Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 17
HỒI THỨ MƯỜI BẢY
Viên Công-lộ khởi bảy cánh quân,
Tào Mạnh-đức gặp ba ông tướng.
Viên Thuật ở Hoài-nam đất rộng lương nhiều, lại có ngọc-tỉ của Tôn Sách gửi làm tin, có ý muốn tiếm xưng đế-hiệu, hội cả các bầy tôi bàn rằng:
- Xưa Hán Cao-tổ chẳng qua là một người đình trưởng ở Tứ-thượng, thế mà lấy được thiên hạ. Từ bấy giờ đến nay đã bốn trăm năm, khí số đã hết. Trong bốn bể loạn tứ tung như vạc sôi. Mà nhà ta thì bốn đời làm đến tam công, trăm họ ai cũng trông ngóng. Ta muốn ứng vận giời, thuận lòng người, lên ngôi cửu-ngũ, các ngươi nghĩ thế nào?
Chủ-bạ là Diêm Tượng can rằng:
- Xưa Hậu Tắc nhà Chu, chứa đức chất công; đến đời Văn Vương, thiên hạ chia ba có hai phần, còn phải thờ nhà Ân. Nay minh công gia thế tuy rằng quý, nhưng chưa được thịnh bằng nhà Chu. Nhà Hán tuy rằng suy, nhưng chưa đến nỗi như Ân Kiệt. Việc ấy quyết không nên làm.
Thuật giận nói rằng:
- Ta họ Viên do từ họ Trần mà ra, mà họ Trần vốn là cháu vua Ðại Thuấn ngày xưa; thuộc về hành Thổ, lấy Thổ kế vào Hỏa chính ứng vận trời. Vả lại có câu sấm rằng: Thay nhà Hán ấy là chỗ cao ở giữa đường. Tên tự ta là Công-lộ, thế thì chính ứng câu sấm ấy. Lại có ngọc-tỉ truyền quốc, nếu ta không làm vua, thì hóa ra trái đạo trời mất. Ý ta đã quyết, ai còn can nữa ta chém.
Lập tức đặt hiệu gọi là Trọng-thị, lập ra các quan, đài, sảnh[1]; cưỡi kiệu long phượng; tế thần Nam-giao, Bắc-giao; lập con gái Phùng Phương làm hoàng hậu; dụng con giai làm Ðông cung, rồi sai sứ sang Từ-châu để xin cưới con gái Lã Bố về làm Ðông cung phi.
Nhưng nghe nói Lã Bố đã đem giải Hàn Dận vào Hứa-đô và đã bị Tào Tháo chém rồi, Thuật giận lắm, liền cử Trương Huân làm đại tướng quân thống lĩnh đại quân hơn hai mươi vạn, rồi chia làm bảy đạo sang đánh Từ-châu: 1. Trương Huân đi giữa; 2. Thượng-tướng Kiều Dị đi bên tả; 3. Trần Kỷ đi bên hữu; 4. Phó-tướng Lôi Bạc đi bên tả; 5. Trần Lan đi bên hữu; 6. Hàng tướng Hàn Tiêm đi bên tả; 7. Dương Phụng đi bên hữu. Ðạo nào cũng thống lĩnh tướng đội, chọn ngày cất quân; lại sai thứ-sử Duyện-châu Kim Thượng làm thái-uý coi vận tiền lương cho bảy đạo quân. Thượng không nghe, Thuật giết Thượng, lấy Kỷ Linh làm đô-cứu ứng-sứ để tiếp ứng cho bảy đạo quân.
Thuật tự lĩnh ba vạn quân sai Lý Phong, Lương Cương, Nhạc Tựu làm thôi-tiến-sứ, để đi lại cứu ứng quân bảy đạo.
Lã Bố sai người đi do thám, biết tin đạo quân Trương Huân đi theo đường cái lớn đến lấy Từ-châu; đạo Kiều Dị thì lấy Tiểu-bái; đạo Trần Kỷ lấy Nghi-đô; đạo Lôi Bạc thì lấy Lương-gia; đạo Trần Lan thì lấy Kệ-thạch; đạo Hàn Tiêm thì lấy Hạ-bì; đạo Dương Phụng thì lấy Tuấn-sơn. Cả bảy đạo quân mã, mỗi ngày đi được 50 dặm, đi đến đâu cướp phá đến đấy.
Bố nghe thám về báo thế, cho đi mời các mưu sĩ lại để bàn. Trần Cung và cha con Trần Khuê cũng đến cả. Trần Cung nói:
- Cái vạ Từ-châu này chỉ là do bố con Trần Khuê gây ra, nịnh triều đình để cầu tước lộc, mà để vạ lây đến tướng quân. Nay nên đem hai người ấy chém đi, mang đầu sang nộp Viên Thuật, thì lập tức Thuật rút quân về ngay.
Lã Bố lập tức sai người lôi bố con Trần Khuê, Trần Ðăng ra chém, Trần Ðăng cười to lên nói rằng:
- Sao lại có hèn đến thế? Bảy đạo quân Viên Thuật ta coi như cỏ rác mà thôi. Việc gì phải lo cuồng lên như vậy?
Bố truyền khoan chém rồi bảo Trần Ðăng rằng:
- Hễ mày có kế gì phá được giặc thì ta tha cho.
Ðăng nói:
- Nếu tướng quân nghe lời tôi, thì Từ-châu quyết không lo ngại gì cả.
Bố nói:
- Thử nói đi!
Ðăng nói:
- Quân Thuật dù nhiều nhưng cũng như đàn quạ họp nhau lại mà thôi, không thân tín nhau. Nếu ta lấy chính binh mà giữ, lấy kỳ binh mà đánh, tất nhiên thành công. Tôi lại có một kế nữa: không những là giữ vững được Từ-châu lại còn bắt sống được Viên Thuật.
Lã Bố hỏi kế ra làm sao, Ðăng nói:
- Hàn Tiêm, Dương Phụng nguyên là cựu thần nhà Hán; nhân sợ Tào Tháo mà chạy; không có nơi nương tựa cho nên phải theo Viên Thuật. Thuật tất cũng khinh thường họ, mà họ hẳn cũng không vui lòng để cho Thuật sai khiến. Nếu bây giờ ta đưa thư cho hai người ấy, nhử họ làm nội ứng, rồi ta lại nhờ Lưu Bị làm ngoại hợp, chắc là bắt sống được Thuật.
Bố nói:
- Mày phải đem thư cho Dương Phụng, Hàn Tiêm nhé?
Ðăng xin vâng.
Bố liền dâng biểu đến Hứa-đô, và đưa thư sang Dự-châu cho Lưu Bị, rồi mới sai Trần Ðăng dẫn vài quân kị, sang trước đường Hạ-bì để đón Hàn Tiêm. Khi Hàn Tiêm dẫn binh đến, lập trại rồi, Ðăng vào yết kiến, Tiêm hỏi:
- Mày là người Lã Bố lại đây việc gì?
Ðăng nói:
- Ta là công khanh nhà Hán, sao lại gọi là người của Lã Bố? Như tướng quân trước làm tôi nhà Hán, bây giờ lại làm tôi thằng phản tặc, để cho công phu cứu giá Quan-trung ngày xưa bỏ đi mất cả. Tôi trộm nghĩ lấy làm tiếc cho tướng quân. Vả lại tính Viên Thuật là đứa đa nghi, tướng quân theo nó rồi sau hại tới thân. Nay không sớm liệu đi, sau hối không kịp nữa!
Tiêm than rằng:
- Tôi cũng muốn về với nhà Hán, ngặt vì không có đường về.
Bấy giờ Ðăng mới đưa thư của Lã Bố ra. Tiêm xem xong nói rằng:
- Tôi xin lĩnh lời Lã Ôn-hầu. Xin ông cứ về trước, để tôi cùng Dương tướng quân sẽ trở giáo đánh lại Viên Thuật. Ông về nói với Lã Ôn-hầu hễ thấy lửa cháy làm hiệu thì đem binh đến tiếp ứng, tất là được.
Ðăng từ Tiêm về trình với Lã Bố.
Bố chia quân ra làm năm đạo: Cao Thuận dẫn một đạo tiến lên đến Tiểu-bái để chống với Kiều Dị; Trần Cung dẫn một đạo đến Nghi-đô để địch với Trần Kỷ; Trương Liêu và Tang Bá dẫn một đạo đến Lương-gia để địch với Lôi Bạc; Tống Hiến, Ngụy Tục dẫn một đạo đến Kê-thạch để địch với Trần Lan; Lã Bố thì tự dẫn một đạo đi ra đường cái lớn để đón Trương Huân. Mỗi đạo đem đi một vạn quân, còn thừa để lại giữ thành.
Lã Bố ra khỏi thành được ba mươi dặm đóng trại. Quân Trương Huân kéo đến, liệu chừng địch với Lã Bố không nổi, lùi lại hai mươi dặm đóng đồn để đợi quân bốn đạo tiếp ứng.
Canh hai đêm hôm ấy Hàn Tiêm, Dương Phụng đem quân kéo lại đốt lửa làm hiệu, quân Lã Bố ùa vào trại Trương Huân. Quân Huân cuống cuồng. Lã Bố thừa thế đánh dấn vào. Huân thua chạy. Lã Bố đuổi vừa đến sáng, gặp quân Kỷ Linh tiếp ứng cho Trương Huân vừa đến. Hai bên sắp sửa đánh nhau, thì Hàn Tiêm, Dương Phụng hai đạo cùng đánh xổ đến. Kỷ Linh cũng thua chạy nốt.
Lã Bố đuổi theo đánh. Bỗng thấy ở mé sau núi có một toán quân kéo ra.
Ở ngoài có một hàng cờ bay phấp phới, trong một đội quân mã, vác những cờ vẽ rồng rẽ phượng, cùng là gươm vàng búa bạc, mao trắng, việt vàng; ở dưới thì tán tía lọng vàng. Viên Thuật mình mặc áo giáp vàng, nách đeo đôi đao, cưỡi ngựa đứng trước cửa trận, gọi mắng Lã Bố là đứa phản chủ.
Bố giận vác kích xông vào.
Tướng Thuật là Lý Phong, vác giáo ra địch. Đánh nhau chưa được ba hợp, bị Lã Bố đâm vào cánh tay. Phong bỏ giáo chạy. Bố thúc quân vào đánh giết. Quân Viên Thuật cuống cuồng chạy trốn. Lã Bố dẫn quân đuổi theo, cướp giật được ngựa và áo giáp vô số.
Viên Thuật dẫn bại quân chạy, mới được vài dặm, sau núi có một toán quân kéo ra, chẹn ngang đường đi. Một tướng đứng đầu toán quân ấy là Quan Vân-trường, gọi to lên rằng:
- Phản tặc, không chịu chết đi, còn chạy đâu?
Viên Thuật cắm đầu cắm cổ chạy, quân sĩ tán loạn bị Quan-công đánh một trận thật dữ dội. Viên Thuật thu nhặt được ít tàn quân chạy về Hoài-nam.
Lã Bố thắng trận, mời Quan-công, Hàn Tiêm, Dương Phụng về cả Từ-châu, mở một tiệc yến to ăn mừng. Quân sĩ cùng được khao thưởng cả.
Hôm sau Quan Vũ từ xin về.
Lã Bố tâu xin cho Hàn Tiêm làm mục ở Nghi-đô; Dương Phụng làm mục ở Lương-gia. Lúc Bố muốn lưu hai người lại ở Từ-châu, Trần Khuê nói:
- Hai người ấy không nên để ở Từ-châu. Cứ cho họ sang giữ ở Sơn-đông thì tôi chắc chỉ trong một năm, bao nhiêu thành quách đất Sơn-đông bao nhiêu tên về tay tướng quân cả.
Bố nghe Khuê, tạm cho hai người ra đóng ở Nghi-đô, Lương-gia để đợi ân mệnh.
Trần Ðăng thấy vậy mới hỏi cha rằng:
- Sao cha không để hai người ấy ở Từ-châu, làm tay trong cho mình để giết Lã Bố?
Khuê nói:
- Thế ngộ hai người cùng hiệp sức giúp Lã Bố thì có phải hóa ra thêm nanh vuốt cho hổ không?
Ðăng phục cao kiến của cha.
Viên Thuật thua về Hoài-nam, sai người sang Giang-đông, hỏi Tôn Sách cho mượn binh để báo thù. Sách giận mà nói rằng:
- Mày lấy không ngọc-tỉ của ta, tiếm xưng đế-hiệu, làm phản nhà Hán, xấc láo không biết đạo; tao đang muốn đem binh sang hỏi tội mày, tao nào lại đi giúp đứa phản tặc?
Bèn viết thư cự tuyệt Viên Thuật.
Thuật xem thư giận nói rằng:
- Thằng trẻ con miệng còn hơi sữa mà dám xấc à, ta phải đánh trước nó đi mới được.
Trưởng-sử là Dương Đại-tướng ngăn can mãi Thuật mới thôi.
Tôn Sách tự khi đưa thư, sợ Viên Thuật đem quân đến, điểm binh giữ cửa sông. Chợt có sứ Tào Tháo đến, đem chiếu chỉ cho Sách làm thái-thú ở Cối-kê, và sai khởi binh sang đánh Viên Thuật.
Sách bàn bạc với các tướng, muốn khởi binh, trưởng-sử là Trương Chiêu can rằng:
- Thuật tuy rằng mới thua, nhưng binh nhiều lương đủ, chưa dễ đánh được, không bằng đưa thư cho Tào Tháo, bảo hắn cứ sang đánh trước, rồi ta làm hậu ứng. Hai bên cùng hiệp lại đánh, quân Thuật phải thua, vậy ta chắc được vạn phần, vạn nhất có thua, có Tào Tháo cứu đỡ.
Sách nghe lời, sai sứ giả cứ như thế sang trình với Tào công.
Tào Tháo về đến Hứa-đô thương nhớ Ðiển Vi lập miếu để thờ, rồi phong cho con Ðiển Vi là Ðiển Mãn làm trung-lang, đem về phủ nuôi.
Bấy giờ có quân báo Tôn Sách sai sứ giả đem thư đến.
Tháo xem xong thư, lại có người báo rằng:
- Viên Thuật thiếu lương ra cướp ở Trần-lưu.
Tháo muốn thừa cơ sang đánh, sai Tào Nhân giữ lấy Hứa-đô, còn bao nhiêu tướng sĩ bắt phải đi cả. Quân mã bộ cả thảy mười bảy vạn người, xe lương hơn một nghìn chiếc, một mặt sai người ra hẹn với Tôn Sách, Lưu Bị, Lã Bố.
Khi quân đi đến địa giới Dự-châu, Lưu Bị dẫn quân ra đón. Tháo sai mời vào trại, Lưu Bị vào dâng hai cái đầu.
Tháo giật mình hỏi:
- Ðầu nào?
Lưu Bị nói:
- Ðây là đầu Dương Phụng, Hàn Tiêm.
Tháo hỏi:
- Sao lại giết hai người ấy?
Lưu Bị thưa:
- Lã Bố sai hai người quyền coi Nghi-đô, Lương-gia và tâu xin cho được thực thụ chức mục hai nơi ấy. Không ngờ hai đứa thả binh cho ăn cướp của dân, ai cũng ca thán. Bởi thế tôi có làm một tiệc rượu, mời hai người đến bàn việc. Trong khi uống rượu, tôi ném chén làm hiệu sai Quan, Trương là hai em tôi đem hai đứa giết đi, bắt hết quân hàng phục. Vì thế nên nay lại thú tội với thừa tướng.
Tháo nói:
- Ông trừ hại cho nhà nước, ấy là công to, sao lại gọi là tội?
Tháo thưởng cho Lưu Bị, rồi hai bên cùng hợp binh lại, đến địa giới Từ-châu.
Lã Bố ra đón.
Tháo lấy lời ngọt ngào dỗ dành Lã Bố, phong cho làm tả-tướng-quân, hứa rằng: khi nào về Hứa-đô sẽ đổi ấn khác.
Bố mừng lắm.
Tháo chia quân Lã Bố ở tả, quân Lưu Bị ở hữu, còn mình tự lĩnh đại quân ở giữa; sai Hạ Hầu-đôn, Vu Cấm làm tiên phong.
Viên Thuật biết quân Tào đã đến nơi, sai Kiều Dị đem năm vạn quân làm tiên phong.
Hai bên gặp nhau ở giáp giới Thọ-xuân. Kiều Dị tế ngựa ra trước, đánh nhau với Hạ Hầu-đôn, chưa được ba hợp, bị Ðôn đâm chết.
Quân Thuật thua chạy về thành. Giữa lúc ấy lại có người bảo rằng:
- Tôn Sách đem thuyền đánh mặt tây; Lã Bố đem binh đánh mặt đông; ba anh em Lưu, Quan, Trương dẫn binh đánh mặt nam; Tào Tháo thì dẫn mười bảy vạn quân đánh mặt bắc.
Thuật nghe báo vội vàng họp cả văn vũ lại để bàn. Dương Đại-tướng nói:
- Ðất Thọ-xuân luôn mấy năm nay nước lụt rồi nắng to, dân gian đói khát cực khổ. Nếu bây giờ lại động binh thì nhiễu dân quá, tất dân oán mình, giặc đến khó lòng mà cự được, không bằng đóng quân ở Thọ-xuân, không đánh nhau với quân địch, đợi quân địch cạn lương tất nhiên sinh biến. Bây giờ bệ hạ hãy nên đem quân ngự lâm qua sông Hoài, trước nữa là sang chỗ lúa chín, sau nữa là hãy tạm lánh thế mạnh của quân địch.
Thuật nghe lời, cho Lý Phong, Nhạc Tựu, Lương Cương và Trần Kỷ, cả thảy bốn tướng với mười vạn quân để giữ Thọ-xuân, còn bao nhiêu tướng giỏi, cùng là vàng bạc châu báu trong kho, thu xếp nhặt nhạnh hết đem sang Hoài-nam.
Quân Tào Tháo mười bảy vạn mỗi ngày ăn lương tốn lắm. Các quận lại mất mùa, chuyển vận không kịp. Tháo thúc quân đánh mau.
Lũ Lý Phong cứ đóng chặt cửa thành không ra. Quân Tháo đánh thành hơn một tháng, lương ăn gần hết.
Tháo đưa thư sang vay Tôn Sách được mười vạn hộc lương. Quan coi lương là Vương Hậu thấy ít quá không đủ phát cho quân, vào bẩm với Tháo, hỏi xem nên làm thế nào?
Tháo nói:
- Ðem hộc nhỏ mà phát cho chúng nó, tạm cấp cứu lấy một lúc.
Hậu lại hỏi:
- Thế ngộ quân sĩ kêu ca thì nói thế nào?
Tháo nói:
- Ta đã có cách.
Hậu vâng lệnh, lấy hộc nhỏ đong lương phát cho quân.
Tháo cho người đi dò các trại, chỗ nào cũng thấy quân ca thán rằng: thừa tướng đánh lừa quân.
Tháo thấy vậy cho người ra sẽ đòi Vương Hậu vào bảo rằng:
- Nay ta muốn mượn ngươi một cái, để dẹp yên lòng quân, ngươi đừng nên tiếc.
Hậu hỏi:
- Thừa tướng muốn dùng cái gì?
Tháo nói:
- Ta muốn mượn cái đầu ngươi để dẹp yên lòng quân.
Hậu thất kinh, kêu oan, Tháo lại nói:
- Ta cũng biết ngươi không có tội, nhưng không giết ngươi thì lòng quân sinh biến, sau khi ngươi chết, vợ con ngươi ta nuôi cho, ngươi đừng lo.
Vương Hậu muốn nói nữa, nhưng Tháo đã gọi ngay đao phủ vào lôi Hậu ra ngoài cửa chém rồi bêu đầu lên một cái sào dài, yết thị rằng: “Vương Hậu cố làm đấu nhỏ, để hà lạm lương vua, nay chiếu quân pháp trị tội”.
Bởi thế quân sĩ không oán gì nữa.
Hôm sau Tào Tháo hạ lệnh cho các tướng rằng:
“Hạn cho ba ngày, hễ không cố sức phá được thành, các tướng phải chém cả”.
Tháo thân đến tận dưới thành, đốc thúc đội đất để lấp hào. Trên thành tên đá bắn xuống như mưa. Có hai tì tướng sợ hãi lui ra, Tháo rút ngay gươm chém liền ngay ở dưới thành, rồi xuống ngựa để đỡ lấy đất lấp hố. Bởi thế tướng sĩ lớn nhỏ, ai cũng phải cố lăn vào. Trên thành chống cự không nổi, quân Tào tranh nhau lên thành, chặt gẫy khóa cửa thành, đại đội kéo vào.
Lý Phong, Trần Kỷ, Nhạc Tựu, Lương Cương đều bị bắt sống. Tháo sai đem cả bốn tướng ra chợ chém, đốt sạch cả đền đài cung miếu, và bao nhiêu những đồ phạm cấm trong thành Thọ-xuân, cho quân cướp lấy sạch.
Tháo bàn muốn tiến binh sang sông Hoài đuổi theo Viên Thuật. Tuân Úc can rằng:
- Mấy năm nay đói kém, lương thực khan thiếu, nếu lại tiến binh thì nhọc quân và hại dân, vị tất đã có lợi, không bằng tạm về Hứa-đô, đợi sang xuân lúa chín, quân lương đủ dùng, bấy giờ ta sẽ liệu.
Tháo ngần ngừ chưa quyết, chợt có kỵ mã đến báo rằng:
- Trương Tú nương nhờ Lưu Biểu, nay lại tung hoành lắm. Các huyện Nam-dương, huyện Giang-lăng lại làm phản. Tào Hồng chống với giặc không nổi, thua luôn mấy trận, nên sai đến cáo cấp.
Tháo đưa ngay thư sang cho Tôn Sách, sai vượt qua sông bày trận làm nghi binh để Lưu Biểu không dám động; Tháo thì ngay hôm ấy rút quân về, để bàn việc sang đánh Trương Tú. Lúc đi, sai Lưu Bị lại về đóng đồn ở Tiểu-bái, cùng Lã Bố kết làm anh em, phải cứu giúp lẫn nhau, không được xâm phạm nhau nữa.
Lã Bố đem quân về Từ-châu, Tháo nói thầm với Lưu Bị rằng:
- Tôi sai ông đóng ở Tiểu-bái cũng là mẹo đào hố sẵn để bắt hổ đó. Ông nên cùng với bố con Trần Khuê bàn bạc, đừng để lầm lỡ điều gì, tôi sẽ làm ngoại viện.
Dặn dò xong rồi từ biệt nhau.
Tào Tháo dẫn binh về Hứa-đô, có người báo rằng:
- Ðoàn Ổi đã giết được Lý Thôi, Ngũ Tập giết được Quách Dĩ, mang đầu lại dâng; Ổi lại bắt được họ hàng Lý Thôi, già trẻ hơn hai trăm người, giải vào Hứa-đô đem nộp.
Tháo sai đem chia ra các cửa thành chém bêu đầu; nhân dân ai cũng hả bụng.
Vua lên điện hội tập các triều thần văn võ, mở tiệc yến thái bình ăn mừng, phong cho Ðoàn Ổi làm đảng-khấu tướng-quân; Ngũ Tập làm điễn-nỗ tướng-quân, đều đem quân ra trấn thủ Tràng-an.
Hai người tạ ấn rồi trở ra.
Tháo tâu rằng:
- Trương Tú làm loạn, Tháo xin cất quân ra đánh.
Vua thân ngự loan giá tiễn Tháo.
Bấy giờ về tháng tư năm thứ ba niên hiệu Kiến-an. Tháo lưu Tuân Úc ở lại Hứa-đô, sai binh kén tướng tự thống lĩnh đại quân kéo đi.
Khi quân đi qua một nơi lúa đã chín, dân thấy binh đến chạy trốn không dám ra gặt lúa. Tháo sai người đi hiểu dụ hết cả phụ lão thôn quê cùng các quan sở tại rằng:
- Ta phụng chiếu vua, đem quân đánh giặc, trừ hại cho dân. Nay đang mùa lúa chín, bắt đắc dĩ phải khởi binh. Quân tướng lớn nhỏ đi qua những ruộng, ai dẫm lên lúa đều bị chém. Quân pháp thực nghiêm, nhân dân không việc gì lo sợ cả.
Trăm họ nghe lời hiểu, chỗ nào cũng vui mừng ca tụng, bày đồ bái vọng đầy cả đường.
Quan quân đi qua các ruộng lúa đều phải xuống ngựa, lấy tay đỡ từng bông lúa mạch, lần lượt truyền tay nhau mà đi, không ai dám dẫm bừa.
Tháo cưỡi ngựa đang đi, bỗng có một con chim bồ câu ở trong bụi lúa bay vụt ra. Ngựa Tháo giật mình lồng lên, nhảy ngay vào trong đám lúa, xéo nát cả một vùng lúa mạch.
Tháo lập tức gọi hành quân chủ hộ, truyền phải nghị tội mình xéo lúa.
Chủ hộ nói:
- Sao lại có thể nghị tội thừa-tướng?
Tháo nói:
- Ta đặt ra phép, ta lại tự phạm, thì sao chúng phục?
Liền rút gươm ra toan tự vẫn. Chúng vội vàng ngăn lại.
Quách Gia nói:
- Cứ như nghĩa sách Xuân Thu, ngày xưa hình phép không nghị được vào người Tôn, thừa-tướng thân cầm quân lớn, sao nên tự sát?
Tháo dùng dằng một hồi rồi nói rằng:
- Có phải sách Xuân Thu có nghĩa thế, thì ta hãy tạm tha tội cho ta khỏi chết.
Rồi lấy gươm cắt tóc mình vất xuống đất mà nói rằng:
- Cắt tóc để thay đầu!
Rồi sai người cầm nắm tóc ra, truyền bảo ba quân rằng:
- Thừa-tướng xéo phải lúa, đáng lẽ chém đầu hiệu-lệnh. Nay hãy cắt tóc để thay!
Quân tướng nghe thấy đều rợn tóc gáy, không ai dám sai phép quân.
Ðời sau có thơ rằng:
Mười vạn tì-hưu bụng biết bao?
Một người hiệu-lệnh cấm làm sao?
Thay đầu, cắt tóc, nghiêm quân pháp,
Trí trá Tào-man ấy mới cao!
Trương Tú nghe thấy Tháo dẫn binh đến, đưa ngay thư sang báp Lưu Biểu, nhờ làm hậu ứng; một mặt cùng với Lôi Tự, Trương Tiên hai tướng, đem quân ra ngoài thành nghênh địch.
Hai trận quây tròn lấy nhau. Trương Tú cưỡi ngựa ra, trỏ vào Tháo mắng rằng:
- Mày là đứa giả nhân giả nghĩa, không biết liêm sỉ, sánh với cầm thú không khác gì!
Tháo giận lắm sai Hứa Chử ra. Tú sai Trương Tiên ra tiếp chiến. Ðánh nhau được ba hợp, Chử chém Trương Tiên chết.
Quân Tú thua to, Tháo đem quân đuổi đánh đến dưới thành Nam-dương. Tú vào thành đóng cửa không dám ra.
Tháo vây đánh thành, thấy hào rộng nước sâu, khó đến được gần thành, sai quân sĩ đổ đất lấp hào; lại dùng những đẫy vải đựng đất và những củi gỗ cỏ rác, chồng chất lẫn lộn cả ở bên thành, để làm bậc trèo vào; lại làm thang cao để dòm vào trong thành.
Tháo cưỡi ngựa đi diễu chung quanh thành ba hôm để nhìn xem địa thế, rồi truyền quân sĩ chất củi gỗ cỏ rác ở góc cửa tây, hội họp chư tướng, theo góc ấy trèo vào thành.
Giả Hủ ở trong thành, trông thấy quang cảnh như thế bảo với Trương Tú rằng:
- Ta biết ý Tào Tháo rồi, nay nên nhân kế nó mà dùng kế ta.
Thế thực là:
Ðã khôn gặp phải người khôn nữa;
Hay dối trêu ngay kẻ dối hơn.
Chưa biết kế Giả Hủ ra làm sao, xem đến hồi sau mới rõ.
Chú thích
- ▲ Cũng như các bộ thượng thư.