Bước tới nội dung

Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 118

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM

Khóc miếu tổ, Lưu Thầm tự tử
Vào Tây Xuyên, Chung, Đặng tranh công

Lại nói, hậu chủ ở Thành-đô, nghe tin Đặng Ngải đã lấy được Miên-trúc, mà cha con Gia-cát Chiêm đều chết trận cả rồi, sợ hãi không biết ngần nào, kíp vời văn võ vào thương nghị.

Cận thần tâu rằng:

- Nhân dân ở ngoài thành, già trẻ dắt díu nhau chạy loạn, tiếng khóc vang động xa gần.

Hậu chủ kinh hoảng.

Sực lại có tiễu mã chạy đến báo rằng:

- Quân Ngụy sắp đến dưới thành rồi!

Các quan bàn rằng:

- Ở đây quân đơn tướng ít, địch sao nổi quân Ngụy, không bằng bỏ Thành-đô chạy sang bảy quận xứ Nam-trung; đất đó hiểm trở, có thể giữ được, nhân thể mượn quân Man về mà khôi phục cũng chưa muộn.

Quang lộc đại phu Tiêu Chu nói:

- Không nên! Nam Man vốn là quân phản trắc, xưa nay không ân huệ gì với ta, nếu ra nhờ đấy, tất sinh vạ to.

Các quan lại tâu rằng:

- Thục, Ngô đã đồng minh với nhau, nay việc kíp lắm, nên sang ở nhờ Đông Ngô cũng được.

Chu lại can rằng:

- Từ xưa đến nay, không có thiên tử nào đi ở nhờ nước khác bao giờ. Tôi chắc rằng Ngụy lấn được Ngô, chớ Ngô không lấn được Ngụy. Nay xưng thần với Ngô, là nhục một lần; nếu Ngô bị Ngụy lấn nốt, lại đi xưng thần với Ngụy, là nhục hai lần; chi bằng hàng ngay Ngụy đi. Ngụy tất cắt đất phong cho bệ hạ. Như thế, trên giữ được tôn miếu, dưới yên được lê dân. Xin bệ hạ nghĩ cho kỹ mà xem.

Hậu chủ phân vân chưa quyết, lui vào trong cung.

Hôm sau các quan lại hội nghị. Tiêu Chu thấy việc đã cấp đến nơi rồi, lại dâng sớ cố khuyên hàng. Hậu chủ nghe dịu tai, sắp toan ra hàng.

Sực ở sau cánh bình phong có một người quát to lên mắng Tiêu Chu rằng:

- Quân hủ nho sợ chết kia! Sao dám nói càn đến việc to xã tắc. Từ xưa có thiên tử hàng bao giờ mà mày dám nói láo làm vậy.

Hậu chủ nhìn lại xem ai, té ra con thứ năm của mình là Bắc-địa vương Lưu Thầm.

Nguyên hậu chủ sinh được bảy con: con cả Lưu Tuấn, thứ nhì Lưu Dao, thứ ba Lưu Tung, thứ tư Lưu Toản, thứ năm Lưu Thầm, thứ sáu Lưu Tuân, thứ bảy Lưu Cứ. Trong số đó chỉ có Lưu Thầm thông minh từ hồi nhỏ, khí khái hơn người; còn các người kia đều hèn đụt cả.

Khi ấy hậu chủ bảo Lưu Thầm rằng:

- Đại thần cùng nghị nên hàng, mày cậy sức lực khỏe mạnh, muốn để cho máu chảy khắp cả thành trì ư?

Thầm thưa rằng:

- Khi xưa tiên đế còn sống, Tiêu Chu chưa từng được dự đến quốc chính; nay dám bàn đến việc to, mở mồm nói láo, rất là vô lý. Tôi đồ rằng quân trong Thành-đô, còn có vài vạn; toàn quân của Khương Duy còn đóng ở Kiếm-các, nếu hắn biết quân Ngụy phạm vào kinh thành, tất phải về cứu. Bấy giờ trong ngoài hợp vào đánh, thì làm gì chẳng phá nổi giặc. Lẽ đâu nghe lời hủ nho mà coi thường cả cơ nghiệp của tiên đế cho được?

Hậu chủ mắng rằng:

- Mày còn trẻ con, biết đâu số giời!

Thầm rập đầu xuống đất khóc rằng:

- Nhược bằng thế cùng lực kiệt, vạ đến trước mắt, thì nên cha, con, vua, tôi dựa lưng vào thành mà đánh một trận. Thà rằng cùng chết cả với xã tắc, để xuống suối vàng ra mắt tiên đế, chớ có đâu lại chịu hàng?

Hậu chủ nhất định không nghe.

Thầm khóc vang lên nói rằng:

- Tiên đế gây dựng nên cơ nghiệp không phải dễ dàng, nay một chốc đem quẳng đi, ta thà chết, chớ không chịu nhục thế này!

Hậu chủ sai cận thần dắt Thầm ra ngoài cửa cung, rồi bảo Tiêu Chu viết hàng thư; sai thị trung Trương Thiệu, phò mã đô úy Đặng Lương và Tiêu Chu mang ngọc tỉ đến Lạc-thành xin hàng.

Bấy giờ Đặng Ngải mỗi ngày sai một trăm thiết kỵ lại dò thám trong Thành-đô. Khi trông thấy trong thành dựng một lá cờ hàng, Ngải mừng lắm. Một lát bọn Trương Thiệu đến, Ngải cho người ra đón vào. Ba người lạy dưới thềm, dâng trình ngọc tỉ và hàng thư. Ngải mở thư ra xem, mừng rỡ không biết ngần nào, rồi nhận lấy ngọc tỉ, trọng đãi bọn Trương Thiệu, Tiêu Chu, Đặng Lương. Ngải lại viết thư trả lời, cho ba người cầm về Thành-đô để yên bụng chúng. Ba người lĩnh thư, từ về trình hậu chủ, và thuật lại chuyện Đặng Ngải đối đãi tử tế. Hậu chủ mở thư ra xem mừng lắm. Liền sai thái bộc Tưởng Hiền cầm đạo sắc ra Kiếm-các bảo Khương Duy phải ra hàng quân Ngụy cho sớm. Lại sai thượng thư lang Lý Hổ giao sổ sách cho Đặng Ngải; cả thảy 28 vạn hộ, số giai gái 93 vạn, tướng sĩ 10 vạn 2 nghìn, quan lại 4 vạn, lương trong kho hơn 40 vạn, vàng bạc 2 nghìn cân, gấm vóc tơ lụa mỗi thứ 20 vạn tấm, còn của khác trong kho không kể; định ngày mùng một tháng chạp, cả vua tôi ra hàng.

Bắc-địa vương là Lưu Thầm nghe chuyện, khí uất bốc lên ngùn ngụt, đeo gươm vào cung.

Vợ là Thôi phu nhân hỏi rằng:

- Đại vương hôm nay sao trông sắc mặt khác lắm thế?

Thầm nói:

- Quân Ngụy sắp đến, phụ hoàng đã đầu hàng rồi, ngày mai thì vua tôi ra hàng, xã tắc đổ mất từ đây. Ta muốn chết trước đi, xuống đất theo với tiên đế, chớ không chịu khuất với người khác.

Thôi phu nhân khen rằng:

- Phải lắm! Phải lắm! Chết thế mới đáng chết! Thiếp xin chết trước, rồi đại vương hãy chết cũng vừa!

Thầm nói:

- Phu nhân việc gì mà chết?

Thôi phu nhân nói:

- Vương chết vì cha, thiếp chết vì chồng, nghĩa cũng giống nhau, can gì phải hỏi?

Nói đoạn, đập đầu vào cột mà chết.

Thầm giết cả ba con, cắt lấy đầu vợ, đem đến miếu Chiêu-liệt, lạy phục xuống đất khóc rằng:

- Cháu thấy cơ nghiệp về tay người khác, nghĩ mà xấu hổ, cho nên giết cả vợ con để khỏi vướng vít. Rồi cháu cũng xin đem một mạng để báo cái công đức của ông. Ông có khôn thiêng, xin soi xét lòng này cho cháu.

Thầm khóc lóc thê thảm một hồi, nước mắt đỏ như huyết, rồi tự vẫn chết. Người Thục nghe chuyện, ai cũng thương xót.

Có thơ khen rằng:

Vua tôi đành phận uốn lưng rồi,
Chua xót lòng người, thế sự ôi!
Bờ cõi Tây Xuyên tan tự ngói,
Ruột gan Bắc-địa đứt từng hồi.
Giãi niềm cay đắng kêu cùng tổ,
Đem nỗi sầu bi tỏ với trời.
Lẫm liệt anh linh còn sống mãi,
Ai hay vận Hán sẽ suy đồi?

Hậu chủ nghe Bắc-địa vương tự vẫn rồi, sai người ma chay tống táng. Hôm ấy quân Ngụy kéo đến. Hậu chủ đem thái tử, các vương hầu và quần thần hơn sáu mươi người, tự trói mình lại, xe áo quan ra khỏi ngoài mươi dặm cửa bắc đầu hàng. Đặng Ngải đỡ hậu chủ đứng dậy, thân cởi trói cho, sai đốt áo quan đi, rồi cùng với hậu chủ ngồi chung một xe vào thành.

Có thơ than rằng:

Ào ào quân Ngụy tới Thành-đô,
Khuất tất bao nhiêu nỗi thẹn thò?
Hoàng Hạo gian tà, hư việc nước;
Khương Duy kinh tế, uổng tài to.
Trung thành nghĩa sĩ lòng đau đớn,
Tiết liệt vương tôn chí kém thua.
Tiên tổ đắp xây công khó nhọc,
Thương thay một phút hóa ra tro!

Nhân dân Thành-đô bày đồ hương hoa, nghênh tiếp Đặng Ngải. Ngải phong hậu chủ làm phiêu kỵ tướng quân; còn văn võ các quan, cũng tùy người cao thấp cho làm quan cả; Ngải mời hậu chủ về cung, rồi treo bảng yên dân, thu nhận kho tàng. Lại sai thái thường Trương Tuấn, Ích châu biệt giá Trương Triệu, đi ra chiêu an quân dân các quận; một mặt sai người đến dụ Khương Duy về hàng; một mặt sai người về Lạc-dương báo tin mừng.

Đặng Ngải nghe tiếng Hoàng Hạo là người gian hiểm, muốn bắt đem chém. Hạo đem vàng bạc đút lót cho tả hữu Đặng Ngải, vì thế được thoát.

Nhà Hán mất từ đấy.

Nói về thái bộc là Tưởng Hiển đến Kiếm-các vào ra mắt Khương Duy, truyền sắc mệnh của hậu chủ, dụ Khương Duy hàng Ngụy. Duy giật mình, ngồi lặng đi không nói được câu gì. Các tướng nghe thấy vậy, ai nấy đều trợn mắt nghiến răng, râu tóc dựng ngược, rút gươm ra chặt xuống đá, gầm lên rằng:

- Chúng ta còn đương cố chết đánh nhau, làm sao đã hàng trước ngay thế?

Các tướng khóc um cả lên, tiếng vang xa ngoài mười dặm.

Khương Duy thấy nhân tâm còn nhớ nhà Hán, bèn lấy lời dỗ bảo các tướng rằng:

- Các tướng chớ lo, tôi có một mẹo này, có thể khôi phục được nhà Hán.

Chúng hỏi xem mẹo làm sao. Duy ghé vào tai các tướng nói nhỏ mẹo mực, rồi dựng ngay cờ hàng khắp trên cửa ải, cho người xuống trại Chung Hội báo tin trước rằng: Khương Duy dẫn bọn Trương Dực, Liêu Hóa, Đổng Quyết đến xin hàng.

Hội mừng lắm, sai người đón Khương Duy vào trướng rồi hỏi rằng:

- Bá ước sao mà chậm chạp thế?

Duy nghiêm sắc mặt, ứa nước mắt mà rằng:

- Toàn thể quân sĩ nhà nước ở cả trong tay tôi, thế mà nay tôi phải hàng, đó cũng là sớm lắm đấy chớ!

Hội lấy làm lạ, bước xuống vái Khương Duy, rồi đãi làm thượng khách.

Duy nói với Chung Hội rằng:

- Tôi nghe tướng quân từ khi đánh ở Hoài-nam đến giờ tính không sót mẹo gì, họ Tư-mã được cường thịnh cũng do sức tướng quân cả. Cho nên tôi mới cam tâm cúi đầu mà hàng, chớ như Đặng Sĩ-tái thì tôi quyết cự đến chết thì thôi, đâu có chịu hàng!

Hội liền bẻ một mũi tên ăn thề, kết với Khương Duy làm anh em, thân thiết nhau lắm, rồi lại cho lĩnh binh như cũ.

Duy trong bụng mừng thầm, cho Tưởng Hiển trở về Thành-đô.

Đây nói Đặng Ngải phong cho Sư Toản làm thứ sử Ích-châu; bọn Khiên Hoằng, Vương Tu cùng được coi châu quận. Lại lập một tòa đền ở Miên-trúc để nêu chiến công của mình; mở tiệc to, hội cả các quan nước Thục lại ăn yến. Khi uống rượu được nửa chừng, Ngải trỏ vào các quan bảo rằng:

- Các ngươi may mắn gặp ta mới được thế này. Nếu gặp tay tướng khác, thì tất chết cả.

Các quan đứng dậy lạy tạ.

Sực có Tưởng Hiển đến báo tin Khương Duy đã đầu hàng Chung trấn tây rồi. Ngải vì thế căm tức Chung Hội, mới sai người đưa thư về Lạc-dương, tâu với Tấn công Tư-mã Chiêu.

Chiêu mở ra xem, thư rằng:

"Thần là Ngải thiết nghĩ rằng: Việc quân trước hết phải hư trương thanh thế rồi sau mới đến việc thực. Nay thừa thế mới bình xong Thục, nên cất quân sang đánh Ngô ngay đi, chính là một dịp tận thu đó. Nhưng sau khi việc to mới xong, tướng sĩ còn mỏi mệt, không nên dùng ngay; nên để hai vạn quân Lũng-hữu, cùng hai vạn quân Thục ở lại nấu muối, nung gạch, đóng tàu bè, dự bị kế xuôi dòng Trường-giang; rồi hãy cho sứ sang dụ đường lợi hại, thì Ngô không phải đánh cũng bình xong. Vả lại nên hậu đãi Lưu Thiện, để dử cho Tôn Hưu đến hàng; nếu đưa ngay Lưu Thiện về kinh, thì không khuyến khích được lòng hàng của người Ngô; vậy hãy cho ở lại Thục, đợi sang tháng đông năm sau đến kinh cũng vừa. Nay nên phong Lưu Thiện làm Phù phong vương và cho của cải mà nuôi đầy tớ; phong cho con cái làm công khanh để tỏ sự quan tâm đến kẻ hàng thuận. Như thế người Ngô sợ oai mến đức, tất phải theo nhau mà hàng cả."

Tư-mã Chiêu xem xong, nghi Đặng Ngải có ý chuyên quyền, mới viết một phong thư giao cho Vệ Quán, rồi giáng ngay chiếu phong Đặng Ngải.

Chiếu rằng:

"Chinh tây tướng quân là Đặng Ngải diễu võ giương oai, xông pha vào sâu đất giặc, khiến cho chúa tiếm hiệu phải trói cổ chịu hàng. Quân không đầy đủ, đánh chẳng trọn ngày, thế mà quét sạch được Ba Thục, như cuốn mảnh chiếu, quét đám mây; dẫu Bạch Khởi phá nước Sở, Hàn Tín đánh nước Triệu, cũng chưa sánh được công ấy. Vậy phong cho Ngải làm thái úy, hưởng lộc hai vạn hộ nữa, phong cho hai con làm đình hầu, mỗi người ăn lộc một ấp có nghìn hộ."

Đặng Ngải nhận chiếu xong, Vệ Quán mới đưa phong thư tay của Tư-mã Chiêu ra. Trong thư dặn Ngải phàm việc phải đợi tâu báo, chớ không được tự tiện làm ngay.

Ngải nói rằng:

- Tướng ở ngoài, vua sai cũng có điều không chịu. Nay ta đã phụng chiếu chuyên việc đánh dẹp, sao còn ngăn trở ta?

Liền lại viết thư sai sứ đưa về Lạc-dương. Bấy giờ trong triều nhiều người nói Đặng Ngải có ý muốn làm phản. Tư-mã Chiêu lại càng nghi lắm. Sực có sứ đưa thư của Đặng Ngải đến. Chiêu mở ra xem, trong thư nói rằng:

"Ngải phụng mệnh chinh tây, đã dẹp xong được tên giặc cầm đầu, nên cho quyền hành xử việc, để yên tâm những kẻ mới theo về. Nếu đợi mệnh triều đình thì đường sá đi lại xa xôi, dây dưa ngày tháng. Sách Xuân thu có câu: "Quan đại phu ra ngoài cõi, nếu có tài yên xã tắc, lợi nước nhà, thì chuyên quyền cũng được". Nay Ngô chưa qui phục, thế tất kết liên với Thục, không nên câu chấp lệ thường để lỡ công việc. Theo binh pháp thì tiến không cầu danh, lui không tránh tội. Ngải tôi tuy không giỏi bằng người xưa, nhưng không thể nhún mình để thiệt cho nước. Nay xin gửi cáo trạng bày tỏ trước, chờ lệnh thi hành."

Chiêu xem thư giật mình, hỏi Giả Sung rằng:

- Đặng Ngải cậy có công, sinh ra kiêu ngạo, tự ý xử việc. Tình hình làm phản đã rõ rồi, làm thế nào bây giờ?

Giả Sung nói:

- Chúa công sao không phong ngay cho Chung Hội để đè nén Đặng Ngải đi?

Chiêu nghe lời, sai sứ mang chiếu ra phong cho Chung Hội làm tư đồ; sai Vệ Quán giám đốc hai đạo quân mã, trao một phong thư cho Quán để đưa cho Hội, sai Hội dò xét Ngải, phòng có việc bất trắc gì chăng.

Hội tiếp nhận tờ chiếu mở ra đọc. Chiếu rằng:

"Trấn tây tướng quân Chung Hội: tài năng vô địch, tiết chế các thành trì, bủa vây màng lưới; tướng Thục nổi danh phải trói mình hàng phục. Mưu kế không thiếu sót điều gì, sai đâu được đấy. Nay cử Hội làm tư đồ, tiến phong huyện hầu, phong hai con làm đình hầu, hưởng mỗi người một ấp nghìn hộ."

Chung Hội chịu phong, nhận chức đâu đấy, bàn với Khương Duy rằng:

- Đặng Ngải công ở trên ta, lại được phong làm chức thái uý. Nay Tư-mã công nghi Ngải có ý làm phản, nên cho Vệ Quán làm giám quân, lại xuống chiếu sai ta kiềm chế bớt đi. Bá-ước có cao kiến gì chăng?

Duy nói:

- Tôi nghe Đặng Ngải xuất thân hèn hạ, thuở nhỏ đi ở chăn bò. Nay cầu may từ đường tắt Âm-bình, vin cây vượt núi, lập được công to. Đó không phải là giỏi giang gì đâu, chẳng qua nhờ hồng phúc nhà nước đấy thôi. Nếu không có tướng quân giữ nhau với tôi ở cửa Kiếm-các, thì Ngải thành công sao được? Nay Ngải định phong Thục chúa làm Phù phong vương là có ý muốn kết lấy nhân tâm nước Thục, tình hình làm phản chẳng nói cũng đã rõ ràng. Tấn công sinh nghi, thật là phải!

Hội nghe lọt tai mừng lắm.

Duy lại nói:

- Xin cho tả hữu ra ngoài, tôi xin thưa một việc cơ mật.

Hội bèn đuổi tả hữu lui hết. Duy thò vào trong tay áo, lấy ra một bức địa đồ đưa cho Hội, và nói rằng:

- Khi xưa Võ hầu ra khỏi lều tranh, đem bản đồ này dâng cho tiên đế, và thưa rằng: "Đất Ích-châu đồng lầy ngàn dặm, dân nhiều, nước giàu, có thể làm được bá nghiệp". Tiên đế nhân đó mới mở ra Thành-đô. Đặng Ngải thấy vậy, trách nào mà chẳng cuồng người lên!

Hội trỏ hỏi hình thế sông núi, Duy nói rành rọt từng tý.

Hội lại hỏi rằng:

- Nay nên dùng chước gì mà trừ Đặng Ngải cho được?

Duy nói:

- Nên nhân lúc Tấn công đang nghi ngờ, kíp dâng biểu về mà kể cái tình hình làm phản của Đặng Ngải ra, Tấn công tất sai tướng quân đánh hắn, thì chỉ một trận là bắt được.

Hội nghe lời, lập tức sai người mang biểu về Lạc-dương, nói Đặng Ngải chuyên quyền rông rỡ, kết hiếu với người Thục, nay mai tất làm phản. Bởi thế văn võ trong triều ai cũng kinh hãi. Hội lại sai người đón đường bắt lấy biểu văn của Đặng Ngải, rồi theo lối chữ của hắn mà viết lại thành các lời kiêu ngạo, để chứng thực lời của mình.

Tư-mã Chiêu thấy văn biểu của Đặng Ngải bèn nổi giận, sai người ra truyền cho Chung Hội phải bắt Đặng Ngải. Lại sai Giả Sung dẫn ba vạn quân vào Tà-cốc, rồi Chiêu cùng với Ngụy chủ Tào Hoán ngự giá thân chinh.

Tây tào duyện Thiệu Đễ can rằng:

- Quân của Chung Hội, nhiều gấp sáu của Đặng Ngải. Sai Hội bắt Ngải cũng nổi, minh công can gì phải đi?

Chiêu cười rằng:

- Thế ra ngươi quên mất lời ngày trước rồi à? Trước ngươi nói Chung Hội về sau tất làm phản. Ta đi chuyến này không phải vì Đặng Ngải đâu, thực là vì Chung Hội đó.

Đễ cười rằng:

- Tôi sợ minh công quên rồi, cho nên hỏi ướm thế thôi. Nay minh công đã có bụng ấy, xin hãy giữ bí mật, không nên nói lộ cho ai biết.

Chiêu cho làm phải, liền cất đại quân lên đường.

Bấy giờ Giả Sung nghi Chung Hội sinh biến, bèn nói nhỏ với Tư-mã Chiêu.

Chiêu nói:

- Nếu ta sai ngươi đi, ta cũng nghi ngươi hay sao? Hãy để đến Tràng-an, tự khắc minh bạch cả.

Có quân tế tác báo với Chung Hội là Tư-mã Chiêu đã đến Tràng-an. Hội vội vàng mời Khương Duy vào thương nghị việc bắt Đặng Ngải.

Ấy là:

Vừa xem Tây Thục thu hàng tướng,
Lại thấy Tràng-an cất đại quân.

Chưa biết Khương Duy dùng mẹo gì bắt Đặng Ngải, xem hồi sau phân giải.