Xứ Bắc kỳ ngày nay/5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource


CHƯƠNG THỨ NĂM


những công cuộc trừ bớt cái nạn thủy-lạo cùng là hạn-hán


Ngay từ đời mà người Việt-nam ra khỏi cái thời-kỳ ăn lông ở lỗ, học được cách cầy cấy theo như người Trung-quốc thì đã hay gặp phải những cái nạn hạn-hán cùng là thủy-lạo.

Các đời vua ngày xưa đều khổ công giữ cho quốc-dân bớt được sự khổ-ải về những cái nạn này. Mỗi khi trong nước sẩy ra cái nạn hạn-hán hay là thủy-lạo thì nhà vua lấy thóc lấy gạo trong kho mà trẩn-cấp cho người nghèo khó, hoặc là miễn thuế cho dân chúng. Nhưng cái phương-pháp này có một điều tệ-lậu là giảm bớt công-ngân trong khi quốc-gia cần phải chi-tiêu nhiều về cuộc tiễu-trừ trộm cướp hoặc là để làm những công-cuộc lớn lao trong nước. Vua ta đời xưa đã có cái công đức tác-thành ra những đê-điều cùng là dựng nên cái công-cuộc giẫn-thủy-nhập-điền. Nhất là đức Minh-mệnh đã thực-hành cái công-cuộc rất lớn lao này để vừa tháo nước ở những nơi đồng thấp trong khi ủng-tắc, cùng là giẫn nước vào ruộng trong khi hạn hán. Về những công-cuộc giẫn-thủy-nhập-điền này thì có làm những con đường cống ngầm ở dưới chân đê; cống thì có cửa để mở và đóng được. Trong những khi nước sông cạn thì mở cống cho nước ở đồng-bằng chẩy vào lòng sông. Trong khi nước sông lên to thì đóng cửa cống lại. Những khi nước sông lên tới cái trình-độ trung-bình thì mở cửa cống để giẫn nước sông vào nơi đồng-bằng.

Những công cuộc để trừ bớt cái nạn hạn-hán và thủy-lạo đó, vì không được hoàn-toàn cho nên thường khi không kết-quả. Vả lại khi cần phải giẫn nước vào ruộng thì nước sông hoặc là thấp hơn miệng cống, làm cho sự giẫn nước không công-hiệu, hoặc là nước sông cao-quá, khiến cho cuộc giẫn nước rất là nguy-hiểm.

Từ khi nước Nam thuộc quyền Bảo-hộ, nước Đại-pháp đem sang những chính-sách cai-trị rất công-bằng, lại tuyển sang đây các nhà kỹ-sư, các nhà bác-vật, có cái trách-nhiệm về đường khai-hóa. Lại đem sang các thứ cơ-khí rất là thần-diệu.

Cái công-cuộc trước tiên là việc họa bản-đồ bản-xứ rõ thực tinh-tế, trong bản-đồ thì một phân tây tức là 250 thước đất. Trong bản-đồ thì liệt-kê hết mọi điều mà người ta cần phải biết về bản-xứ, in bằng nhiều thứ mầu để người ta dễ nhận. Bề cao thì ghi-chép rất tinh-tường; xem trong bản-đồ thì biết đủ mọi việc, nào là dòng nước này phát nguyên từ đâu, dòng nước kia chẩy vào miền nào; nào là đất cao hơn mặt nước thuộc về những vụ nước lớn nhất là thế nào? Lại có một cuộc biên chép về nước lên xuống ở các sông, cùng là những vụ nước lên, và cái độ-lượng nước chẩy trong lòng sông, nữa v. v.

Công-cuộc giẫn thủy nhập điền ở Kép.

Nhờ về các việc đó mà ngày nay thực-hành được những công-cuộc giẫn thủy nhập điền một cách rất dễ dàng.

1 — Về miền gần bể. — Tại miền duyên-hải thì Chính-phủ Đại-pháp cũng làm những công-cuộc như các đời vua cùng là quan ta ngày xưa, nhưng cái phương-pháp của nhà nước Bảo-hộ thực-hành ngày nay thì đích sác hơn, lại dùng toàn những cơ-khí rất mãnh-liệt. Trước hết thì đem chia địa-hạt bản-xứ làm nhiều khu, mà các khu thì không can-thiệp gì với nhau; khu nào cũng có đê cao vòng kín. Như vậy thì nước mặn không tràn vào ruộng được; còn nước ngọt thì cần đến chừng nào là cứ việc tháo vào, hễ nhiều nước quá thì lại tháo bớt đi.

2 — Miền bắc hạ-du. – Việc giẫn thủy nhập điền. — Các nhà kỹ-sư Đại-pháp đã khảo nghiệm về hết các hạt có cái địa-thế để giẫn nước vào ruộng mà không phải cần đến máy bơm. Vậy cứ việc lấy nước ngay chỗ dòng sông phát-nguyên ở trong núi, lựa chỗ nào cao, mà giẫn nước vào con đường cống lớn đi lượn theo cái phần cao-nguyên ở bản-hạt. Nước từ con đường cống lớn chẩy qua những cái máng xuống khắp các làng; mỗi làng lại có máng riêng để đưa nước ra ruộng. Cuộc giẫn thủy nhập điền theo cách này thì khởi công lần trước tiên ở một phần hạt Kep, đến năm 1907 thì hoàn công.

Cống ngầm giẫn nước ở Vũ-di (Thân cống đã xây xong, đang lấp đất cho tới đáy sông cũ đã bớt tạm đi trước).

Ở hạt này thì lấy nước ở Sông-Thương, do một con đê chắn nước làm ở Cân-son. Có một con đường cống dài 26 ki-lô-mét, thông với các máng, những máng này dài tới 38 ki-lô-mét, đưa nước vào những 350 ki-lô-mét các máng nhỏ để giẫn nước đi khắp 7.500 hectares ruộng.

Những ruộng này khi xưa hay mất vụ mùa, ngày nay thì năm nào cũng được một vụ rất tốt. Dân bản-hạt nhờ về cái công-cuộc giẫn thủy nhập-điền mà nay đều được phong túc.

Mới đây hạt Vĩnh-yên cũng có cuộc giẫn-thủy nhập-điền rất lớn lao. Xưa kia hạt này nghèo khổ lắm. Nay thì lấy nước ở sông Phó-Đay. Có hai con đường cống lớn, một con dài 50 và một con dài 18 ki-lô-mét, và có 12 cái máng bề dài tổng-cộng là 82 ki-lô-mét để giẫn nước đi khắp trong bản-hạt. Các làng hiện đã làm kể có 800 ki-lô-mét những cống nhỏ để đưa nước vào các ruộng. Cái công-cuộc giẫn-thủy-nhập-điền ở hạt Vĩnh-yên này làm cho 17.000 hectares đất từ nay có đủ nước để cấy cầy. Xưa kia thì toàn là những đất chẳng mấy năm là không mất mùa. Vậy từ nay, năm nào cũng chắc được mùa.

Chỗ chân-thủy, để giữ nước ở máng.

Lại những 13.000 hectares ruộng, xưa kia đều không cấy được vụ chiêm thì từ nay thành ra những ruộng chiêm rất tốt.

Nhờ về cái công-cuộc giẫn-thủy nhập-điền mà tỉnh Vĩnh-yên sẽ trở nên một hạt rất phong-túc, thế mà xưa nay thì kể là một hạt rất nghèo vậy. Mới 25 năm về trước, một mẫu ruộng đáng giá 1$50 thì nay đã thành giá những 100 đồng bạc.

Lại đã làm những công-cuộc để làm tiêu thoát nước ủng tắc ở những khu đất xưa kia là cõi đồng lầy, không cầy cấy gì được. Hiện đã làm cho 6.000 hectares tiêu thoát hết nước ủng tắc, cầy cấy được rất tốt rồi.

3 — Về đầu năm 1923 thì nhà-nước khởi một công-cuộc lớn lao hơn hai công-cuộc đã kể ra trên này. Cuộc này đến khi hoàn-thành thì làm cho khắp hạt Bắc-giang thêm ra nhiều ruộng rất có giá-trị, nhất là hạt Yên-thế. Nguyên là về miền dưới hạt Thái-nguyên thì làm con đê chắn ngang Sông-cầu và có một con sông đào lớn bề dài là 55 ki-lô-mét để giẫn nước vào hạt Yên-thế. Từ con sông đào này thì có những con sông nhỏ, tức là những cái máng nước bề dài là 3, 6, 31, 21, 7 và 3 ki-lô-mét.

Cống lấy nước ở Liên-sơn (Trông mặt hậu).

Những cái máng nước này thì giẫn nước vào 34.000 hectares đất. Muốn biết rõ cái công-cuộc giẫn-thủy nhập-điền là hệ trọng thế nào thì cứ tính đổ đồng là 4 người có thể sinh-hoạt trong cái chu-vi một hectare. Như vậy thì sau này kể gần tới cái số 14 vạn người có thể sinh-hoạt một cách rất phong-túc trong một hạt, sau này năm nào cũng chắc được mùa, thế mà xưa nay thì không cầy cấy gì được.

III — Cuộc giẫn-thủy nhập-điền bằng cách bơm nước. — Bắc-kỳ này là một xứ rất kỳ-lạ. Thường có làng cùng một năm mà vừa bị cái nạn hồng-thủy lại tiếp theo ngay cái nạn hạn-hán. Hai cái nạn này thường hay sẩy ra ở những miền thuộc cõi trung-ương hạt hạ-du, về những nơi thấp hơn mặt nước ở lòng sông trong vụ nước lên, nhưng cao hơn lòng sông trong cái thời-kỳ nước xuống. Bởi thế trong những khi cần đến nước để cầy cấy thì không thể nào giẫn được nước ở lòng sông vào ruộng.

(Bởi thế phải bơm nước ở sông lên những con sông đào cao hơn lòng sông mà giẫn nước vào những ruộng cao. Về cái công cuộc bơm nước này thì phải cần đến những máy bơm rất mạnh).

Chính-phủ đã trù-tính năm đạo giẫn-thủy nhập-điền bằng máy bơm. Mỗi đạo có một hay hai con đường cống cái, lớn bằng những con sông tự nhiên; mỗi đường cống cái lại có những cống phụ, thông với những cái máng nước như là ở Kép, Vĩnh-yên và Bắc-giang. Thuộc về cái thời-kỳ mà sông Nhị-hà và sông Luộc hạ nhất, thì cái cống cái, chỗ phát-nguyên phải cao hơn mặt nước sông là 5 hay 6 thước. Ở chỗ đó thì đặt những máy bơm rất mạnh chạy bằng sức hơi-nước, để những khi nước thấp nhất thì cũng có thể bơm được rất nhiều nước mà giẫn đi các làng. Cái công-cuộc bơm nước này khiến cho 20 vạn hectares ruộng có đủ nước để cầy cấy. Thế là sau này, 86 vạn dân-cư ở miền hạ-du, năm nào cũng chắc được mùa, có dư thóc gạo để bán lấy lợi. Cái phần thứ nhất về cuộc bơm nước thì sẽ thực-hành ở hạt Sơn-tây.

Dân bản-xứ sau này có nhiều thóc-gạo xuất cảng thì có thể mua ở ngoại-quốc về các thứ chế-hóa-hạng để dùng như là: các hàng vải, đèn dầu-hỏa và đèn điện, máy khâu, xe đạp, máy bơm, các thứ cơ-khí thông thường, các vị thuốc cùng là biết bao nhiêu hóa-hạng khác nữa, rất cần cho việc vệ-sinh, làm cho cuộc sinh-hoạt của người ta được thêm phần lạc-thú.