Đại Việt sử ký toàn thư/Tập II/Cuốn thứ năm/Đời thuộc Tùy và Đường

Văn thư lưu trữ mở Wikisource



CUỐN THỨ NĂM

ĐỜI THUỘC TÙY VÀ ĐƯỜNG

Quý-Hợi, — năm thứ 3 hiệu Nhân-Thọ bên Tùy (603) — Lưu-Phương bắt được các tướng cũ của Hậu-Nam-đế, cho là những tay giỏi-giang ranh-mãnh, đều đem chém.

Ất-Sửu, — năm đầu hiệu Đại-Nghiệp đời Tùy Dạng-đế-Quảng (605) mùa Xuân, tháng Giêng, Lưu-Phương mới dẹp yên đất nước ta. Các quan bên Tùy có kẻ nói: nước Lâm-Ấp nhiều của báu lạ. Vua Tùy bèn trao Phương chức Hành-quân Tổng-quản đạo Hoan-châu,[1] Kinh-lược nước Lâm-Ấp. Phương sai bọn Thứ-sử Khâm-châu là Nịnh-Trường-Chân đem hơn vạn quân bộ, quân kỵ, từ Việt-Thường đánh sang. Phương thân đem các Đại-tướng-quân là bọn Trương-Tốn, đem quân đi thuyền, từ Bắc-Cảnh đánh sang, — thuộc Nhật-Nam, ở đời Hán là huyện, Tùy đổi là quận. — Ngay tháng ấy, quân tới cửa biển. Tháng ba, vua Lâm-Ấp là Phạm-Chí sai quân giữ các nơi hiểm yếu. Lưu-Phương đánh đuổi được chúng, quân vượt qua sông Đồ-Lê[1]. Quân Lâm Ấp cưỡi voi lớn, bốn mặt xúm đến. Phương đánh không lợi. Bèn đào nhiều hố nhỏ, phủ cỏ lên trên, rồi đem quân trên đánh. Khi giáp trận vờ thua chạy. Người Lâm-Ấp đuổi theo. Voi phần nhiều sa hố vấp ngã, cùng nhau sợ hãi, quân liền rối loạn, Phương đem nỏ bắn. Voi chạy trở lại. giầy xéo lên trận bên mình. Bèn cho quân bắn súng[2] đánh tiếp theo. Quân Lâm-Ấp cả thua, bị bắt, bị chém, kể hàng vạn. Phương tiến lên đuổi theo, luôn mấy trận đều được. Qua đồng-trụ của Mã-Viện, từ đó sang Nam tám ngày thì tới đô thành nước họ[1]. Mùa hè, tháng tư, Phạm-Chí bỏ thành chạy vào biển. Phương vào thành, bắt được mười tám tấm thần chủ thờ trong miếu, đều đúc bằng vàng tức là làm vua đã mười tám đời. Phương khắc bia đá ghi công rồi trở về. Quân lính sưng chân mười phần chết đến bốn, năm. Phương cũng mắc Bệnh chết ở giữa đường.[3]

Sử thần Ngô-sĩ-Liên bàn rằng:

Lâm-Ấp tự rước lấy sự bạt-vong, cũng là có cớ. Từ đời Phạm-Hồ-Đạt đánh hãm Nhật-Nam. Cửu-Chân, vào cướp Giao-Châu, bị Đỗ-Viện đời Tấn đánh vỡ. Chẳng lấy thế làm răn, lại còn năm nay cướp Cửu-Chân, sang năm cướp Giao Châu. Đỗ-tuệ-Độ lại phá cho, bị giết đã đến quá nửa? Dương Mại lại cướp Cửu-Đức, Đàn-Hòa-Chi đời Tống sang đánh. Tuy có phục tội sai sứ sang cống, nhưng vẫn cướp phá như cũ. Hòa-Chi cùng Tông Xác đuổi dài chiếm được Lâm-Ấp. Dương-Mại may thoát miệng hùm, vung mình mà chạy. Từ đó biển Nam lặng sóng, họa chăng là chúng có sợ hãi đến lâu-dài. Phạm-Chí nối ngôi, lại cướp Nhật-Nam, bị Phạm-Tu đánh phá ở Cửu-Đức. Trọn đời Hậu-Nam-đế, không dám quay sang Bắc mà dòm vào Trung-châu. Thế mà nước nó cũng đã đông người, giầu của rồi!... Đến khi ấy, người bên Tùy tham của báu nước nó, cất quân sang đánh, giầy xéo quốc-đô! quấy hôi đền miếu! Tuy là một đám quân tham-lam, tàn-ác... Nhưng những giống mọi-rợ cướp phá dân văn-minh cũng nên cho có thế mới chừa!...

Mậu Dần,— năm đầu hiệu Vũ-Đức, đời Cao-Tổ Lý-Uyên bên Đường (618), mùa hè, tháng tư, Thứ-sử Khâm-châu là Nịnh-Trường-Chân[4] đem đất Uất-Lâm, Thủy-an theo về Tiên-Sằn[5]. Thái-thú Hán-Dương là Phùng-Áng đem các đất Thương-Ngô, Cao-Yến, Chu-Nhai, Phiên-Ngu theo về Lâm-sĩ-Hoằng. Sằn và Sĩ-Hoàng đều sai người đến dụ Thái-thú Giao-Châu là Khâu-Hòa[6], Hòa không theo. Sằn sai Trường-Chân đem quân Lĩnh-Nam theo đường biển sang đánh Hòa. Hòa muốn đón hàng, viên tư pháp thư-tá là Cao-sĩ-Liêm[7] thuyết với Hòa rằng: « Trường-Chân số quân tuy nhiều, đường xa tới đây ít lương không giữ được lâu. Quân trong thành đủ để chống lại. Việc gì đã vội-vàng trông gió mà chịu người ta bó buộc mình? » Hòa nghe lời, cất Sĩ-Liêm làm Hành-quân Tư-Mã, đem các dinh quân thủy bộ đón đánh, phá được quân địch. Trường Chân chỉ chạy thoát được thân! quân lính bị bắt hết. Bèn đắp một tòa « thành con » — thành nhỏ ở trong thành lớn,— vòng quanh chín trăm bộ, để phòng khi chống giặc. Kịp khi nhà Tùy mất, Hòa nộp đồ cống với vua Đường, vua Đường hạ chỉ cho Lý Đạo Hựu cầm cờ tiết, cho Hòa chức Thái-tổng-quản[8] Giao-châu, phong tước là Đàm-quốc-công. Hòa sai Sĩ-Liêm đem tờ biểu xin vào chầu. Vua Đường hạ chiếu cất quân đi đón. Năm ấy nhà Tùy mất.

Nhâm Ngọ,— Năm thứ năm hiệu Vũ-đức bên Đường (622) Nguyên trước đời Tùy, Khâu Hòa làm Thái-thú Giao-châu, cậy oai-thế vua Tùy, tuần xét các khe, động ở ngoài biên-cương. Ở châu gồm hơn sáu mươi năm các nước như Lâm-Ấp đều dâng Hòa nào sừng văn-tê, nào ngọc trai sáng, nào vàng, bạc, của báu... Cho nên Hòa giầu ngang với nhà vua! Năm ấy vua Đường đổi Giao-châu, gọi là An-nam Đô-hộ-phủ.[9]

Mậu-Tý — năm thứ 2 hiệu Trinh-Quán đời vua Thái-Tông Lý-Thế-Dân bên Đường (635), — Tôn-thất nhà Đường là Lý-Thọ làm Đô-Đốc Giao-châu, phải tội tham-tang. Vua Đường nghĩ viên Thứ-sử Doanh-châu, là Lư-Tổ-Thượng là người văn, vũ gồm tài, liền vời vào chầu, và dụ rằng: « Giao-châu lâu nay không được người.. Các viên Đô-Đốc trước, sau đều không xứng-đáng với chức-vụ. Nhà-thày có tài lược vỗ-yên biên-ấp, vậy sang trấn-trị hộ ta. Chớ vì có đường xa mà từ chối. » Tổ-Thượng lậy tạ. Rồi đó lại đem lòng hối, thoái-thác là mình có bệnh. Vua Đường sai Đỗ-Như-Hối đem chỉ ra dụ. Lư cố ý từ-chối. Lại sai anh vợ hắn là Chu-Phạm đến bảo rằng: « Kẻ thất-phu hứa với nhau, còn biết giữ lời... Nay nhà thày hứa lời trước mặt trẫm, có sai sao được! Khá mau mau khởi hành! Ba năm sẽ lại triệu về! Trẫm không ăn lời đâu! » Lư thưa rằng: «Miền Lĩnh-Nam khí độc nặng-nề, đã đi chả có thế gì về nữa!... » Vua Đường nổi giận phán rằng: « Ta sai người không nổi thì trị sao được nước? » Sai chém ngay trước Triều-đường. Rồi đó hối lại, cho khôi-phục chức cũ, và cho con được tập ấm.

Sử thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

« Vua sai tôi bằng lễ. Tôi thờ vua bằng trung ». Đường Thái-Tông sai bề tôi, không chịu đi cho dụ đến hai lần có thể gọi là có lễ rồi. Tổ-Thương vì khó-khăn mà chối việc vua, thế là thất tiết! hứa rồi lại hối, thế là thất-tín! nói năng cáu-kỉnh, thế là thất lễ. Thái Tông giết đi tuy là khí quá; nhưng Tổ-Thượng đủ ba lỗi ấy, thì tội đáng thế nào?

Ất-Vị, — năm thứ 9 hiệu Tr. Q. bên Đường (642) — Tông-thất nhà Đường là Lý-Đạo-Hưng làm Đô-đốc Giao-châu, vì bệnh ngã nước chết ở nơi làm quan.

Đinh-Hợi. — năm thứ 4 hiệu Tự-thánh đời Trung-Tông-Triết bên Đường (687), — mùa Thu tháng Bẩy, dân Thổ ở Lĩnh-Nam. xưa vốn nộp nửa thuế. Đô-hộ là Lưu-Diên-Hựu[10] bắt họ nộp cả. Dân Thổ ta-oán, mới mưu làm loạn. Lý-Tự-Tiên làm chủ-mưu, bị Diên-Hựu giết, Dư đảng là bọn Đinh-Kiến, họp dân vây phủ-thành. Trong thành quân ít không chống nổi, đắp lũy giữ đợi quân cứu-viện. Tuy hào-trưởng ở Quảng-châu là Phùng-Tử-Du muốn tâng công, đóng quân không chịu ra. Kiến giết Diên-Hựu. Sau Tư-mã Quế-châu là Tào-Trực-Tĩnh[11] đánh giết được Kiến.

Nhâm-Tuất, — năm thứ 10 hiệu Khai-Nguyên đời Huyền Tông Long-Cơ bên Đường (722) — Tướng giặc là Mai-Thúc-Loan, giữ châu tự xưng là Hắc-đế (vua đen). Ngoài kết-liên với các dân Lâm-Ấp, Chân-Lạp, nói số quân là ba mươi vạn. Vua Đường sai Nội-thị Tả-Giám-môn Vệ-tướng-quân là Dương-Tư-Húc, Đô-hộ là Nguyên-Sở-Khách đánh tan được[12].

Mậu-Tuất, — năm thứ 3 hiệu Chí-Đức đời Túc-Tông Hanh bên Đường (756) — Vua Đường đổi An-Nam Đô-hộ-phủ gọi là Trấn-Nam Đô-hộ phủ.

Đinh-Vị, — năm thứ 2 hiệu Đại-Lịch đời Đại-Tông Dự bên Đường (767) Dân Côn-lôn và dân Đồ-bà vào cướp, đánh hãm châu thành. Kinh-lược-sứ là Trương-Bá-Nghi, cầu cứu với viên Đô-Úy Vũ-định là Cao-Chính-Bình. Viện-binh đến, phá được quân Côn-lôn, Đồ-bà ở Chu-Diên. Bá-Nghi lại đắp nên La-thành.[13]

Khi ấy có người đàn bà toàn-tiết là mẹ Đào-Tề-Lượng[14] ở Giao-châu, thường lấy trung-nghĩa dậy Lượng. Lượng ương-bướng không nghe, Mụ liền tuyệt-tình với con, tự làm ruộng mà ăn, tự dệt vải mà mặc. Người trong làng trong châu lấy mụ làm khuôn-phép. Vua Đường hạ chiếu, cho hai tên phu hầu-hạ nuôi nấng, và quan bản-hạt bốn mùa phải giúp đỡ, thăm hỏi,

Mậu thân, — năm thứ 3 hiệu Đ.L. bên Đ. (768) vua Đường lại đổi Giao-châu gọi là An-nam Đô-hộ phủ.

Giáp-Tý,— năm đầu hiệu Hưng Nguyên đời Đức-Tông Quát bên Đ. (784)— người Cửu-Chân là Khương-Công-Phụ làm quan bên Đường. đỗ tiến sĩ bổ làm Hiệu thư-lang. Vì đối sách có tài vượt bực, được trao chức Hữu-thập-di, Hàn-lâm học-sĩ, kiêm chức Hộ-tào tham quân ở Kinh-triệu (kinh-đô). Có lần xin giết Thu-Tỷ. Vua Đường không theo. Ít lâu kinh-đô loạn, vua Đường chạy từ cửa vườn thượng-uyển ra. Công-Phụ lại vin ngựa can rằng: « Tỷ từng làm tướng ở Kinh nguyên, được lòng quân lính. Vì cớ Chu-Thao làm phản nhà vua cướp binh quyền của nó, ngày thường nó vẫn uất-ức. Xin cho ruổi bắt nó đi theo, chớ để cho lũ giặc được nó.

Vua Đường vội vàng không kịp nghe. Khi đã đi muốn dừng lại Phượng Tường, nương tựa Trương-Dật, Công-Phụ nói: « Dật tuy là kẻ bề tôi trung tín, nhưng là quan văn. Quân lính dưới tay lại toàn là những quân kỵ Ngư-Dương, bộ hạ cũ của Chu-Tỷ. Nếu Tỷ rảo tới Kinh-nguyên mà gây biến. thì ở lại đây chẳng phải là kế vạn toàn ». Vua Đường bèn sang Phụng-Thiên. Có người đồn Tỷ làm phản và xin phòng bị trước. Vua Đường nghe lời Lư Kỷ, chiếu cho quân các đạo đóng cách ngoài thành một xá, muốn đợi Tỷ ra đón. Công-Phụ nói: « Bậc vua chúa vũ bị không nghiệm thì không lấy gì làm cho oai-linh được trọng. Nay quân cấm lữ ít ỏi mà binh mã ở ngoài cả, tôi lấy làm nguy thay cho bệ-hạ! » Vua Đường khen « phải! » liền vời hết cả quân các đạo vào trong thành. Khi quân Tỷ đến nơi, quả như lời Công-Phụ. Bèn được cất làm Gián nghị đại phu, Đồng-Trung-thư-môn-hạ bình-chương-sự. Sau can việc làm ma to cho Đường-an công-chúa, trái ý vua. Lục-Chí tâu gỡ cho, song không lại, bèn bị truất làm Thái-tử tả-thứ-tử. Rồi lại giáng làm biệt giá Tuyền-châu. Đường Thuận-Tông lên ngôi cho làm Thứ-sử Cát-Châu, chưa đến nơi làm quan thì mất. Em là Khương-Công-Phục, cũng đỗ Tiến-sĩ, làm quan đến Bắc-bộ Thị lang.

Tân-Vị, — năm thứ 7 hiệu Trinh-Nguyên bên Đường (791) mùa Xuân, Cao-Chính-Bình ở phủ An-Nam Đô-hộ làm chính-sự thu nặng thuế. Mùa Hè, tháng tư, người ở Đường-Lâm thuộc Giao-châu — Đường-lâm ở huyện Phúc-Lộc — là Phùng-Hưng cất quân vây phủ. Chính-Bình lo sợ mà chết. Phùng-Hưng vốn nhà hào phú, có sức khỏe, có thể giằng được trâu, đánh được cọp. Trong hiệu Đại-lịch đời Đường Đại-Tông, nhân Giao châu có loạn, cùng với em là Hãi đem nhau thu-phục các huyện láng-giềng. Hưng xưng lá Đô-Quân: Hãi xưng là Đô-Bảo. Đánh nhau với Chính-Bình, lâu ngày không được. Đến khi ấy bàn với người cùng làng là Đỗ-Anh-Hàn đem quân vây phủ. Chính-Bình lo tức thành bệnh phát-bối mà chết! Hưng nhân đó vào ở trong phủ. Chưa được bao lâu thì mất. Con là An, tôn cha là Bố-Cái đại vương — Tục ta gọi cha là « Bố », gọi mẹ là « Cái » cho nên lấy làm tên hiệu. — Vương hiển được nhiều điều thiêng, lạ, dân cho là bậc thần-thánh, bèn lập đền ở phía Tây phủ, tuần tiết phụng-thờ. — Tức là thần Phu-hựu chương-tín sùng-nghĩa Bố,Cái Đại-Vương. Đền thờ ngài ở phía Đông và phía Tây ruộng Tịch-điền thuộc phường Thịnh-Quang ngày nay[15]

Tháng năm, ngày Tân-Tỵ, vua Đường đặt quân Nhu-viễn ở phủ-trì. Mùa Thu, tháng bẩy, ngày Canh-Thìn, vua Đường sai Triệu-Xương sang làm Đô-hộ. Xương vào cõi, lòng dân bèn yên.

Xương sai sứ dụ An. An đem quân hàng với Xương[16] Xương đắp thêm La-Thành, hơi bền-vững hơn trước; Ở ngôi mười bẩy năm, vì đau chân xin về. Vua Đường ưng cho và cất Binh-bộ Lang-Trung là Bùi-Thái sang thay Xương.

Qúy-Vị. — năm thứ 19 hiệu Trinh-Nguyên bên Đường (803) — Đô-đốc là Bùi-Thái san bỏ những đường hào ở trong thành, thành hợp làm một[17]. Tướng trong châu là Vương-Qúy-Nguyên đánh đuổi Thái. Vua Đường vòi Xương[18] hỏi về tình-hình. Xương tuổi ngoài bẩy mươi, tâu việc còn rành-rõ. Vua Đường lấy làm lạ, lại cho sang làm Đô-hộ. Xương đến, người trong châu mừng lẫn nhau. Loạn bèn yên[19].

Mậu-Tý, — năm thứ 3 hiệu Nguyên-Hòa đời Hiến-Tông Thuần bên Đường (308) Trường-Châu làm Đô-hộ Giao-châu — Trước Châu làm Kinh-lược Phán-quan, đến khi ấy thăng làm Đô-hộ, — đắp thêm thành Đại-La, tạo thuyền mông-đồng — thuyền ngắn — ba trăm chiếc. Mỗi thuyền hai mươi lăm người tay-chiến, hai mươi ba người tay-chèo. Chèo thuyền quay giở, đi nhanh như gió. Lại đắp hai thành Hoan, Ái. Vì những thành ấy trước bị phá hỏng vì Hoàn-Vương. — Tức vua Chiêm-Thành.[20]

Kỷ-Hợi, — năm thứ 14 hiệu Ng. H bên Đường (819) — mùa Đông, tháng mười, Đô-hộ là Lý-Tượng-Cổ, vì tham lam, hoang-phí, hà-khắc, mất lòng dân. Tướng bộ-hạ là Dương Thanh đời đời làm tù-trưởng dân Mường. Trong hồi Khai-Nguyên bên Đường làm Thứ-sử Hoan-châu. Tượng-Cổ có lòng ghét nó, triệu về làm nha-tướng, Đến khi ấy sai đánh dân Mán ở Hoàng-động. Thanh nhân lúc lòng người oán giận, đêm quay về đánh úp châu thành, hãm được, giết Tượng-Cổ. — Thanh người Giao-châu. Tượng-Cổ dòng Tông-Thất bên Đường. — Có chiếu cho Quế-Trọng đánh Thanh không nổi. Thanh vào trong những dân Mường-Mán, làm loạn, cướp phá các thành, phủ. Lý-Nguyên-Gia đánh cũng không được, dụ cũng không đến. Vì thế dân Mán Hoàng-Động dẫn Hoàn-Vương vào ăn cướp[21].

Giáp-Thìn, — năm thứ 4 hiệu Trường-Khánh đời Mục-Tông Hằng bên Đường (824) — mùa Đông, tháng mười một, Lý-Nguyên-Gia cho là cửa thành có dòng nước chảy ngược lại, sợ người trong châu hay sinh lòng làm phản, bèn dời sang thành ngày nay. — Khi ấy Nguyên-Gia dời phủ-trì tới sông Tô-Lịch[22]. Đương đắp khu thành nhỏ, có kẻ xem tướng nói rằng: « Sức ông không đủ đắp thành lớn. Năm mươi năm sau tất có kẻ họ Cao đến định đô, dựng phủ ở đây. » Đến đời Hàm Thông, Cao Biền đắp thêm La-Thành, quả như lời nói ấy. Lại xét trước đó thành phủ Đô-hộ ở thành ngoài Đông-quan ngày nay, gọi là La-thành. Sau Cao-Biền đắp Kim-thành (thành vàng) thì thành ngoài cũng gọi là La-Thành[23].

Mậu-Thân, — năm thứ 2 hiệu Thái-Hòa đời Văn-Tông Hàm bên Đường, (828) — Đô-hộ là Hàn-Ước đánh được Vương-Thăng-Triêu ở Phong-châu. Sau bị Dương-Thanh đánh đuổi, chạy về Quảng-châu[24].

Tân-Dậu. — Năm đầu hiệu Hợi-Xương đời Vũ-Tông Viêm bên Đường, (841) — Vua Đường hạ chiếu cất Vũ-Hồn làm kinh-lược-sứ thay cho Hàn-Ước.

Quý-Hợi — năm thứ 3 hiệu H. X. bên Đường (843) — Kinh-lược-sứ là Vũ-Hồn sai các tướng, sĩ sửa trị thành phủ. Các tướng, sĩ làm loạn, đốt vọng-lâu, cướp kho đạn, Hồn chạy về Quảng-châu. Giám-quân là Đoàn Sĩ-Tắc vỗ yên được bọn làm loạn.

Bính-Dần, — năm thứ 6 hiệu H. X. bên Đường (846) — Dân Mán miền nam[25] vào cướp. Vua Đường hạ chiếu cho Kinh lược sứ là Bùi-nguyên-Hựu đem quân các đạo láng giềng đánh dẹp được.

Đinh-Sửu. — năm thứ 11 hiệu Đại Trung đời Tuyên-Tông Thầm bên Đường (857) mùa Hè tháng tư, vua Đường sai Đại tướng quân coi vệ Hữu-thiên-Ngưu là Thu-Nhai làm kinh-lược sứ Giao-châu[26].

Mậu-Dần — năm thứ 12 hiệu Đ. T. bên Đường (858) — mùa Xuân, tháng giêng, vua Đường cho quan Phó của Khang-Vương là Vương-Thức làm Kinh-lược và Đô-hộ sứ Giao-châu[27]. Thức có tài-lược. Khi tới phủ, trồng thứ gỗ lát (?)[28] làm dậu. Bên ngoài đào hào sâu cho tiết nước ở trong thành. Ngoài hào trồng tre gai, giặc không thể xông vào được. Kén dậy quân lính rất là tinh-nhuệ. It lâu sau, giặc Mán miền Nam kéo đến đông, đóng ở bến Cẩm-Điền[29] cách châu-thành chừng nửa ngày đường. Thức ra ý an-nhàn, sai kẻ thông-ngôn bày tỏ lợi hại cho chúng rõ. Giặc Mán một đêm kéo đi hết, sai người từ tạ rằng: « Chúng tôi tự đi bắt lấy bọn Mán làm phản đó thôi, không phải sang ăn cướp đâu! » Lại có viên Đô-hiệu là La-hành-Cung. — Đô-hiệu tức là Đô-tướng, — đã lâu vẫn chuyên chế quyền chính trong phủ. Dưới cờ hắn có hai nghìn tinh-binh, mà trung-quân của viên Đô-hộ chỉ có chừng vài trăm quân gầy-yếu. Thức đến, sai đánh đòn ngang lưng, truất ra ngoài biên cương. Nguyên trước Đô-hộ[30] là Lý-Trác, chính-sự tham tàn: Mua ép những trâu, ngựa ở trong Mán, mỗi con chỉ cho một hộc[31] muối! Lại giết viên tù-trưởng của dân Mán là Đỗ-tồn-Thành. Các Mán oán giận, dẫn quân Nam-chiếu vào lấn cướp bờ cõi. Phong-châu, Khiên-Lâm, Tây Nguyên, trước có sáu nghìn quân phòng mùa Đông. Viên tù-trưởng dân mán ở động Thất-quán bên cạnh là Lý-do-Độc thường giúp họ đóng giữ và thu các thứ thuế. Viên Tri Phong-châu — Khuyết mất họ tên. — nói với Trác, xin giao cả lính-đồn cho Do-Độc phòng giữ. Vì thế Do-Độc thế cô, không tự-lập nổi. Viên Thác-Đông Tiết-độ của Nam-chiếu — Thác-Đông nghĩa là sẽ khai thác miền Đông. Giao-châu ở phía Đông Nam chiếu cho nên họ đặt ra chức này. — lấy thư giỗ hắn. Lại đem con gái gả cho con trai hắn, và bổ làm chức Thác Đông Thác-nha. Do-Độc liền đem dân theo làm tôi vua Nam-chiếu. Từ đó Giao-châu mới có nạn giặc Mán. Tháng năm năm ấy giặc Mán lại đến cướp, Vương-Thức đánh lui được. Mùa thu tháng Bẩy, có bọn ác-dân luôn luôn làm loạn, đồn phao rằng: « Nghe nói Kinh-lược-sứ là Chu-Nhai — Chu-nhai ở Quảng-châu — sai những kẻ đầu-mộ làm quân đầu vàng lấy khăn vàng bịt đầu, gọi là vàng đầu[32] ở dưới cờ, vượt bể sang đánh úp châu ta rồi!... » Rồi cùng nhau đêm vây thành, đánh trống hò reo, xin đưa Thức về Tầu: « Chúng ta muốn đóng ở thành này để chống nhau với quân Vàng-đầu ở Tầu sang! » Thức đương ăn. Hoặc có kẻ khuyên nên chạy ra để lánh chúng. Thức nói: « Ta mà động chân chạy thì thành vỡ mất! » Thong-thả ăn xong, mặc áo giáp, đem tả hữu lên mặt thành, dựng lá cờ Đại-tướng ngồi mà trách mắng chúng. Bọn làm loạn chạy trở lại. Ngày mai cho bắt hết cả đem giết. Khi ấy loạn và đói kế tiếp nhau, sáu năm không có thượng-cung; — thượng cung là số tiền, lụa nộp về kinh đô để cung cấp nhà vua tiêu dùng. — trong quân không có khao thưởng. Đến Thức mới sửa sang đồ cống và khao thưởng quân lính. Chiêm-Thành, Chân-Lạp đều lại cho sứ sang[33].

Canh-Thìn, — năm đầu hiệu Hàn-Thông đời Ý-Tông-Quán bên Đ. (860) mùa Xuân, giặc Chiết-Đông là Cừu-Phủ làm loạn. Bên Đường bàn kén tướng đánh rẹp: Hạ-hầu-Ty nói: « Vương-Thức tuy con nhà nho, nhưng trước ở An-Nam, dân Kinh, dân Mán đều sợ oai các miền xa đều nghe tiếng. Có thể dùng được. » Liền vời cho làm quán-sát-sứ miền Chiết-Đông[34] Mùa Đông, tháng mười hai ngày Mậu-Thân, dân Thổ-Mán lại đem quân Nam-Chiếu cộng hơn ba vạn người, thừa lúc trống rỗng, đánh hãm phủ ta. Đô-hộ là Lý-Hộ cùng với viên giám-quan chạy về Vũ-Châu[35].

Tân-Tỵ — năm thứ 2 hiệu H. Th. bên Đ. (861) — mùa xuân tháng giêng, vua Đường hạ chiếu đem quân ở Ung-quản và các đạo láng giềng sang cứu Hộ để đánh dân Thổ Mán miền Nam. Tháng sáu, ngày Quý-Sửu, vua Đường cho viên Phòng ngữ sứ ở Diêm châu là Vương-Khoan sang làm kinh lược sứ Giao-châu. Khi ấy Hộ ở Vũ-châu thu họp quân bản thổ đánh các quân Mán, lấy lại được phủ-thành. Vua Đường trách về tội bỏ mất thành trước, truất làm Tư-hộ Đạm-châu, rồi đầy sang Phong-châu[36]. Cất Vương-Khoan làm Đô-hộ và Kinh-lược sứ. Khi Hộ mới đến, giết viên tù-trưởng dân Mán là Đỗ-Trừng, cho nên họ hàng nó mới quyến dỗ các dân Mán đánh hãm châu-thành

Nhâm ngọ — năm thứ 3 hiệu H. Th. bên Đ. (682) — mùa Xuân, tháng hai, Nam-chiếu lại vào cướp. Vương-Khoan sai sứ về cáo cấp luôn luôn. Vua Đường sai viên nguyên Quán sát-sứ Hồ Nam trước là Sái-Tập sang thay. Lại lấy quân ở các châu Hứa, Hoạt, Biện, Kinh, Tương, Đàm, Ngạc, tất cả ba vạn người giao cho Tập để chống giặc. Thế quân đã mạnh, giặc bèn kéo đi. Mùa hè, tháng năm, Tiết-độ Lĩnh-Nam là Sái-Kinh[37] vì có Tập đem quân các đạo sang chống giặc Mán, sợ hắn lập được công. đem lòng ghen ghét liền tâu rằng: « Dân Mán miền Nam đã trốn xa, cõi biên không có gì đáng ngại. Bọn vũ phu tâng công, xin càn lính thú, phí hoài lương-thực. Chỉ vì cõi hoang đường xa khó bề xét nghiệm lại, cho nên họ được tha hồ gian dối. Vậy xin bãi các lính thú, cho đâu về đấy! » Vua Đường theo lời. Tập mấy lần tâu: « Các quân Mán lừa dịp hở cơ. không thể lâu ngày không phòng bị được, xin để lại năm nghìn lính thú ». Nhưng không nghe. Tập cho rằng giặc Mán thế nào cũng đến, mà khi ấy thì quân, lương đều thiếu; trí, lực hai đàng khốn cả hai... Liền làm tờ trang nói: « mười lẽ tất chết » tâu về tòa Trung-Thư. Nhưng bấy giờ tin về lời nói của Kinh, vẫn không chịu xét đến!

Mùa Thu, tháng bẩy, Sái-Kinh làm quan, làm chính-sự ngặt-nghèo, ác-độc, trong cõi đều oán-thán, bị quân lính đuổi đi. Liền bị truất làm Tư-hộ Nhai-châu, nhưng không chịu nhận chức, được sắc cho tự chọn lấy cách chết![38]

Mùa Đông, tháng mười, Nam-Chiếu và các Mán tất cả năm vạn người đến cướp. Tập đưa tin cáo cấp. Vua Đường bạ sắc lấy quân ở hai đạo Hồ Nam, Kinh-Nam, cùng ba nghìn con em nghĩa-chinh ở Quế-quản, — vì họ ứng mộ theo quân nên gọi vậy — đến cả Ung-châu, chịu quyền Trịnh-Ngu tiết-chế, sang cứu Tập. Tháng chạp, Tập lại xin thêm quân. Sắc cho đạo Sơn-Nam Đông đưa sang nghìn tay bắn nỏ. Khi ấy Nam-Chiếu đã vây phủ. Quân cứu đến không được. Tập chỉ đành đóng cửa thành cố giữ mà thôi!

Quý-Vị — năm thứ 4 hiệu H. Th. bên Đường (683) — mùa Xuân, tháng giêng ngày Canh-Ngọ, Nam-Chiếu đánh vỡ phủ-thành. Các lính hầu của Sái-Tập đều chết hết. Tập đi chân cố sức đánh, mình đã trúng mười mũi tên. Toan chạy đến thuyền Giám-quân, nhưng thuyền đã lìa khỏi bến. Bèn chết đuối ở trong sông, tất cả nhà bẩy chục người. Mạc-liêu là Phan-Xước đem trước ấn tín của Tập qua sông nên được thoát. Các tướng sĩ ở các châu Kinh-Nam, Giang-Tây, Ngạc, Nhạc, hơn bốn trăm người chạy đến đồng nước ở phía Đông thành. Ngu-hậu là bọn Nguyên-duy-Đức bảo chúng rằng: « Chúng ta không có thuyền xuống nước thì chết! Chi bằng lại vào thành đánh nhau với quân Mán. Lấy một mạng đánh đổi lấy hai tên Mán, cũng là có lời!» Bèn lại quay về thành, vào cửa Đông-La — cửa Đông-La-Thành An-nam — người Mán không đề phòng, bọn Duy-Đức tung quân giết hơn hai nghìn người Mán. Đến đêm, tướng Mán là Dương-tư-Tấn mới từ trong « thành con » — thành nhỏ ở trong thành — ra cứu. Bọn Duy-Đức đều chết hết. Nam-chiếu hai lần đánh hãm Giao-châu, số bắt, giết đến mười lăm vạn người. Lưu lại hai vạn quân, sai Tư-Tấn đóng giữ thành Giao-châu ta. Các Mường, Thổ trong các khe, các động, không kể xa, gần đều hàng phục với nó. Vua Nam-Chiếu[39] cho thuộc hạ là Đoàn-tù-Thiên lĩnh chức Tiết-Độ sứ phủ ta. Vua Đường hạ chiếu vời Viện-binh ở các đạo quay về, chia ra giữ Lĩnh-nam Tây-đạo. Tháng sáu, bỏ phủ Lĩnh-nam Đô-hộ; đặt ra Hành Giao-châu ở trấn Hải-môn[40]; cất viên tướng-quân ở vệ Hữu giám môn là Tống-Nhung làm Thứ-sử Hành Giao-châu; cho Tiết-độ sứ ở Vũ-nghĩa là Khang-thừa-Huấn coi kiêm Lĩnh-nam[41] cùng hành-dinh các quân. Mùa Thu, tháng bẩy, lại đặt phủ Đô-hộ An-nam ở Hành Giao-châu. cho Tống-Nhung làm Kinh-lược sứ, đem một vạn quân Sơn-Đông sang đóng giữ. Khi ấy các đạo binh bên Đường sang cứu bên ta, chỉ đóng ở Lĩnh-Nam chứ không tiến, hư-phí cả lương thực! Người Nhuận Châu là Trần-bàn-Thạch, tâu xin tạo những thuyền lớn hàng nghìn hộc, chở gạo từ Phúc-Kiến vượt biển thì không đầy một tháng đã đến Quảng-châu. Triều-đình nghe theo, nhờ thế quân đủ gạo ăn. Những kẻ coi việc lấy tiếng là bằng lòng cho thuê, cướp thuyền của các nhà buôn, ném hàng-hóa của họ lên cạnh bờ. Thuyền vào biển nhỡ gặp sóng gió bị đắm, kẻ coi việc lại giam bọn cương lại[42] và lái đò, bắt đền số gạo. Người ta cũng khổ sở về chuyện ấy.

Giáp-Thân, — Năm thứ 5 hiệu Hàm-Thông bên Đường (864) — vua Đường cho Tổng quản Kinh-Lược sứ là Trương-Nhân kiêm xếp đặt các việc ở Giao-Châu. Thêm quân ở trấn Hải-Môn lên đủ số ba vạn năm nghìn người, sai Nhân tiến sang lấy lại phủ-thành[43].

Mùa thu, tháng bẩy, Nhân rùi-gắng không dám tiến. Hạ-Hầu Ty[44] tiến cử Kiêu vệ tướng quân là Cao Biền sang thay. Bèn cho Biền làm Đô-hộ Tổng quản Kinh-lược chiêu thảo sứ. Những quân dưới quyền Nhân giao hết cho Biền. Biền tiểu tự là Thiên-Lý người cháu U-Châu, cháu Nam-Bình quận vương: Cao-Sùng-Văn. Đời đời coi cấm binh. Đến Biền chịu nén lòng chăm học thích bàn bạc các việc xưa nay. Người trong quân đều khen ngợi. Lúc nhỏ thờ Chu-Thục-Minh làm chức Tư-Mã. Có hai con chim điêu[45] bay đôi, Biền giương cung toan bắn, lại khấn thầm rằng: « Nếu tôi lớn lên mà giầu sang, thì xin cho bắn trúng ». Rồi đó bắn một phát trúng cả đôi! Chúng cả kinh, nhân gọi là « Lạc-điêu thị-ngự » (Quan thị-ngự bắn rơi chim điêu). Làm mãi lên đến chức Đô-Ngu hậu quân Hữu Thần Sách. Khi Đảng-Hạng làm phản, Biền đem hơn vạn quân cấm đóng giữ Trường-Vũ. Vì luôn luôn có công thăng làm Phòng ngữ sứ Tần-châu, lại được có công. Khi ấy Nam Chiếu chiếm-cứ đất ta, cho nên ủy cho Biền sang thay Nhân.

Ất-Dậu. — năm thứ 6 hiệu H.Th. (865), — mùa thu, tháng bẩy, Biền sắp quân ở Hải-Môn, chưa vội tiến. Giám-quân là Lý Duy Chu ghét Biền muốn tìm cách trừ bỏ, hằng dục Biền phải tiến quân. Biền đem hơn 5 nghìn người vượt biển đi trước, hẹn Duy Chu đem quân tiếp ứng. Biền đi rồi, Duy Chu giữ quân thừa lại, không cất. Tháng chín, Biền đến Nam-Định,[46] Quân Mán ở Phong châu ngót năm vạn đương gặt lúa ngoài ruộng. Biền thình lình xông đánh, cả phá được chúng, chém bọn Trương Thuyên. Thu lấy lúa chúng gặt để nuôi quân.

Bính-Tuất — năm thứ 7 hiệu H.Th. (866) mùa Hè, tháng tư, vua Nam-chiếu cất Đoàn Tù Thiên làm Tiết độ sứ Thiện-Xiển, cho được đời đời nối dõi. — Thiện-Xiển là biệt đô của Nam Chiếu ở Tây Bắc Giao-Châu. — Lại sai Trương-Tập[47] giúp Tù-Thiên đánh Giao-châu, và cho Phạm Nật Ta làm Đô Thống phủ ta; Triệu Nặc My làm Đô Thống Phù-Tà.[48] Viên Giám trận sắc sứ bên Đường là Vi Trọng-Tể đem hơn bẩy nghìn người đến Phong-châu. Biền vì thế được thêm quân tiến đánh Nam Chiếu, phá được luôn luôn. Tin thắng trận tâu về tới Hải Môn. Duy Chu đều giấu đi. Mấy tháng không có tin tức gì. Vua Đường lấy làm lạ, cho hỏi Duy-Chu. Duy-Chu tâu là Biền đóng quân ở Phong-Châu đánh bỡn bờ với giặc không chịu tiến! Vua Đường giận, cho tướng quân ở Hữu-vũ-vệ là Vương-Yến quyền thay Biền, vời Biền về trước cửa Khuyết toan phạt nặng. Tháng ấy Biền cả phá được rợ Nam-Chiếu bắt, giết rất nhiều. Nam-Chiếu dẫn quân tàn chạy vào châu thành cố giữ. Mùa-Đông tháng mười, Biền vây châu thành hơn mười ngày. Người Mán cùng quẫn quá, thành sắp bị hạ. Xẩy tiếp được diệp của Vương-yến-Quyền truyền rằng mình cùng Duy-Chu đã đem đại quân từ Hải-Môn sang, Biền liền đem việc quân giao cho Trọng-Tể, mà cùng với hơn trăm người thủ-hạ trở về Tầu. Nguyên trước Trọng-Tể sai viên tiểu-sứ là Vương-Huệ-Tán, Biền sai viên tiểu hiệu là Tăng-Cổn, cùng đem thư báo tin thắng trận về bên Đường. Đến giữa biển, trông thấy cờ quạt từ Đông sang. Hỏi du thuyền, đáp rằng: « Đó là quan Kinh-lược mới cùng sang với quan giám quân ». Hai người bàn nhau rằng: « Duy-Chu tất cướp tờ biểu và giữ bọn ta lại.. » Bèn nấp vào trong cù lao. Khi Duy Chu đi qua, mới ruổi về tới kinh-đô. Vua Đường được tờ tâu cả mừng liền gia cho Biền chức Kiểm-hiệu, Công-bộ Thượng thư, sai Biền lại sang đánh dân Mán. Biền về đến Hải-môn lại trở sang. Yến-Quyền là người ngu, nhát, việc gì cũng bẩm mạng của Duy-Chu. Chu dữ và tham, các tướng không chịu để cho dùng. Bèn cửi vòng vây, để dân Mán trốn đi đến quá nửa. Biền tới lại đốc thúc các tướng sĩ đánh thành. Phá được thành, giết được Tù-Thiên và Chu-cổ-Đạo là tên thổ Mán đưa đường cho Nam-Chiếu; chém hơn ba vạn đầu. Nam Chiếu trốn đi, Biền lại phá vỡ hai động Thổ Mán theo về với Nam-Chiếu, giết tù trưởng của chúng. Bọn Thổ Mán đem quân về hàng vạn bẩy nghìn người. Tháng mười một, ngày Nhâm Tý, vua Đường chiếu cho quân các lộ Giao châu, Ung châu, Tây châu đều giữ lấy đất đai mình, đừng tiến đánh nữa. Đặt ra Tĩnh Hải quân ở Giao-châu, cho Biền làm Tiết-độ sứ. — Từ đó đến đời Tống, An-Nam liền thành ra tiết trấn của tĩnh hải quân.— Từ khi Lý-Trác quấy nhiễu rồi lũ Mán gây nạn cơ-hồ mười năm. Đến khi ấy mới dẹp yên. Biền giữ phủ ta xưng vương[49] đắp La-thành[50] vòng quanh một nghìn chín trăm tám mươi hai trượng lẻ năm thước. Thân thành cao hai trượng sáu thước, chân khoát hai trượng năm thước. Nữ-tường bốn mặt cao năm trượng[51] năm tấc. Năm mươi lăm chỗ vọng-địch lâu. Sáu chỗ cửa cuốn. Ba nơi lạch nước. Ba mươi tư đường trèo lên. Lại đắp đê, vòng quanh hai nghìn một trăm hai mươi lăm trượng, tám thước, cao một trượng năm thước, chân rộng hai trượng. Và dựng hơn bốn mươi vạn gian nhà.

Lê-văn-Hưu bàn rằng:

Một Lý Trác tham dữ, đủ gây nên nạn giặc Mán trong mười mấy năm, nữa là kẻ bạo ngược hơn Lý Trác? Một Cao Biền đốc xuất thuộc hạ, đủ chém được quân giặc mạnh hàng mấy vạn, nữa là kẻ giỏi-giang hơn Cao Biền. Cho nên Trác không giữ nổi mình mà Biền thì giữ thành xưng vương. Kẻ khéo trị nước nên kén chọn cho cẩn thận.

Đinh-Hợi — năm thứ 8 hiệu H. Th. (867) — mùa Xuân, tháng giêng, Biền đi tuần cõi, tới hai châu Ung, Quảng, thấy đường biển nhiều đá ngầm làm đắm thuyền, lương vận không thông, bèn sai bọn nhiếp Trưởng sử là Lâm-Phúng, Tướng-quân Hồ Nam là Dư-Tồn-Cổ, đem quân bản bộ, cùng hơn nghìn người thủy-thủ, ra đó khoi đục. Dụ rằng: « Đạo trời giúp việc thuận; công thần phù kẻ ngay. Nay khoi đục đường biển để giúp cho sinh sinh dân, nếu không theo ý riêng thì nào có khó gì! Các quan Đô-hộ thời trước, khao quân không đến nơi, giữ phép không bền vững; sai ước hẹn, chăm lợi riêng; khiến ai nấy đều trễ biếng, Nay ta thì không thế, chỉ cốt được việc cho nhà vua mà thôi ». Nói xong, bọn Phúng bái mạng ra đi. Mùa Hè, tháng tư, ngày mồng năm, bắt đầu việc khoi đục. Trong khoảng hơn tháng, sắp sửa mở thông. Nhưng khoảng giữa hai nơi đều vướng đá lớn nằm chắn đến mấy trượng. Đục xuống quăn cả lưỡi! Dìu bể gẫy cả cán. Bọn phu xuốt ngày nhìn nhau công việc cơ hồ bỏ dở. Giữa ban ngày hôm hai mươi sáu tháng năm, bỗng dưng mây dữ, gió dông thình lình kéo đến. Trông ngàn cây như đêm đen! Nhìn bàn tay như mù mắt! Bỗng chốc sét nổ vang trời đến mấy trăm tiếng ở nơi các đá lớn. Vụt chốc trời tạnh. Bọn phu vội chạy ra coi thì đá đã vỡ vụn cả rồi. Phía tây lại gặp hai tảng đá lớn, đứng dựng hai nơi. Các thợ cũng không có lối ra tay. Ngày hai mươi mốt tháng sáu, lại có sét lớn như lần trước; các đá lớn nhất thời nứt vỡ! Đường cảng mới thành. Đặt tên là cảng Thiên Oai.[52]

Sử thần Ngô-sĩ-Liên bàn rằng:

Việc Cao Biền đục cảng, sao mà lạ vậy? Chắc là vì việc làm hợp lẽ, nên được trời giúp cho! Trời tức là lẽ... Đường đất có chỗ bằng, chỗ hiểm, ấy là lẽ thường. Sức người có thể vượt được hiểm, ấy cũng là lẽ thường. Nếu hiểm mà không vượt nổi, thì trời có mượn chi đến người? Vua Vũ trị hồng-thủy, nếu không hợp lẽ, thì trời sao có thành? đất sao cò bình? Vậy mà công hiệu đến nỗi rùa sông Lạc dâng điềm lành! Chẳng phải là trời giúp cho đó sao? Hãy xem lời của Biền nói rằng: « Nay đục đường biển, để giúp cho sinh-linh. Nếu không theo ý riêng mình, thì có việc gì là khó! » Lòng thành phát ra lời nói, mà lời nói ấy chẳng là thuận lẽ sao? Lòng tin cảm cách, thấu được vàng, đá. huống chi là Trời! Kẻ mà Trời giúp cho là kẻ thuận với lẽ. Kinh Dịch dậy: « Theo tín, nghĩ về thuận, tự Trời giúp cho: Tốt! Không việc gì không lợi! » Sét đánh đá lớn để giúp cho, nào có gì đáng lấy làm lạ đâu![53]

Mậu-Tý, — năm thứ 9 hiệu H.Th (868), — mùa Thu, tháng bảy, vua Đường cho Cao-Biền làm Đại tướng quân vệ Hữu Kim-Ngô — Có sách nói là Kiểm-hiệu Thượng-thư Bộc-Xạ —. Đến năm thứ 2 hiệu Kiền-Phù đời vua Hy-Tông nhà Đường là năm Ất-Vị, (875) dời sang làm Tiết-độ-sứ Tây-Xuyên. Biền nghĩ người cháu họ là Cao-Tầm, từng làm tiên phong xông pha tên đá, xướng xuất cho quân lính liền dâng biểu tiến cử xin cho thay việc trấn-thủ đất ta. Vua Đường nghe theo. Ở trấn cộng mười ba năm. Biền từ năm Bính Tuất đến năm Giáp Ngọ hiệu Hàm Thông. Tầm từ năm Ất-vị đến năm Mậu Tuất hiệu Kiền-Phù (878).

Canh Tý.— năm đầu hiệu Quảng-Minh đời Hy-Tông Nghiễm bên Đường (880) — mùa Xuân tháng Ba, quân phủ ta loạn. Tiết Độ sứ là Tăng Cổn chạy ra ngoài thành. — Cổn thay Tầm, vỗ yên có tiếng tốt. Người ta gọi là quan thượng Tăng có soạn ra cuốn Giao Châu ký truyền ở đời. — Các đạo quân bên Đường đóng ở Ung quản thường thường tự bỏ về.[54]

Ất-Sửu, — năm thứ hai hiệu Thiên hựu đời Ai Đế Chúc bên Đường (905) — mùa xuân, tháng hai, ngày Mậu Tuất, Chu-Toàn-Trung bên Đường vì cớ viên Tiết-độ sứ Giao châu hàm Đồng bình-chương sự là Chu Toàn Dục quê, bướng vô tài, tự xin bãi đi. Toàn Dục là anh Toàn-Trung.

Trở lên thuộc về Tùy và Đường từ Qúy-Hợ đến Bính Dần, cộng 304 năm.

Phụ chú

  1. a ă â « Hoan-châu: ở đời Hùng-vương là bộ Hoài-Hoan; sang Tần, thuộc Tượng-quận, sang Hán thuộc quận Nhật-Nam; Lương đổi là Đức-châu; sang Tùy đời Khai-Hoàng đổi là Hoan-châu; đời Đại nghiệp đổi là Nhật Nam; sang Đường đời Trinh-Quán lại đặt là Hoan-châu; Đinh, Lê theo tên ấy; Lý đổi là châu Nghệ an; Trần đổi là trấn Lâm Giang; thuộc Minh là hai phủ Nghệ-an, Diễn châu; về Hậu-Lê, đời Quang-Thuận đặt ra Nghệ-an thừa-tuyên; nay thì là tỉnh Nghệ-an. Sông Đồ-Lê, sách Thông giám tập-lãm chua là ở phía bắc nước Chiêm Thành nay chưa rõ đích chỗ nào.— Kinh-đô Lâm-ấp: nay xét trong tỉnh Quảng-Bình về xã Trung-Ái huyện Bình-Chính cùng xã Uẩn-Áo huyện Lệ-Thủy, trong tỉnh Thừa-Thiên về xã Nguyệt Biền huyện Hương-Thủy, xã Thành-Trung huyện Quảng-Điền; trong tỉnh Quảng-Nam về xã Thăng-Bình huyện Diên-Phúc; trong tỉnh Bình-Định hai thôn Nam-An. Bắc-Thuận huyện Tuy-Viễn đều có thành cũ của vua Chiêm. Không rõ kinh-đô chính ở đâu. » (K.Đ V.S.)
  2. K.Đ.V.S. (cuốn IV) theo sử Cương Mục tầu chép là: « quân tinh nhuệ » (chữ ​« nhuệ » và chữ « súng » chỉ sai nhau có hai nét. Xét ra người phương Đông biết dùng súng bắt đầu từ đời Hồ-Nguyên-Trừng con Hồ-Quý-Ly. Về đời này có lẽ chưa có (quân bắn súng. Vậy nên theo K.Đ.V.S.
  3. Lời phê của vua T.Đ: « Binh là đồ gở, thánh nhân cực chẳng đã mới dùng nó, là để trừ loạn yên dân. Đâu có lẽ tham của, cầu lợi, mong thỏa lòng muốn của mình, mà khiến cho dân tàn, nước bại, chẳng chút đoái hoài, thế là bụng-dạ ra sao vậy? « Muôn xương khô góp nên công tướng! » còn chẳng đáng kể... nữa là tướng lại không thoát, mà nước cũng mất theo!... Thực đáng là một chuyện răn đời thấm thía về sự dùng quá, dùng nhàm võ bị vậy! » (K.Đ.V.S.)
  4. Khâm-chân-chí của Chu-Xuân-Niên chép: « Trường-Chân là con Nịnh-Mãnh-Lực, Thứ-sử Khâm-châu. Mãnh-Lực chết Trường-Chân thay làm chức ấy. Trường-Chân có quân mạnh, gồm có cả mấy quận Uất-châu. Sau hàng với vua Đường. Từ đó Trung-quốc mới có đường thông sang hai châu Giao, Ái »
  5. Sử Cương-Mục chép: « Tiêu sằn là cháu bốn đời Lương Tuyên-đế. Năm thứ 13 hiệu Đại-Nghiệp đời Tùy Dạng-đế, khởi ​binh xưng là Lương-Vương. Đến năm thứ 2 hiệu nghĩa-Ninh đời Tùy Cung-đế, xưng là hoàng-đế, chiếm đất Đông từ Cửu-giang Tây đến Tam-Giáp, Nam tới Giao-chỉ, Bắc-giáp Hán-xuyên. Sau hàng với vua Đường ».
  6. Đường thư chép: « Cuối đời Đại-nghiệp, dân trong biển khổ vì quan lại nhũng nhiễu, thường làm phản luôn. Dạng-đế vì cớ Khâu-Hòa cai-trị đâu cũng được tiếng thuần lương, bèn cho làm Thái-thú Giao-chỉ. Hòa hết lòng phủ-dụ, dân cõi xa được yên thân ». Cùng sách ấy, trong « truyện Khâu-Hòa » lại chép: «Hòa người Lạc-Dương làm quan với nhà Chu, được mở phủ, nghi-vệ ngang với Ba-Tòa. Sang đời Tùy, trải coi ba châu Tư, Lương, Ba, nổi tiếng là khoan-hòa ».
  7. « Sĩ-Liêm người ở Tu, thuộc Bột-Hải, đỗ hạng nhất khoa Văn-Tài đời Nhâm-Thọ (Tùy-Văn-đế), được bổ Trị-Lễ-lang; vì bị can giáng làm Chủ-Bạ Chu-Diên. Khâu-Hòa cất cho làm Tư-Pháp Thư-Tá. Sau cùng Hòa hàng với vua Đường, làm đến Hữu-Bộc-Xạ (Tể-tướng). » (K.Đ.V.S.)
  8. K.Đ.V.S. chép là « Đại-tổng-quản ».
  9. Việc này K.Đ.V.S. theo sử Tầu chép là vào năm Kỷ-Mão, năm đầu hiệu Điều-Lộ đời Đường-Cao-Tông(679). Lại chép thêm: «  ​phủ-trì đóng ở Giao-châu. » và chua:

    « Theo Đường-Thư thì: Dinh phủ An-Nam Đô-hộ, vốn là dinh quận Giao-Chỉ cũ. Giao-Chỉ gồm 12 châu là: Giao, Lục, Phong, Ái, Hoan, Trường, Phúc-Lộc, Thang, Chi, Vũ-Nga, Diễn, Vũ-An. » Xét theo sử của Ngô-Thời-Sĩ thì: « Đường đổi Giao-chỉ là An-Nam Đô-hộ-phủ. Rằng An-Nam (tức Giao-châu), rằng Ái-châu, rằng Phúc-Lộc-châu, rằng Hoan-châu, rằng Phong-châu, rằng Lục-châu, rằng Diễn-châu, rằng Trường-châu, trở lên các châu ấy đều trong cõi đất nước ta. Đến như Thang-châu, Chi-châu, Vũ-Nga châu, Vũ-An châu, vị tất đã đều là đất An-Nam; mà chắc là vì bờ cõi nó có liên-tiếp với Nam-giao, nên cho thuộc về phủ Đô-hộ mà thôi! » Nay lại xét theo sách Thái-bình Hoàn-Vũ-Ký, thì « Đất cát Trường-châu đồng với Cửu-chân ». Vậy Trường-châu có lẽ gần với đất Thanh-Hóa ngày nay. Có điều là chưa rõ đích chỗ nào. Theo Đại-Thanh Nhất-Thống-Chí thì: « Trong hạt Khâm-châu hiện còn nền thành cũ của 3 huyện Ô-Lôi, Hoa-Thanh, Ninh-Hải »... Vậy thì Lục-châu thuộc về Khâm-châu bên Tầu. Nói rằng « .. đều trong cõi đất nước ta », e có phần không đúng. Lại theo trong sách Lịch-Triều Hiến-Chương của Phan-Huy-Chú, tập Địa-Dư-chí, thấy chép ​rằng: « Về đời Đường, Hưng-Hóa gọi là Chi-châu, Tuyên-Quang gọi là Thang-Châu, Thái-Nguyên gọi là Vũ-Nga-châu, mà An-bang (Quảng-Yên ngày nay) thì gọi là Vũ-Yên-châu ». Chẳng rõ căn-cứ vào đâu? Tạm chép ra đây để phòng khi tham khảo. Theo Địa-lý-chí trong Đường-Thư thì: « Giao-châu gồm 8 huyện: Tống-bình, Nam-Định, Thái-bình, Giao-chỉ, Chu-diên, Long-biên, Bình-đạo, Vủ-bình; Lục-châu gồm 3 huyện: Ô-Lôi, Hoa-Thanh, Ninh-Hải; Phong-châu gồm 5 huyện: Gia-Ninh, Thừa-hóa, Tân-xương, Cao-sơn, Chân lục; Ái-châu gồm 6 huyện: Cửu-chân, An-thuận, Sùng-bình, Quân-minh, Nhật-nam, Trường-lâm; Hoan châu gồm 4 huyện: Cửu-đức, Phố-dương, Việt-thường, Hoài-hoan; Trường-châu gồm 4 huyện: Văn-dương, Đồng-sái, Trương-sơn, Kỳ-thường; Phúc-lộc châu gồm 3 huyện: Nhu-viễn, Đường-lâm, Phúc-lộc; Thang-châu gồm 3 huyện: Dương-tuyền, Lục-thủy, La-thiều; Chi-châu gồm 7 huyện: Hân-thành, Phú-xuyên, Bình-tây, Lạc-quang, Lạc-diệm, Đa-Vân, Ân-long; Vũ-nga châu gồm 7 huyện: Vũ-Nga, Như-mã, Vũ-nghĩa, Vũ-di, Vũ-duyên, Vũ-lao, Lương-sơn; Diễn-châu gồm 7 huyện: Trung-nghĩa, Hoài-hoan, Long-trì, Tư-nông, Vũ-lang, Vũ-dung, Vũ-kim; Vũ-an châu ​gồm hai huyện: Vũ-An, Lâm-giang.» Giao-châu mới đặt từ đời Hán, gồm có 7 quận Giao-chỉ, Phong-châu đã chua trong đời Hùng-vương. Ái-châu đã chua trong đời Lương-Vũ-Đế. Chi-châu xưa là bộ Tân-Hưng, nay là tỉnh Hưng-Hóa. Diễn, Châu xưa là bộ Việt-Thường, nay là phủ thuộc tỉnh Nghệ-An. Phúc-lộc châu nay thuộc tỉnh Thanh-Hóa, nhưng chưa rõ đích chỗ nào. Trường-châu, Thang-châu, xưa là bộ Vũ-Định nay thuộc Tuyên-Quang. Vũ-Nga châu, xưa cũng thuộc Vũ-định nay là Thái-Nguyên. Hoài-Hoan nguyên thuộc Hoan-Châu. Đời Trinh-Quán đổi là Diễn-châu, rồi đó bỏ. Đến năm thứ 2 hiệu Quảng-Đức lại tách Hoan châu mà đặt ra.

  10. « Lưu-Diên-Hựu người Bành-Thành thuộc Từ-châu đậu Tiến-sĩ, có tài làm quan làm Thứ-sử Cơ-châu rồi đổi sang Đô-hộ An-nam... (Đường-thư)
  11. Đường thư chép là Tao-Huyền-Tĩnh.
  12. « Trong đời Khai-Nguyên, Mai-Thúc-Loan ở An-Nam làm phản xưng là Hắc-đế, cất quân trong 32 châu, ngoài lại kết liên với các nước Lâm-Ấp, Chân-Lạp, Kim-Lân giữ miền Hải-Nam, quân hiện là bốn mươi vạn. Tư-Húc xin đi, triệu mười vạn lính mộ cùng Quang-sở-Khách theo đường cũ của ​Mã-Viện, bất ý kéo sang. Thúc-Loan sợ hãi không kịp mưu tính bèn thua to. Bọn Húc xếp thây lại đắp làm nền quán mà trở về.» (Đường thư)

    « Kính xét: Trong đời Khai-Nguyên phủ An-Nam Đô-hộ vẫn đóng ở Giao-Châu, gồm 12 châu, 59 huyện, đều đặt các viên Thú Tể cai trị. Thuế, sưu phải nộp, quân lính phải đi, đều theo mệnh lệnh bên Đường. Lại phủ Đô-hộ cùng các châu Phong, Ái, Lục, Diễn, chưa thấy nói có đâu bị phá vỡ. Vậy thì Thúc-Loan sao có cất được quân ở cả trong 32 châu, đông đến số 40 vạn? Trộm nghĩ Thúc-Loan khi ấy mới chiếm cứ một châu, thế cũng còn nhỏ mọn. Nhưng khi ấy Huyền-Tông thích việc lập công ở ngoài biên cương; mà Tư-Húc, Sở Khách thì lợi kỳ là nơi hiểm-trở, xa-xôi bịa to thế bên địch lên, để cầu được cao công, hậu thưởng thế thôi! Nếu không thế, thì lấy đất đai ấy, binh lực ấy, mà quân Tầu vừa tới, đã vội hoảng-sợ tan vỡ, là cớ làm sao? Sử cũ ta cũng chép: « Thúc-Loan bên ngoài với Lâm-Ấp, Chân-Lạp, có quân ba mươi vạn » Chắc cũng là lược theo sử Tầu mà chưa xét đến sự thực vậy » (K.Đ.V.S)

    « Tư-Húc vốn là Hoạn-quan người ở Thạch Thành, La-Châu, vốn trước họ Tô — ​Quang-Sở-Khách (sử cũ Quang chép Nguyên là lầm) người Giang Lăng, sang làm Đô-hộ An-Nam hồi đầu đời Khai-Nguyên. — Chân-Lạp tên một nước dưới này sẽ chua rõ. Kim-Lân cũng tên một nước. Theo sách Thái-bình ngự-lãm, đời Tống thì « Kim-Lân lại có tên là Kim-Trân cách phía tây Phù-Nam hơn hai nghìn dậm.» (Kẻ dịch nghĩ có lẽ tức là Cao-Miên ngày nay. Hiện người Tầu thường gọi Cao-Miên là Kim-biên) — Theo sách Khâm-Châu chí: « Rẫy núi Ô-lôi chạy dài ra biển cả, trông sang Tây là phủ Hải-đông bên Giao-Chỉ. Mã-Phục-Ba sang An-Nam đi theo lối ấy. Hiện còn có đền Mã-Phục-Ba ». Sách quận quốc lợi bệnh của Cố-Viêm-Vũ đời Minh thì chép: « Từ đời Mã-Phục-Ba (Mã-Viện) tới nay, quân thủy đều đi theo miền Nam Khâm-châu. Dương buồm vượt biển cả, một ngây là tới Giao-châu. Trấn Chiều-Dương tức là nơi ấy ». Mai-Thúc Loan, quê ở Mai-Phu, huyện Thiên-Lộc, châu Hoan, tức huyện Can-Lộc, phủ Đức-Thọ, Tỉnh Hà-Tĩnh ngày nay. Thúc-Loan người đen, cho nên dân trong châu gọi là Hắc-đế, nay còn nền thành cũ ở đồi Vệ-Sơn, huyện Nam đường. Lại có đền thờ ở xã Hương-Lãm huyện ấy, được kể là đền các hàng đế-vương đời trước.» (K. Đ. V. S.)

  13. Theo « Nam-man truyện » trong Đường thư thì: « nước Đồ-Bà Đông giáp Lục-Chân-Lạp, tây giáp Đông-Thiên-Trúc, Nam giáp biển, Bắc giáp Nam-Chiếu, gồm có 18 thuộc quốc. Lại có bộ Tiểu-Côn-Lôn, nước Đại-Côn-Lôn » Sách Quận quốc lợi-bệnh cũng chép: « nước Côn-Lôn ở phía nam Lâm-Ấp ». Cứ thế mà xét thì Đồ-bà rộng trùm cả các nước Xiêm-La, Diến-Điện. Duy dân đó không có thống thuộc, tùy nơi tự xưng hùng-trưởng, và sinh sống bằng nghề cướp-bóc. Nay bị các nước gồm lấy. Mà các xứ Tất-lực, (?) Hạ-liêu, (?) Giang-lưu, (?) Ba-ma, (?) Lục:giáp, (?) cũng bị người phương Tây chiếm-cứ. Những thổ dân ở các xứ ấy còn gọi là dân Đồ-bà (?). Côn-lôn lại là thuộc-quốc của nó. Nay thuộc hải-phận tỉnh Vĩnh-Long, có các cù lao Côn-lôn lớn, nhỏ. Dân ta sang ở lập nghiệp, đã trải đến mấy đời. (Hiện nay thì là đất giam tù của chính-phủ Pháp) — Trương-Bá-Nghi theo Đường-thư thì người Ngụy-châu, bắt đầu nhờ chiến-công được thuộc về đạo quân của Lý-Quang-Bật. (K. Đ. V. S.)
  14. Theo Đường thư, mục Liệt nữ truyện thì mụ này họ Kim, được vua Đường nêu là bậc « Nghĩa phụ ». Và con mụ là Đào-Tề-Lương thì là một viên tướng giặc.
  15. K.Đ.V.S. chép thêm: « ... Chúng lập con ông (Phùng Hưng) là An làm Đô-phủ-quân ». Và chua:

    ​« Sách An-Nam Kỷ yếu chép: « Cao-Chính-Bình... vì có công cứu Trương-Bá-Nghi, được thăng làm Đô-hộ sứ ». — Đường-lâm-tên xã đời xưa, sử cũ chua ở huyện Phúc-Lộc (nay đổi Phúc-Thọ, thuộc tỉnh Sơn-Tây). Xét sổ tỉnh ấy thì xã Cam-lâm ở Phúc-Thọ xưa gọi Đường Lâm. Phùng Hưng, Ngô Quyền đều người xã ấy. Nay còn đền ở đó. — Giao-châu, nên đổi là Phong-châu mới phải– Trong Đường thư, về đời Đức-Tông, chỉ chép: «Năm thứ 7 hiệu Trinh-Nguyên, tù-trưởng ở An-Nam là Đỗ Anh Hàn làm phản »; Không chép chuyện Phùng Hưng: chắc là vì đường xa không rõ.

  16. K.Đ.V.S. theo sách An-Nam Kỷ yếu chép thêm: «... Vì thế Xương được chức Kinh-lược chiêu-thảo xử-trí sứ.,. Xương đi khắp các dấu xưa, đền thờ, sông to, núi có tiếng trong các quận, góp làm bộ phủ-chí... » Và chua: « Theo Đường-thư thì Xương tên tự là Hồng-Tô, người ở Thiên-Thủy. Trước làm Thứ-sử Kiền-châu... »
  17. K.Đ.V.S. chép thêm: «... Lại đắp hai thành Hoan, Ái... »
  18. Theo Đường-thư, Xương khi ấy đương làm chức Tế-tửu, và sau đó thăng làm Tiết-độ sứ Lĩnh-Nam, vỗ-yên được các miền xa lánh. Vì công-lao thăng mãi lên đến chức Thượng-Thư bộ Công, hàm Thái-tử ​Thiếu-Bảo. Mất năm 85 tuổi, được tăng chức Đại-Đô-đốc Dương-châu.
  19. Về việc này, Ngô-Thời-Sĩ bàn rằng:

    « Diên-Hựu ngược đãi dân Thổ, mà gây việc Đinh-Kiến nổi loạn. Chính-Bình thu nặng sưu thuế, mà xui nên Anh-Hàn động binh. Trượng-Xương đến lần trước mà dân yêu, đến lần sau mà loạn định. Các quan coi ngoài biên tốt hay xấu, quan hệ là thế. Thường thì người Tâu đại-khái cho châu này xa xôi, kén người không được thận trọng. Trong lúc ấy, nhân dân sa vào bùn than, không kêu gọi vào đâu được! Đọc sử đến đây, đáng ngậm-ngùi bao nhiêu!

  20. Sách Thái-bình hoàn vũ ký chép: « Năm thứ 4 hiệu Nguyên-Hòa, Trương-Chu đánh viên Đô-Thống Hoan, Ái của nước Hoàn-Vương giết hơn ba vạn người.» — K.Đ.V.S. chua: « Mông-đồng là thứ thuyền hẹp mà dài, dùng để xông đột thuyền bên địch. Hoàn-Vương là hiệu vua nước Lâm Ấp ».
  21. Đường-Thư chép: « Dương Thanh... thương uất-ức muốn làm loạn. Nhân khi đánh giặc Hoàng-động, Tượng-Cổ cho quân giúp nó. Nó bèn đánh úp châu-thành, giết Tượng-Cổ. Nhà vua hạ chiếu xá tội Thanh và cho làm Thứ-sử Quỳnh-châu. Lại cho ​Quế-Trọng-Vũ sang làm Đô-hộ. Thanh cự mạng nhà vua. Trọng-Vũ dụ dần từng kẻ tù-trưởng, rồi đánh giết Thanh và chu di cả họ nó ». Và chua: « Tượng-Cổ là con Lý-Cao, năm 14 hiệu Nguyên-Hòa sang làm Đô-hộ An-Nam.  » — Hoàng-động: Đường-thư chép: « Dân Mán cõi Tây có dòng họ Hoàng, ở động Hoàng-Đăng, liền với đất Nam-Chiếu, gọi là Mán Hoàng-động. Sang đánh 18 châu thuộc Quế quản (quản cũng như phủ), đến đâu đốt, phá đấy. Người bên Đường gọi là giặc vàng (Hoàng tặc). Kịp khi quân ở phủ Đô-hộ làm loạn, chúng giúp Dương-Thanh giết Tượng-cổ.» — Quỳnh châu: sách Đại-Thanh nhất-thống chí chép: « Tức là đất Châu-nhai đời Hán. Đời Đường tách ra đặt thêm Quỳnh-châu, thuộc về đạo Lĩnh-Nam ». (Hiện nay Quỳnh-châu ở trong cù lao Hải-nam).

    Theo Đương thư, truyện Mã-Đổng, K.Đ.V.S. chép thêm: « Trong đời Nguyên-Hòa (không rõ năm, tháng), Mã-Tổng, (tự Nguyên-Hội, quê ở Phù-Phong) từ chức Thứ-sử Kiều-châu (thuộc đạo Giang-nam) sang làm Đô-hộ An-nam, thanh-liêm không quấy dân; dùng đạo nho giáo hóa tục ở đấy. Chính-sự tốt đẹp, dân Mường Mán đều yên nghiệp. Dựng hai đồng trụ, ghi ​công đức nhà Đường và để tỏ mình là dòng dõi tướng phục ba ».

  22. Tô-lịch là sông chánh của Nhị-hà. Đại-Thanh Nhất thống-chí chép: « Sông Tô-lịch từ phía Đông Bắc phủ-thành Giao châu chuyển sang phía Tây, chẩy thẳng đến sông Nhuệ. Xưa có người tên là Tô-lịch ở đấy, nhân lấy làm tên sông. Đời Minh, hồi đầu hiệu Vĩnh-Lạc, Hoàng-Phúc khoi lại, nhân đổi tên là Lai-Tô ». Hiện nay ở phía Đông tỉnh thành Hà-nội, về huyện Thọ-Xương có chỗ cửa sông, ấy là nơi từ Nhị-hà chẩy rẽ sang. (K.Đ.V.S.)
  23. Dưới đoạn này, K.Đ.V S. chép thêm: « Ất Tỵ, năm đầu hiệu Bảo lịch đời Kính-tông bên Đường (825), nhà Đường dời phủ Đô-hộ sang Tống-bình ». Và chua: « Theo sách Phương Dư Kỷ yếu của Cố Tổ Vũ đời Minh thì « Tống-bình ở phía Nam phủ, đất huyện Tống bình. Sang Tùy thuộc về Giao-châu». Như vậy thì Tống-bình chắc ở phía dưới thành ngoài phủ Đô-hộ cũ. Sách Đại-Thanh Nhất Thống chí chép: « Huyện Tống-bình xưa thuộc Giao-châu. Phía Tây huyện cách 75 dậm có thành Liên-thụ cũ ». Nay xét ra thành Liên-thụ là quận thành Giao-chỉ hồi đầu đời Hán, ở xã Lũng-Khê, huyện Siêu-Loại tỉnh Bắc-Ninh ngày nay, cách ​tỉnh-thành Hà-nội hơn 30 dặm.
  24. Theo K.Đ.V.S. thì Vương là Thứ-sử Phong-châu. — Đường-thư lại chép: « Hàn-Ước (người ở Vũ-lăng thuộc Lãng-châu, vì nộp tiền, thóc được làm quan) chí khí cả quyết, hơi thông sách vở. có tài làm quan. Trước làm Thứ-sử Kiền-châu. Kịp khi Thăng Triêu làm phản, Ước lĩnh chức Đô-hộ An-Nam đánh giết được Thăng Triêu. Sau quân trong phủ làm loạn, đuổi Ước chạy về Quảng-châu ».

    Dưới đoạn này, K.Đ.V.S. chép thêm: « Bính-Thìn, năm đầu hiệu Khai-Thành bên Đường (836), vua Đường cho Mã Thực sang làm Đô-hộ ». Và chua: « Theo Đường-thư thì: « Thực làm Đô-hộ, tinh việc về quan, lấy văn-nhã mà sửa sang. Chính-sự thanh-tịnh không phiền. Dân các động liền yên. Các thủ-lĩnh ở các miền Cơ-my đều đến nộp lễ cống, xin chịu tô thuế, ràng buộc. Năm thứ 3, Thực tâu đổi huyện Vũ-Lục làm châu Vũ-Lục, kén kẻ thụ-lĩnh làm Thứ-sử. Triều-đình ưng theo. Sau đó những ao bỏ ở trong châu lại sinh ra có ngọc trai. Vì cớ giỏi bực nhất về chính-trị, được thăng Quán sát sứ Kiềm-trung ». Xét như vậy thì Mã-Thực chính sự thanh-tịnh; dân các động nhờ được yên ổn. Ngọc trai trong ao lại về: ​nết thanh liêm cảm được loài vật. Sách Đ. T. Nhất-thống chí kể là kẻ có tiếng trong bọn sang làm quan bên An-Nam. Thực đáng cùng với Triệu Xương, Vương-Thức, đều là những người trội hẳn trong các thú-lệnh. Lại theo Sách Địa-lý chí đời Đường, chép việc Thực dâng biểu xin đặt châu Vũ-Lục, sự-thực đáng làm bằng-cứ. Sử cũ đều bỏ sót không chép. Chỉ chép việc năm đầu hiệu Hôi-Xương bên Đường, Vũ-Hồn sang làm Kinh-lược sứ thay Hàn-Ước. Nay xét theo sử Đường, về đời Văn-Tông, chép: « năm thứ 3 hiệu Thái-Hòa, Ước bị Quân làm loạn đánh đuổi ». Kể từ năm thứ 2 hiệu Thái-Hòa đến năm đầu hiệu Hội-Xương khoảng giữa là hiệu Khai-Thành, tất cả 5 năm. Vậy chắc có việc Mã-Thực sang làm Đô-hộ. Mà Hồn là sang kế Thực chứ không phải thay Ước. Nay theo Đường-thư bù, đổi, để sửa những chỗ lầm, sót, và hiểu-dương một kẻ thú-lệnh hiền-lương ». Và lại chua: « Theo Truyện Mã-Thực thì Thực quê ở Phù-Phong, đỗ tiến-sĩ, lại đỗ khoa Chế-sách. — Cơ-my: Địa-lý chí đời Đường chép: « Vua Thái-Tông khi đã dẹp yên các dân mọi-rợ, các Mường Mán hơi có ý nội thuộc, thì nhân ngay bộ-lạc nó, đặt ra châu, huyện, cho các thủ lĩnh nó làm thứ-sử, Đô-đốc, và đều được đời đời nối chức. Gọi đó ​là các miền cơ-my ». Sách Cương-mục tập-lãm chép: « sách Hán quan nghi nói: ngựa thì gọi là (giàm); trâu thì gọi là my (buộc); ý nói ai trị dân mọi bốn phương cần phải cho chúng như ngựa, trâu chịu ta giàm buộc vậy! » — Vũ-lục châu là tên một châu Cơ-my, nay không rõ ở đâu. — Ao ngọc trai: Hán thư chép: « Mạnh-Thường làm Thái-thú Hợp-phố, ngọc trai đi lại về. Sách Đ. T. nhất thống chí chép: « Ao ngọc trai ở Đông Nam quận Hợp Phố, nơi người trong quận kiếm ngọc trai ».

  25. K. Đ. V. S. chép là « dân rợ Nam-chiếu vào ăn cướp » và theo Đường thư thì việc xẩy vào hồi tháng chín. Theo sử Cương-mục của Tầu thì: « Nam-chiếu trước vốn là đất của dân Ai-lao ở miền Tây Diên-châu». Theo Địa lý chí đời Đường thì: « quận Vân-Nam thuộc Diên-châu, Đông Nam giáp Giao-Chỉ; Tây Bắc giáp Thổ-phồn. Tiếng Mán gọi chúa là « chiếu ». Trước gồm có sáu chiếu là: Mông-tuấn, Việt-tích, Lãng-Khung, Đằng-Diễm, Thi-lãng, Mông-Xá. Mông-Xá ở miền Nam hơn cả, nên gọi là Nam-chiếu. Đến đời Khai-Nguyên, chúa Nam-Chiếu là Bì-La-Hạp dần dần mạnh lớn, còn năm chiếu kia đều suy-yếu. Bèn lấy lợi dử viên Tiết-độ sứ Kiếm-Nam là ​Vương-Dục xin hợp sáu chiếu làm một. Triều-đình bằng lòng cho, và cho tên là Quy-Nghĩa. Từ đó dùng binh uy đánh dẹp các dân Mán, rồi đó phá rợ Thổ-Phồn, dời sang ở thành Thái-Hòa. Rút lại làm mối lo cho biên-cương ». Nam-chiếu truyện trong Đường thư chép: « Nam-chiếu, từ đời Khai Nguyên, Bì-La-Hạp hợp sáu chiếu làm một, trải truyền đến con Phong-Hựu là Tù-Long, năm đầu hiệu Hàm-Thông, lấn xưng là Hoàng-đế, đặt niên hiệu là Kiến-Cực, tên nước là Đại-Lễ. Thường sang cướp Giao-Châu luôn. Bị Cao-Biền đánh thua mới chạy về ».
  26. K.Đ V.S. chép thêm: « Khi ấy châu ta thường có mố lo ở ngoài biên... chưa bao lâu Nhai lại về Quảng-châu ».
  27. Theo Đường thư thì Thức quê ở Thái-Nguyên, đậu khoa « Hiền-lương phương chính ». Trong đời Đại-Trung làm Thứ-sử Tấn-châu, cứu sống được vài nghìn lưu-dân có tiếng là giỏi, nên được sang làm Đô-hộ An-Nam. Quan Đô hộ cũ, gặp khi ruộng đại hạn, còn hằng năm thu tiền làm hàng rào gỗ. Rào đã không bao giờ xong mà tiền thu càng gấp. Thức sang, lấy tiền thuế một năm, mua gỗ lát, rào khắp mười hai dậm. Bãi bỏ tiền ngoại về thuế hàng năm để cho bọn bình dân được thong thả...»
  28. Lát là tên một thứ rễ, làm dậu bền ​được vài chục năm. (K.Đ.V.S.)
  29. Không rõ ở chỗ nào.
  30. Đường thư chép là « Kinh-lược».
  31. Đường-thư chép là « một đấu ». Vâ chép thêm: « Dân Mán không chịu, liền kết liên với tướng Nam-Chiếu là Đoàn-Tù-Thiên vào cướp phủ Đô-hộ, gọi là quân « áo trắng liều mạng! »...
  32. Đường thư chép: « Lính thú Trung-Võ mặc áo ngắn vạt sau, dùng khăn vàng bịt đầu. Phương Nam gọi là « quân đầu vàng » là một hạng lính giỏi ở thiên hạ ».
  33. K Đ.V.S. chép thêm: « ...Và trả lại những dân chúng đã bắt cóc ». Và chua: Chân-Lạp ở phía Nam Lâm-ấp. Theo Đường thư thì « lại có tên là Cát-Miệt và vốn là thuộc quốc của nước Phù-Nam. Sau hiệu Thần-Long (Đường), chia làm hai: Nửa miền Bắc nhiều gò núi, gọi là Chân-Lạp cạn (tức Cao-Nam ngày nay); nửa miền Nam giáp biển nhiều chầm, bãi gọi là Chân-Lạp nước ». (Nay là sáu tỉnh Nam-Kỳ).
  34. K.Đ.V.S. chép thêm: «... Và cho Lý-Hộ sang làm Đô-hộ.
  35. Theo sử Thông-giám Tầu thì « Khi Hộ mới đến phủ, giết tù-trưởng Mán là Đỗ-Thủ-Trừng, nên đảng nó đem quân Nam-chiếu vào đánh vỡ phủ ».
  36. Theo sử Thông giám thì: « Vì họ Đỗ cường-thịnh, vua Đường muốn nấn-ná mong thu dụng nó, bèn tặng cho cha Thủ-Trừng là Tồn-Thành chức Kim-Ngô tướng-quân. Lại trách Hộ về tội giết Thủ-Trừng, đầy dài ra Nhai-châu ». K.Đ.V.S. chua: « Ung-quản tức Ung-châu, đặt ra từ đời Đường. Theo Cương-Mục tập-lãm thì một quản cũng như một phủ. Đam-châu tức Đam-nhĩ, thuộc đạo Lĩnh-Nam ».
  37. Sử Cương-Mục Tầu chép: « Quan Tả Thứ sử là Sái Kinh, tính tham tàn, hay gian dối. Quan Tể-tướng khi ấy cho là có tài làm quan, tâu xin cho trông coi các việc ở Lĩnh-nam. Lĩnh-nam nguyên trước chia làm năm quản: Quảng, Quế, Ung, Dung, An-nam. Kinh tâu xin chia Quảng-Châu làm Đông Đạo, Ung-châu làm Tây đạo. Bèn cho Vi-Trụ và Kinh chia nhau làm Tiết-Độ sứ... »
  38. Theo Cương Mục thì « Khi ấy kinh đã về đến Linh-Lăng ».
  39. Theo Điền Tái ký của Dương-Thận thì « Vua Nam-chiếu khi ấy là Mông Thế Long. Đến năm thứ 5 hiệu Hàm-Thông, Mông lại sang cướp Ung-châu, bị thua chạy về. Và năm thứ 7 bị Tiết-độ sứ là ​Cao-Biền đánh cho thua to, cướp lại đất Giao-Chỉ ».
  40. Theo Đ.T. nhất thống chí thì « trấn Hải-môn hiện nay ở cách phía Tây huyện Bác Bạch châu Uất-Lâm 15 dặm, nguyên xưa là lối sang An-nan. Tức là chỗ Cao-Biền sắp quân sang lấy lại An-nam ». Có người bảo trấn này ở Hải-Dương đó là lầm với việc Ngô-Quyền đánh Hoàng-Thao cắm kè ở Cửa biển (Hải môn nghĩa là cửa biển cho nên nói vậy ». (K.Đ.V.S. cuốn V.)
  41. Theo Đường-thư thì Thừa-Huấn người Linh-Châu, con Khang-nhật-Tri, nhờ dòng dõi làm nên đến Hữu-Thần Võ Tướng-quân, và cất lên chức Tiết-độ sứ Vũ-Nghĩa». Theo Cương-Mục thì: « Thừa-Huấn đến Ung-châu không đặt điếm canh. Nam-chiếu đem sáu vạn quân, sắp vào bờ cõi. Thừa Huấn sai quân chống lại. Năm đạo, tám nghìn người đều chết hết. Duy có đạo quân Thái-Bình đến sau được thoát. Thừa-Huấn không biết làm ra thế nào. Phó-sứ là Lý-Hành-Tố đem quân sửa sang hào rào, vừa xong thì quân Mán đến bổ vây luôn bốn ngày. Đồ đánh sắp đủ, các tướng xin đương đêm chia đường ra đánh phá các trại Mán. Thừa-Huấn không cho. Có viên tướng nhỏ ở đạo quân Thái bình cố sức can ​hai, ba lần, Thừa-Huấn mới cho hắn đem ba trăm dũng-sĩ, đêm dòng giây ra khỏi thành, chia nhau đốt trại Mán, chém hơn năm trăm đầu. Quân Mán giải vây kéo đi. Thừa Huấn mạo công tâu thắng trận. Nhà vua ra cho chức Kiểm-hiệu Hữu-bộc xạ. Các con, em cùng người thân đều nhận công lĩnh thưởng. Viên tướng nhỏ đốt trại không được thăng một cấp nào. Vì thế lòng quân oán giận » ...
  42. Cương-lại, theo lời chua trong sách Cương Mục Tập lãm, tức là viên lại coi các sổ sách về việc vận lương.
  43. Sử Cương mục chép: « Khi ấy Nam-Chiếu vào cướp Ung-châu, quan quân bên Đường thua chết. Thừa Huấn mạo công được gia chức Kiểm-hiệu kiêm Tiết-độ sứ Lĩnh-Nam. Vi-Trụ biết rõ việc làm của Thừa-Huấn viết thư thưa với Tể-tướng. Bèn bãi Thừa-Huấn, cho Trương Nhân sang thay ».
  44. Theo Đường-thư, Ty tự là Hiếu Học, quê ở Tiền quận, Bạc châu.
  45. Điêu, một loài chim ăn thịt ở xứ rét.
  46. Theo Địa-lý-chí đời Đường thì « Nam-định thuộc Giao-châu, đặt ra từ năm Vũ-Đức thứ 4 ». Theo Thái bình hoàn vũ ký thì « huyện Nam định có núi Đông-cứu ». Theo Đ.T. Nhất Thống chí thì « Núi Đông-Cứu ở châu Gia Lâm ». Nay xét ra núi Đông Cứu ở huyện Gia Bình tỉnh Bắc-Ninh. Vậy huyện Nam-định chắc ở vào phần đất Gia Lâm, Gia Bình. (K.Đ.V.S.)
  47. Đường thư chép là Vương Tập-Tư.
  48. Đ.T. Nhất-Thống-chí chép: « Trong phủ An-Nam Đô-hộ có huyện Phù-Tà ở châu Vũ-Định. Lại cổ tích ở Vân-Nam có thành Phù Tà ở huyện La Thứ ».
  49. Theo sách An-Nam Kỷ yếu thì « Biền định ra các sổ biên giới, đồn quân và thuế, ​cống. Và người trong châu kính sợ, gọi tôn là Cao-Vương ».
  50. « Kính xét: Đại La Thành ở Long-Biên, bắt đầu đắp từ Trương Bá Nghi đời Đường, Triệu-Xương và Lý Nguyên Gia lại sửa sang thêm. Không phải bắt đầu từ Cao Biền. Sử cũ chép: « Biền đắp La-thành... » Chắc là lưu truyền sai sự thực, e khó mà tin cả được. — Đại La-Thành, Trương Bá Nghi đắp từ năm thứ 2 hiệu Đại-Lịch. Năm thứ 7 hiệu Trinh Nguyên, Triệu Xương đắp thêm. Năm thứ 3 hiệu Nguyên-Hòa, Trương-Chu lại sửa đắp. Năm thứ 4 hiệu Trường Khánh, Lý Nguyên Gia dời phủ-trì sang sông Tô-Lịch, đắp thành nhỏ gọi là La-Thành. Năm thứ 7 hiệu Hàm-Thông, Cao-Biền đắp thành ngoài Kim-Thành (thành vàng) cũng gọi là La-Thành. Theo Đ. T, Nhất-Thống chí thì « Đại-La-thành ở ngoài phủ-thành Giao-châu. Quận Giao-chỉ đời Hán, phủ Đô-hộ đời Đường đều ở đấy ». Lâu năm đổ nát, dấu cũ khôn dò. Nay ngoài tỉnh thành Hà Nội, bốn mặt có lũy đất. Đó là sau đời Lý, đời Trần, bao lần tu-trúc. Tục cũng gọi là La-Thành. Nếu bảo đều là dấu cũ của Cao-Biền thì không phải (K.Đ.V.S.)
  51. K.Đ.V.S. chép là « 5 thước », có lẽ đúng hơn.
  52. « Theo Địa-lý chí đời Đường thì « Trong huyện Bác-bạch có thác Bắc-thú. Trong đời Hàm-Thông, Cao Biền mộ người đục đá hiểm để thông thuyền, chèo ». Huyện Bác-bạch nay thuộc Uất-Lâm. Nơi Cao-Biền đục chẳng phải là địa-phận bên ta. Có người bảo: « Thiết-cảng ở Nghệ-An tức là cảng Thiên-Oai » Nhưng không phải. Và điều sử cũ chép, e cũng chưa đúng ». (K.Đ.V.S.)
  53. Lời phê của vua Tự-Đức: « Xét ra Cao-Biền Đường-thư kể vào trong truyện tám kẻ phản quốc! Gây vạ vì cớ hai lòng, có gì đáng khen? Việc bình được Nam Chiếu, bất-quá cậy có oai-võ hơn người mà thôi! Đường cảng hắn đục, ở đâu chẳng rõ! Nếu bảo ở Nghệ-An ngày nay thì nào có thông đâu! So với những việc thần tiên kể trong truyện Biền. cũng đều là càn rỡ, hoang-đường cả! Sử cũ khen là « lòng trời giúp thuận », thật là lời bàn tầm-phơ!
  54. An-Nam Kỷ yếu chép: « Nguyên trước Cổn làm tiểu hiệu cho Cao-Biền, giỏi về chính-sự. Trong đời Kiên-Phù, Cổn được làm Tiết Độ sứ thay Cao-Tầm. Năm ấy quân trong phủ làm loạn. Các thủ hạ xin Cổn hãy lánh ra ngoài thành. Cổn không nghe, đem oai-đức phủ dụ Bọn giặc tự yên, đến chịu ​tội với Cổn. Cổn đều không xét hỏi. Vì thế quân các đạo sang thú Ung-quản thường về với Cổn. Cổn đều thu nạp... Ở trấn 14 năm, đến năm đầu hiệu Cảnh-Phúc đời Chiêu-Tông, Chu-Toàn-Dục mới sang làm Tiết-độ-sứ thay Cổn ».