Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 14
HỒI THỨ MƯỜI BỐN
Tào Mạnh-đức dời giá đến Hứa-đô;
Lã Phụng-tiên đang đêm cướp Từ-quận.
Lý Nhạc đem quân đuổi theo xa giá, trá xưng là Lý Thôi, Quách Dĩ. Vua giật mình lo sợ. Dương Phụng nói:
- Đây là Lý Nhạc đấy.
Phụng sai Từ Hoảng ra đánh, Lý Nhạc tự mình ra địch. Hai ngựa giao nhau, mới được một hợp, Hoảng chém một nhát búa, Nhạc chết ngã dưới chân ngựa. Đảng giặc chạy tan.
Phụng bảo vệ xa giá, đi qua Cơ-quan, thái-thú là Trương Dương đem thóc lúa ra đón ở cạnh đường, vua phong cho Dương làm đại-tư-mã. Dương từ vua ra đóng đồn ở Giã-vương.
Vua vào Lạc-dương trông thấy cửa nhà bị đốt cháy hết cả; đường sá rậm rạp; cỏ mọc cao lấp mắt; trong cung điện chỉ còn tường đổ, vách nát. Vua sai Dương Phụng cất tạm một cái cung nhỏ để ở. Trăm quan triều hạ đều phải đứng trong đám gai góc.
Vua hạ chiếu đổi niên-hiệu Hưng-bình làm Kiến-an năm đầu.
Năm ấy mất mùa to. Dân Lạc-dương còn được vài trăm nóc nhà, cũng không có gì ăn, phải ra ngoài thành, bóc da cây, đào rễ cỏ mà ăn. Còn các quan thì từ thượng-thư-lang trở xuống cũng phải ra thành hái rau. Có nhiều người bị đè chết ở những chỗ tường đổ vách nát. Khí vận nhà Hán lúc bấy giờ thực là suy đốn, không khi nào người ta từng thấy những cảnh khổ não nhường ấy.
Đời sau có thơ than rằng:
Máu loang rắn trắng núi Mang-đường;
Cờ đỏ tung hoành khắp bốn phương[1].
Đuổi sộc hươu Tần, gây xã-tắc[2]
Đạp quay ngựa Sở, mở phong-cương[3].
Vua hèn nên để gian-tà lắm;
Nước loạn sinh ra giặc giã hoang.
Trông thấy đôi kinh[4] khi vận nạn,
Dẫu rằng dạ sắt cũng sinh thương.
Thái-úy là Dương Bưu tâu với vua rằng:
- Trước bệ hạ đã giáng chiếu, chưa kịp sai ai mang đi. Nay Tào Tháo ở Sơn-đông, binh hùng tướng giỏi. Nên truyền gọi y vào chầu để giúp nhà vua.
Vua nói:
- Trước ta đã giáng chiếu rồi, ngươi không cần phải tâu nữa. Cứ sai người mang đi lập tức là xong.
Bưu lĩnh chỉ, sai ngay người sang Sơn-đông vời Tào Tháo.
Tào Tháo ở Sơn-đông, nghe tin xa giá vua đã về đến Lạc-dương, họp những mưu-sĩ để bàn.
Tuân Úc nói:
- Ngày xưa, Tấn Văn-công phụng Tương-vương vào làm vua, chư hầu ai cũng phục. Hán Cao-tổ để tang Nghĩa-đế, ai cũng theo. Nay thiên-tử mắc nạn, tướng-quân nhân dịp này, cất nghĩa binh, phụng thiên-tử để theo nguyện vọng của dân chúng, là công to không mấy đời có. Nếu ta không làm ngay, người khác sẽ làm trước ta.
Tháo mừng rỡ, đang thu xếp để cất quân đi thì có sứ-giả nhà vua đem chiếu đến.
Tháo tiếp được tờ chiếu cất quân đi liền.
Vua ở Lạc-dương, trăm việc còn thiếu thốn cả.
Thành quách đổ nát cũng chưa sửa sang được. Chợt lại có người báo rằng:
- Lý Thôi, Quách Dĩ lại sắp kéo quân đến.
Vua sợ hãi mới hỏi Dương Phụng:
- Sứ Sơn-đông chưa về, nay binh Lý, Quách lại đến, làm thế nào bây giờ?
Dương Phụng, Hàn Tiêm đều nói:
- Hai chúng tôi xin hết sức đánh để bảo vệ bệ-hạ.
Đổng Thừa nói:
- Thành quách không bền, binh lính lại ít, đánh ngộ thua thì làm thế nào? Sao bằng rước giá tránh sang Sơn-đông có hơn không?
Vua theo lời. Ngay hôm ấy khởi giá sang Sơn-đông. Trăm quan không người nào có ngựa cưỡi, đều đi bộ theo giá.
Vừa ra khỏi Lạc-dương, chưa đi được một bước đường nào, đã thấy ở đằng xa xa, bụi bốc mù giời, chiêng trống vang rầm, không biết cơ man nào là quân mã kéo đến. Vua và hoàng hậu run sợ quá không nói được, chợt thấy một tên kỵ mã đến, tức là sứ giả đi Sơn-đông trở về. Sứ giả đến trước giá lạy rồi tâu rằng:
- Tào tướng-quân khởi hết cả quân Sơn-đông, vâng chiếu mệnh đến ngay; và nghe thấy Lý Thôi, Quách Dĩ phạm vào Lạc-dương, cho nên trước hết sai Hạ Hầu-đôn làm tiên phong, dẫn mười viên tướng giỏi và năm vạn tinh binh lại đây trước để hộ giá.
Vua nghe thấy thế, trong bụng mới hơi yên. Được một lát quả Hạ Hầu-đôn dẫn Hứa Chử, Điển Vi lại lấy quân lễ yết kiến vua.
Vua úy dụ vừa xong, lại có người báo:
- Ở mặt đông có một toán quân kéo đến.
Vua sai Hạ Hầu-đôn ra xem ai. Đôn trở về tâu rằng:
- Đó là một bộ quân của Tào Tháo đã đến.
Được một hồi Tào Hồng, Nhạc Tiến, Lý Điển vào ra mắt. Ba người tâu xưng tên tuổi xong, Hồng tâu rằng:
- Anh tôi thấy giặc sắp đến, sợ Hạ Hầu-đôn không đánh nổi, nên sai chúng tôi đi gấp đường đến đây để giúp bệ hạ.
Vua mừng phán rằng:
- Tào tướng-quân thế mới thực là bầy tôi xã tắc!
Vua phán rồi sai hộ giá để đi. Giữa lúc ấy lại có thám mã báo rằng:
- Lý Thôi, Quách Dĩ đem quân kéo tràn đến.
Vua sai Hạ Hầu-đôn chia quân làm hai cánh ra đón đánh.
Một bên Đôn, một bên Hồng chia ra hai đường; quân kỵ đi trước, quân bộ đi sau, hết sức đánh nhau với Lý Thôi, Quách Dĩ. Quân Thôi, Dĩ thua to; Đôn, Hồng chém được hơn một vạn đầu; vững thế rồi xin rước vua đi trở lại Lạc-dương. Vua trở về cung, Hạ Hầu-đôn đóng quân ở ngoại thành.
Hôm sau, Tào Tháo tự lĩnh đại đội binh mã kéo đến. Lập trại đâu vào đấy rồi vào ra mắt vua, lạy ở dưới thềm. Vua cho Tháo đứng dậy, tuyên dụ ôn tồn. Tháo tâu rằng:
- Tôi được nhờ ơn nhà nước, lúc nào cũng nghĩ để đồ báo. Nay Lý Thôi, Quách Dĩ hai thằng giặc đầy tội ác. Tôi có hai mươi vạn tinh binh, đánh tất phải được. Xin bệ hạ giữ gìn long-thể, lấy xã tắc làm trọng.
Vua liền phong cho Tào Tháo lĩnh chức tư-lệ hiệu-úy, cho cờ tiết và lưỡi phủ-việt, coi tòa thượng-thư.
Lý Thôi, Quách Dĩ biết Tháo từ xa mới đến, bàn nhau muốn đánh ngay. Giả Hủ lại can rằng:
- Không nên. Tào Tháo binh hùng, tướng dũng. Không bằng đầu hàng may ra thì khỏi phải tội.
Lý Thôi giận mắng rằng:
- Mày dám làm nhụt nhuệ khí của tao!
Rút gươm toan chém Giả Hủ. Các tướng cố sức ngăn can, mới tha. Đêm hôm ấy Giả Hủ lên ngựa một mình về thẳng quê nhà.
Hôm sau, Lý Thôi đem quân mã đến đánh quân Tào Tháo. Tháo sai Hứa Chử, Tào Nhân, Điển Vi lĩnh ba trăm quân thiết-kỵ đem ra diễu ở trước trận Lý Thôi ba vòng rồi mới bày trận.
Ở bên giặc, cháu Lý Thôi là Lý Thiêm, Lý Biệt cưỡi ngựa ra trước. Chưa kịp nói điều nào, Hứa Chử đã tế ngựa xông vào, đưa một nhát dao, Lý Thiêm chết quay xuống đất, Lý Biệt trông thấy giật mình cũng ngã ngựa, rồi bị Hứa Chử chém nốt. Chử xách hai đầu chạy về. Tào Tháo mừng vỗ vào lưng Chử nói rằng:
- Anh thực là Phàn Khoái[5] của ta!
Liền sai Hạ Hầu-đôn đem quân ra mặt tả, Tào Nhân lĩnh quân ra mặt hữu, Tháo tự lĩnh trung-quân xông vào trận. Một tiếng trống nổi lên, ba đội quân cùng tiến. Quân giặc chống cự không nổi, thua chạy.
Tháo cầm thanh bảo kiếm thúc quân vào, đuổi giết suốt đêm. Giặc chết nhiều lắm, xin hàng không biết bao nhiêu mà kể.
Thôi, Dĩ chạy trốn về phía tây, hớt hơ hớt hoảng, như chó lạc chủ; tự biết thân không còn nương tựa vào đâu được nữa, hai đứa cùng trốn vào nơi rừng rú làm giặc cỏ kiếm ăn.
Tào Tháo đem binh về, đóng đồn ở ngoài thành Lạc-dương.
Dương Phụng, Hàn Tiêm hai người bàn với nhau rằng:
- Tào Tháo phen này có công to, tất nhiên giữ trọng quyền chịu dung sao được bọn chúng ta.
Bèn vào tâu với vua, mượn tiếng xin đi đuổi Lý Thôi, Quách Dĩ, rồi kéo quân bản-bộ của mình sang đóng ở Đại-lương.
Một hôm vua sai sứ vào trại Tào Tháo, để vời Tháo vào cung bàn việc. Tháo nghe tin có sứ đến, mời vào dinh thì thấy người ấy mi thanh mục tú, tinh thần sung túc. Tháo nghĩ thầm rằng:
- Nay ở Đông-quận này trời làm đói kém, từ quân lính cho chí dân, ai ai cũng có vẻ đói, sao người này béo tốt được như thế này.
Nhân mới hỏi ngay rằng:
- Tôi trông mặt ngài đầy đặn lắm, xin dám hỏi điều dưỡng như thế nào mà được như vậy?
Sứ thưa rằng:
- Thưa tôi cũng không có phép gì lạ cho lắm, vốn chỉ ăn nhạt ba mươi năm nay!
Tháo gật đầu hỏi rằng:
- Ngài hiện làm chức gì?
Sứ nói:
- Tôi vốn đỗ khoa Hiếu-liêm, nguyên làm chức tùng-sự theo Viên Thiệu và Trương Dương. Nay nghe tin thiên tử đã về đô, tôi đến chầu vua, được phong làm chánh-nghị-lang. Tên tôi là Đổng Chiêu, biểu tự Côn-nhân quê ở Tế-âm, xứ Định-đào.
Tháo đứng dậy nói rằng:
- Tôi nghe tiếng ngài đã lâu, nay may được thừa tiếp ngài ở đây.
Nói rồi Tháo đặt tiệc rượu ở trong trướng để khoản đãi rồi lại gọi Tuân Úc ra cùng hội kiến. Chợt tin báo có một đội quân đi sang phía đông, không biết quân nào.
Tháo sai người ra thám xem ai, Đổng Chiêu nói:
- Đấy tất là tướng cũ Lý Thôi, Dương Phụng và bách-ba-xúy[6] là Hàn Tiêm. Nhân thấy minh công đến đây, nên họ kéo quân về Đại-lương.
Tháo hỏi rằng:
- Họ có bụng nghi tôi chăng?
Đổng Chiêu nói:
- Chúng nó là lũ vô mưu. Minh công hà tất phải lo.
Tháo lại hỏi:
- Thế còn Lý, Quách chuyến này chúng nó kéo đi thì rồi ra thế nào?
Chiêu thưa:
- Hổ long vuốt, chim gẫy cánh, chẳng mấy lúc sẽ bị minh công bắt được, can gì phải để ý.
Tào Tháo thấy Đổng Chiêu nói câu nào cũng lọt tai, bèn hỏi đến những việc lớn trong triều, Chiêu nói rằng:
- Minh công cất quân nghĩa-binh để trừ bạo loạn, vào triều giúp thiên-tử, ấy là công nghiệp của ngũ-bá[7]. Nhưng các tướng mỗi người một bụng, vị tất họ đã theo phục cả. Nay minh công ở mãi đây, tôi e có điều bất tiện. Chỉ có cách rước vua về Hứa-đô là hơn. Nhưng triều đình xiêu dạt mãi, mới về được kinh-đô, xa gần trông mong, ai cũng muốn được yên ổn một chút. Nay lại dời xa giá đi nơi khác, chắc lòng người cũng không phục. Nhưng ở đời có làm được việc phi thường mới có công phi thường. Xin minh công quyết kế đi.
Tháo cầm lấy tay Chiêu cười nói rằng:
- Ấy vẫn là bản chí tôi đó! Nhưng tôi còn e rằng Đại-lương có Dương Phụng, ở trong triều có các đại thần, đã chắc đâu không sinh biến được!
Chiêu nói:
- Lo chi việc ấy! Minh công nên đưa thư sang cho Dương Phụng rồi lại phân giải với các đại thần rằng: kinh sư bây giờ không có lương. Rước xa giá sang Hứa-đô là để được gần Lỗ-dương, vận lương cho tiện, không đến nỗi xa xôi thiếu thốn như ở đây, đại thần nghe rõ, đều vui lòng nghe theo.
Tháo nghe lời Chiêu nói, mừng rỡ quá chừng. Khi Chiêu từ biệt, Tháo lại nắm tay nói rằng:
- Về sau tôi có việc gì, xin ngài dạy bảo cho!
Chiêu tạ rồi cáo về.
Từ đó, Tào Tháo ngày ngày bàn mảnh[8] với mưu sĩ về việc dời đô.
Bấy giờ thái-sử-lịnh là Vương Lập, một bữa nói riêng với tôn-chính là Lưu Ngải rằng:
- Tôi có xem thiên văn: từ mùa xuân năm ngoái đến giờ sao Thái-bạch phạm vào sao Trấn-tinh ở khoảng sao Ngưu và sao Đẩu, rồi lại qua sông Ngân-hà; và sao Huỳnh-hoặc lại đi ngược cùng với sao Thái-bạch gặp nhau ở Thiên quan. Kim với Hỏa hội với nhau, tất nhiên có vua mới ra[9]. Tôi xem khí vận nhà Hán đã hết, trong đất Tấn Ngụy tất có người nổi lên.
Vương Lập lại mật tâu với vua rằng:
- Mệnh trời có đến, có đi, ngũ hành không hành nào thịnh mãi. Thay hỏa là thổ, thay nhà Hán có lẽ là ở đất Ngụy.
Tào Tháo nghe tin ấy, sai người bảo Lập rằng:
- Tôi cũng biết ông trung với triều đình, nhưng thiên cơ huyền bí lắm, xin ông chớ nói nhiều.
Tào lại lấy chuyện ấy thuật lại với Tuân Úc. Úc nói:
- Nhà Hán vốn lấy đức Hỏa làm vua. Mà minh công lại mình Thổ. Hứa-đô cũng thuộc Thổ, đến đấy tất hay. Hỏa sinh Thổ, mà Thổ thì vượng Mộc. Chính hợp với lời Đổng Chiêu, Vương Lập. Minh công tất sau này phát lớn.
Từ ấy Tào Tháo nhất quyết thiên đô.
Hôm sau Tháo vào ra mắt vua tâu rằng:
- Đông-đô bị tàn phá đã lâu, bây giờ không sửa sang lại được, vả lại chuyển vận lương thực, vất vả khó nhọc lắm. Hứa-đô gần Lỗ-dương; thành quách, cung thất, tiền lương, người của cái gì cũng có đủ. Tôi xin rước xa giá về Hứa-đô. Ngửa trông lượng thánh ưng cho.
Vua phải nghe. Các quan ông nào cũng sợ Tào Tháo mạnh thế không ai dám ngăn điều gì, liền chọn ngày để khởi giá. Tháo tự dẫn quân đi trông nom. Các quân cũng đi theo cả.
Đi chưa được vài dặm, đến một chỗ gò cao, bỗng thấy tiếng reo ầm ầm, rồi thấy Dương Phụng, Hàn Tiêm kéo quân ra chẹn đường đi. Từ Hoảng đứng đầu kêu to lên rằng:
- Tào Tháo hiếp thánh-giá đem đi đâu?
Tháo phóng ngựa ra xem, trông thấy Từ Hoảng uy phong lẫm liệt, có lòng khen thầm, liền sai Hứa Chử ra trận. Hai người bên dao bên búa, đánh nhau hơn năm mươi hợp chưa thấy bên nào được bên nào thua. Tháo sai gõ chiêng rút quân về, gọi các mưu sĩ lại bàn rằng:
- Dương Phụng, Hàn Tiêm không đáng kể, chỉ có Từ Hoảng thực là tướng tài. Ta không nỡ lấy sức mạnh địch lại, muốn dùng kế chiêu dụ thì hơn.
Hành-quân tùng-sự là Mãn Sủng nói:
- Chúa công đừng lo. Tôi với Từ Hoảng, có quen biết nhau. Tối hôm nay để tôi giả làm tên lính, lẩn vào trại anh ta, tôi thuyết phục anh ta, anh ta sẽ sang hàng chúa công.
Tào ưng ý lắm, cho Sủng đi. Đêm hôm ấy Sủng ăn mặc giả làm tên lính, đi lộn vào đội quân bên kia, lẻn đến trước màn Từ Hoảng, thấy Hoảng thắp nến mặc áo giáp đang ngồi. Sủng đánh bạo xông đến tận trước mặt, vái rồi hỏi rằng:
- Cố nhân lâu nay vẫn mạnh khỏe?
Hoảng giật mình đứng dậy, nhìn kỹ Sủng rồi hỏi rằng:
- Anh có phải là Mãn Bá-ninh ở Sơn-dương đó không? Có việc gì đến đây?
Sủng nói:
- Tôi hiện đang làm tùng-sự ở dinh Tào tướng-quân, hôm nay ở trước trận, trông thấy cố nhân, muốn dâng một câu nói, nên liều chết lại đây.
Hoảng mời ngồi, hỏi ý làm sao. Sủng nói:
- Ông là người dũng lược, đời nay hiếm có, sao lại phải khuất thân đi theo bọn Dương Phụng, Hàn Tiêm. Tào tướng quân là đấng anh hùng thời nay biết yêu người hiền, kính kẻ sĩ, thiên hạ đều biết tiếng. Hôm nay ở trước trận thấy ông khỏe mạnh, trong bụng mười phần kính yêu, không nỡ sai tướng khỏe ra để giết nhau. Bởi vậy Tào công sai tôi đến đây để mời ông. Xin ông bỏ chỗ tối, qua nơi sáng, để cùng Tào công làm nên nghiệp lớn.
Từ Hoảng nghĩ ngợi một hồi, chép miệng than rằng:
- Ta cũng biết Dương Phụng, Hàn Tiên không phải là tay lập được nghiệp, nhưng theo đã lâu rồi, bây giờ không nỡ bỏ.
Sủng lại nói:
- Ông há lại không biết rằng: chim khôn tìm cây mà đậu, người hiền chọn chủ mà thờ. Nay ông đã gặp được chủ đáng thờ gần nhau như hai cánh tay giáp nhau, bỏ lỡ mất cơ hội tốt sao gọi là người trượng phu?
Hoảng đứng dậy tạ nói rằng:
- Xin nghe lời ngài dạy!
Sủng nói:
- Đã vậy, sao ông không giết ngay Dương Phụng, Hàn Tiêm để làm lễ yết kiến.
Hoảng nói:
- Làm bầy tôi mà giết chủ, điều ấy thực là bất nghĩa, tôi quyết không làm!
Sủng nói:
- Ông thực là người nghĩa sĩ!
Từ Hoảng liền dẫn vài mươi tên kỵ mã, ngay đêm hôm ấy cùng với Mãn Sủng, chạy sang trại Tào Tháo.
Có người báo với Dương Phụng, Phụng giận lắm đem ngay một nghìn quân kỵ mã đuổi theo, gọi to lên rằng:
- Phản tặc Từ Hoảng đừng chạy nữa!
Trong khi đang đuổi, chợt nghe thấy một tiếng pháo nổ, trên núi dưới đồng, lửa đuốc sáng choang; quân phục bốn mặt kéo ra. Tào Tháo tự dẫn quân đi trước, quát lên rằng:
- Ta đợi đây đã lâu. Chớ để cho chúng nó chạy thoát.
Dương Phụng khiếp đảm, chực thu quân về nhưng đã bị quân Tào vây bọc. May đâu, giữa lúc ấy Hàn Tiêm kéo quân lại cứu. Hai bên đánh nhau; Phụng chạy được thoát; Tháo thừa thế đánh dấn; quân sĩ Phụng, Tiêm đầu hàng quá nửa. Hai người thế cô, nhặt nhạnh quân sót rồi sang với Viên Thuật.
Tháo thu quân về dinh, bấy giờ Mãn Sủng dẫn Từ Hoảng vào ra mắt. Tháo mừng rỡ, đãi Từ Hoảng rất hậu, rồi rước loan giá về Hứa-đô sửa sang nhà cửa, cung miếu; lập tôn miếu, xã tắc, cùng các tòa, các dinh và các nha môn; lại xây thành quách, lập kho tàng.
Lũ Đổng Thừa cả thẩy ba mươi người, đều được phong làm liệt-hầu. Thưởng người có công; phạt kẻ có tội, các việc hết thẩy đều do Tào Tháo coi xét. Tháo tự phong mình làm đại tướng quân, Vũ-bình-hầu; Tuân Úc làm thị-trung thượng-thư-lịnh; Tuân Du làm quân sư; Quách Gia làm tư-mã tế-tửu; Lưu Việp làm tư-không duyện-tào; Mao Giới làm điển-nông trung-lang-tướng, coi về việc thúc đốc tiền lương; Trình Dục làm tướng ở quận Đông-bình; Phạm Thành, Đổng Chiêu làm quan-lịnh ở Lạc-dương; Mãn Sủng làm quan-lịnh ở Hứa-đô; Hạ Hầu-uyên, Hạ Hầu-đôn, Tào Hồng, Tào Nhân đều làm tướng quân; Lã Kiền, Lý Điển, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Từ Hoảng đều làm hiệu-úy; Hứa Chử, Điển Vi làm đô-úy. Còn bao nhiêu tướng sĩ cũng đều phong quan cả.
Từ đấy quyền to trong nước đều vào tay Tào Tháo. Nội các việc lớn triều đình, trước trình Tào Tháo, sau mới tâu vua.
Khi Tháo đã định xong việc lớn, mới mở một cuộc yến ở hậu đường, họp các mưu sĩ lại bàn rằng:
- Lưu Bị đóng quân ở Từ-châu, tự lĩnh chức, coi việc ở đó. Mới rồi Lã Bố nhân ta đánh thua, cũng chạy về đấy, Bị cho ở Tiểu-bái. Nếu hai người ấy đồng tâm kéo đến phạm vào Hứa-đô, cũng là một điều nguy, ta vốn trong bụng vẫn lo việc ấy. Các ông có nghĩ kế gì trừ được hai người ấy không?
Hứa Chử nói:
- Tôi xin lĩnh năm vạn tinh binh, đi chém được đầu Lưu Bị, Lã Bố đem vào dâng thừa tướng.
Tuân Úc lại can Hứa Chử rằng:
- Tướng quân khỏe thì khỏe thực, nhưng tướng quân không biết dùng mẹo. Nay Hứa-đô mới dựng, chưa được vững vàng, chưa nên hấp tấp cất quân. Tôi xin hiến một kế, gọi là kế “Hai hổ tranh ăn”. Lưu Bị bây giờ lĩnh ở Từ-châu, nhưng chưa có chiếu mệnh. Vậy minh công nên tâu Hoàng thượng giáng chiếu cho y được thực thụ làm chức mục Từ-châu; nhân thể đưa cho Lưu Bị một bức mật thư sai y giết Lã Bố. Nếu Lưu Bị tuân lệnh giết được Lã Bố thì y mất tay phù tá; bằng y không giết nổi thì Lã Bố giết y. Thế gọi là cái kế “Hai hổ tranh ăn”.
Tào Tháo nghe kế ấy, liều tâu xin chiếu mệnh, rồi sai ngay sứ sang Từ-châu, phong cho Lưu Bị làm chinh-đông tướng quân, Tuyên-thành đình-hầu, lĩnh Từ-châu-mục, lại đưa thêm một phong mật thư.
Lưu Bị ở Từ-châu, nghe tin vua dời đô sang Hứa-đô, sắp sửa dâng biểu khánh hạ, chợt có người báo: có sứ nhà vua đến. Bị ra quách đón rước vào thành, lạy tạ ân mạng xong rồi, mở yến thết đãi sứ giả.
Sứ nói:
- Ngài được ân mạng này, đều là nhờ có Tào thừa tướng hết sức tiến cử.
Lưu Bị tạ ân. Sứ bấy giờ mới đưa mật thư ra, Lưu Bị xem xong thư nói rằng:
- Việc này xin để thong thả cho tôi bàn luận.
Tiệc tan, Bị mời sứ giả ra nghỉ ngoài quán khách, đêm hôm ấy bàn với các tướng.
Trương Phi nói:
- Lã Bố là người vô nghĩa, giết nó đi có ngại gì.
Lưu Bị nói:
- Người ta thế cùng về với ta. Nếu ta giết đi, thế là bất nghĩa.
Trương Phi nói:
- Làm người tốt khó lắm!
Lưu Bị nhất định không nghe.
Hôm sau, Lã Bố lại mừng. Lưu Bị cho ra mời vào. Bố nói:
- Nghe ngài mới được ân mệnh triều đình, nên tôi đến mừng.
Lưu Bị cảm ơn. Trong khi ấy Trương Phi cầm gươm đợi ở cổng-đường, định Lã Bố ra thì giết. Lưu Bị trông thấy vội vàng ngăn lại. Lã Bố kinh hãi, nói rằng:
- Dực-đức chỉ lăm lăm giết ta, là cớ làm sao?
Trương Phi thét lên rằng:
- Tào Tháo bảo mày là thằng vô nghĩa, bảo anh tao giết mày.
Lưu Bị vội vàng quát Trương Phi ra, mời Lã Bố vào hậu đường, nói rõ đầu đuôi, rồi đưa mật thư của Tào Tháo cho Lã Bố xem.
Lã Bố xem xong thư, khóc nói rằng:
- Ấy là thằng giặc Tào nó muốn cho hai chúng ta không được hòa với nhau đó.
Lưu Bị nói:
- Xin anh đừng lo. Tôi quyết không bao giờ làm điều bất nghĩa ấy.
Lã Bố hai ba lần bái tạ. Bị giữ Bố lại uống rượu mãi đến chiều mới về. Lã Bố về, Quan, Trương mới hỏi Lưu Bị rằng:
- Huynh-trưởng làm sao không giết Lã Bố?
Lưu Bị nói:
- Đấy là Tào Tháo nó sợ ta cùng với Lã Bố đồng mưu đánh nó, cho nên nó dùng kế ấy, để cho hai bên giết lẫn nhau. Sao mình lại có thể để cho nó lợi dụng được.
Quan Công gật đầu bảo: Phải!
Trương Phi nói:
- Tôi chỉ muốn giết thằng giặc ấy để khỏi lo sau.
Lưu Bị nói:
- Làm thế sao gọi là trượng phu?
Hôm sau Lưu Bị tiễn sứ giả về kinh; dâng biểu tạ ân và đưa thư trả lời Tào Tháo, nói xin để thong thả sẽ làm. Sứ về kinh vào ra mắt Tào Tháo, thuật chuyện Huyền-đức không giết Lã Bố.
Tào Tháo mới hỏi Tuân Úc:
- Kế ấy không xong làm thế nào?
Úc nói:
- Tôi lại có một kế nữa, gọi là kế “Xua hổ nuốt sói”.
Tháo nói:
- Kế ấy thế nào?
Úc nói:
- Tướng quân nên sai người đi hỏi thăm Viên Thuật rồi mật bảo Thuật rằng: Lưu Bị dâng mật biểu muốn lấy Nam-quận. Thuật tất giận đánh Lưu Bị. Minh công thì đưa chiếu rõ ràng sai Lưu Bị đánh Viên Thuật. Hai bên đánh nhau, Lã Bố tất sinh bụng khác, thế gọi là: xua hổ cho nó nuốt sói.
Tháo ưng ý lắm, một mặt sai ngay người đến Viên Thuật, một mặt lấy chiếu vua, sai đem đến Từ-châu.
Lưu Bị ở Từ-châu nghe có sứ đến, ra quách mời đón mở tờ chiếu ra đọc xong rồi đưa sứ về, nói rằng xin lĩnh mệnh.
My Chúc nói:
- Đây lại là kế Tào Tháo!
Lưu Bị nói:
- Đành là kế của Tào Tháo, nhưng có mệnh vua thì phải vâng theo.
Nói rồi lập tức điểm quân mã, ngay hôm ấy kéo đi.
Tôn Càn nói:
- Trước hết hãy nên cử người giữ lấy thành.
Lưu Bị hỏi Quan, Trương:
- Trong hai em, ai giữ nổi được thành?
Quan-công thưa:
- Em xin giữ.
Lưu Bị nói:
- Ta sớm tối nào cũng cần đến em bàn các việc, rời nhau ra làm sao được?
Trương Phi nói:
- Em xin giữ.
Lưu Bị bảo Phi rằng:
- Em thì giữ làm sao được! Một là em rượu vào hung hăng lên, đánh lính tráng; hai là em làm việc gì cũng coi thường, không chịu nghe ai can gián. Ta không đành lòng.
Phi nói:
- Từ giờ trở đi em xin không uống rượu. Không đánh lính tráng, ai can bảo gì em cũng xin nghe.
My Chúc nói:
- Tôi e rằng trong bụng không được như miệng nói.
Phi giận mắng My Chúc rằng:
- Tao theo anh tao đã lâu năm, chưa từng có thất tín câu nào, sao mày dám khinh tao như thế?
Lưu Bị nói rằng:
- Đã đành như thế, nhưng ta vẫn chưa được đành lòng. Em nên mời Trần Nguyên-long lại đây để giúp; sớm chiều từ nay em phải bớt uống rượu, đừng để hỏng sự mới được.
Trần Đăng vâng lĩnh lời. Lưu Bị dặn dò đâu đấy cả rồi, dẫn ba vạn quân mã bộ, rời Từ-châu sang Nam-dương. Viên Thuật nghe thấy tin Lưu Bị dâng biểu muốn lấy châu huyện mình, giận lắm nói rằng:
- Mày là thằng dệt chiếu, đóng dép, nay chiếm giữ được quận to, đứng ngang với các chư hầu. Tao định đánh mày, mày nay lại định sửa tao à? Thực là tức quá!
Thuật nói rồi, liền sai thượng-tướng là Kỷ Linh khởi mười vạn quân kéo sang Từ-châu.
Hai bên gặp nhau ở Vu-thai.
Lưu Bị ít binh, dựa vào cạnh núi, men sông đóng trại.
Kỷ Linh, là người ở Sơn-đông, sử một thanh đao ba mũi, nặng năm mươi cân, hôm ấy kéo quân ra trận, quát mắng rằng:
- Lưu Bị là một đứa thôn phu. Sao dám xâm phạm vào đất ta?
Lưu Bị nói:
- Ta nay phụng chiếu của vua sang đây đánh đứa bất thần. Sao mày dám kháng cự. Tội mày đáng chết!
Kỷ Linh giận lắm, múa đao xông vào đánh. Quan Vũ quát rằng:
- Thằng thất phu kia, chớ được cậy khỏe!
Nói rồi tế ngựa ra đánh nhau với Kỷ Linh. Đánh được hơn ba mươi hợp, chưa phân bên nào được bên nào thua. Kỷ Linh kêu to lên: “Hãy nghỉ!”. Quan-công quay ngựa về đứng đợi ở cửa trận.
Kỷ Linh sai phó tướng là Tuân Chính ra. Quan-công không thèm đánh, bảo rằng:
- Mày về gọi Kỷ Linh ra đây!
Chính nói:
- Mày là vô danh hạ tướng, không xứng đánh nhau với Kỷ tướng quân.
Quan-công điên ruột, xông vào chém Tuân Chính chỉ một nhát chết ngay. Lưu Bị thúc quân đánh tràn vào trận. Kỷ Linh thua to, lui về giữ ở cửa sông Hoa-âm không dám ra đánh nữa, chỉ sai quân sĩ cướp dinh rình trại, nhưng hễ thò thằng nào ra thì quân Từ-châu đánh giết phải thua chạy.
Nay ta hãy để hai bên chống cự nhau, mà nói chuyện Trương Phi ở nhà giữ việc Từ-châu.
Từ khi Lưu Bị đi, bao nhiêu việc tạp vụ, Trương Phi giao mặc Trần Đăng coi sóc, còn việc quân cơ lớn thì tự mình châm chước. Một hôm Phi mở một tiệc yến mời các quan đến ăn. Các quan ngồi đâu đấy rồi, Trương Phi mới nói rằng:
- Khi anh tôi đi, có dặn nên bớt uống rượu, sợ rằng say sưa rồi ngộ sự chăng, vậy tôi xin mời các quan hôm nay uống một bữa thực say, rồi từ mai trở đi, cấm hẳn không ai được uống nữa, phải giúp tôi để giữ thành trì. Hôm nay phải uống cho thực say mới được!
Trương Phi nói xong, đứng dậy cầm chén mời các quan. Khi cầm chén đến trước mặt Tào Báo, Báo từ rằng:
- Tôi theo thiên-giới không uống rượu.
Phi nói:
- Những hảo hán đánh nhau giết người, sao lại không uống rượu. Hôm nay, ta muốn mày uống một chén.
Tào Báo sợ quá cố uống một chén.
Trương Phi cầm chén mời tất cả các quan, rồi rót một cốc thực to cho mình, hớp một hớp hết nhẵn lại rót cốc nữa, làm một chập đủ mười cốc rượu đầy.
Lúc bấy giờ ý chừng say quá, Trương Phi lại đứng dậy cầm chén đi vòng mời các quan, khi đi đến trước Tào Báo, Báo nói:
- Tôi thực không sao uống được nữa.
Phi hỏi:
- Mày vừa uống được sao bây giờ lại từ chối.
Báo nhất định không uống. Trương Phi bấy giờ say rượu nóng tính nổi giận mắng rằng:
- Mày dám trái tướng lệnh tao, đáng đánh một trăm roi.
Trần Đăng can rằng:
- Khi ông Huyền-đức đi dặn ông những thế nào?
Phi nói:
- Mày là quan văn, chỉ coi việc văn thôi, đừng có lại cai quản tao ở đây!
Tào Báo không làm sao được, kêu rằng:
- Xin Dực-đức nể mặt con rể tôi mà tha lỗi cho tôi!
Phi hỏi:
- Rể mày là ai?
Báo thưa:
- Lã Bố!
Phi giận lắm quát rằng:
- Tao vốn không muốn đánh mày, nay mày lại đem Lã Bố dọa tao, thì tao đánh, tao đánh mày cũng như đánh thằng Lã Bố.
Các quan xô cả lại can cũng không được.
Quân lính lôi Tào Báo ra đánh đến năm mươi roi, các quan nằn nì ngăn can mãi mới thôi.
Tiệc tan.
Tào Báo trở về, giận quá, ngay đêm hôm ấy sai người cầm phong thư, đi tắt đến Tiểu-bái, vào ra mắt Bố, kể hết đầu đuôi chuyện Trương Phi vô lễ. Trong thư lại nói rằng:
“Lưu Bị đã sang Hoài-nam, đêm hôm nay nhân Trương Phi say rượu, kéo quân đến đánh úp lấy Từ-châu, là một dịp ít có, không nên để lỡ”.
Lã Bố xem xong thư, cho mời Trần Cung đến bàn, Cung nói:
- Tiểu-bái không phải là nơi ở lâu được. Nay Từ-châu đã có cơ lấy được, không lấy ngay đi, sau hối không kịp.
Bố nghe lời, lập tức mặc áo giáp lên ngựa, lĩnh năm trăm kỵ mã đi trước, sai Trần Cung dẫn đại-quân đi sau. Cao Thuận cũng kéo quân đến theo.
Tiểu-bái cách Từ-châu có bốn năm mươi dặm, đi một thôi ngựa thì đến. Lã Bố đến dưới thành, lúc đầu canh tư[10] trăng sáng vằng vặc, trên thành không ai biết. Lã Bố đến tận bên thành gọi rằng:
- Lưu sứ-quân có việc cơ mật sai người đến.
Trên thành có quân báo với Tào Báo, Báo lên thành xem rồi sai quân sĩ mở cửa ra. Bấy giờ Lã Bố mới nổi một tiếng hiệu, quân sĩ đều kéo ùa vào thành tiếng reo kinh động.
Trương Phi say rượu đang ngủ ở trong phủ. Tả hữu vội vàng lay tỉnh dậy bảo rằng:
- Lã Bố đã lừa mở được cửa thành, quân nó kéo cả vào rồi.
Trương Phi giận quá, vội vàng mặc áo giáp, vác ngọn bát-xà-mâu, vừa ra được cửa phủ lên được mình ngựa thì quân Lã Bố đến nơi. Bấy giờ Phi hãy còn say rượu không đánh được khỏe. Lã Bố cũng biết sức mạnh của Trương Phi, không dám đánh ráo riết quá.
Mười tám tướng kỵ-mã nước Yên bảo vệ Trương Phi chạy ra cửa Đông.
Vợ con Lưu Bị ở trong phủ, Trương Phi cũng không kịp nhìn đến.
Tào Báo thấy Trương Phi chỉ còn vài mươi người đi theo, lại khinh y còn say, đem hơn một trăm người ra đuổi, Phi trông thấy Báo giận lắm, tế ngựa lại đánh, chỉ ba hợp, Tào Báo thua chạy, Trương Phi đuổi đến bờ sông cầm ngọn mâu từ đằng xa phóng lại, tin giữa lưng Tào Báo, cả người lẫn ngựa chết lăn xuống sông.
Trương Phi đứng ngoài thành, hò gọi quân sĩ. Người nào ra được đều theo y đi sang Hoài-nam.
Lã Bố vào được thành, phủ dụ dân rồi, sai một trăm quân giữ nhà Lưu Bị, không cho ai được vào.
Trương Phi dẫn vài mươi tên kỵ-mã đi thẳng đến Vu-thai vào hầu Lưu Bị, nói hết cả chuyện Tào Báo cùng Lã Bố, trong ứng ngoài hợp, đang đêm đánh úp lấy Từ-châu. Các quan nghe chuyện ai cũng mất máu mặt, duy Lưu Bị chỉ than có một câu:
- Được cũng chẳng nên mừng, mất cũng chẳng nên lo!
Quan Vũ hỏi:
- Thế còn chị đâu?
Trương Phi nói:
- Hãm cả ở trong thành.
Lưu Bị nín lặng chẳng nói câu gì.
Quan-công giẫm chân mắng rằng:
- Khi trước mày đòi giữ thành, nói những câu gì? Anh dặn mày những thế nào? Bây giờ thành trì thì mất, chị lại bị hãm, thế ra làm sao?
Phi nghe anh mắng, sợ hãi không biết dường nào, rút ngay gươm ra định tự vẫn.
Thế rõ thực là!
Nghiêng bầu hít rượu sao vui?
Rút gươm tự vẫn sự thôi đã rồi!
Chưa biết tính mạng Trương Phi ra sao, xem đến hồi sau sẽ rõ.
Chú thích
- ▲ Lưu Bang (người sau này trở thành Hán Cao-tổ, mở đầu triều đại nhà Hán) được huyện lệnh huyện Bái giao trọng trách đưa một số người bị kết án và dân phu đi tới núi Ly Sơn để xây dựng lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Vốn sợ nặng nhọc, đi đến nửa đường, bọn dân phu trốn quá nửa, đêm đến nghỉ tại trạm Chãm Phong Tây, Lưu Bang thương tình cho trốn, với hơn mười tráng sĩ đều nguyện đi theo giúp sức. Trong truyền thuyết, họ gặp phải một con mãng xà đã giết chết một số người bằng hơi thở độc hại của nó. Lưu Bang bèn giết mãng xà và sau đó gặp phải một bà già khóc lóc trên đường vào sáng hôm sau. Khi người của Lưu Bang hỏi tại sao lại khóc, bà trả lời: "Con tôi, con trai của Bạch đế, bị giết chết bởi con trai của Xích đế" và biến mất một cách bí ẩn. Nghe được câu chuyện lạ lùng này, người của Lưu Bang tin rằng ông có chân mệnh đế vương. Sự kiện này do đó được gọi là Trảm bạch xà khởi nghĩa (斬白蛇起義). Cờ đỏ là màu lá cờ Lưu Bang sử dụng khi khởi nghĩa chống lại nhà Tần.
- ▲ Hươu Tần: ý nói vua nhà Tần. Chữ hươu với nghĩa nhà vua được nhắc đến trong Sử ký Tư Mã Thiên, (Chương 32: Hoài âm hầu liệt truyện. “Khoái Thông nói: [..] Nhà Tần mất hươu, cả thiên hạ cùng đuổi bắt [...]” (Tần thất kỳ lộc, thiên hạ cộng trục chi, 秦失其鹿,天下共逐之), nghĩa là "Nhà Tần mất ngôi, cả thiên hạ tranh giành".
- ▲ Ý nói đến thời kỳ Chiến tranh Hán-Sở sau khi nhà Tần mất, với chiến thắng sau cùng của nhà Hán.
- ▲ Ý nói hai kinh đô của nhà Hán: Lạc-dương và Tràng-an.
- ▲ Vị tướng công thần khai quốc của nhà Hán, nổi tiếng với sự dũng cảm, nhiều lần cứu nguy cho Lưu Bang và rất được Lưu Bang tin dùng.
- ▲ Thủ lĩnh nhóm sơn tặc Bạch-ba (làn sóng trắng).
- ▲ Ý nói công lao của Tào Tháo bằng năm vị bá chủ thời Xuân Thu.
- ▲ Ý nói mật nghị, bí mật bàn bạc.
- ▲ Trâu Diễn, một nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng lớn trong thời Chiến Quốc, đã khởi xướng ra cách giải thích về các thời đại phong kiến trị vì dựa trên thuyết âm dương ngũ hành (bao gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Thuyết này (trong tiếng Trung là Ngũ đức chung thủy thuyết, 五德終始說, tức là thuyết về gốc của năm vua) rất nổi tiếng trong giới sử gia và học giả vào thời Trung Hoa cổ đại. Theo thuyết này, mỗi triều đại đều có một hành đại diện. Trước thời Vương Mãng, Nhà Hán được cho là mang mạng Thổ. Điều này dựa trên luật tương khắc của ngũ hành: Hoàng Đế (Thổ) -> Nhà Hạ (Mộc) -> Nhà Thương (Kim) -> Nhà Chu (Hỏa) -> Nhà Tần (Thủy) -> Nhà Hán (Thổ). Tuy vậy Vương Mãng thay đổi việc phân loại triều đại để giải thích cho những lần cướp ngôi vua. Thay vì sử dụng luật tương khắc của Ngũ hành, ông dùng luật tương sinh (không tính Nhà Tần bị ông cho là bất hợp pháp), do đó thành: Hoàng Đế (Thổ) -> Nhà Hạ (Kim) -> Nhà Thương (Thủy) -> Nhà Chu (Mộc) -> Nhà Hán (Hỏa).
- ▲ Ngày xưa một đêm được chia làm 5 canh gác, cứ qua mỗi canh lại có người đánh trống hoặc kẻng để báo hiệu, từ đó có đơn vị thời gian canh vào ban đêm. Canh tư là khoảng từ 1 đến 3 giờ sáng.