Tạm ước Việt - Pháp 14-9-1946

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tạm ước Việt - Pháp 14-9-1946  (1946) 
của Hội nghị Ngoại giao

Kết thúc chuyến thăm Pháp, trước tình hình cuộc hòa đàm Fontainebleau thất bại và nguy cơ Chiến tranh Đông Dương bùng nổ đến gần, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh lúc đó ký với Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp Marius Moutet một bản tạm ước, sau này được gọi chính thức là Tạm ước Việt – Pháp 14-9-1946 (— Trích dẫn từ Tạm ước Việt - Pháp của Wikipedia, bách khoa toàn thư mở.). Bản tạm ước có nội dung như sau:

TẠM ƯỚC VIỆT – PHÁP 14 THÁNG 9 NĂM 1946

Văn kiện[sửa]

Khoản 1: Những kiều dân Việt ở Pháp và những kiều dân Pháp ở Việt Nam đều được hưởng quyền tự do cư trú như người bản xứ, và những quyền tự do tư tưởng, tự do dạy học, buôn bán, đi lại, nói chung là tất cả các quyền tự do dân chủ.
Khoản 2: Những tài sản và xí nghiệp của người Pháp ở Việt Nam sẽ không phải chịu một chế độ khe khắt hơn chế độ dành cho tài sản và xí nghiệp của người Việt Nam, nhất là về phương diện thuế khoá và luật lao động. Đổi lại, những tài sản và xý nghiệp của kiều dân Việt Nam tại các xứ trong khối Liên hiệp Pháp cũng sẽ được hưởng sự ngang hàng về chế độ như thế. Chế độ tài sản và xí nghiệp Pháp hiện có ở Việt Nam chỉ có thể thay đổi do sự thoả thuận chung giữa nước Cộng hoà Pháp và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tất cả những tài sản của Pháp đã bị Chính phủ Việt Nam trưng dụng hoặc những tài sản mà tư nhân hoặc xí nghiệp Pháp bị nhà chức trách Việt Nam tước, sẽ trả lại cho chủ nhân hay những người có quyền hưởng thụ. Sẽ cử ra một Uỷ ban Việt - Pháp để định ra cách thức hoàn lại.
Khoản 3: Để nối lại ngay từ giờ những mối liên lạc về văn hoá mà cả nước Pháp và nước Việt Nam đều muốn phát triển, những trường học Pháp các cấp sẽ được tự do mở trên đất Việt Nam. Những trường ấy sẽ theo chương trình học chính thức của Pháp. Một bản thoả hiệp riêng sẽ định rõ những trụ sở nào sẽ dành cho những trường học ấy dùng. Những trường ấy sẽ mở rộng cho cả học sinh Việt Nam.
Những kiều dân Pháp sẽ được tự do nghiên cứu khoa học và mở những viện khoa học trên đất Việt Nam.
Những kiều dân Việt Nam cũng được hưởng đặc quyền ấy ở Pháp. Tài sản và địa vị pháp luật của Viện Paxtơ (Pasteur) sẽ được khôi phục. Một Uỷ ban Việt - Pháp sẽ định điều kiện cho Trường Viễn Đông bác cổ hoạt động trở lại.
Khoản 4: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ dùng đến người Pháp trước nhất mỗi khi cần người cố vấn hoặc chuyên môn. Chỉ khi nào nước Pháp không cung cấp được nhân viên mà Chính phủ Việt Nam cần đến thì đặc quyền trên đây của Pháp mới thôi thi hành.
Khoản 5: Ngay sau khi giải quyết vấn đề điều hoà tiền tệ hiện thời, sẽ chỉ có một thứ tiền duy nhất tiêu dùng trong những xứ thuộc quyền Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và những xứ khác ở Đông Dương. Tiền ấy là đồng bạc Đông Dương hiện nay do Nhà Ngân hàng Đông Dương phát hành, trong khi đợi một viện phát hành tiền tệ. Một uỷ ban gồm có đại biểu tất cả các nước hộ viên của Liên bang Đông Dương sẽ nghiên cứu chế độ pháp lý của viện phát hành ấy. Uỷ ban ấy lại có nhiệm vụ dung hợp tiền tệ và hối đoái đồng bạc Đông Dương thuộc về khối đồng Phrăng (Franc).
Khoản 6: Nước Việt Nam cùng với các nước trong Liên bang Đông Dương họp thành một quan thuế đồng minh. Vì vậy sẽ không có hàng rào quan thuế nào trong nội địa Liên bang và thuế nhập cảng cùng xuất cảng ở mọi chỗ thuộc địa phận Đông Dương sẽ đánh đều nhau. Một uỷ ban dung hợp quan thuế và ngoại thương sẽ nghiên cứu những phương sách thi hành cần thiết và sắp đặt việc tổ chức quan thuế Đông Dương; uỷ ban này có thể là uỷ ban dung hợp tiền tệ, và hối đoái nói trên.
Khoản 7: Một uỷ ban Việt - Pháp để điều hoà giao thông sẽ nghiên cứu những phương sách tái lập và cải thiện các đường giao thông giữa Việt Nam và các nước khác trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp: đường vận tải bộ, thuỷ và hàng không, sự liên lạc bưu điện, điện thoại, điện tín và vô tuyến điện.
Khoản 8: Trong khi chờ đợi Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ Dân chủ Cộng hoà Việt Nam ký kết một bản hiệp định dứt khoát giải quyết vấn đề ngoại giao của nước Việt Nam với ngoại quốc, một uỷ ban chung Việt - Pháp sẽ ấn định việc đặt lãnh sự Việt Nam tại các nước lân bang và sự giao thiệp giữa nước Việt Nam với các lãnh sự ngoại quốc.
Khoản 9: Vì muốn lập ngay ở Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ một nền trật tự cần thiết cho các quyền tự do, dân chủ được tự do phát triển, cho thương mại được phục hồi, vì hiểu rằng sự đình chỉ những hành động xung đột và vũ lực của cả hai bên sẽ có ảnh hưởng tốt cho những việc nói trên, Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cùng ấn định những phương sách sau đây:
a) Hai bên sẽ đình chỉ hết mọi hành động xung đột và vũ lực.
b) Những hiệp định của hai Bộ tham mưu Pháp và Việt Nam sẽ định rõ điều kiện thi hành và kiểm soát những phương sách do hai bên cùng ấn định.
c) Định rõ ràng những tù nhân hiện bị giam giữ vì lý do chính trị sẽ được phóng thích, trừ những người bị truy tố về những thường tội đại hình và tiểu hình. Những tù nhân bị bắt trong các cuộcc hành binh cũng vậy. Nước Việt Nam bảo đảm sẽ không truy tố và sẽ không tha thứ một hành động vũ lực nào đối với những người trung thành với nước Pháp. Đổi lại, Chính phủ Pháp bảo đảm sẽ không truy tố và sẽ không tha thứ một hành động vũ lực nào đối với những người trung thành với nước Việt Nam.
d) Sự hưởng thụ những quyền tự do dân chủ đã định trong khoản thứ nhất sẽ được hai bên bảo đảm lẫn cho nhau.
đ) Hai bên sẽ đình chỉ những sự tuyên truyền đối với nhau không được thân thiện.
e) Chính phủ Pháp và Chính phủ Dân chủ Cộng hoà Việt Nam sẽ hợp tác để những kiều dân các nước trước kia là thù địch không thể làm hại được nữa.
g) Một nhân vật do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ định và được Chính phủ Pháp công nhận, sẽ được uỷ nhiệm bên vị thượng sứ để xếp đặt sự cộng tác cần thiết cho việc thi hành những điều thoả thuận này.
Khoản 10: Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cùng tìm cách ký kết Những bản thoả thuận riêng về bất cứ vấn đề nào có thể thắt chặt dây liên lạc thân thiện và dọn đường cho một hiệp ước chung dứt khoát. Theo mục đích ấy các cuộcc đàm phán sẽ tiếp tục càng sớm càng hay và chậm nhất là vào tháng 1 năm 1947.
Khoản 11: Bản thoả hiệp này ký làm hai bản. Tất cả các khoản sẽ bắt đầu thi hành từ 30 tháng 10 năm 1946.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà
HỒ CHÍ MINH
Thay mặt Chính phủ Cộng hòa Pháp
MARIUS MOUTET

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".