Việt Nam phong tục/II.9

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XI.— CÔNG QUÁN

Dân thôn mỗi nơi có một công-quán, làng to thì mỗi xóm có một công quán. Công quán làm năm ba gian, hoặc lợp ngói xây gạch, hoặc làm bằng tre nứa, ban đêm thì làm nơi tuần phu canh giờ, ban ngày thì làm nơi dân làng hoặc có việc gì hội họp, hoặc để người ta làm chỗ đi lại nghỉ ngơi, tức gọi là nơi điếm sở.

Ở về nhà quê, thường làm quán giữa cánh đồng, để làm nơi nông phu vào nghỉ. Trong quán có năm ba hàng quà, hàng trầu nước để người vào nghỉ ăn uống.

Điếm Sở trong làng thì hàng xã hoặc làng xóm xuất tiền công ra làm, quán giữa đồng hoặc của công, hoặc của tư gia xuất tiền làm phúc.

Về nhà quê lắm nơi đường đi qua sông, có cầu thượng gia hạ trì, cũng tức là công quán, để khách qua lại có chỗ nghỉ ngơi.

Quán ở nơi dân thôn xóm mạc, mỗi năm đầu mùa xuân, dân làng thường có lễ thủ lợn mâm xôi lễ thổ công. Đêm hôm trừ tịch cũng bày mũ thổ công, làm lễ tống cựu nghênh tân. Ba tháng hè, về ngày rằm, ngày mồng một thì mỗi xóm dùng vàng hương, áo mũ giấy, thanh bông hoa quả và nấu cháo cúng các quan chúng sinh.

Công quán là một nơi cho ngưòi ta nghỉ ngơi, và là chỗ hội họp canh gác, thì cũng là một việc tiện lợi. Mà ích lợi nhất lại là những quán ở giữa cánh đồng. Những người làm ruộng, đem thân ra chỗ đồng không mông quạnh, khi mưa khi nắng, không có cầu có quán, thì lấy chỗ nào mà trú ẩn? Đường xa dặm thẳng, khách qua lại một ngày đường không có chỗ nghỉ ngơi, nếu không có quán, thì lấy đâu làm chỗ dừng chân, lấy đâu làm chỗ ăn uống?

Vậy thì người có lòng tốt, chịu xuất tiền ra làm quán, cũng là một việc công ích vậy.