Việt Nam phong tục/III.17

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XVII.— NGHỀ NUÔI TẰM

Nuôi tằm là một nghề căn bản của nước ta và là nghề của đàn bà. Các nơi có bãi trồng dâu, nuôi tằm nhiều hơn các nơi khác.

Cách nuôi tằm: Trước hết mua trứng ngài treo để chỗ mát cho nó nở ra các con sâu nho nhỏ rồi bỏ vào nong, lấy lá dâu thái thực nhỏ như sợi thuốc lào, rắc vào nong cho nó ăn. Mỗi ngày phải cho ăn độ ba mươi sáu hoặc bốn mươi tám lần ít nhất cũng phải hai mươi sáu lần. Cho ăn như thế độ một tuần lễ, rồi thái to hoặc để cả lá cho ăn mỗi ngày độ năm sáu lần. Nuôi cho đến khi thấy con tằm vàng ánh bụng ra thì bắt nó lên né cho nó kéo tơ làm tổ, gọi là quả kén.

Cứ hai mươi bốn ngày hoặc một tháng thì được một lứa tằm. Nhà thường thường mỗi lứa nuôi vài chục nong, nhà giầu nuôi đến hằng trăm nong.

Nuôi tằm phải làm một phòng riêng hoặc phải làm riêng một cái nhà. Nền nhà phải cao cho khỏi ẩm thấp. Nhà phải kín và bốn mặt đều phải có cửa, thường thường phải mở cửa cho thông khí. Trời nóng phải mở cho mát, trời rét phải đóng cho ấm.

Phải giữ gìn đừng cho ruồi nhặng đậu vào con tằm. Nếu để ruồi nhặng đậu vào thì sinh ra bọ mà hại kén về sau. Lại phải giữ chuột vì chuột hay ăn tằm lắm.

Nuôi tằm kiêng nhất là hơi người chết. Nếu phạm phải hơi ấy thì tằm rã nước mồm ra, ăn kém, không kéo được ra tơ mà làm thành kén nữa.

Lại kỵ nhất là gió tây. Hễ mùa bức động có gió tây thì tằm chết nhiều, nên phải che kín chiều gió ấy mà mở cửa khác cho mát.

Lại thường phải xem xét tằm tốt hay xấu, nếu con nào xấu thì nhặt bỏ đi, hoặc xấu cả nong thì đổ cả đi, kẻo nuôi tằm xấu hại lá dâu mà không ích gì, lại uổng công nữa.

Khi tằm chín bắt lên né phải đem phơi qua nắng để nó làm tổ cho chóng.

Thành kén rồi, trong ba ngày phải ươm ngay. Nếu muốn để lâu thì phải sấy kén cho con nhộng ở trong quả kén chết đi, kẻo để nó già thành ngài cắn quả kén thì hỏng cả tơ.

Nhà nuôi tằm thường người già trẻ đều vất vả. Nào người hái dâu, nào người thái lá, nào người săn sóc chăn nuôi. Nhất là khi tằm ăn rỗi lại càng phải chăm chỉ lắm.

Nuôi tằm cũng nhiều lợi lắm. Ai được luôn dăm lứa tằm có thể làm giàu ngay được. Nhưng, không khéo mà để hỏng vài lứa thì cũng thiệt hại nhiều.

Còn như cách ươm tơ của ta khi trước thì cũng còn vụng nhiều, làm cho tơ nhiều đầu mối mà không được thành sợi. Từ khi có trường canh nông dạy ươm theo cách cẩn thận thì tơ đã tốt hơn khi trước.

Cách ươm:

1.— Người đàn bà ươm tơ phải xem nước trong nồi ươm nóng vừa độ, để cho sợi tơ kéo khỏi đứt.

2.— Bỏ kén vào nồi ươm phải bỏ từng ít một, lấy đũa nhào đi nhào lại để lấy sợi gốc ra cho được thanh và đều nhau thì bán càng được nhiều tiền.

3.— Khi lấy gần hết gốc thì bỏ đũa ra mà kéo bằng tay cho đến khi ra hẳn sợi tơ. Đừng kéo lấy gốc nhiều quá mà hao tơ.

4.— Kén phải bỏ vào nồi cho đều, đừng có khi nhiều khi ít. Mỗi bàn ươm thì ươm hai mối. Muốn cho tơ dễ kéo và dễ bán thì cho bảy con kén làm một sợi.

Những người ươm tơ phải có ý tứ giữ mực, lúc nào cũng bảy con kén, ngộ có sợi nào đứt thì phải nối ngay, mà khi có nhiều con kén hết một lúc, cho kén mới vào thay thì để tám con mà thôi chớ nên cho nhiều quá.

5.— Cái cần để bắt chéo mối tơ lại thì phải cho dài thì tơ mới tròn mà săn sợi, tơ có chỗ đầu mấu nào thì khi đi qua chỗ bắt chéo ấy phải đứt ngay, mà mình dễ trông thấy để nhặt nó đi.

Còn người quay tơ thì thường thường dùng trẻ con quay cũng được, quí hồ quay cho đều, mà quay mau hay chậm thì tùy người ươm bảo. Lúc nào sợi tơ đứt ra thì người quay tơ phải tìm mối đứt ở các gàng để cho người ươm quấn mối ấy lên cần mà nối lại cho liền, đừng để thừa mối ra.

Mỗi lúc bỏ kén vào quay để lấy gốc ra thì phải dùng lò ươm cho đều lửa.

Khi nào con tơ đã to độ 40, 50 grammes thì đầu mối phải quấn vào, buộc lại cho dễ tìm rồi đem nguyên cái gàng phơi ra chỗ có gió mà không có bụi cho được chóng khô và sạch sẽ. Khô rồi tháo ra mà để vào chỗ kín đừng để cho ẩm ướt.

*

* *

Nghề nuôi tằm và nghề làm ruộng đều là nghề nghiệp căn bản rất hệ trọng cho việc sinh nhai và lại rất khó nhọc hơn cả mọi nghề, nước nào thì cũng phải trọng hai nghề ấy làm cốt. Nước Tàu và nước ta, nhà vua cũng phải có ruộng tịch điền, có nhà tàm thất, vua thì phải thân canh, bà hoàng hậu thì phải chăn tằm để làm gương cho thiên hạ, cũng là ý trọng nghề căn bản đấy thôi.

Tiếc cho nước ta, nghề nào cũng cứ theo một lối cổ, không ai nghĩ được cách biến hóa nào cho mỗi ngày một tấn tới thịnh vượng. Cho nên đồ hàng tấm của ta, tuy cũng dệt được các thứ tơ lụa mà không bao giờ tốt đẹp bằng hàng vóc hàng nhiễu của các nước.

Ít nay nhờ có hội canh nông, xem xét hết các cách ích lợi trong việc canh tang thì cũng đã nhiều khi dạy cho ta lấy phép tiện diệu hơn trước. Các nhà canh nông ta, tưởng nên lưu ý mà học lấy cách khôn ngoan hơn ấy, thì mới có thể thịnh vượng được. Còn như cách dệt hàng, cũng nên bỏ lối cũ của ta mà học theo lối mới hoặc là nhân lối cũ mà cải lương cho thêm tốt đẹp, thì mới có thể đem ra ngoại quốc mà tranh lấy mối lợi với hoàn-cầu.