Bước tới nội dung

Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 104

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ MỘT TRĂM LINH TƯ

Rơi sao lớn, thừa tướng qua đời
Trông tượng gỗ, đô đốc mất vía

Khương Duy thấy Ngụy Diên làm tắt mất ngọn chủ đăng, bừng bừng nổi giận, rút gươm toan chém Ngụy Diên, Khổng Minh ngăn lại bảo rằng:

- Đó là số ta đến ngày hết, không phải lỗi tại Văn-tràng.

Duy mới cài gươm vào vỏ, không giết nữa. Khổng Minh lại thổ ra vài bát huyết, nằm phục trên giường, bảo Ngụy Diên rằng:

- Đây là Tư-mã Ý đoán ta bị bệnh, cho nên sai người đi dò thực hư đó thôi. Ngươi hãy đem quân ra đánh đuổi chúng nó đi.

Diên lĩnh mệnh, ra trướng lên ngựa, kéo quân đi. Hạ-hầu Bá trông thấy Ngụy Diên, vội vàng rút quân về. Diên đuổi theo hơn hai chục dặm mới thôi.

Khổng Minh cho Ngụy Diên về trại riêng canh giữ.

Khương Duy vào trướng, đến trước giường nằm thăm hỏi.

Khổng Minh nói:

- Ta cốt muốn hết lòng kiệt sức đem lại trung-nguyên, gây dựng lại cơ đồ nhà Hán. Nhưng xem ý trời như thế, thì mệnh ta chỉ còn sớm tối mà thôi. Ta bình nhật học được bao nhiêu, đã chép ra một quyển sách, cả thảy có 24 thiên, 104.112 chữ. Trong sách có phép bát vụ, thất giới, lục khủng, ngũ cụ. Ta xem trong các tướng, không có ai đáng dạy, chỉ có ngươi xứng đáng truyền lại sách của ta, ngươi chớ coi làm thường!

Khương Duy khóc lạy, chịu mệnh.

Khổng Minh lại dặn rằng:

- Ta có một phép bắn nỏ liền tên, chưa khi nào dùng đến. Theo phép ấy, mỗi mũi tên dài tám tấc, một nỏ bắn mười mũi tên luôn một lúc. Ta đã vẽ thành kiểu, ngươi nên y phép chế tạo ra mà dùng.

Khương Duy vâng mệnh.

Lại dặn rằng:

- Các đường trong Thục không phải lo lắm; chỉ có đường núi Âm-bình, cần phải cẩn thận. Núi ấy tuy hiểm trở, nhưng về sau tất hỏng tự đó.

Lại gọi Mã Đại vào trướng, ghé tai nói nhỏ, trao cho mật kế, dặn rằng:

- Sau khi ta mất rồi, cứ y kế mà làm!

Mã Đại lĩnh mẹo đi ra.

Một lát, Dương Nghi vào, Khổng Minh gọi đến trước giường trao cho một cái túi gấm, dặn rằng.

- Ta mất rồi, Ngụy Diên tất làm phản. Khi nào lâm đến trận, mới được mở túi này. Bấy giờ khắc có mẹo chém được Ngụy Diên.

Khổng Minh dặn dò đâu đấy, mắt hoa lên, lại ngã xuống giường, đến chiều mới tỉnh. Liền đêm hôm ấy dâng biểu về tâu với hậu chủ.

Hậu chủ nghe tin giật mình, kíp sai thượng thư Lý Phúc khuya sớm đến đại doanh vấn an và hỏi chuyện mai sau.

Lý Phúc phụng mệnh lên đường, kíp đến gò Ngũ-trượng, vào ra mắt Khổng Minh truyền mệnh hậu chủ hỏi thăm.

Khổng Minh ứa nước mắt, nói:

- Ta chẳng may nửa đường mất đi, bỏ lỡ việc to nhà nước, thực là đắc tội với thiên hạ. Các ông nên hết lòng thờ chúa; phép cũ nhà nước chớ nên thay đổi. Những người của ta dùng, cũng chớ nên khinh thường bỏ ai. Binh pháp của ta đã trao cho Khương Duy rồi, hắn tất nối được chí ta, ra sức giúp việc nước. Mệnh ta chưa biết sớm tối lúc nào, sẽ có di biểu tâu với thiên tử đây.

Lý Phúc lĩnh ý, lật đật từ về. Khổng Minh gượng bệnh, sai tả hữu vực lên chiếc xe nhỏ ra trại, đi xem các dinh, gió thu thổi mặt, lạnh buốt đến xương, mới thở dài than rằng:

- Từ đây ta không còn được ra trận đánh giặc nữa! Trời xanh thăm thẳm, giận này biết bao giờ nguôi!

Khổng Minh than thở một hồi, rồi trở về trướng, nghe bệnh lại nặng thêm, mới gọi Dương Nghi vào dặn rằng:

- Mã Đại, Vương Bình, Liêu Hóa, Trương Dực, Trương Ngực đều là bầy tôi trung nghĩa, xông pha trận mạc đã nhiều, khó nhọc đã lắm, nên ủy dụng các người ấy. Sau khi ta chết, mọi việc phải tuân phép cũ mà làm nên. Từ từ rút quân về, chớ có hấp tấp. Ngươi cũng hiểu sâu mưu lược, không cần phải dặn nhiều. Khương Bá-ước có trí có dũng, nên cho đi đoạn hậu.

Dương Nghi khóc lạy, vâng mệnh.

Khổng Minh sai đem bút mực ra, tay viết tờ di biểu, dâng về hậu chủ.

Biểu rằng:

"Tôi nghe: sống chết có thường, khó bề tránh khỏi số mệnh đã định. Nay chết đến nơi rồi, xin giãi hết chút lòng ngu:

Tôi là Lượng, bẩm tính vụng về, gặp thời gian truân, chia ấn cầm cờ tiết, chuyên giữ quân hành. Cất quân sang đánh mặt bắc, chưa được thành công; không ngờ bệnh vào cốt tủy, mệnh treo sớm tối, không được trọn vẹn thờ bệ hạ, căm giận vô cùng!

Cúi xin bệ hạ phải thanh tâm ít dục, kiệm mình yên dân, tỏ đạo hiếu với tiên hoàng, gieo ân đức ra thiên hạ; cất nhắc người ẩn dật để tiến kẻ hiền lương; ruồng đuổi quân gian tà để cho hậu phong tục.

Nhà tôi có tám trăm gốc dâu, năm trăm mẫu ruộng, cơm áo con cháu tôi, tự khắc đủ dùng. Đến như tôi, nhiệm ở ngoài, cần dùng thức gì, đã có của công chu cấp, không phải tìm kiếm sinh kế khác. Tôi chết đi không để trong nhà có tấm lụa thừa, ngoài dinh có chút của riêng, để phụ lòng bệ hạ đâu!"

Khổng Minh viết xong bài biểu, dặn Dương Nghi rằng:

- Sau khi ta chết, không nên phát tang, nên làm một cái khám to, để thây ta ngồi trong khám, lấy bảy hạt gạo bỏ vào miệng, dưới chân đặt một ngọn đèn sáng. Trong quân cứ giữ vẻ yên ổn như thường, chớ có khóc lóc; như thế, ngôi tướng tinh không rơi xuống, âm hồn ta tự khắc cũng nhấc lên được. Tư-mã Ý thấy tướng tinh không sa, trong bụng còn hồ nghi. Quân ta rút về nên để trại sau rút trước, rồi lần lượt trại nọ đến trại kia, từ từ mà lui. Nếu Tư-mã Ý đuổi theo, ngươi nên dàn thành trận thế, quay cờ đánh trống trở lại, rồi đem bộ tượng gỗ của ta khi trước, đặt lên trên xe đẩy ra trước trận, sai tướng sĩ đứng dàn hai bên. Tư-mã Ý trông thấy, tất phải sợ mà chạy.

Dương Nghi nhất nhất vâng lời.

Đêm hôm ấy Khổng Minh sai người vực ra sân, ngẩng xem sao bắc đẩu, trỏ một ngôi sao bảo chúng rằng:

- Ngôi này là tướng tinh của ta đây!

Chúng nhìn lên xem, thấy ngôi sao ấy sáng lờ mờ, lung lay sắp rụng. Khổng Minh cầm thanh kiếm trỏ lên, mồm niệm chú mấy câu, rồi trở vào trong trướng. Vừa vào đến nơi thì ngất đi, không biết gì nữa.

Các tướng xôn xao. Sực có thượng thư Lý Phúc lại đến, thấy Khổng Minh đã thiếp rồi, không nói năng được nữa. Phúc khóc ầm lên, nói:

- Ta làm lỡ mất việc to nhà nước!

Một lát, Khổng Minh lại tỉnh, mở bừng mắt trông trước trông sau, thấy Lý Phúc đứng ở đầu giường.

Khổng Minh nói:

- Ta đã biết ý của ông trở lại đây rồi.

Phúc nói:

- Tôi phụng mệnh thiên tử, sai lại hỏi sau khi thừa tướng trăm tuổi, thì ai đương nổi được việc lớn? Vừa rồi, tôi vội vàng quá, quên mất không hỏi, nên trở lại đây.

Khổng Minh nói:

- Sau khi ta chết, có Tưởng Công-diệm đương nổi được việc to.

Phúc hỏi:

- Sau Công-diệm thì ai nối được?

Khổng Minh nói:

- Phí Văn-sĩ nên nối sau.

Phú hỏi:

- Sau Phí Văn-sĩ thì ai nối?

Khổng Minh không đáp nữa. Các tướng đến gần xem, thì đã mất rồi.

Bấy giờ là ngày 23 tháng tám, mùa thu, năm Kiến-hưng thứ 12 (công lịch: 236); thọ 54 tuổi.

Quan Đỗ Công-bộ có thơ than rằng:

Sao sa cửa trại lúc đêm thanh,
Nghe báo tiên sinh bỗng giật mình.
Trướng hổ vắng nghe truyền hiệu lệnh,
Đền lân luống để chữ công danh.
Còn trơ dưới trướng ba ngàn khách,
Uổng phí trong lòng mấy vạn binh.
Ngày vắng ngắm xem nơi bóng mát,
Lâu nay lặng ngắt giọng ca thanh.

Ông Bạch Lạc-thiên cũng có thơ than rằng:

Tiên sinh náu tiếng chốn sơn lâm,
Hiền chúa ân cần muốn tới thăm.
Cá đến Nam-dương rào nước quẫy,
Rồng bay Tây Thục đổ mưa rầm.
Xụt xùi giọt ngọc trao con đỏ,
Gắng gỏi lòng son trả nghĩa thâm.
Hai biểu xuất sư còn để lại,
Khiến người coi thấy lệ đầm đầm...

Khi trước quan hiệu úy ở Tràng-thủy là Liêu Lập, cậy mình có tài có tiếng, tự xưng là Khổng Minh thứ hai, vì chức vị nhỏ, mang lòng hờn oán, bỉ báng triều đình. Khổng Minh đuổi ra Vấn-sơn, giáng xuống làm thứ dân. Nay nghe tin Khổng Minh mất, Liêu Lập khóc, nói:

- Ta trọn đời làm người rợ mọi thôi!

Lý Nghiêm trước bị Khổng Minh cách chức nay nghe tin Khổng Minh mất, cũng khóc lóc cả ngày, thành bệnh mà chết. Bởi vì Lý Nghiêm còn mong Khổng Minh đoái thương, cất nhắc cho để chuộc cái lỗi trước. Khổng Minh chết, thì không ai dùng đến mình nữa.

Về sau Nguyên Vi-chi có than rằng:

Dẹp loạn phò chúa yếu,
Ân cần việc thác cô.
Tài cao hơn Quản, Nhạc.
Mẹo giỏi quá Tôn, Ngô.
Thắm thiết lời dâng biểu,
Tài tình phép trận đồ.
Đức ngài cao thịnh lắm,
Thiên cổ tiếng thơm tho!

Đêm hôm ấy trời sầu đất thảm, Khổng Minh thiêm thiếp về thần. Khương Duy, Dương Nghi tuân lời di chúc, không dám cử ai theo cách khâm liệm, an trí vào trong khám; sai ba trăm tướng tốt tâm phúc coi giữ. Đoạn bí mật truyền lệnh sai Ngụy Diên đi đoạn hậu, còn các trại đều nhổ dần kéo về.

Tư-mã Ý đêm hôm ấy xem thiên văn, thấy một ngôi sao to, sắc đỏ tía, ánh tỏa ra như có sừng, từ phương đông bắc bay sang phương nam, rồi sa xuống trại Thục. Ba lần sa xuống, lại ba lần vụt lên, tiếng chuyển ầm ầm.

Ý nửa sợ nửa mừng, nói:

- Khổng Minh chết rồi!

Lập tức truyền lệnh cất đại quân ra đuổi đánh. Vừa ra cửa trại, lại nghĩ rằng:

- Khổng Minh tài phù phép, sai khiến thần Lục đinh, Lục giáp. Nay thấy ta không ra đánh, cho nên làm ra thuật này để dử đây; nếu ta đuổi theo, tất lại mắc mẹo.

Nghĩ thế rồi quay ngựa trở vào, không đi nữa, chỉ sai Hạ-hầu Bá dẫn vài mươi tên kỵ, lẻn ra đường núi, nghe ngóng tin tức mà thôi.

Ngụy Diên từ khi về ở riêng một trại, đêm mơ thấy trên đầu mọc ra hai sừng, tỉnh dậy nghi hoặc lắm. Hôm sau có quan hành quân tư mã Triệu Trực đến chơi. Diên mời vào hỏi rằng:

- Lâu nay nghe ngài tinh hiểu dịch lý. Tôi đêm mơ thấy đầu mọc ra hai sừng, không biết lành dữ thế nào, ngài đoán giúp cho.

Triệu Trực nghĩ hồi lâu, mới đáp rằng:

- Đây là điềm đại cát. Đầu kỳ lân có sừng, đầu rồng cũng có sừng, đó là điềm biến hóa bay nhảy đây!

Diên mừng, nói:

- Nếu được như thế, sẽ xin trọng tạ!

Trực từ trở ra, đi được vài dặm, gặp thượng thư Phí Vĩ.

Vĩ hỏi:

- Ông đi đâu về?

Trực nói:

- Tôi vừa đến chơi trại Ngụy Văn-tràng. Văn-tràng nằm mơ thấy trên đầu mọc ra đôi sừng, mượn tôi đoán xem lành dữ. Mộng ấy nguyên không phải là điềm hay, nhưng tôi e nói thẳng thì sinh oán, cho nên nói dối là chuyện kỳ lân với rồng.

Vĩ nói:

- Sao ông biết là điềm không hay?

Trực nói:

- Giốc là sừng, mà chữ giốc dưới chữ đao có chữ dụng, nghĩa là dùng ở dưới đao. Nay mộng như thế, thì ra trên đầu có đao, điềm ấy dở lắm.

Vĩ nói:

- Có phải thế, ông chớ nên tiết lộ ra làm gì nữa.

Trực từ biệt đi. Phí Vĩ đến trại Ngụy Diên, đuổi tả hữu ra ngoài, nói:

- Canh ba đêm hôm qua, thừa tướng qua đời rồi. Lúc gần mất có gắn bó dặn lại, sai tướng quân dẫn quân đi sau, để chống lại quân Tư-mã Ý. Quân ta phải từ từ rút về, không được phát tang. Nay binh phù ở đây, xin tướng quân cất đi cho.

Diên hỏi:

- Ai coi thay việc cho thừa tướng?

Vĩ nói:

- Nội là công việc to tát, thừa tướng giao cho Dương Nghi; mật pháp dùng binh, thì giao cho Khương Bá-ước, binh phù này là của Dương Nghi sai đây.

Diên nói:

- Thừa tướng tuy mất, còn có ta đây! Dương Nghi chẳng qua là một chức trưởng sử, gánh nổi sao được việc to này? Hắn chỉ nên rước ma về Xuyên an táng, để ta cầm quân đánh nhau với Tư-mã Ý, cố cho thành công; có đâu vì một mình thừa tướng, mà bỏ mất việc to nhà nước được.

Vĩ nói:

- Thừa tướng di chúc lại, bảo hãy tạm rút về, không nên trái lời.

Diên nổi giận:

- Nếu thừa tướng nghe mẹo ta khi xưa, thì lấy được Tràng-an đã lâu rồi. Ta nay làm chinh tây đại tướng quân, Nam trịnh hầu, lại thèm đoạn hậu cho trưởng sử à?

Vĩ nói:

- Tướng quân nói phải lắm, nhưng cũng không nên khinh động, quân giặc chê cười cho. Vậy để tôi đem lẽ lợi hại bảo Dương Nghi, để hắn nhường binh quyền cho tướng quân. Tướng quân nghĩ sao?

Diên y lời. Phí Vĩ từ về trại lớn, ra mắt Dương Nghi, thuật lại chuyện đó.

Nghi nói:

- Thừa tướng lâm chung, có mật bảo ta rằng Ngụy Diên tất sinh bụng khác. Ta cho binh phù ra sai, là muốn dò bụng hắn đấy thôi. Nay quả nhiên như lời thừa tướng thật, ta sai Bá-ước đoạn hậu cũng xong!

Bởi thế Dương Nghi đưa ma về trước, Khương Duy đi giữ mặt sau, tuân lời Khổng Minh, từ từ rút về.

Ngụy Diên ngồi chờ trong trại, lâu không thấy Phí Vĩ trở lại, trong bụng nghi hoặc liền cho Mã Đại dẫn vài tên kỵ dò xem tin tức thế nào.

Mã Đại về báo rằng:

- Khương Duy tổng đốc hậu quân. Còn tiền quân lui về trong cửa hang cả rồi.

Diên nổi giận nói:

- Quân hủ nho dám lừa dối ta. Thế nào ta cũng giết được mới nghe.

Diên ngảnh lại bảo Mã Đại rằng:

- Ông có chịu giúp tôi không?

Đại nói:

- Tôi vốn cũng ghét Dương Nghi, xin vui lòng giúp tướng quân.

Diên mừng lắm, lập tức nhổ trại, kéo quân bản bộ về phía nam.

Nói về Hạ-hầu Bá dẫn quân đến gò Ngũ-trượng, nghe ngóng tin tức, thì không thấy một người nào nữa, kíp về báo với Tư-mã Ý.

Ý giẫm chân xuống đất, nói:

- Khổng Minh chết thật rồi, nên đuổi đánh cho mau.

Hạ-hầu Bá nói:

- Đô đốc chớ khinh tiến vội, nên sai một tì tướng đi trước.

Ý nói:

- Phen này để ta đi trước mới xong!

Liền dẫn hai con và cánh đại quân mở cờ gióng trống, reo ầm lên kéo vào trại Thục. Té ra chỉ có cái xác trại, tuyệt không có một bóng người nào.

Ý bảo hai con rằng:

- Chúng mày thúc hậu quân đi cho mau, để tao dẫn tiền quân đi trước đây.

Ý dẫn quân đi trước, đuổi theo mãi đến chân núi, trông thấy quân Thục đi chưa xa mấy, liền giục quân đuổi riết. Bỗng nhiên ở sau núi, một tiếng pháo nổ vang, rồi thấy quân Thục quay cả cờ lại, trống đánh om sòm. Trong bóng cây có một lá cờ to bay phấp phới, đề một hàng chữ lớn: "Hán thừa tướng Võ-hương hầu Gia-cát Lượng". Ý giật mình, đã hơi xanh mắt. Nhìn kỹ thấy vài mươi viên thượng tướng xúm xít quanh cái xe bốn bánh, trên xe Khổng Minh ngồi chĩnh chện, khăn lượt quạt lông, giầy thâm, áo hạc.

Ý giật mình, nói:

- Khổng Minh còn sống, ta khinh thường vào nơi trọng địa, mắc phải mẹo mất rồi!

Vội vàng quay ngựa chạy.

Khương Duy gọi to lên rằng:

- Tướng giặc chớ chạy nữa, mày mắc phải mẹo thừa tướng ta rồi!

Quân Ngụy hồn bay phách lạc, bỏ giáp, quẳng chỏm mũ, vất khí giới, ù té chạy cả, giày xéo lẫn nhau, chết hại rất nhiều. Tư-mã Ý cắm cổ chạy hơn năm chục dặm đường đất. Bỗng có hai tướng sấn lên cầm lấy cương ngựa, gọi rằng:

- Đô đốc đừng sợ nữa!

Ý sờ tay lên đầu hỏi:

- Đầu ta có còn không?

Hai tướng nói:

- Đô đốc đừng sợ, quân Thục đi xa rồi!

Ý thở dốc một hồi, mới hơi hoàn hồn, giương mắt trông xem ai té ra Hạ-hầu Bá, Hạ-hầu Huệ. Bấy giờ Bá mới buông lỏng cương ngựa, tìm đường nhỏ chạy về trại nhà, cho các tướng dẫn quân tản ra bốn phía nghe ngóng.

Cách hai hôm sau, dân quê đến bẩm rằng:

- Khi quân Thục rút về trong hang, tiếng khóc vang động trời đất. Trong quân kéo toàn cờ trắng, Khổng Minh quả thực chết rồi. Chỉ có Khương Duy dẫn một nghìn quân đi sau. Hôm trước Khổng Minh ngồi trên xe, đó là người gỗ đấy.

Tư-mã Ý chép miệng, nói:

- Ta tưởng y còn sống, té ra y chết rồi thực!

Bởi thế, người Thục có câu phương ngôn rằng: "Tử Gia-cát năng tẩu sinh Trọng-đạt"[1].

Người sau có thơ than rằng:

Sao dài sa xuống, biết hay không?
Ngơ ngẩn còn mang dạ hãi hùng!
Để một trò cười ghi miệng thế,
Sờ đầu chẳng biết có còn không?

Tư-mã Ý biết tin Khổng Minh đã mất, lại dẫn quân đuổi theo lần nữa; đến gò Xích-ngạn, thấy quân Thục đi quá xa rồi, mới trở về.

Ý bảo với các tướng rằng:

- Khổng Minh mất rồi, chúng ta giờ được ngủ yên, không lo gì nữa!

Dọc đường, thấy các chỗ Khổng Minh hạ trại, tả hữu trước sau, phép tắc hẳn hoi. Ý than rằng:

- Người này mới thực là kỳ tài thiên hạ!

Bèn dẫn quân về Tràng-an, sai các tướng chia giữ các cửa ải. Ý đến Lạc-dương vào chầu vua Ngụy.

Dương Nghi, Khương Duy dàn thành thế trận, dần dần lui về cửa hang rồi mới thay áo phát tang, giương phướn cử ai. Quân Thục lắm người đập đầu xuống đất mà khóc, có người khóc đến nỗi chết. Tiền đội vừa về đến cửa sạn-các, bỗng đâu thấy mé trước mặt lửa sáng rực giời, tiếng reo dậy đất, rồi một toán quân dàn ra chặn ngang đường cái. Các tướng giật mình, kíp báo với Dương Nghi.

Ấy là:

Tướng Ngụy vừa hay quay ngựa cút,
Đất Xuyên đâu lại có quân ra?

Chưa biết quân mã ở đâu chặn đường, xem đến hồi sau phân giải.

  1. Gia-cát chết còn đuổi được Trọng-đạt sống.