Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt 6-3-1946
Toàn văn Hiệp định
[sửa]Một bên là Chính phủ Cộng hòa Pháp do ông Xanh tơ ny (Sainteny), người thay mặt và có sự ủy nhiệm chính thức của Thủy sư đô đốc Đác giăng li ơ (George Thierry d' Argenlieu), Thượng sứ Pháp thụ nhiệm ủy quyền của Chính phủ Cộng hòa Pháp làm đại biểu.
Một bên là Chinh phủ Cộng hòa Việt Nam do cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc ủy viên của Hội đồng các Bộ trưởng là ông Vũ Hồng Khanh làm đại biểu..
Hai bên đã thỏa thuận về các khoản sau đây:
- 1) Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do có Chính phủ của mình, Nghị viện của mình, quân đội của mình, tài chính của mình, và là một phần tử trong Liên bang Đông Dương ở trong khối Liên hiệp Pháp. Về việc hợp nhất ba Kỳ, Chính phủ Pháp cam đoan thừa nhận, những quyết định của nhân dân trực tiếp phán quyết.
- 2) Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng thân thiện, đón tiếp quân đội Pháp khi quân đội ấy chiểu theo theo các hiệp định quốc tế đến thay thế quân đội Trung Hoa. Một Hiệp định phụ khoản đính theo Hiệp định sơ bộ này sẽ định rõ cách thức thi hành công việc thay thế ấy.
- 3) Các điều khoản kể trên sẽ được tức khắc thi hành. Sau khi ký hiệp định, hai Chính phủ lập tức quyết định mọi phương sách cần thiết để đình chỉ ngay cuộc xung đột, để giữ nguyên quân đội hai bên tại vị trí hiện thời và để gây ra một bầu không khí êm dịu cần thiết cho việc mở ngay các cuộc điều đình thân thiện và thành thực. Trong cuộc điều đình ấy sẽ bàn về:
- a) Những liên lạc ngoại giao của Việt Nam với nước ngoài.
- b) Chế độ tương lai của Đông Dương.
- c) Những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam.
- Các thành phố Hà Nội, Sài Gòn, Paris có thể được chọn làm nơi hội họp cuộc hội nghị.
- Làm tại Hà Nội, ngày 6 tháng 3 năm 1946
đã ký | đã ký | đã ký |
---|---|---|
HỒ CHÍ MINH | VŨ HỒNG KHANH | XANH TƠ NY |
Phụ khoản kèm theo
[sửa]Hai Chính phủ kể trong bản Hiệp định sơ bộ đã thỏa thuận các khoản sau này:
- 1) Những lực lượng quân bị thay thế quân đội Trung Hoa sẽ gồm có:
- a) 10.000 quân Việt Nam với các sĩ quan Việt Nam thuộc quyền điều khiển của các nhà chức trách quân sự Việt Nam.
- b) 15.000 quân Pháp, trong số đó đã kể số lính Pháp hiện nay đã đóng trong cõi Việt Nam ở phía Bắc vĩ tuyến 16.
- 15.000 lính Pháp ấy phải là những người Pháp chính tông, trừ những đội phụ trách canh phòng tù binh Nhật Bản.
- Tổng cộng các lực lượng kể trên sẽ đặt dưới quyền của Tư lệnh Pháp do các đội viên Việt Nam cộng tác.
- Khi các đội quân Pháp đã đổ bộ, một Hội nghị Tham mưu gồm các đại biểu của Bộ tư lệnh Pháp và Bộ tư lệnh Việt Nam sẽ định rõ sự tiến triển, sự du nhập, và cách sử dụng các đội quân Pháp và các đội quân Việt Nam đã kể trên.
- Sẽ lập ra những Ủy ban binh vụ Pháp - Việt ở tất cả các cấp quân đội để chuyên việc liên lạc binh sĩ Pháp và Việt Nam theo tinh thần cộng tác thân hữu.
- 2) Những đội quân Pháp dùng để thay thế quân đội Trung Hoa sẽ chia ra làm 3 hạng:
- a) Những đội phụ trách việc canh phòng tù binh Nhật Bản. - Các đội này sẽ rút về Pháp ngay khi nào nhiệm vụ của họ đã xong, nghĩa là sau khi tù binh Nhật Bản đã được đem ra khỏi xứ này; dù sao thời gian ấy không được quá 10 tháng.
- b) Những đội quân cùng với quân đội Việt Nam phụ trách về việc công an và phòng vệ đất nước Việt Nam. - Cứ mỗi năm một phần năm (1/5) các đội quân sẽ về Pháp để quân đội Việt Nam thay thế. Vậy trong 5 năm, quân đội Việt Nam sẽ thay thế toàn số quân đội Pháp này.
- c) Những đội quân phụ trách việc phòng vệ các căn cứ hải và không quân. - Thời hạn của nhiệm vụ giao cho các đội này sẽ do các cuộc hội nghị sau quyết định.
- 3) Ở các nơi đồn trú có quân đội Pháp và quân đội Việt Nam đóng giữ, những khu vực riêng biệt cho đôi bên sẽ được định rõ.
- 4) Chính phủ Pháp cam đoan không dùng các tù binh Nhật vào những việc có mục đích quân sự.
- Làm tại Hà Nội, ngày 6 tháng 3 năm 1946
đã ký | đã ký | đã ký |
---|---|---|
HỒ CHÍ MINH | VŨ HỒNG KHANH | XANH TƠ NY |
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".