Bước tới nội dung

Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 101

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ MỘT TRĂM LINH MỘT

Ra Lũng-thượng, Gia-cát giả làm thần
Vào Kiếm-các, Trương Cáp bị mắc mẹo

Khổng Minh dùng phép giảm quân thêm bếp, rút về đến Hán-trung; Tư-mã Ý sợ có mai phục, không dám đuổi theo, và cũng thu quân về Tràng-an. Do đó, quân Thục không thiệt một người nào. Khổng Minh khao quân đâu đấy, vào Thành-đô, ra mắt Hậu chủ, tâu rằng:

- Lão thần ra Kỳ-sơn, sắp sửa lấy Tràng-an, bệ hạ giáng chiếu đòi về, không biết có việc gì to lớn làm vậy?

Hậu chủ ngồi ngẩn ra; hồi lâu mới nói rằng:

- Trẫm lâu không trông thấy thừa tướng, trong bụng mong nhớ lắm, cho nên triệu về, chớ có việc gì đâu!

Khổng Minh nói:

- Việc này không phải tự ý bệ hạ, tất có gian thần gièm pha, nói tôi có bụng nào đây.

Hậu chủ nín lặng.

Khổng Minh nói:

- Lão thần chịu ơn sâu của tiên đế, thề chết để báo đền. Nay nếu bên trong có gian thần, thì lão thần còn đánh sao được giặc nữa?

Hậu chủ nói:

- Trẫm vì một lúc quá nghe lời hoạn quan, triệu thừa tướng về. Nay hối lại thì không kịp mất rồi.

Khổng Minh liền đòi hết các hoạn quan ra tra hỏi, bấy giờ mới biết là tên Cẩu An phao tin; vội cho đi bắt thì hắn đã trốn sang Ngụy rồi. Bèn sai chém tên hoạn quan tâu bậy, đuổi hết các tên khác ra khỏi cung. Lại quở mắng bọn Tưởng Uyển, Phí Vĩ, không biết xem xét kẻ gian tà, khuyên răn thiên tử. Hai người dạ, dạ, chịu tội.

Khổng Minh lạy từ hậu chủ, lại ra Hán-trung. Một mặt, đưa hịch sai Lý Nghiêm cung cấp lương thảo, vận tải đến nơi đóng quân. Một mặt bàn việc cất quân đi.

Dương Nghi nói:

- Trước kia, mấy lần ta cất quân đi luôn một mạch sức lực mỏi mệt, mà lương cũng không tiếp kịp. Nay nên chia quân làm hai toán, mỗi toán đi trong hạn ba tháng. Ví dụ, hai chục vạn quân, thì chỉ đem một chục vạn ra Kỳ-sơn, đóng giữ ba tháng, rồi cho một chục vạn khác ra thay; luân phiên như thế thì sức lực không mỏi; ta sẽ từ từ mà tiến, mới có thể đồ được trung-nguyên.

Khổng Minh nói:

- Ngươi nói hợp ý ta lắm; ta đánh trung nguyên không phải kể ngày mà xong được việc, chính nên dùng kế lâu dài ấy.

Bèn truyền lệnh chia quân làm hai cánh, hẹn một trăm ngày làm một kỳ, lần lượt thay đổi cho nhau. Nếu ai sai hẹn thì chiếu quân pháp trị tội.

Năm Kiến-hưng thứ chín, mùa xuân tháng hai, Khổng Minh lại dẫn quân ra đánh Ngụy[1]. Bấy giờ là năm Ngụy Thái-hòa thứ năm.

Ngụy chủ Tào Tuấn nghe tin Khổng Minh lại đánh trung nguyên, kíp vời Tư-mã Ý vào thương nghị.

Ý tâu rằng:

- Nay Tào Tử-đan đã mất rồi, tôi xin đem hết sức mình ra tiễu trừ cướp giặc, để báo ơn bệ hạ.

Tuấn mừng lắm, mở tiệc yến thết đãi. Hôm sau, có tin quân Thục đến gấp. Tuấn sai Tư-mã Ý cất quân đi, và bày đồ loan giá, thân tiễn ra ngoài thành. Ý từ Ngụy chủ, tới thẳng Tràng-an, hội hết quân mã các đạo lại thương nghị việc phá Thục.

Trương Cáp nói:

- Tôi xin dẫn một đạo quân ra giữ ở Ung, My, để cự quân Thục.

Ý nói:

- Tiền quân ta không đương nổi được quân của Khổng Minh nhiều; nếu lại chia làm trước sau hai ngả, thì không phải là kế hay. Không bằng lưu một số quân ở lại giữ Thượng-nhai, còn bao nhiêu đem ra cả Kỳ-sơn. Ông có chịu làm tiên phong không?

Cáp mừng lắm, nói:

- Tôi vốn sẵn lòng trung nghĩa, tận tâm báo nước, chỉ tiếc vì chưa ai biết đến. Nay đô đốc đã ủy thác việc lớn cho tôi, dù muôn chết tôi cũng không ngại.

Tư-mã Ý mới sai Trương Cáp làm tiên phong, cho tổng đốc cả đại quân. Lại sai Quách Hoài giữ các quận Lũng-tây; còn các tướng chia đường tiến đi.

Có tiễu mã về báo rằng:

- Khổng Minh dẫn đại quân ra Kỳ-sơn; tiền bộ tiên phong là Vương Bình, Trương Ngực đi lối Trần-sương, qua núi Kiếm-các từ Tản-quan nhằm hang Tà-cốc kéo đến.

Tư-mã Ý bảo Trương Cáp rằng:

- Nay Khổng Minh rầm rộ kéo quân đi tất phải gặt lúa ở Lũng-tây, để làm lương thực. Ngươi nên dựng trại giữ Kỳ-sơn; ta với Quách Hoài tuần phòng các quận Thiên-thủy phòng quân giặc đến gặt lúa.

Trương Cáp vâng lời, dẫn bốn vạn quân giữ Kỳ-sơn. Còn Tư-mã Ý kéo đại quân ra Lũng-tây.

Nói về Khổng Minh đem quân đến Kỳ-sơn, an doanh đâu đấy, thấy ở bến sông Vị có quân Ngụy coi giữ, bèn bảo các tướng rằng:

- Tư-mã Ý đã giữ ở đây rồi. Hiện nay, trong trại ta thiếu lương, hai ba lần sai người giục Lý Nghiêm vận đến mà không thấy. Ta đoán lúa ở Lũng-thượng đã chín, nên bí mật dẫn quân đến gặt về.

Bèn lưu Vương Bình, Trương Ngực, Ngô Ban, Ngô Ý bốn tướng ở lại giữ Kỳ-sơn. Khổng Minh dẫn Ngụy Diên, Khương Duy và các tướng đến quận Lỗ-thành. Quan thái thú quận này vốn biết tiếng Khổng Minh, vội vàng mở cửa ra hàng.

Khổng Minh an úy một hồi, rồi hỏi rằng:

- Lúc này, có xứ nào lúa chín không?

Thái thú thưa rằng:

- Lúa chiêm ở Lũng-thượng nay đã chín.

Khổng Minh lưu Trương Dực, Mã Trung ở lại giữ Lỗ-thành, còn mình dẫn các tướng đến Lũng-thượng.

Tiền quân về báo rằng:

- Tư-mã Ý đã đóng quân ở đấy rồi.

Khổng Minh thất kinh, nói:

- Người này cũng biết ta lại đây gặt lúa ư?

Lập tức tắm gội, thay áo, rồi sai đem ra ba cỗ xe bốn bánh, trang sức giống y như nhau; xe này chế sẵn ở Thục mang đi. Khi ấy, Khổng Minh sai Khương Duy dẫn một nghìn quân hộ xe, năm trăm quân đánh trống, phục sẵn mé sau Thượng-nhai. Sai Mã Đại, Ngụy Diên, mỗi người dẫn một nghìn quân hộ xe, năm trăm quân đánh trống, phục sẵn hai mặt tả hữu. Mỗi mặt có một cái xe, dùng hai mươi bốn người, mặc áo thâm, đi chân không xõa tóc, chống gươm, tay cầm cờ phướn thất tinh đen, xúm quanh đẩy xe.

Ba tướng lĩnh mẹo, dẫn quân đẩy xe đi.

Khổng Minh sai ba vạn quân mang sẵn liềm hái, thừng chạc, chực rình gặt lúa; lại sai hai mươi bốn tên quân tinh tráng, đều mặc áo thâm, xõa tóc đi chân không, cầm gươm đẩy một cỗ xe bốn bánh; sai Quan Hưng ăn mặc đóng vai thiên bồng, tay cầm ngọn phướn thâm, vẽ thất tinh, đi trước xe. Khổng Minh ngồi chĩnh chện trên xe, nhằm trại Ngụy kéo đến.

Quân đi tiễu trông thấy cả kinh, không biết người, hay là quỷ, vội vã về báo với Tư-mã Ý.

Ý ra trại nhìn xem, thấy Khổng Minh đội mũ trâm hoa, mặc áo cánh hạc, tay cầm quạt lông, ngồi trên xe bốn bánh. Tả hữu có hai mươi bốn người đầu tóc rũ rợi, tay cầm thanh kiếm. Trước mặt có một người mang phướn thâm, hình như thần tướng trên trời.

Ý nói:

- Đây là Khổng Minh bày trò quỷ quái đây!

Bèn gọi hai nghìn quân mã đến, dặn rằng:

- Chúng mày chạy cho mau, bắt cho kỳ hết lại đây.

Quân Ngụy vâng lệnh, ra đuổi theo. Khổng Minh thấy quân Ngụy kéo đến, sai quay xe thong thả đi về trại Thục. Quân Ngụy quất ngựa cố sức đuổi, chỉ thấy gió lạnh gai gai, mây đen mờ mịt, đuổi hàng thôi đường mà vẫn không kịp.

Quân Ngụy lấy làm lạ, dừng ngựa lại bảo nhau rằng:

- Quái lạ thay! Chúng ta đuổi miết một hồi, tới ba chục dặm đường mà vẫn thấy lù lù ở trước mặt, không sao kịp, chẳng biết duyên cớ làm sao?

Khổng Minh thấy quân Ngụy không đuổi nữa, sai quay xe ngảnh mặt về phía giặc mà nghỉ ngơi. Quân Ngụy ngần ngừ một hồi lâu, rồi lại quất ngựa đuổi theo. Khổng Minh sai quay xe, lững thững kéo đi. Quân Ngụy đuổi hai mươi dặm nữa, vẫn thấy ở trước mặt mà đuổi không kịp. Tên nào tên nấy đứng đờ mặt ra nhìn nhau. Khổng Minh sai quay xe ngảnh về phía giặc, rồi cho đẩy giật lùi. Quân Ngụy toan đuổi theo nữa. Sực có Tư-mã Ý đến truyền lệnh rằng:

- Khổng Minh dùng thuật bát môn độn giáp; sai khiến được thần lục đinh lục giáp; đây là thuật rút đất ở trong sách Lục giáp thiên thư đó. Quân sĩ không nên đuổi nữa.

Quân Ngụy vừa quay ngựa trở về, bỗng nghe thấy, ở mé tả trống trận nổi vang, một toán quân đổ ra. Ý kíp sai quân chống cự, thì thấy trong đội quân Thục, có hăm bốn người, xõa tóc đi chân không, áo đen phướn thâm, xúm xít đẩy một cỗ xe. Trên xe Khổng Minh mũ thâm, áo bạc ngồi chễm chệ, tay cầm quạt lông phe phẩy.

Ý thất kinh, nói:

- Vừa mới đằng kia có Khổng Minh ngồi xe, đuổi năm chục dặm không kịp; sao ở đây lại có Khổng Minh? Lạ quá! Lạ quá!

Nói chưa dứt lời, ở mé hữu lại thấy trống đánh om sòm, một toán quân xô đến; trong bọn này cũng có Khổng Minh ngồi xe bốn bánh, tả hữu hai mươi bốn người đi hộ vệ, y như đám trước.

Ý ngờ vực lắm, quay lại bảo các tướng rằng:

- Đây chắc là thần binh rồi.

Quân Ngụy bấy giờ đã xôn xao, không dám đánh nhau, tìm đường tháo chạy. Bỗng lại thấy trống đánh vang lừng, một đội quân kéo ra, cũng có Khổng Minh ngồi xe, hình dạng y như các đám trước. Quân Ngụy kinh hãi vô cùng. Tư-mã Ý không biết là người hay quỷ, và quân Thục nhiều ít thế nào, sợ hết hồn hết vía, dẫn quân chạy miết về Thượng-nhai, đóng chặt cửa thành, không dám ra nữa. Bấy giờ Khổng Minh mới sai ba vạn quân cắt hết lúa mạch ở Lũng-thượng, vận về Lỗ-thành, đập thóc ra phơi.

Tư-mã Ý ở trong thành Thượng-nhai, ba ngày không dám ra ngoài. Về sau thấy quân Thục rút hết, mới dám sai quân đi tuần tiễu. Quân tiễu bắt được quân Thục ở dọc đường đem về nộp Tư-mã Ý.

Ý hỏi thì tên lính ấy bẩm rằng:

- Tôi là người đi cắt lúa, vì mất ngựa phải tụt lại sau, nên bị bắt.

Ý hỏi:

- Mấy toán quân đó là thần binh nào?

Tên ấy thưa:

- Quân phục ba mặt đều không phải là Khổng Minh, đó là Khương Duy, Mã Đại, Ngụy Diên đấy thôi. Mỗi mặt chỉ có một nghìn quân hộ xe, và năm trăm quân đánh trống. Duy có một đám trước ra dụ trận mới thực là Khổng Minh.

Ý ngửa mặt lên trời than rằng:

- Khổng Minh thực có tài thần xuất quỷ một!

Chợt phó đô đốc Quách Hoài đến ra mắt. Ý tiếp vào. Hoài nói:

- Tôi nghe quân Thục gặt lúa ở Lỗ-thành không có mấy nỗi, nên đánh ngay đi.

Ý thuật rõ việc trước.

Hoài cười, nói:

- Mẹo ấy chỉ đánh lừa được một lúc; nay ta đã biết rõ rồi, còn sợ gì nữa. Tôi dẫn quân đến đánh mé sau, ông đem quân đến đánh mé trước, có thể phá được Lỗ-thành, bắt được Khổng Minh.

Ý nghe lời, chia quân làm hai mặt kéo đi.

Khổng Minh ở Lỗ-thành, đang sai quân sĩ đập lúa phơi phóng, bỗng gọi các tướng ra truyền lệnh rằng:

- Đêm nay, quân giặc tất đến đánh thành, ta coi trong các ruộng lúa ở mé đông tây ngoài thành này, có thể phục quân được; ai dám đi ra mai phục không?

Khương Duy, Ngụy Diên, Mã Đại, Mã Trung cùng xin đi. Khổng Minh mừng lắm, sai Khương Duy, Ngụy Diên mỗi người dẫn hai nghìn quân phục ở hai góc đông nam, và tây bắc; sai Mã Đại, Mã Trung mỗi người dẫn hai nghìn quân phục ở hai góc tây nam và đông bắc. Hễ nghe thấy tiếng pháo nổ, bốn góc đổ vào mà đánh.

Bốn tướng lĩnh kế dẫn quân đi. Khổng Minh đem hơn trăm người mang hỏa pháo ra thành, phục sẵn trong ruộng lúa, đợi quân giặc đến.

Lại nói Tư-mã Ý dẫn quân đến Lỗ-thành, bấy giờ trời đã xâm xẩm tối. Ý bảo các tướng rằng:

- Nếu ban ngày tiến binh, trong thành tất có phòng bị, nay nhân lúc đêm tối nên đánh ngay đi. Thành này tường thấp hào nông, chắc là phá dễ.

Nói đoạn, đóng quân ở ngoài thành. Sang canh một. Quách Hoài cũng đến nơi. Đôi bên hợp binh làm một, nổi hiệu trống, quân sĩ dàn ra vây kín cả bốn mặt. Trên thành, tên đạn bắn xuống như mưa, quân Ngụy không dám đến gần. Bỗng nhiên, thấy pháo nổ liên thanh, quân sĩ kinh hãi, không biết quân ở đâu kéo lại. Hoài sai người ra lục soát trong ruộng lúa, thì đã thấy lửa sáng rực trời, tiếng reo như sấm, quân Thục bốn mặt đổ tới. Quân trong thành cũng mở tung cả cửa ra đánh; trong ngoài đánh dồn một trận quân Ngụy tan nát, chết hại không biết bao nhiêu mà kể.

Tư-mã Ý dẫn đại binh cố chết đánh ra khỏi trùng vây, chiếm giữ một nơi đầu núi; Quách Hoài cũng dẫn đại binh chạy về sau núi cắm trại.

Khổng Minh vào thành, sai bốn tướng đóng giữ bốn góc.

Quách Hoài nói với Tư-mã Ý rằng:

- Nay giữ nhau với quân Thục đã lâu, không có mẹo nào đánh lui được; lại bị thua một trận, thiệt hơn ba nghìn người, nếu không toan liệu sớm đi, về sau khó lòng mà đuổi được nữa.

Ý nói:

- Bây giờ nên nghĩ thế nào?

Hoài nói:

- Nên đưa hịch ra lấy quân mã ở Ung Lương, gộp sức mà đánh. Tôi xin dẫn quân đến úp cửa Kiếm-các, chặn mất lối về, khiến cho quân giặc nghẽn đường vận lương, bụng quân rối loạn; bấy giờ sẽ thừa cơ mà đánh, may ra trừ diệt được giặc.

Ý nghe lời, liền tống hịch ra Ung Lương lấy quân mã. Không mấy bữa, đại tướng Tôn Lễ dẫn quân mã các quận Ung Lương đến. Ý liền sai Tôn Lễ hẹn nhau với Quách Hoài đi úp cửa Kiếm-các.

Khổng Minh ở Lỗ-thành lâu ngày, không thấy quân Ngụy ra đánh, mới gọi Mã Đại, Khương Duy vào truyền rằng:

- Nay quân Ngụy giữ chặn đường hẻm trong núi, không ra đánh nhau; một là đoán ta cạn lương, hai là sai quân đến úp Kiếm-các, chẹn đường tải lương của ta. Hai người, mỗi người dẫn một vạn quân đi trước giữ vững các nơi hiểm yếu. Quân Ngụy thấy ta phòng bị rồi, tất phải rút về.

Hai người dẫn quân đi.

Trưởng sử Dương Nghi vào trướng bẩm rằng:

- Thừa tướng đã hẹn cho quân sĩ cứ trăm ngày thay đổi một kỳ. Nay mãn hạn rồi, quân Hán-trung đã ra khỏi cửa Xuyên, công văn đã đưa đến, chỉ còn đợi hội quân để thay đổi thôi. Hiện ở đây có tám vạn quân, trong đó có bốn vạn được đổi về.

Khổng Minh nói:

- Đã có lệnh như thế, nên cho chúng về sớm.

Quân sĩ nghe tin, ai nấy nhặt nhạnh thu xếp, sắp sửa lên đường.

Sực có tin báo Tôn Lễ dẫn hai mươi vạn binh mã ở Ung Lương đến đánh giúp, đã úp lấy cửa Kiếm-các rồi, Tư-mã Ý đang dẫn quân tiến công Lỗ-thành.

Quân Thục kinh hãi, nhớn nhác cả lên.

Dương Nghi vào bẩm rằng:

- Quân Ngụy đột nhiên đến đây, thừa tướng nên hãy bắt quân cũ ở lại, đợi quân mới đến thay sẽ cho về.

Khổng Minh nói:

- Không nên thế! Ta dùng binh sai tướng, cốt lấy điều tin làm gốc. Nay đã hạ lệnh như thế, lẽ nào lại để thất tín? Vả lại, ai được về cũng đã sắm sửa cả rồi, cha mẹ vợ con ở nhà đang tựa cửa chờ mong. Dù gặp tai nạn lớn cũng không thể lưu họ ở lại được.

Lập tức truyền cho quân sĩ được đổi, ra về ngay hôm ấy.

Quân sĩ nghe thấy thừa tướng xử tử tế như vậy, cùng reo lên rằng:

- Thừa tướng thương đến chúng tôi, chúng tôi hãy khoan chưa về vội, xin liều mạng giết sạch quân Ngụy, để báo ơn ấy.

Khổng Minh nói:

- Chúng mày được về, còn ở lại đây làm gì?

Quân sĩ đều muốn ra đánh, không muốn về vội.

Khổng Minh nói:

- Chúng mày đã muốn giúp đỡ ta, thì nên ra ngoài thành hạ trại. Đợi quân Ngụy đến, không cho nó kịp thở, đánh dấn ngay đi; đó là cách dĩ dật đãi lao đấy.

Quân sĩ lĩnh mệnh, cầm binh khí hớn hở ra thành, dàn trận sẵn để đợi quân Ngụy.

Nói về quân mã Tây-lương vừa đi vừa chạy, rút đường kéo đến, người ngựa mệt nhoài cả, định hạ trại nghỉ ngơi, bị quân Thục ào ạt kéo đến, ra sức đánh một trận, giết quân Ung Lương thây nằm khắp ruộng, máu chảy thành sông.

Khổng Minh thu quân đắc thắng vào thành, khen thưởng và úy lạo một hồi. Sực có Lý Nghiêm ở Vĩnh-an đưa thư cáo cấp đến. Khổng Minh giật mình, mở ra xem, trong thư viết rằng:

"Gần đây, nghe Đông Ngô sai người vào Lạc-dương, liên hòa với Ngụy. Ngụy sai Ngô sang đánh Thục. Nhưng may Ngô chưa cất quân. Nghiêm này dò biết được tin ấy, xin thừa tướng liệu cho".

Khổng Minh xem xong, nghi hoặc lắm, bèn họp các tướng lại nói:

- Nếu Đông Ngô vào cướp Thục, thì ta phải về cho mau mới được.

Lập tức truyền cho quân mã trại Kỳ-sơn hãy rút cả về Tây Xuyên. Vương Bình, Trương Ngực, Ngô Ban, Ngô Ý liền chia quân làm hai đường từ từ kéo đi.

Trương Cáp thấy quân Thục lui về, sợ có mưu kế gì, không dám đuổi theo, bèn dẫn quân đến ra mắt Tư-mã Ý, nói rằng:

- Quân Thục rút lui, không biết ý tứ ra sao?

Ý nói:

- Khổng Minh quỷ kế rất nhiều, không nên khinh động. Ta cứ việc giữ cho vững, đợi họ hết lương, tự nhiên phải bỏ đi thôi.

Đại tướng Ngụy Bình nói rằng:

- Quân Thục nhổ cả trại Kỳ-sơn mà lui rồi, phải nên thừa thế đuổi theo. Cớ sao đô đốc đóng quân không dám động, sợ Thục như cọp, để thiên hạ chê cười cho à?

Ý khăng khăng không nghe.

Khổng Minh biết quân Kỳ-sơn về hết cả rồi, bèn gọi Dương Nghi, Mã Trung vào trướng, truyền bảo mật kế, sai dẫn một vạn tay cung nỏ đi mai phục trước ở hai bên đường Mộc-môn núi Kiếm-các; dặn nếu quân Ngụy đuổi theo, nghe tiếng pháo phải kíp lăn gỗ đá ra, chặn lối đi lại, rồi cho quân nhất tề bắn xuống. Hai người mang quân đi.

Lại gọi Quan Hưng, Ngụy Diên sai dẫn quân đi đoạn hậu. Bốn mặt thành vẫn cắm tinh kỳ, bên trong đốt mấy đống cỏ khói lửa um lên, còn đại quân kéo hết về đường Mộc-môn.

Quân Ngụy đi tiễu về báo với Tư-mã Ý rằng:

- Đại đội quân Thục rút cả rồi, nhưng không biết quân trong thành còn nhiều hay ít?

Ý đến tận nơi nhìn xem, thấy tinh kỳ vẫn cắm chỉnh tề, trong thành có khói lửa bốc lên, cười mà rằng:

- Đây tất là thành bỏ không thôi.

Sai người vào dò xem, quả nhiên chỉ trơ một cái thành không.

Ý mừng, nói:

- Khổng Minh chạy rồi, ai dám đuổi theo?

Trương Cáp xin đi.

Ý gàn lại, nói:

- Ông nóng tính quá, không nên đi.

Cáp nói:

- Đô đốc sai tôi làm tiên phong, nay chính là lúc lập công, sao lại không cho đi?

Ý nói:

- Quân Thục rút lui, phàm chỗ hiểm trở tất có mai phục, nên phải cẩn thận mười phần thì mới đuổi được.

Cáp nói:

- Lẽ ấy tôi đã hiểu rồi, bất tất phải lo.

Ý nói:

- Ông đã muốn đi, thì đừng có hối.

Cáp nói:

- Đại trượng phu bỏ mình báo nước, dù chết cũng không oán hận gì!

Ý nói:

- Có phải ông đã nhất định đi thì nên dẫn năm nghìn quân đi trước, Ngụy Bình dẫn hai vạn quân mã bộ đi sau, đề phòng mai phục; còn tôi dẫn ba nghìn quân đi sau nữa để tiếp ứng.

Trương Cáp vâng lệnh, dẫn quân hỏa tốc đuổi theo. Đi được ba mươi dặm, bỗng đâu sau lưng tiếng reo nổi dậy, rồi một toán quân trong rừng rậm đổ ra; tướng đi đầu cắp đao kìm ngựa quát to lên rằng:

- Tướng giặc dẫn quân đi đâu đó?

Cáp nhìn xem thì là Ngụy Diên, bèn nổi giận, quất ngựa lại đánh. Được mươi hợp, Diên giả thua chạy. Cáp lại đuổi hơn ba chục dặm nữa, kìm ngựa lại nhìn xung quanh, không thấy có phục binh, lại tế ngựa đuổi theo. Vừa qua khỏi sườn núi, lại có tiếng reo ầm ĩ, một toán quân xông ra; tướng đi đầu là Quan Hưng cắp đao kìm ngựa gọi to lên rằng:

- Trương Cáp chớ đuổi nữa! Có ta ở đây!

Cáp xông vào giao chiến. Được mươi hợp, Hưng quay ngựa chạy. Cáp ra sức đuổi theo; đến một khu rừng rậm, Cáp đâm nghi, cho người đi dò thám bốn mặt, tịnh không có quân phục nào, lại càng vững tâm đuổi riết. Chẳng dè Ngụy Diên lẻn đến trước mặt; Cáp lại đánh nhau hơn mười hợp nữa; Diên lại chạy. Cáp càng cố sức đuổi già. Quan Hưng lẻn đến trước mặt chặn đường. Cáp giận lắm, vỗ ngựa đón đánh. Được độ mươi hợp, quân Thục vứt cả áo giáp, đồ đạc đầy đường. Quân Ngụy xuống ngựa tranh nhau lấy của. Ngụy Diên, Quan Hưng, hai tướng thay đổi nhau chống cự. Trương Cáp vẫn hăng sức đuổi theo. Dần dần chiều tối, đuổi đến cửa đường Mộc-môn, Ngụy Diên quay ngựa lại quát to lên rằng:

- Bớ quân nghịch tặc Trương Cáp kia! Tao không muốn cự nhau với mày, sao mày lại cứ đuổi già mãi? Nay tao quyết sống mái với mày một trận!

Cáp giận lắm, tế ngựa xông vào đánh Ngụy Diên. Diên múa đao chống đỡ; chưa đầy mười hợp, Diên thua to, bỏ cả áo giáp, mũ và ngựa, dẫn bại quân chạy rẽ vào đường Mộc-môn. Trương Cáp càng hăng, lại thấy Ngụy Diên thua chạy, liền tế ngựa sấn theo. Bấy giờ, trời đã tối mịt, bỗng có tiếng pháo nổ vang, rồi lửa ở trên núi bốc sáng vằng vặc; đá, gỗ quẳng xuống ngổn ngang, chặn mất đường đi. Cáp thất kinh, kêu rằng:

- Ta mắc phải mẹo mất rồi!

Lập tức quay ngựa chạy về, té ra mé sau cũng bị đá, gỗ chặn lấp mất đường, ở giữa chỉ còn một khoảng đất trống, hai bên toàn vách núi. Cáp hết đường lui tới. Bỗng nghe một tiếng cồng, hai bên núi hàng vạn cung nỏ bắn ra, tên bay như châu chấu. Thương hại thay cho Trương Cáp và hơn trăm bộ tướng, cùng bị bắn chết ở trong đường Mộc-môn.

Có thơ khen Khổng Minh rằng:

Tên bay tua tủa tựa mưa rào.
Đường Mộc-môn kia bắn tướng Tào.
Qua lại ngắm nhìn sườn Kiếm-các.
Quân sư còn nức tiếng mưu cao.

Trương Cáp chết rồi, quân Ngụy theo sau đuổi đến, thấy lấp mất lối, biết rằng mắc phải mẹo, vội vàng quay ngựa rút lui. Sực nghe ở trên đỉnh núi có tiếng gọi to lên rằng:

- Gia-cát thừa tướng ở đây!

Chúng ngẩng mặt lên nhìn, thấy Khổng Minh đứng trong bóng lửa sáng, trỏ xuống bảo rằng:

- Ta hôm nay đi săn, định bắt một con ngựa, (trỏ Tư-mã Ý) lại tin nhầm phải con nai (trỏ Trương Cáp). Chúng mày cứ vững dạ đi về, bảo với Trọng Đạt rằng nay mai thế nào cũng bị ta tóm được.

Quân Ngụy về ra mắt Tư-mã Ý, thuật lại sự việc, Ý xót xa không biết ngần nào, ngửa mặt than rằng:

- Để cho Trương Tuấn-nghĩa chết đi, là lỗi tại ta!

Bèn thu quân về Lạc-dương.

Ngụy chủ nghe tin Trương Cáp chết, gạt nước mắt than thở hồi lâu, sai người tìm thây đem về hậu táng. Khổng Minh vào Hán-trung, định về Thành-đô ra mắt hậu chủ.

Lý Nghiêm tâu với hậu chủ rằng:

- Lương thảo đã chu biện tất cả, sắp tải ra cho thừa tướng; không hiểu tại sao thừa tướng lại rút quân về?

Hậu chủ thấy vậy, sai thượng thư Phí Vĩ vào Hán-trung hỏi Khổng Minh vì cớ gì mà mang quân về? Vĩ đến Hán-trung, truyền đạt ý của hậu chủ. Khổng Minh giật mình mà rằng:

- Lý Nghiêm viết thư cáo cấp nói Đông Ngô sắp cất quân vào cướp Xuyên, vì thế phải về.

Vĩ nói:

- Lý Nghiêm tâu với thiên tử rằng quân lương đã biện xong, không biết thừa tướng vì cớ gì mà rút quân về. Bởi thế, thiên tử sai tôi ra hỏi xem sao.

Khổng Minh giận lắm, sai người dò xét, té ra Lý Nghiêm vì chưa biện kịp quân lương, sợ thừa tướng bắt tội, cho nên đưa thư ra nói thác việc Đông Ngô để Khổng Minh rút quân về. Rồi lại tâu man với thiên tử, để che đậy tội lỗi của mình.

Khổng Minh giận lắm, nói:

- Đồ thất phu, vì việc riêng mình, mà dám làm lỡ cả việc lớn nhà nước!

Bèn sai người đòi Lý Nghiêm đến toan chém.

Phí Vĩ can rằng:

- Thừa tướng nên nghĩ cái tình tiên đế thác cô cho hắn, tạm hãy khoan thứ một phen.

Khổng Minh nghe theo.

Phí Vĩ lập tức tả biểu tâu với hậu chủ. Hậu chủ xem biểu đùng đùng nổi giận, quát võ sĩ lôi Lý Nghiêm ra chém.

Tham quân Tưởng Uyển tâu rằng:

- Lý Nghiêm là người của tiên đế thác cô khi xưa, xin bệ hạ hãy khoan thứ cho hắn lần này.

Hậu chủ nghe lời không chém, nhưng cách chức xuống làm thứ dân, đày Nghiêm ra quận Tử-đồng.

Khổng Minh vào Thành-đô, dùng con Lý Nghiêm là Lý Phong làm trưởng sử, rồi chuẩn bị lương thảo, giảng tập chiến trận, sắm sửa khí giới, chăm nom đến tướng sĩ, đợi ba năm nữa, sẽ lại xuất chinh. Quân dân trong hai Xuyên, ai nấy đều được đội ơn đức.

Ngày tháng thoi đưa, thấm thoắt đã được ba năm. Bấy giờ là năm Kiến-hưng thứ 12 mùa xuân tháng hai. Khổng Minh vào chầu tâu rằng:

- Tôi chăm nom quân sĩ, đã được ba năm; lương thảo dư dật, khí giới chỉnh tề, quân mã hùng tráng, nên sang đánh Ngụy. Phen này nếu không quét sạch bọn gian đảng, đem lại trung-nguyên, thề rằng không trông thấy bệ hạ nữa!

Hậu chủ nói:

- Nay thiên hạ đã thành thế chân vạc; Ngô, Ngụy, không quấy nhiễu nước ta, tướng phụ sao không ngồi yên mà hưởng thái bình?

Khổng Minh nói:

- Tôi chịu ơn tri ngộ của tiên đế, ngay trong lúc mơ màng cũng không quên nghĩ đến mẹo đánh Ngụy; nay xin hết sức tận tâm, đem lại trung nguyên cho bệ hạ, để nhà Hán lại nổi lên, đó là lòng mong muốn của tôi.

Khổng Minh nói chưa dứt lời, một người bước ra nói rằng:

- Thừa tướng không nên cất quân đi nữa.

Chúng nhìn xem ai thì là Tiêu Chu.

Đó là:

Võ hầu hết sức lo vì nước,
Thái sử xem cơ luận việc trời.

Chưa biết Tiêu Chu bàn bạc ra sao, xem hồi sau phân giải.

  1. Khổng Minh ra Kỳ-sơn lần thứ năm.