Xin chánh phủ Nam triều chỉnh đốn lại việc hương thơ hay dã trạm
Gọi là “hương thơ” hay “dã trạm” cũng đều chỉ về việc truyền phát thư từ báo chí ở chốn thôn quê, trong các làng về xứ Trung Kỳ.
Hồi trước, việc ấy thuộc về sở Bưu điện coi ngó, nghĩa là về bên Bảo hộ chủ trương. Từ vài năm nay thì đã giao về Nam triều, do các quan tỉnh, phủ, huyện trông nom mà đại cương thì thuộc về bộ Nội vụ tức là bộ Lại khi trước.
Lúc còn ở bên Bảo hộ, người ta làm một cách giản đơn lắm: mướn sẵn những người chạy thư chực ở các nhà giây thép[1] tại các thành phố, hễ có thư gởi về làng nào thì phái họ đem giao. Như vậy ở nhà quê chỉ có nhận thơ[2] tới mà thôi chứ không có phát thơ đi, ai muốn gởi thơ thì phải đến tại nhà giây thép mới gởi được.
Từ ngày thuộc về Nam triều, bèn tổ chức ra các dã trạm ở các làng. Làng nào cũng có thùng bỏ thơ và một người hương thơ coi cả sự nhận lẫn sự phát.
Về việc này báo Tràng an trước kia đã có một bài bàn đến rồi. Chúng tôi cho rằng làm như bây giờ thì tiện cho người nhà quê gởi thơ hơn lúc trước; nhưng chúng tôi cũng đã phàn nàn một vài điều chưa được vừa ý mọi người, đại để là sự mất thơ và sự chậm trễ.
Nhưng gần nay nhà báo chúng tôi tiếp được nhiều thơ của bạn đọc gởi đến phàn nàn về sự mất báo mà phần nhiều đổ lỗi cho hương thơ.
Phải chi như hồi trước, ngộ khi xảy ra những việc như thế thì nhà báo cứ viết thơ ngay cho quan Chánh sở bưu điện Trung Kỳ nhờ ngài chú ý đến cho. Nhưng bây giờ tình thế đã khác, chúng tôi biết rằng việc ấy không còn đổ trách nhiệm cho sở bưu điện được nữa, mà không thể viết thơ riêng cho ông quan nào, nên phải viết lên trên báo.
Coi một chút này cũng đủ thấy một việc nào khi còn thuộc về Bảo hộ thì trách nhiệm chuyên nhất, ai muốn hỏi gì cũng được ngay; nhưng khi đã về quan ta thì trách nhiệm tán mạn ra, người muốn hỏi không biết ai mà hỏi.
Trong một xã hội muốn cơ cuộc nào cũng phát đạt cả thì tất phải cơ cuộc nào cũng làm việc cho đứng đắn. Nếu có một cơ cuộc hư hỏng đi ắt phải có lụy đến cơ cuộc khác, là lẽ tất nhiên.
Người ta hay phàn nàn các báo Trung Kỳ không phát đạt. Điều đó có vì lẽ chi nữa, nhưng một sự hương thơ làm lôi thôi cũng đáng cho là lẽ gốc. Cứ như cách đưa báo ở Trung Kỳ ngày nay thì dù ông thánh nào cũng không thể làm báo cho phát đạt ở đất này được.
Có người ở một làng trong tỉnh Bình Định viết nói với chúng tôi rằng báo Tràng an gởi cho người ấy mất luôn 4 kỳ không thấy đến. Sau dò ra thì những báo ấy còn để tại nhà hương thơ và lũ trẻ con đã làm lem luốc cả. Người ấy ngăm[3] chúng tôi rằng nếu còn mất nữa thì hết hạn sẽ thôi không mua.
Còn bao nhiêu cái thơ nữa cũng đại lược như thế. Rõ thật là tại mấy người hương thơ làm thiệt hại cho các nhà báo chúng tôi. Tờ báo phát ra khỏi ty quản lý rồi lên xe hỏa về đến nhà giây thép hãy còn nguyên. Khi lọt vào tay mấy ông hương thơ rồi là quyền ở các ông ấy, nhà báo biết làm sao họ được? Rủi gặp người không có lương tâm đối với bổn phận, ấy là báo mất. Sự hẫng hờ ấy, nói cho phải, nào có chỉ hại một phương diện báo chí thôi đâu. Các thơ từ đi lại ở chốn thôn quê vì họ mà bị mất hay bị trễ, hại còn nhiều hơn nữa. Nói rút lại rồi cũng hại đến nhà nước. Thơ báo bị mất quá, người ta ít gởi, ít mua tem, cũng là một điều thua thiệt cho sổ dự toán chứ sao?
Bởi các cớ cả công lẫn tư đó, chúng tôi xin Nam triều sửa đổi và chỉnh đốn lại việc hương thơ hay dã trạm. Các quan nên tùy đường đất mà tổ chức lại cách nào lợi tiện hơn bây giờ. Một điều cần hơn hết là những người ra làm hương thơ phải thế nào cho có ít nhiều giáo dục riêng về chức phận. Hồi việc đưa thơ còn thuộc về sở bưu điện thì người ta thuê ngay những người ở thành phố ra làm kẻ phát thơ. Những người ấy họ ở thành phố, họ biết sự đưa thơ là thế nào rồi, vả lại nhờ có các viên chức huấn luyện cho từ trước nên họ làm cũng gần tròn bổn phận. Còn bây giờ thì các quan cử toàn những người nhà quê đặc ra làm hương thơ mà không có huấn luyện gì hết thì bảo sao họ làm việc bổn phận cho tròn được ư?
Thật thế, theo sự kinh nghiệm của người nhà quê thì ngày trước ít có sự mất thư hay mất báo mà bây giờ thì nhiều lắm. Điều đó nếu không nói lỗi tại cái chế độ hương thơ ngày nay thì không còn biết nói thế nào.
Những việc gì trước ở bên Bảo hộ mà nay giao về Nam triều thì nhân dân ở dưới đều mong rằng việc ấy ngày nay sẽ thành hiệu hơn ngày trước, mà không nữa thì cũng bằng ngày trước. Có như thế mới tỏ ra rằng người mình đã có tài đủ làm việc không kém ai. Chứ còn như việc gì giao cho mà cũng không được như trước, thì trước mắt có hại đã đành mà sau lưng cũng nguội nhiều hy vọng nữa!
Huống chi làm một cơ cuộc gì cũng phải coi như một bộ máy, hằng ngày phải lau chùi luôn luôn. Người Tây khi họ cử hành một việc gì cũng cứ lo cải lương cho đến bậc hoàn hảo. Còn ta, làm việc chi, khi thành rồi bỏ đó cho nên mới hỏng. Vậy thì việc hương thơ bày ra mấy năm nay, nay tưởng cũng đến kỳ chỉnh đốn lại rồi. Nếu cứ để vậy, có ngày ở nhà quê sẽ không còn một cái thơ gởi đi gởi lại nữa cho mà xem.
TRÀNG AN
Chú thích
- ▲ nhà giây thép: trạm bưu điện.
- ▲ Ở bài này, tác giả dùng cả dạng chuẩn (thư) lẫn dạng phương ngữ (thơ).
- ▲ ngăm: hăm dọa, đe dọa (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)