Việt Nam phong tục/III.13

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XIII.— VĂN CHƯƠNG

Văn chương ta nên chia làm hai thể cách, một thể cách theo lối Tàu và một thể cách riêng theo lối của ta.

THỂ CÁCH THEO LỐI TÀU

1.— Câu đối: Câu đối bốn, năm chữ gọi là tiểu đối; bảy chữ gọi là câu đối thơ, tám chữ trở lên gọi là câu đối phú. Câu đối hai vế phải đối nhau cho chọi từng chữ mới là hay, mà chữ cuối cùng, tiếng bằng thường phải đối với tiếng trắc mới được, ví như trời thì phải đối với đất, sông thì phải đối với núi, v.v... Câu đối thường dùng để mừng phúng nhau, hoặc khắc gỗ mà treo thờ ở nhà và ở nơi đình miếu chùa chiền.

2.— Thơ: Thơ chia làm nhiều lối: thơ năm chữ gọi là thơ ngũ ngôn, bảy chữ gọi là thất ngôn. Ngũ ngôn, thất ngôn mỗi bài bốn câu, gọi là thơ tứ tuyệt, mỗi bài tám câu gọi là thơ bát cú. Thất ngôn dùng đến tám câu, ngũ ngôn dùng đến mười sáu câu là thường, còn dài hơn nữa thì gọi là thơ tràng thiên.

Thơ không cứ gì nhiều ít câu mà không cứ gì điệu bằng trắc, duy chỉ có vần, thì gọi là thơ cổ thể; thơ chỉ dùng bốn câu, tám câu, mười sáu câu và phải có điệu bằng trắc, có vần, như bốn câu thì phải ba vần, tám câu thì phải năm vần, mười sáu câu thì phải tám hay chín vần, thì gọi là thơ Đường luật. Đường luật nghĩa là thơ ấy mới tự đời nhà Đường đặt ra, rồi sau cứ tuân đó mà làm luật nhất định cho nhà làm thơ.

Điệu bằng, trắc Đường luật chia làm hai thể, một thể bằng, một thể trắc, nay xin lấy cái dấu (—) thế cho tiếng bằng cái dấu (•) thế cho tiếng trắc và dấu (V) thế cho tiếng phải vần mà lục ra sau này:

Ngũ ngôn thể bằng:

1) V
2) V
3)
4) V
5)
6) V
7)
8) V

Ngũ ngôn thể trắc:

1) V
2) V
3)
4) V
5)
6) V
7)
8) V

Thất ngôn thể bằng:

1) V
2) V
3)
4) V
5)
6) V
7)
8) V

Thất ngôn thể trắc:

1) V
2) V
3)
4) V
5)
6) V
7)
8) V

Thế nào thì cũng câu thứ nhất, thứ nhì, thứ tư, thứ sáu, thứ tám phải theo vần nhau, mà nếu dùng bốn câu thì chỉ phải ba vần, còn thơ ngũ ngôn muốn dùng mười sáu câu thì phải thêm tám câu nữa, mà cũng theo điệu ấy kéo đi mà thôi. Có khi hai câu đầu bằng trắc đối nhau ngay cũng được, thì câu đầu không phải vần nữa. Sai vần gọi là lạc vận, không được. Câu tiếp theo đáng bằng bằng đặt trắc trắc, đáng trắc trắc mà đặt bằng bằng, gọi là thất niêm, không được. Trong câu chỉ trừ ra chữ thứ nhất và chữ thứ ba không kể bằng trắc, còn sai bằng trắc chữ nào thì gọi là thất luật, cũng không được. Song chữ thứ nhất ở thơ ngũ ngôn và chữ thứ ba ở thơ thất ngôn đáng trắc trắc mà dùng bằng trắc thì được, chớ đáng bằng bằng mà dùng trắc bằng thì gọi là khổ độc, cũng không được.

Đó là luật thơ, còn như cách làm thơ thì câu đầu tiên gọi là câu phá đề, nghĩa là mới khai cái ý của đầu bài, ví dụ đầu bài là « cái hoa hồng » thì câu phá đề nói khơi ngay vì đâu mà sinh ra cái hoa, hoặc nhờ có mưa móc nhuần thấm mà hoa tốt. Câu thứ nhì là câu thừa đề hoặc gọi là nhập đề, nghĩa là nói vào đầu bài, ví như bài này thì thế nào cũng phải nói lại hai tiếng hoa hồng vào mới được. Câu thứ ba thứ tư là hai câu thực hoặc là cặp trạng, nghĩa là phải tả cái đầu bài ra, và phải đối nhau. Như hoa hồng thì câu này một vế tả sắc đẹp và một vế tả cái hương thơm để đối nhau, tả thế nào cho rõ ra hương đối với sắc của hoa hồng mới là khéo. Hai câu thứ năm, thứ sáu gọi là hai câu luận, nghĩa là bàn cho rộng cái ý đầu bài ra, như bài này thì đem những hoa khác vào so sánh, hoặc nói nó làm cái cảnh vui cho tài tử giai nhân, mà cũng phải đối nhau. Hai câu cuối cùng gọi là câu thúc kết, không cần phải đối nhau. Câu này thì kết cái ý đầu bài lại, hoặc khen hoặc chê, tùy ý mình. Đấy là nói qua các cách thức, chớ đến lúc làm thì biến hóa vô cùng không có nhất định được.

Thơ làm điệu trắc cũng được, điệu trắc thì dùng vần trắc, còn thể bằng trắc thì cũng xoay xở đảo lên đảo xuống như thế mà thôi.

Thơ ngâm vịnh chơi, hoặc đề những nơi chùa chiền thắng cảnh thì hoặc dùng cổ thể, hoặc dùng Đường luật tùy ý mình; thơ ứng thí hoặc chúc tụng vua, hoặc tặng người tôn trưởng dùng vào những việc kính trọng thì thường dùng Đường luật, vì dùng luật thì thơ mới nghiêm, chớ dùng cổ thể thì phóng túng thế nào cũng được.

Trong các lối văn chương, duy thơ là khó hơn hết, vì ít chữ mà phải nói cho đủ ý tứ, lời lẽ lại phải thanh tao, phải có điệu, phải có vần, và phải điển nhã gọn lời thì mới là hay.

3.— Phú: Phú hoặc dùng năm, sáu vần, hoặc bảy, tám vần, tùy lúc ra đề bắt lấy vần gì thì phải làm vần ấy và cứ phải theo thứ tự trong vần mà làm, lúc ra đề có phóng vận cho mình hoặc không bắt theo thứ tự, thì mới được tùy ý mình, muốn làm vần gì trước sau cũng được.

Phú tùy mình mỗi câu đặt mấy chữ cũng được, nhưng đại để mỗi vần phải có vài bốn câu bốn chữ, gọi là câu tứ tự, hoặc dùng vần liên châu hoặc đối nhau bằng trắc tùy ý, vài bốn câu mỗi vế sáu, bảy chữ hoặc tám, chín chữ đối nhau gọi là câu song quan; một vài câu dài mỗi vế hoặc trên bốn dưới sáu, hoặc trên sáu dưới bốn, hoặc nhiều hơn nhưng cũng chia mỗi vế là hai đoạn, đều gọi là câu cách cú, hoặc dùng mỗi vế ba đoạn, thì gọi là câu gối hạc.

Cách làm phú cũng tựa như cách làm thơ, cũng có khai, có thừa, có tả thực, có nghị luận, có kết. Vần đầu mới mở gọi là vần lung, nghĩa là nói cho bao quát cả đầu bài. Vần thứ hai là vần biện nguyên, nói nguyên ủy cái đầu bài; vần thứ ba là vần thích thực, tả cho hết ý nghĩa đầu bài; vần thứ tư thì là vần phụ diễn, suy rộng ý đầu bài ra, rồi từ vần sau trở đi thì nghị luậnkết lại.

Phú cũng nhiều lối, hoặc từ đầu đến cuối, dùng toàn bốn chữ, hoặc dùng toàn bảy chữ, hoặc theo điệu sở từ, cứ mỗi câu giăm sáu chữ, đệm một chữ hề, hoặc dùng cách lưu thủy như lối phú Xích-bích cũng được.

4.— Kinh nghĩa: Kinh nghĩa là lấy một vài câu chính văn trong kinh truyện ra đầu bài, rồi cứ suy diễn ý đầu bài; thay lời thánh hiền mà nói ra cho rộng và cho đúng với nghĩa kinh truyện thì mới được, cho nên lại gọi là kinh nghĩa.

Kinh nghĩa có hai lối là lối bát cổ và lối tản-hành. Lối bát cổ có tám đoạn: bắt đầu một, hai câu mở, gọi là phá đề, kế đến ba, bốn câu nghị luận gọi là thừa đề. Câu phá câu thừa thì còn là lời mình, từ đoạn sau trở đi thì là lời thánh hiền chớ mình không được nghị luận nữa. Đoạn thứ ba gọi là đoạn khởi giảng, thay lời thánh hiền mà nói suy nguyên cái đầu bài; đoạn thứ tư là đoạn khai giảng phải có hai vế đối nhau, nghĩa là nói khai cái ý đầu bài. Đoạn thứ năm chỉ hoàn lại một câu đầu bài, gọi là câu hoàn đề. Đoạn thứ sáu gọi là đoạn trung cổ, thích thực nghĩa đầu bài; đoạn thứ bảy gọi là đoạn hậu cổ, nghị luận thêm cho rộng nghĩa. Hai đoạn này mỗi đoạn cũng phải đặt hai vế đối nhau, dài hơn đoạn khai giảng một chút. Đoạn thứ tám gọi là đoạn kết tỵ, cũng hai vế mỗi vế hai, ba câu, rồi thúc lại một câu nữa là hết bài.

Lối tản hành đại ý cũng phải đủ chừng ấy phép tắc, duy lối đặt thì không cứ gì mấy đoạn, hoặc nhiều hoặc ít tùy ý, mỗi đoạn độ dăm bảy câu đối nhau cũng được.

Kinh nghĩa là văn ứng thí, chớ chơi bời thì không mấy khi dùng đến.

5.— Văn sách: Văn sách là lấy những lời nghị luận hoặc những việc làm của cổ nhân hay là việc đương thời mà hỏi cho học trò đáp lại, xem học trò có nhớ sách, và có kiến thức không. Mỗi một mục văn sách độ dăm sáu đoạn hỏi về việc đời xưa và một vài câu hỏi về việc đương thời, hoặc ra văn sách đạo thì mỗi kinh truyện một câu, và vài câu hỏi vào sử ký, một vài câu kinh. Học trò đáp lại phải lựa cái mẹo của người ra bài, hỏi đâu nói đó. Lắm câu đầu bài hỏi lăng hỏi lứu, hỏi câu nọ nhằng ra câu kia, thì làm bài phải theo thứ tự hoặc đảo lên đảo xuống mà nói gỡ dần dần từng câu một, nếu đáp thiếu ý nào hoặc thừa ý nào cũng không được.

Việc thi cử trọng nhất là văn sách, vì phải nhớ sách nhiều và phải có cao kiến mới làm được. Văn sách tức là một bài tràng thiên vấn đáp, có thể xem văn sách mà biết người học thức hay là hư văn, cho nên lối văn sách lại là lối văn chương hữu dụng.

Văn sách thì có lối riêng. Mới bắt đầu thi hương thì phải có ba chữ « Đối sĩ văn » (thưa tôi nghe), thi đình thì phải có bốn chữ: « Thần đối, thần văn » (thần xin thưa, thần nghe). Đoạn ấy phải nói lao lung cho hết ý toàn đề, rồi phải tiếp một câu: « Tư thừa sách vấn nhi lược trần chi » (nay vâng lời sách hỏi mà nói qua sau này), từ đó trở đi mới theo từ câu hỏi mà đáp lại. Đầu câu đáp lại phải dùng hai chữ « Thiết vì » (trộm nói rằng). Nghĩa là nói khiêm rằng mình trộm nghĩ mà thưa, chớ không dám quyết thực như thế. Đến cuối cùng làm xong bài đâu đấy lại phải viết mấy câu lề lối, nếu không viết hoặc viết sai một chữ cũng không được. Mấy câu sau này: « Sĩ giã, hạnh phùng thịnh thế, tòng sự văn trường, quản kiến như từ, vị chi khả phủ, nguyện chấp sự kỳ trạch nhi tiến chi. Thần (sĩ) cẩn đối ». (Tôi đây, may gặp thời thịnh, theo việc văn trường, kiến thức hẹp hòi như vậy, chưa biết có phải hay không, xin quan coi việc kén lựa mà tiến tôi lên, tôi kính cẩn thưa). Mấy câu ấy, mỗi khoa thì tùy quan trường đổi đi một vài chữ, học trò cứ theo mà viết.

6.— Tứ Lục: Lối tứ lục tương tợ như lối phú, duy khác vì không cần phải vần. Đặt câu thì phần nhiều là câu cách cú, hoặc trên bốn dưới sáu hoặc trên sáu dưới bốn, mà bất cứ sáu với bốn, muốn đặt trên dưới bao nhiêu chữ cũng được.

Lối tứ lục thường dùng vào những văn chiếu, biểu, chế, sắc. Chiếu là làm thay lời vua mà thi lịnh điều gì, biểu là làm thay lời các quan, hoặc lời thiên hạ mà chúc mừng vua hay là tạ ơn vua, chế sắc cũng là thay lời vua mà phong thưởng cho công thần hoặc cho ai. Thay lời vua thì phải dùng những lời nghiêm trang điển nhã, thay lời mừng vua thì phải dùng những lời khiêm tốn thờ phụng.

Lối tứ lục lại dùng làm bài , bài hịch, bài tựa cũng được.

7.— Luận: Luận là lời mình nghị luận, lấy một câu gì hoặc một việc gì làm đầu bài, rồi cứ suy diễn ý câu ấy mà bàn nói, tùy ý mình muốn khen muốn chê mặc dầu miễn là hợp lẽ thì được.

Luận cũng phải có học thức thì bàn mới cao và phải có kê cứu văn chương mới có ruột, nếu cứ bàn vống vính, không có chủ ý gì, sự thực gì thì gọi là văn vu khoát.

Văn luận tức là một lối văn xuôi, như các lời nghị luận của các báo quán.

Mấy lối trên này, thơ phú, kinh nghĩa, văn sách, tứ lục, luận là lối ta thường cho học trò học tập mà dùng để thi cử. Còn nhiều lối nữa thì là lúc học đã quán xuyến hoặc làm chơi, hoặc dùng vào việc, mỗi lối cũng đều có một thể cách riêng nói qua sau này:

8.— Tấu sớ: Là những thư dâng lên vua, hoặc cầu khẩn việc gì, hoặc can ngăn việc gì, hoặc tấu đối việc gì, dùng lối nghị luận chớ không theo như lối biểu.

9.— Bài ký sự: Là những lời ký việc thực sự như trong khi đi chơi, hoặc là ghi chép việc gì như lối sử ký, bi ký, v.v...

10.— Bài tựa: Là bài nói khai mào trên đầu sách, phải xem cho hết ý tứ trong bộ sách mà nói tổng tự lên trên, cho người xem một bài tựa mà đã hiểu đủ ý sách. Tựa cũng có khi dùng để tặng tiễn anh em, kể lai lịch cái ý tứ của mình đối với anh em.

11.— Bài hịch: Là một bài kể tội kể bạn nghịch hoặc là nước địch quốc để xui giục lòng người cho được kích khuyến. Văn hịch thường dùng theo lối tứ lục.

12.— Văn án: Là một bài kết án cho kẻ có tội, cũng thường dùng theo lối tứ lục.

13.— Bài tán: Là một bài tán tụng công đức vua, công đức tổ tiên hoặc mừng quan trên, hoặc ngông thì đề vào ảnh mà mình lại khen mình. Văn tán thường từ đầu đến cuối, dùng toàn bốn chữ, hoặc dùng lối tứ lục hoặc dùng lối nào cũng được.

14.— Bài minh: Là một bài ghi lên trên chỗ ngồi để mình lại khuyên răn mình, hay là để khuyên răn học trò, con cái. Hoặc dùng để ghi chép công đức việc gì, cũng gọi là bài minh. Lối minh cũng thường dùng lối bốn chữ.

15.— Văn tế: Là một bài kể rõ tính nết và công đức của thần thánh hoặc của người mình tế, dùng theo lối phú, mà toàn bài thường chỉ một vần, hoặc dùng lối lưu thủy cũng được.

16.— Ca khúc: Là những bài hát có khúc, có điệu, có vần. Ca khúc cũng nhiều lối, có lối gọi là điệu Tây giang dạ nguyệt, có lối gọi là điệu nhất-tiền-mai, bộ-bộ-thiền, v.v...

17.— Diễn kịch: Là những bài tuồng Tàu, như văn Tây tương, văn Tì bà, v.v...

18.— Hài đàm: Là những lời nói khôi hài, nói cho ai cũng phải buồn cười, để người ta xem cho được giải trí.

19.— Từ hàn: Thư từ gởi cho nhau, những chữ hỏi han thù phụng có riêng một lối, người học giỏi mà không quen viết thơ cũng không viết được.

20.— Văn độc: Là những tờ bồi việc quan hoặc lời yết thị, hoặc tờ trát sức, hoặc tờ khai báo, cũng có lối riêng, phải tay thơ lại viết mới quen.

*

* *

THỂ CÁCH RIÊNG LỐl CỦA TA

1.— Thượng lục hạ bát gọi là lối Kiều. Lối này cứ câu trên sáu chữ, câu dưới tám chữ, mà vần chữ thứ sáu câu dưới phải tiếp vần với chữ cuối cùng câu trên. Bốn câu ba vần, thành một đoạn nhỏ. Các truyện của ta hay dùng theo lối ấy.

2.— Nhị thất lục bát gọi là lối Cung oán. Lối này cứ hai câu đầu mỗi câu bảy chữ, mà chữ cuối cùng câu trên phải dùng tiếng trắc, rồi chữ thứ năm câu dưới tiếp theo vần trắc mà hạ xuống tiếng bằng; câu thứ ba sáu chữ, tiếp theo vần bằng, câu thứ tư tám chữ lại tiếp như lối lục bát. Lối này thì bốn câu phải bốn vần, nhưng có khi vần câu đầu không tiếp cũng đươc, các truyện cũng thường dùng lối này.

3.— Biến thể lục bát gọi là lối Phạm Công. Lối này cũng dùng trên sáu dưới tám, nhưng thường chữ thứ tư câu dưới tiếp với vần chữ cuối câu trên. Lối này tay văn-sĩ không mấy khi dùng, chỉ người nôm na hay dùng.

4.— Bài tuồng gọi là lối diễn kịch. Trong lối này có nhiều điệu; mới khởi có mấy câu chúc tụng, gọi là câu giáo đầu; nói chuyện gọi là câu nói. Câu giáo đầu và câu nói, bất cứ dài vắn, hễ hết ý thì thôi, mỗi câu hoặc bốn chữ, năm, sáu, bảy chữ, tùy đặt thế nào cũng được, nhưng cứ chữ cuối câu thứ ba, phải tiếp vần với chữ cuối câu thứ nhì, mà thường câu cuối cùng, hạ vần trắc thì xuống mới mạnh. Tướng mới ra đọc một vài câu gọi là câu xướng, tiên mới giáng đọc một vài câu gọi là câu bạch, xướng và bạch thường dùng lối thơ. Nói dứt lời xuống tiếp theo một câu gọi là câu vãn, câu vãn thường nói tiếp mấy tiếng cuối cùng câu trên rồi xuống một hai câu lục bát. Nói cho bổ ý câu trên hoặc để thi hành câu nói thì gọi là câu loạn, câu loạn hoặc dùng lối thơ, hoặc dùng lối phú, hoặc hai câu thơ rồi xuống một vài câu bốn hoặc năm chữ hoặc câu lục bát tùy ý. Gặp lúc buồn bã mà đọc mấy câu bi ai sầu thảm gọi là câu nam, gặp lúc khoan khoái mà đọc mấy câu ngân nga thủng thỉnh gọi là câu khách, nam và khách thường dùng lối thơ. Khi vừa đánh vừa nói gọi là câu chiến trận, khi vừa đánh vừa chạy gọi là câu tẩu mã, hai câu này cũng hay dùng lối thơ hoặc lối phú. Ngoại các câu dài, còn nhiều các tiếng đệm gọi là câu trợ ngữ, như tiếng: « Dạ dám bẩm, như tôi đây, vậy chớ, nhưng mà, v.v. » Đây nói qua mấy câu đại khái, chớ lúc làm văn thì tùy việc mà đặt câu, còn nhiều biến thể, không nói hết được.

5.— Bài hát ả đầu gọi là lối ca khúc. Ca khúc cũng chia làm nhiều cách điệu nói qua sau này:

1) Điệu ca trù;

2) Điệu lưu thủy;

3) Điệu hành-vân;

4) Điệu tứ-đại-cảnh;

5) Điệu nam-thương;

6) Điệu nam-bình;

7) Điệu nam-ai;

8) Điệu cổ-bản;

9) Điệu kim-tiền;

10) Điệu lam-thất;

11) Điệu vọng-phu;

12) Điệu giao-duyên.

Điệu ca trù, câu mới mở thường bốn, năm chữ, rồi tiếp xuống một câu tám chữ, hoặc 2 câu đầu độ năm chữ đối nhau ngay cũng được. Kế đến 2 câu độ bảy, tám chữ mà tiếp vần với câu trên rồi đưa hai câu thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn, một vài câu đi lưu thủy, hoặc hai chữ, hoặc bốn chữ, rồi lại tiếp hai câu bảy, tám chữ, cuối cùng thả một câu độ năm, sáu chữ lửng lơ.

Điệu này không cứ gì dài vắn, tùy ý mình muốn đặt thế nào cũng được, quí hồ giọng lên giọng xuống, điệu trắc, điệu bằng cho hợp cách thì thôi. Còn như các điệu tứ đại cảnh, nam-ai, hành-vân, lưu thủy, v.v... thì thường mỗi chữ mỗi câu đều phải hợp vào giọng hò, lừu, xế, xang, cống, sự, phàn, v.v... nghĩa là phải hợp với bài đàn mới được.

Mỗi điệu có một thể cách riêng, phải xem các bài hát mới biết được hết các lối. Song cứ lấy nghĩa mấy chữ tên khúc điệu mà suy ra thì lưu thủy chắc là giọng văn lưu loát như dòng nước chảy, hành vân chắc là giọng văn man mác như đám mây bay, nam ai là những giọng sầu thảm bi thương, nam bình là những giọng khoan thai hòa nhã, vọng phu là giọng người đàn bà ai oán mong chồng, giao duyên là giọng trai gái tự tình ước hẹn, v.v... Ngoài các điệu ca khúc trên, lại còn những điệu hát xẩm, hát ru, hát trống quân, hát quan bộ, hát đò đưa, nhưng chẳng qua cũng theo điệu lục bát gia giảm một đôi chút mà thôi. Mà trong điệu ca trù có những điệu thuyết nhạc, gởi thơ, thiên thai, xích bích, v.v... thì là theo bài Tàu mà đọc riêng một giọng, chớ không phải có lối nào khác nữa.

6.— Văn xuôi tức là lối nghị luận hoặc là lối ký sự. Lối này không cứ lệ luận nào, nói thế nào cho đủ ý thì thôi.

*

* *

Xét các lối văn chương của ta, vừa lối riêng, vừa lối theo của Tàu, kể ra thì cũng nhiều và cũng đủ cách mà tả hết tính tình của người và tả hết cảnh tượng của tạo hóa, có cách tự nhiên, có cách trang điểm, có cách dùng âm điệu cho dễ rót vào tai người, ấy cũng là đủ rồi.

Song hiềm vì trong lối văn chương, phần nhiều là hay dùng cách tiểu xảo, đối chọi nhau từng ý, mà nhất là thơ hay tìm những tiếng mong manh, những lời bóng bẩy, khí cục nhỏ nhặt tỉ mỉ, kém khí hùng hào. Vả lại hay chuộng lối phù hoa, quí hồ đặt cho đẹp câu, đọc cho sướng tai, mà rút lại thì không có lý tưởng nào là cao lạ.

Lại còn một cách, nói thực là viển vông huyền huýnh, khiến cho người nghe tưởng là cao kiến lắm, mà kỳ thực thì toàn là lời tưởng tượng, vu khoát, tựa như bức tranh vẽ của ta chỉ thấy nét xanh nét đỏ, vẽ rồng vẽ phượng trông thì choáng mát, mà té ra không có nét nào thực cả.

Lại nhất là những điệu ai oán, những khúc bi thương, tiếng bổng tiếng trầm, thánh tha thánh thót, như dế kêu, như ve hát, ta thường cho là hay mà thực thì là một thứ tiếng hèn mọn yếu ớt, không cổ động được cái khí mạnh mẽ cho người ta.

Văn chương của một nước tức là cái tinh thần của một nước, tinh thần có mạnh thì nước mới mạnh, tinh thần mà suy thì nước cũng suy. Thiết tưởng văn chương, dầu theo lối nào mặc lòng, quí hồ phải tả cho thực, cho đủ ý mà nói sao cho cảm động được lòng người mới là hay, chớ bất tất phải cầu kỳ từng chữ từng câu, bất tất phải gọt từng tiếng. Văn chương gọt từng tiếng khác nào như người gọt củ thủy tiên, cái lá này bắt cho quăn, cái giò kia hãm cho thấp, trông thì hoa nở đều nhau đẹp đẽ, nhưng giá động vào đâu đã gãy, để chưa mấy ngày đã úa, thế là cốt lấy cái khéo nhỏ nhặt, mà làm mất cái khí mạnh của nó, gọi là nhu nhược chi văn chương!

Kìa xem như các tay đại gia văn chương, giọng văn hùng hào quảng bác, rườm rà như cành to cỗi lớn, mạnh mẽ như nước chảy sóng cồn, có cần gì phải tỉ mỉ chọi từng tiếng, từng chữ, từng câu. Lại ngẫm như nước Tàu và nước ta những lúc mới thịnh, văn chương bao giờ vẫn quê kệch mà cứng cỏi, đến khi văn chương mềm mỏng êm tai, văn hoa đẹp mắt thì đã lại tới hồi suy nhược rồi. Cho nên lúc đời Nam Bắc triều có người chê văn Tàu rằng: « Sách vở chồng chất, chẳng qua đều là giọng sầu thảm bi ai; hòm tráp đầy giàn, chẳng qua đều là lời phong hoa tuyết nguyệt » ấy là văn lúc suy thế.

Vậy có câu rằng: « Văn chương quan hồ thế vận » nghĩa là văn chương quan hệ với vận mệnh một đời, quả nhiên như thế thực.

*

* *