ « hàn lâm sở », để thờ chung cả những mồ mả vô chủ, gọi là am chúng sinh. Mỗi cửa am có một bà đồng ở sớm tối đèn hương thờ phụng. Về ba tháng hè thì cứ ngày rằm, ngày mồng một nấu cháo cúng, đổ vào lá đa cuộn tròn lại, cắm hai bên dọc đường gọi là cúng các quan, hoặc gọi là cúng bách linh. Cho nên tục có câu rằng: cướp cháo thí lá đa, là nói những người vô hậu.

Bà đồng ở đó thường bày một cái nong ra cạnh đường đi; đốt vài nén hương để quyên giáo, kẻ qua lại ai cũng cúng một vài đồng kẽm. Bà đồng thì ngồi trong am đánh trống kể kệ, hoặc là họp năm ba bà vãi chèo đò.

Nhiều nơi mỗi năm về tháng bảy, hoặc công làng, hoặc riêng một hội thiện, thiết đại tràng tại cửa am để làm chay, cúng hai, ba ngày hoặc năm, bảy ngày.

Làm chay, trước hết có nhà sư cầm gậy tầm xích, các vãi cầm phướn và vài ba người đạo tràng đánh trống khua não bạt đi khắp đám tha ma mộ địa, gọi là đi rước linh. Rước linh về đàn thì cúng. Trong đàn từng trên thiết tượng Phật, từng dưới thiết vị bách linh, ở ngoài cũng có mã mùng.

Cúng Phật thì dùng lễ oản quả, cúng bách linh thì dùng oản quả, hoặc dùng lợn gà tùy ý.

Hôm bắt đầu phát tấu tụng kinh, cầu nguyện cho chúng sinh được siêu linh tịnh độ, hôm sau dẫn lục cúng, rồi cũng có phóng sinh thí thực như lễ kỳ an. Hôm sau cùng thì chạy đàn phá ngục.

Cách chạy đàn, có mấy người đạo tràng, đóng tuồng Đường Tăng, Đại Thánh, Sa Tăng, Bát Giới chạy xung quanh đàn, và có làm nhà ngục bằng giấy, ông thầy đâm phá các cửa ngục, nghĩa là cứu cho chúng sinh thoát khỏi vòng giam cầm ở dưới âm ty.

Đoạn lễ tạ hóa vàng mã.

Các nơi chiến trận, có nhiều tướng sĩ tử trận chôn một chỗ thì nhà vua lập đàn thờ, gọi là Lệ đàn. Lệ đàn thì mỗi năm nhà vua sai quan về tế, hoặc là hội thiện góp tiền với nhau mà cúng hay là làm chay.

Tục thường cho chỗ am chúng sinh và lệ đàn là nơi rất thiêng liêng, cho nên nói đến việc bách linh thì nhiều người dốc lòng làm phúc. Nhất là những khi bất đắc dĩ phải thiên mộ địa đi nơi khác, các nhà giàu tranh nhau mà cúng tiểu, cúng gạch bát tràng, còn các thiện nam tín nữ thì tranh nhau mà đi rước bách linh, để bách linh phù hộ cho được vạn sự như ý.

*

* *

Tục ta tin quỉ thần, cho nên sự gì cũng cho người chết có linh hồn, có tri giác cũng như người sống. Mà ở dưới âm phủ cũng có kẻ khổ người sướng như trên dương gian. Người có con cái giữ hương hỏa thì hồn phách có chỗ bằng y, người bất hạnh tuyệt tự thì không có ai cúng cấp, chắc là phải phiền não ở dưới âm phủ.

Vì thế đám mộ địa nào cũng có am, có đàn, có người hương hoa thờ phụng, để cho u-hồn oán quỷ, dầu không ai nhìn nhận cũng có chỗ mà hương khói nương nhờ.

Đi đến chỗ mộ địa, trông thấy mồ mả san sát, ai là không động lòng cảm thương, mà nghĩ đến mồ mả vô chủ thì lại đau đớn thay cho người nằm dưới suối vàng lắm.

Nhất là đi qua những nơi trận trường thuở xưa, nghĩ đến các anh hùng hào kiệt, khi sanh tiền dũng mãnh can đảm biết bao nhiêu, mà nay chỉ thấy gò cao lổn ngổn, cỏ rậm rì rì thì lại xui cho người ta buồn rầu nữa.

Kìa những lúc bóng chiều nhạt vẻ, gió bấc lạnh lùng, đêm tối mưa sa, bốn bề vắng ngắt, qua chỗ đó mà ngắm cái cảnh đìu hiu, lại nghĩ đến nông nỗi người xưa nằm đó, biết bao nhiêu tình cảnh sầu người.

Nói đến đó thì am kia đàn nọ, bách linh dẫu thiêng dẫu chẳng thiêng, dẫu biết dẫu chẳng biết, dẫu có dẫu chẳng có, chẳng kể làm gì, nhưng cũng chua xót xin gửi tặng vài ba giọt lệ.

Than ôi! từ xưa đến giờ, biết bao nhiêu người khôn ngoan, biết bao nhiêu người vụng dại, biết bao nhiêu người hưng công lập nghiệp, biết bao nhiêu người vong thân tán gia, nào hiền, nào ngu, nào phàm, nào thánh, bây giờ ở đâu cả, chẳng qua cũng mờ mịt trong một đám cỏ xanh mà thôi!

Thôi, chẳng nói những cảnh đau đớn làm chi, xin nói qua đến cách mộ địa. Tục ta bạ đâu làm mộ địa đấy, mà chôn người chết thường hay chôn nông, nhiều nơi gần hồ gần sông phải dùng đến nước ăn uống mà cũng làm mộ địa, thì nước xú uế thấm ra thực là hại cho sự vệ sinh lắm. Mà ta lại thường tin địa lý, người chôn hướng này, kẻ chôn hướng nọ, ngang dọc lổn ngổn, không có thứ tự nào, dễ làm cho lầm lẫn không nhận được mả của ai. Điều ấy tuy không quan hệ gì, nhưng so với cách văn minh chưa hợp, tưởng cũng nên cải lương.

Giá cứ theo tục Âu-châu, mỗi nơi tìm chỗ đất xa sông xa hồ làm riêng một nơi nghĩa địa, khi chôn người chết phải chôn sâu, và phải có lần có lượt thì có lẽ tiện hơn, mà khi ai muốn vào thăm viếng cũng tiện.