Bước tới nội dung

Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009)/Chương XIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

[sửa]
  1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
    c) Đối với người thi hành công vụ;
    d) Phạm tội nhiều lần;
    đ) Đối với nhiều người.
  3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
  4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 124. Tội xâm phạm chỗ ở của công dân

[sửa]
  1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
    c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
  3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác

[sửa]
  1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
    c) Phạm tội nhiều lần;
    d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
    đ) Tái phạm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 126. Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân

[sửa]
  1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến hai năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
    c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
  3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 127. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử

[sửa]
  1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Gây hậu quả nghiêm trọng.
  3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 128. Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật

[sửa]

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điều 129. Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân

[sửa]
  1. Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
  2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 130. Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ

[sửa]

Người nào dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Điều 132. Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo

[sửa]
  1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
    a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;
    b) Có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
  2. Người nào trả thù người khiếu nại, tố cáo thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.