Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009)/Chương XX
Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ
[sửa]- Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :
- a) Có tổ chức;
- b) Phạm tội nhiều lần;
- c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
- d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
- đ) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
[sửa]- Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Điều 259. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
[sửa]- Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
- a) Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình;
- b) Phạm tội trong thời chiến;
- c) Lôi kéo người khác phạm tội.
Điều 260. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ
[sửa]- Người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
- a) Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của mình;
- b) Lôi kéo người khác phạm tội.
Điều 261. Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự
[sửa]- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Phạm tội trong thời chiến thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 262. Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự
[sửa]- Người nào cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Điều 263. Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước
[sửa]- Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
- Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 264. Tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội làm mất tài liệu bí mật Nhà nước
[sửa]- Người nào vô ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc làm mất tài liệu bí mật Nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 265. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc
[sửa]Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Điều 266. Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức
[sửa]- Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Phạm tội nhiều lần;
- c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
[sửa]- Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Phạm tội nhiều lần;
- c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
- d) Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Điều 268. Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội
[sửa]- Người nào chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội không thuộc tài liệu bí mật Nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
- c) Tái phạm nguy hiểm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 269. Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính
[sửa]Người nào cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính mặc dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Điều 270. Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở
[sửa]Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ hoặc tịch thu
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Điều 271. Tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác
[sửa]- Người nào vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 272. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng
[sửa]- Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
- Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Điều 273. Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới
[sửa]- Người nào vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Tái phạm hoặc phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Điều 274. Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại Việt Nam trái phép
[sửa]Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Điều 275. Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
[sửa]- Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
- Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.
Điều 276. Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy
[sửa]Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.