Việt Nam phong tục/II.5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

V.— LỄ KỲ AN

Vào khoảng cuối Xuân đầu Hạ, nhiều nơi làm lễ kỳ an. Vì mùa ấy thường có dịch khí, tục tin là việc quỉ thần, cho nên cúng cấp để cầu cho dân làng được yên lành.

Lễ kỳ an dùng toàn đồ vàng mã, nơi thì dân làng làm lễ một buổi, nơi thì mời nhà-sư vào môn đạo-trường cúng cấp ba đêm ngày hoặc bảy đêm ngày.

Tục thường bày làm hai đàn, một đàn nội và một đàn ngoại. Đàn nội thờ Trời, Đất, Phật, Thánh, Nam-Tào, Bắc-Đẩu và thần Đương-Niên Đương-Cảnh, Ngũ-phương chi thần...

Đàn ngoại thờ Minh-Vương, có hai viên văn, võ đứng hầu, văn cầm bút đứng tả, võ cầm kiếm đứng hữu, ngoài có năm vị Ôn-chúa, mỗi vị một sắc áo mũ, có năm thanh kiếm và năm lá cờ.

Lại có một hình nhân tay chống thanh-quất trông vào đàn nội, gọi là ông Giám Đá.

Ngoài sân thì bày một tên lính cưỡi ngựa sai, sau lưng có lá cờ lệnh, là người truyền lệnh của thần thánh và của các quan.

Ngoài nữa thì bày la liệt: cầu ông thầy bói, quán cô bán hàng, ông Thiên-lôi, bà La-sát, núi Thu-tinh, thuyền rồng, rồi nào voi, nào ngựa, nào chiêng, nào trống, nào hình nhơn, nào khí giới, v.v...

Trước hết dùng lễ cúng đàn ngoại. Có nhà-sư và môn đạo-trường khua trống đánh não-bạt rầm rĩ, múa gươm, múa cờ, tụng niệm phù chú, để thu hết các thạch-tinh cốt-khí, yêu-ma lệ-quỷ mà ngăn cấm không cho xâm phạm đến giới hạn trong làng, cho nên gọi là thu-tinh cấm giới.

Đoạn vào đàn nội phát tấu, nghĩa là đọc sớ tâu với Trời, Phật để cầu Trời, Phật phù hộ cho làng. Rồi tụng kinh suốt sáng mới thôi.

Hôm sau lại tụng kinh cả ngày.

Tối thứ hai cúng đàn nội, dẫn lục cúng. Lục cúng là hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Trong khi dưng cúng, có hai người tăng ni, mặc áo cà sa phủng đồ hương hoa múa mang, lượn ra lượn vào một hồi, rồi mới tiến lên bàn thờ.

Dưng lục cúng xong thì cúng cát đoạn, hoặc gọi là cát khiên. Có một sợi dây giăng từ đầu nọ đến đầu kia, treo quần áo giấy và sáu trăm ba chục đồng kẽm. Cúng rồi, thầy phù thủy cầm dao cắt sợi dây ấy cho đứt làm đôi, nghĩa là cắt dây oan-nghiệt để giải cứu cho chúng sinh.

Kế đến cúng cây phướn gọi là cúng tràng phiên. Đầu cây phướn làm hình con quạ, ngậm một tấm lụa đỏ dài chừng bốn, năm mươi thước. Tục truyền xưa có một người bạo nghịch, hay giết người, nhưng thờ mẹ thì rất là hiếu. Một bữa, có mấy người vào quyên giáo, anh ta hồi tâm lương-thiện nhưng ngặt vì nhà không sẵn tiền, anh ta xin đem bộ ruột cúng về nhà chùa. Nói đoạn tức thì moi ruột đưa ra rồi chết. Các người quyên giáo nể tấm lòng thành, đem bộ ruột ấy ra rồi quăng xuống suối. Có con quạ tha bộ ruột ấy bay đến cửa chùa đậu trên ngọn cây mà kêu. Vì thế nhà chùa làm ra cây phướn để tỏ cái lòng tốt của người ấy.

Tục truyền như vậy, nhưng tưởng chỉ là cái cờ hiệu lệnh riêng của nhà Phật, cho nên đàn-trường nào cũng có trồng cây phướn, có ý để trấn tĩnh ma quỷ.

Tối hôm sau lên đàn Mông sơn, tức là đàn thí thực. Đàn Mông sơn bày oản quả hương hoa và có một bát cơm úp, một đôi đũa bông để cúng Phật. Lại có một nhà sư mặc áo cà sa ngồi ghế thay Phật để trấn đàn. Ở dưới bày cơm nắm, cháo bỏng, khoai, kẹo, thanh bông hoa quả để bố thí cho chúng sinh. Bọn đạo trường cúng xong rồi, mặc sức cho người vào cướp, gọi là cướp cháo thí.

Cúng thí thực rồi thì phóng sinh. Phóng sinh là mua cá, ốc, chim chóc cho nhiều, rồi thả ra cho nó được sống lại, ấy là làm sự phúc đức để cầu lấy việc bình yên vậy.

Hôm sau cúng lễ tạ Trời, Phật, rồi hóa vàng mã. Ở đàn ngoại thì dùng bò xôi, lợn rượu để tiễn Ôn-chúa. Khi tiễn, thầy phù thủy tay cầm nắm hương hoặc bó lửa, thư phù niệm chú, tay cầm ấn quyết triệt-lộ, tiễn ra khỏi đầu làng, đầu chợ, ngã ba, ngã bảy mới đốt, nghĩa là tống đi cho xa, kẻo sợ ôn dịch ở quanh quẩn làng mình.

Ở về vùng Phúc Yên thì mỗi xóm có một tượng thiên-lôi, rồi các thầy phù thủy đánh trống, gõ lão bạt đi từng ngõ mà khử trừ ma quỉ.

Trong mấy ngày cúng cấp, nhiều nơi lại bày ra hát bội, mở trò bách hí để cho vui nữa.

Còn như bất thời có dịch khí lưu hành, dân làng nghe có nhiều người chết, thì mua vàng hương hoa quả thiết đàn giữa sân đình, cúng tiễn ông quan gọi là lễ tiến thảo. Trong làng ai có gạo rượu tiền bạc đem cả ra lễ, rồi của ai người ấy lại đem về. Có khi dịch khí nặng nề thì dân làng lễ tiến thảo hai, ba lần.

*

* *

Xét cái tục lễ Kỳ an này, cũng tức là tục tế na của Tàu, chủ ý chỉ là khử trừ ma quỉ để cho dân xã bình an.

Ta lại tin theo Phật thuyết, bày ra vàng mã, nào mũ Ngọc hoàng, nào tượng Minh Vương, nào âm quan quỉ tốt, chiến khí binh thuyền. Sự quỉ thần huyền viễn thì chưa biết đâu, mà sự tiền thật mua đồ giả thì đã rõ, uổng tiền quá!

Uổng tiền mà được việc cũng cam, nhưng nào có được việc gì? Cúng cấp linh đình tưởng các quan âm đã thấu lẽ rồi thì đi phương khác cho, ai ngờ các quan âm thỉnh thoảng vẫn còn quấy nhiễu. Quỉ đói đã thí cho rồi, tưởng cút đi nơi khác, ai ngờ quỉ đói vẫn còn vơ vẩn chưa đi.

Nói rút lại thì là chỉ tại ta tin nhảm, chớ nào ma đâu quỉ đâu, mà ai quấy nhiễu gì đâu. Chẳng qua phương nào bất hạnh truyền nhiễm phải dịch khí dịch trùng thì hại, biết cách giữ gìn thì đỡ chết, mà không biết cách thì chết nhiều.

Cách trừ dịch nhất là lấy sự sạch sẽ, ăn uống cẩn thận làm đầu, các bài vệ sinh thường đã giảng kỹ về cách ấy, không cần phải nói cho lắm. Chỉ mong sao cho người nước mình phá hết được những dị đoan để hết sức lo về việc trước mắt thì mới có ngày hay được.