Việt Nam phong tục/II.3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

III.— NHẬP TỊCH

Trà nhập tịch.— Làng nào mỗi năm cũng có một trà nhập tịch (vào đám), nhất là hay làm về tháng giêng, tháng hai. Hôm ấy là hôm bắt đầu vào tiệc hội hát, nhưng hội hát thì thỉnh thoảng năm nào phong đăng mới mở to, còn thường thường mỗi năm chiếu lệ làm sơ sài năm bảy ngày cho chí mười ngày là cùng.

Lễ mộc dục.— Trước một ngày nhập tịch, hoặc nửa đêm, hoặc buổi sáng, dùng lễ trầu rượu gà xôi cáo yết rồi dùng nước trong lau tắm thần vị, tắm xong lại lau phủ một lượt nước trầm hương, gọi là lễ mộc dục. Tắm rửa xong thì phong áo mũ đại trào hoặc bằng thực, hoặc bằng đồ giấy đâu đấy tế một tuần, gọi là tế gia quan. Lễ vật thì tùy tục riêng từng làng, hoặc dùng bò lợn, hoặc dùng gà xôi, có nơi chỉ dùng bảy quả trứng luộc mà thôi, nhưng thế nào cũng phải có trầu rượu.

Tế lễ xong, các bô lão, viên chức ngồi giải tọa, hạ đồ lễ làm cỗ ăn uống, rồi đem chậu nước trầm lau thần vị khi nãy, đồng dân theo thứ tự trên dưới mỗi người nhúng tay vào chậu nước lau lên mặt một chút, gọi là quân chiêm thần duệ. Còn cái khăn vải đỏ dùng để lau thần vị thì xé ra mà biếu viên chức và chia mỗi người một mảnh con cho đều. Mảnh ấy gọi là cái mụn đỏ, ai được phần đem về đeo cổ hoặc buộc cổ tay cho con thì con được mạnh khỏe, khước lắm.

Đại-tế.— Hôm sau, rước thần vị ở miếu về đình, giết trâu mổ bò tế một tuần. Tế xong, suốt thượng hạ trong xã đều được dự tiệc ăn uống.

Xướng-ca.— Tối hôm nhập tịch hoặc cách một vài hôm, dùng cỗ bánh cỗ xôi hay là cỗ nấu, tế một tuần nữa. Trong khi tế, mỗi tuần hiến rượu, có ả đào ra múa nhạc. Tế xong, đào kép hát chúc thánh mừng dân, rồi thì hát thờ suốt đêm. Cả hàng xã đều ngồi giải tọa nghe hát, viên chức cắt lần nhau ra đánh trống chầu. Được nửa chừng, ông thủ chỉ gõ cắc cắc vào tang trống một hồi, gọi là gia tang, thì hàng xã mới uống rượu. Trong khi uống rượu, ông thủ chỉ đánh ba tiếng trống tiêu cổ (trống khẩu) thì đàn em trong làng, một người đứng dậy reo hoan thanh ba tiếng: « hi... hả, hả, hả, hà...!!! » mỗi một tiếng reo thì cả dân đều họa lại một tiếng dài: « hi... » rồi thì pháo đốt, tù và thổi um lên một lúc, cách một giờ nữa lại reo sáu tiếng như thế, cách một giờ nữa thì lại reo chín tiếng như thế, cả thảy ba lần reo thì mới tan cuộc rượu. Rượu tan rồi vẫn cứ hát, đến sáng hát bỏ bộ rồi mới thôi.

Tự hôm ấy trở đi, ban ngày thì chèo hát hoặc đánh vật, hoặc đánh cờ bỏi, ban đêm thì xướng ca, cho đến hôm xuất tịch (giã đám) mới tan.

Có làng dùng cách giản dị, từ hôm nhập tịch trở đi, mỗi tối chỉ dùng trầu rượu làm lễ túc chực, mấy người bô lão ra lễ, ngủ tại đình để chầu chực nhà Thánh. Đến hôm xuất tịch, mới dùng cỗ bàn tế một tuần, xướng ca một đêm gọi là chiếu lệ mà thôi.

Giao hiếu.— Trong mấy hôm nhập tịch, các thôn xã gần nhau, hoặc 2, 3 xã, hoặc 5, 7 xã cùng thờ một vị, thì rước lẫn sang nhau, gọi là rước đánh giải, trước là lễ thần, sau là giải tọa uống rượu nghe hát, để tỏ tình hiếu với nhau. Cũng có nơi mỗi xã làm chủ một năm, các xã lân cận rước lại cả xã ấy mà hội tế. Cũng có nơi cách xa, tổng khác huyện khác, mà cũng thờ một vị thì cũng rước giao hiếu với nhau.

Cơm quả, cơm quan-viên.— Khi xã này rước sang xã khác, các người đi rước thường làm sẵn một mâm cơm lịch sự, đựng vào cái quả đỏ, cho người đem sang đám rước, gọi là Cơm quả. Những viên chức thì đã có đương cai sửa năm ba mâm, nấu đồ ngũ trân bát vị, đủ các thứ bánh đường bánh ngọt, gọi là Cơm quan viên. Khi rước sang đến xã khác rồi, lễ thánh đâu đấy thì nghỉ ngơi ra ăn uống. Thường dân trải chiếu cạp đỏ ra bờ đê bờ ruộng hoặc chỗ dưới gốc cây bóng mát mà ngồi, viên chức thì tìm kiếm chỗ sạch sẽ lịch sự, hoặc trong nhà tả mạc, trải chiếu ngồi ăn tiệc với nhau. Ăn uống đâu đấy, mới vào đình giải tọa nghe hát.

Khoản đãi.— Cỗ bàn khoản đãi làng giao hiếu, hoặc dùng cỗ mặn (cỗ thịt trâu thịt bò) hoặc dùng cỗ chay. Nhưng thường dùng cỗ chay nhiều hơn. Mỗi cỗ có một đĩa mía, một đĩa lạc luộc, một đĩa mứt, một đĩa trám, mơ, nhót, dừa v.v... Trong khi uống rượu, xã sở tại phải cử người mặc áo thụng ra mời mọc rất là cung kính, mà mời hạng người nào thì phải cử hạng người ấy, ví như mời hạng bô lão thì cử người bô lão, mời viên chức thì cử người viên chức, v.v... Ngồi giải tọa một lúc, reo hoan thanh ba lần (lần trước ba tiếng, lần thứ nhì sáu tiếng, lần thứ ba chín tiếng), rồi mới tan.

Các làng giao hiếu, thường hay câu nệ giữ lễ phép với nhau từng tí. Nếu hơi sai lệ một chút hay là sơ ý một điều gì thì hạch lạc nhau ngay, tức thì giận dỗi đứng dậy. Có khi xã nọ xã kia ganh tị nhau, mà sinh sự đánh nhau đến vỡ đầu sứt tai.

*

* *

Lễ nhập tịch này cũng đồng ý nghĩ với cách ăn Tết đầu năm, nghĩa là dân mình khó nhọc vất vả quanh năm, thì phải có một dịp ăn uống vui chơi cho giải trí. Vả lại khi xưa nước ta chưa có giao thiệp với ngoại quốc, chỉ có thông thương với nước Tàu ít nhiều mà thôi. Mà dân ta tính lại cầm kiệm, ăn, tiêu, không tốn bao nhiêu, ruộng nương thóc gạo thì nhiều, mà cũng không có cách nào cho vui chung. Vậy mới nhân cái tục sùng thượng quỉ thần, bày ra trò này trò nọ, nhưng rút lại chỉ để cầu vui mà thôi.

Tuy vậy mỗi thời một khác, ngày xưa làm nhiều, ăn tiêu ít, dư tiền dư thóc. Bây giờ đã mở mang, khắp hoàn cầu toàn là đường đất thông thương, nếu trí khôn ngoan kém đi chút nào là lợi quyền hao hụt đi chút nấy, mà cách ăn tiêu bây giờ lại tốn kém gấp trăm gấp mười khi trước. Người canh nông buôn bán, kiếm được đồng tiền rất khó khăn, người đi làm thuê làm mướn, kiếm được đồng nào tiêu hết đồng ấy, mấy người có mà để dư.

Vậy mà ta không biết xoay đổi cách khác, cứ giữ lối cổ, mỗi năm trong việc sự thần tổn phí biết bao nhiêu. Tuy việc ấy cũng tùy làng phong kiệm, tùy năm được mùa mất mùa, có khi gia khi giảm, nhưng giảm được ít nhiều chớ chưa thấy đâu bỏ hẳn được lệ gì. Con em ngoài sự sưu sai thuế má, lo lắng việc cửa việc nhà, lại lo về gánh vác đóng góp với làng xóm công kia việc nọ, một đồng một tốn, tính dồn lại kể biết chừng nào, trách nào mồ hôi nước mắt quanh năm, mà xơ xác vẫn hoàn xơ xác.

Xét ở luật lệ bản quốc « trong làng hát xướng thờ thần chỉ được phép làm một ngày một đêm, nếu làm quá thì lấy luật vi chế mà luận tội ». Đã có luật cấm như thế, sao không thấy mấy nơi tuân hành được?