Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 19
HỒI THỨ MƯỜI CHÍN
Thành Hạ-bái, Tào Tháo dùng binh;
Lầu Bạch-môn, Lã Bố tuyệt mệnh.
Cao Thuận, Trương Liêu đánh trại Quan-công; Lã Bố đánh trại Trương Phi. Quan, Trương hai ông cùng ra đối địch. Lưu Bị đem binh tiếp ứng hai trại, Lã Bố chia quân từ đằng sau đánh dồn lại. Hai cánh quân Quan, Trương cùng vỡ.
Huyền-đức dẫn vài mươi kỵ mã chạy về thành. Lã Bố đuổi theo. Bị vội sai quân kéo bỏ cầu xuống.
Lã Bố đã đến nơi rồi mà trên thành không dám bắn xuống, sợ bắn phải Huyền-đức. Lã Bố thừa thế xông vào thành. Tướng sĩ giữ cửa thành không chống cự nổi, vùng té chạy cả. Lã Bố hô quân vào thành, Huyền-đức thấy việc đã kíp, không kịp chạy về nhà nữa, đành bỏ vợ con, một mình cưỡi ngựa, lẻn ra cửa tây chạy trốn.
Lã Bố đến tận nhà Lưu Bị. My Chúc ra đón, nói với Bố rằng:
- Tôi nghe: phàm đã gọi là đại trượng phu là không hại vợ con người ta. Nay cùng tướng quân tranh thiên hạ ấy là Tào Tháo, chứ như Huyền-đức vẫn nhớ ơn ông bắn kích ở Viên-môn, có khi nào dám quên đâu! Nay bất đắc dĩ phải theo Tào Tháo. Xin tướng quân thể tất cho.
Bố nói:
- Phải, ta cùng Huyền-đức vốn là bạn cũ với nhau, có đâu lại nỡ hại vợ con ông ấy!
Rồi sai My Chúc dẫn vợ con Lưu Bị ra Từ-châu ở yên đó. Bố thì dẫn quân sang Sơn-đông, Duyện-châu, để Cao Thuận, Trương Liêu ở lại giữ Tiểu-bái.
Bấy giờ Tôn Càn cũng đã trốn ra ngoài thành. Quan, Trương mỗi người thu nhặt ít quân mã vào đóng ở nơi rừng rú.
Lưu Bị một mình cưỡi ngựa đi trốn, đương đi thấy một người tế ngựa theo sau. Ngoảnh đầu lại xem ai thì là Tôn Càn. Lưu Bị mới hỏi rằng:
- Nay hai em ta không biết sống chết, vợ con ta thất tán cả. Làm sao bây giờ?
Tôn Càn nói:
- Không bằng hãy về với Tào Tháo rồi sau sẽ liệu.
Huyền-đức nghe lời đi tắt đường nhỏ sang Hứa-đô.
Lúc đi đường nhỡ thiếu lương, phải vào trong làng xin ăn. Đi đến đâu ai nghe thấy tiếng Lưu Dự-châu cũng tranh nhau dâng đồ ăn uống.
Một hôm vào nghỉ trọ một nhà, trong nhà có một chàng tuổi trẻ ra lạy. Bị hỏi tên họ là gì, người ấy nói là con nhà săn bắn tên là Lưu An. Lưu An nghe thấy quan mục Dự-châu đi qua, muốn kiếm đồ giã vị để thết đãi, ngặt vì không tìm được thứ gì bèn giết vợ lấy thịt thết Lưu Bị.
Huyền-đức hỏi:
- Thịt gì?
An thưa:
- Thịt chó sói!
Huyền-đức tưởng thực, ăn một bữa no, rồi tối đi ngủ. Đến sáng sắp đi, ra đằng sau lấy ngựa, thấy ở dưới bếp có một người đàn bà chết, thịt cánh tay đã cắt hết. Lưu Bị giật mình, hỏi ra mới biết thịt ăn tối hôm trước là thịt vợ Lưu An. Huyền-đức thương xót không biết ngần nào, gạt nước mắt, lên ngựa. Lưu An thưa với Huyền-đức rằng:
- Đáng lẽ tôi cũng xin theo sứ quân, nhưng lại còn mẹ già nên chưa dám đi.
Huyền-đức tạ rồi đi, tìm đường đến Lương-thành, bỗng thấy trước mặt có bụi bay mù mịt, một toán quân kéo đến. Huyền-đức biết là quân Tào Tháo, liền cùng với Tôn Càn đi tắt đến trung-quân, vào yết kiến Tào-công, nói hết cả sự tình mất Bái-thành, lạc hai em và vợ con bị hãm. Tháo nghe nói chuyện cũng thương cảm rỏ nước mắt. Bị lại thuật cho Tháo biết truyện Lưu An giết vợ. Tháo sai Tôn Càn đem một trăm lạng vàng đến cho Lưu An.
Quân đi đến Tế-bắc, Hạ Hầu-uyên ra đón vào trại, thuật lại chuyện anh là Hạ Hầu-đôn mất một con mắt, hiện còn ốm chưa khỏi. Tháo vào tận giường nằm hỏi thăm, rồi sai người đưa về Hứa-đô để phục thuốc. Một mặt sai người thám xem Lã Bố ở đâu. Thám về báo rằng:
- Lã Bố cùng Trần Cung, Tang Bá kết liên với giặc núi, ăn cướp các huyện ở Duyện-châu.
Tháo sai ngay Tào Nhân đem ba nghìn quân sang đánh Bái-thành. Tháo tự đem đại quân cùng Huyền-đức đi đánh Lã Bố.
Đi đến Sơn-đông, gần cửa ải Tiêu-quan gặp bọn giặc núi là Tôn Quan, Ngô Đôn, Doãn Lễ và Xương Hi, lĩnh hơn ba vạn quân chắn ngang đường đi.
Tháo sai Hứa Chử ra đánh. Bốn tướng giặc cùng cưỡi ngựa ra. Hứa Chử cố chết lăn sả vào đánh. Bốn tướng chống cự không nổi đều thua chạy. Tháo thừa thế đánh dấn, đuổi đến cửa Tiêu-quan.
Có thám mã phi đến báo với Lã Bố. Bấy giờ Lã Bố đã về Từ-châu rồi, muốn đi với Trần Đăng ra cứu Tiểu-bái, mới sai Trần Khuê giữ lấy Từ-châu. Khi Trần Đăng đi, bố là Trần Khuê bảo con rằng:
- Xưa Tào-công có dặn phàm việc phương đông, giao cho con cả. Nay Lã Bố đã sắp đến lúc thua, con nên liệu đấy mà làm.
Đăng nói:
- Bao nhiêu các việc mặt ngoài con xin làm. Hễ Lã Bố có thua trở về, xin cha cùng My Chúc giữ lấy thành, đừng cho nó vào. Con đã có kế thoát thân.
- Vợ con Lã Bố ở đây, những tướng tâm phúc nó ở đây cũng nhiều thì làm thế nào?
Đăng nói:
- Con cũng có cách.
Đăng nói rồi vào ra mắt Lã Bố thưa rằng:
- Từ-châu bốn mặt trống trải. Tháo tất cố sức đánh. Ta nên nghĩ đường tháo trước. Nên vận tiền lương sang chứa ở Hạ-bì nếu Từ-châu bị vây, Hạ-bì có tiền lương thì còn cứu được. Chúa công sao không liệu đi?
Bố nói:
- Anh nói rất phải, để ta đem ngay cả vợ con sang đó.
Liền sai ngay Tống Hiến, Ngụy Tục hộ vệ vợ con cùng là tiền lương, đem cả sang Hạ-bì, rồi một mặt dẫn quân cùng Trần Đăng ra cứu Tiêu-quan.
Đi đến nửa đường, Đăng nói:
- Hãy để tôi đến ải xem Tào binh hư thực thế nào, rồi chúa công hãy nên đến.
Bố ưng như thế. Đăng đến cửa ải. Lũ Trần Cung ra đón. Đăng nói:
- Ôn-hầu thấy các ông không chịu ra đánh, lấy làm kỳ quái, muốn đến để trách mắng các ông đấy.
Cung nói:
- Nay quân Tào thế lớn, không nên khinh địch. Chúng tôi ở đây giữ vững cửa ải. Ông nên về nói với chúa công giữ lấy Bái-thành cho cẩn thận là phải hơn.
Trần Đăng thưa:
- Dạ! Dạ! Xin nhận lời.
Đến chiều tối Đăng lên cửa ải nhìn xem, thấy quân Tào đóng sát ở dưới cửa. Đến đêm Đăng viết luôn ba cái thư, buộc trên đầu tên bắn xuống dưới ải.
Hôm sau, Đăng từ giã Trần Cung tế ngựa trở về, vào nói với Lã Bố rằng:
- Lũ Tôn Quan trên ải muốn dâng cửa quan cho Tào Tháo. Tôi đã dặn Trần Cung giữ gìn ở đó, tướng quân chiều hôm nay nên ra cứu ứng.
Bố nói:
- May quá! Không có ông thì cửa ải thật hỏng mất rồi.
Rồi sai Trần Đăng tế ngựa đến cửa ải, hẹn với Trần Cung làm nội ứng, đốt lửa làm hiệu. Đăng đến bảo Trần Cung rằng:
- Quân Tào đi lẻn đường nhỏ đã vào lọt trong cửa ải. Từ-châu nguy mất. Các ông phải về ngay mới được!
Cung liền dẫn quân bỏ cửa ải chạy về. Đăng đốt hiệu lửa ở trên cửa ải: Quân Lã Bố đang đêm kéo đến. Quân Trần Cung, Lã Bố đánh lộn nhau trong đêm tối. Quân Tào ở ngoài thấy hiệu lửa, thừa thế đánh ùa vào. Lũ Tôn Quan chạy tan hoang cả.
Lã Bố đánh mãi đến sáng mới biết rằng mình lại đánh quân mình, hấp tấp cùng Trần Cung kéo về Từ-châu. Khi đến bên thành gọi cửa. Cửa chẳng thấy ai mở, chỉ thấy trên thành tên bắn xuống như mưa. Được một lát thấy My Chúc ở trên địch lâu quát to lên rằng:
- Mày cướp thành trì của tao, nay lại phải trả. Không được vào đây nữa!
Lã Bố giận nói rằng:
- Trần Khuê ở đâu?
Chúc nói:
- Tao đã giết nó rồi!
Bố ngoảnh lại hỏi Trần Cung:
- Trần Đăng ở đâu?
Cung nói:
- Tướng quân mê ư, lại còn hỏi thằng giặc nịnh tặc ấy?
Bố sai tìm khắp cả trong quân, chẳng thấy Trần Đăng đâu cả.
Cung khuyên Lã Bố về Tiểu-bái. Bố nghe lời. Đi đến nửa đường lại thấy một toán quân kéo đến.
Trông ra là Cao Thuận, Trương Liêu. Bố hỏi:
- Đi đâu?
Cao Thuận, Trương Liêu nói:
- Trần Đăng nói rằng chúa công bị vây, sai chúng tôi lại cứu.
Cung nói:
- Ông còn mắng tôi hay gièm pha nữa thôi?
Bố giận lắm nói rằng:
- Thế nào ta cũng giết được thằng phản tặc mới nghe!
Kíp tế ngựa đến Tiểu-bái, trên thành đã thấy cắm nhan nhản những cờ Tào.
Nguyên Tào Tháo đã sai Tào Nhân lừa lấy thành trì và đem quân đến giữ rồi. Lã Bố ở dưới thành chửi mắng Trần Đăng. Đăng ở trên thành trỏ vào Bố mắng lại rằng:
- Tao làm tôi nhà Hán, lại chịu thờ mày là thằng phản tặc hay sao?
Lã Bố giận lắm, vừa sắp đánh thành, chợt nghe sau lưng có tiếng reo, rồi thấy một đội quân mã kéo đến. Trương Phi đi đầu.
Cao Thuận ra địch không nổi, phải vào. Lã Bố xông vào. Bấy giờ ở ngoài trận lại nghe thấy tiếng reo, Tào Tháo kéo cả đại quân đến đánh. Lã Bố trông chừng đương không nổi, dẫn quân chạy về mặt Đông. Tào binh từ đằng xa đuổi lại. Lã Bố chạy, người đã nhọc ngựa đã mỏi, chợt lại có một toán quân nữa ở đâu kéo đến, chẹn ngang đường đi, rồi thấy một tướng vác long đao, dừng ngựa lại thét to lên rằng:
- Lã Bố đừng chạy! Ta là Quan Vân-trường đây!
Lã Bố vội ra tiếp chiến. Sau lưng Trương Phi mới đổ dồn lại. Bố không dám ham đánh, cùng lũ Trần Cung đánh mở lấy một đường, chạy tắt đến Hạ-bì. Hầu Thành dẫn binh ra tiếp vào thành.
Quan, Trương từ khi thua chạy trốn, bấy giờ mới được gặp nhau. Hai người cùng gạt nước mắt, thuật lại cùng nhau chuyện ly tán. Vân-trường nói:
- Tôi đóng ở ngoài bờ bể, nghe được tin tức nên tôi đến đây.
Trương Phi nói:
- Em ở trong núi Mang-đường, ở được ít lâu. Hôm nay được gặp nhau, thực là may quá!
Hai người nói chuyện xong, dắt nhau đến trước Lưu Bị, cùng lạy xuống đất mà khóc.
Huyền-đức nửa thương nửa mừng, dẫn hai người vào ra mắt Tào Tháo rồi theo Tháo vào Từ-châu. My Chúc ra tiếp, nói rằng: “Gia thuộc đều bình an cả”. Huyền-đức mừng lắm.
Hai bố con Trần Khuê bấy giờ cũng lại yết kiến Tào Tháo.
Tháo sai mở một tiệc yến lớn để khao các tướng. Tháo ngồi giữa, sai Trần Khuê ngồi bên tả, Lưu Bị ngồi bên hữu, còn các tướng sĩ cứ thứ tự mà ngồi.
Ăn yến xong, Tháo khen công bố con Trần Khuê, phong thêm cho ăn lộc mười huyện, lại cho Đăng làm phục-ba tướng-quân.
Tào Tháo lấy được Từ-châu, trong bụng mừng lắm, bàn với các tướng, muốn khởi binh sang đánh Hạ-bì.
Trình Dục nói:
- Lã Bố nay chỉ có một thành Hạ-bì, nếu ta đánh nó cấp quá, tất nó liều chết mà đánh để chạy sang với Viên Thuật. Bố mà hợp với Thuật thì khó lòng mà trị được lắm. Nay nên sai người tài giỏi, giữ chẹn các ngả đường hiểm Hoài-nam, trong phòng Lã Bố ra, ngoài chống Viên Thuật. Vả lại ở Sơn-đông, còn có lũ Tang Bá, Tôn Quan chưa quy phục về ta, mặt ấy càng nên phòng giữ cẩn thận.
Tháo nói:
- Thôi, ta tự giữ mặt Sơn-đông, còn Huyền-đức thì giữ mặt Hoài-nam.
Lưu Bị nói:
- Thừa-tướng sai, tôi xin vâng.
Hôm sau, Lưu Bị để My Chúc, Dản Ung ở Từ-châu, rồi đem Tôn Càn, Quan Vũ và Trương Phi dẫn quân ra giữ các ngả đường Hoài-nam. Tào Tháo thì tự dẫn binh đi đánh Hạ-bì.
Lã Bố ở Hạ-bì cậy rằng lương ăn đủ dùng, vả lại có sông Tứ-thuỷ hiểm trở, vững dạ giữ ở đó, không lo ngại gì nữa. Một bữa Trần Cung nói rằng:
- Nay binh Tào Tháo mới đến, nên nhân lúc nó chưa lập trại xong, ta thong thả đánh kẻ địch khó nhọc quyết nhiên là được.
Bố nói:
- Ta vừa mới thua mãi, không nên khinh địch. Đợi khi nào nó đến đánh, ta sẽ ra đánh, tất quân nó lăn cả xuống Tứ-thuỷ.
Bố không nghe lời Trần Cung.
Được vài hôm, Tào Tháo lập trại xong, đem các tướng đến dưới thành, gọi Lã Bố ra nói chuyện. Bố đứng trên mặt thành. Tháo gọi bảo rằng:
- Ta nghe Phụng-tiên muốn kết hôn với Viên Thuật, cho nên đem binh đến đây. Thuật có tội phản nghịch lớn, mà ông thì có công đánh Đổng Trác, sao ông lại bỏ công trước của mình mà đi theo đứa phản tặc. Nếu bây giờ tôi phá được thành trì của ông, thì ông còn hối kịp làm sao? Bằng nay ông hàng ngay đi, cùng giúp nhà vua, ông sẽ được phong tước hầu.
Bố nói:
- Thừa-tướng hãy về đi, để tôi bàn đã.
Trần Cung đứng bên cạnh Bố, thấy Tháo, quát to lên mắng Tháo là nghịch tặc, rồi bắn một mũi tên xuống, trúng vào lọng Tào Tháo.
Tháo trỏ vào Cung, nghiến răng lại mà rằng:
- Tao thề thế nào cũng giết mày.
Nói rồi dẫn ngay quân vào đánh thành.
Cung bảo với Bố rằng:
- Tào Tháo tự xa đến đây, thế cũng không ở lâu được. Tướng quân nên đem cả quân bộ kỵ ra đóng đồn ở ngoài, tôi thì giữ ở trong thành. Hễ Tháo đánh tướng quân thì tôi xin đem quân đánh tập hậu, hễ nó đánh thành thì tướng quân về cứu. Độ mười ngày, quân Tháo hết lương bấy giờ chỉ đánh một trận là phá được. Thế ấy gọi là thế “ỷ dốc”.
Bố nói:
- Ông nói phải lắm.
Rồi về ngay phủ, thu xếp khí giới, áo giáp.
Bấy giờ đang mùa đông rét mướt, Bố sai quân hầu đem nhiều áo bông đi.
Vợ Lã Bố là họ Nghiêm nghe thấy thế, ra hỏi chồng rằng:
- Ông sắm sửa đi đâu thế?
Bố kể lại với vợ mưu của Trần Cung.
Họ Nghiêm nói:
- Nay ông bỏ thành không trông gì đến vợ con, đem quân ra tận xa. Ví dù một mai, có biến thì thiếp sao được trông thấy ông nữa!
Bố nghe nói ngần ngừ, trong bụng không biết định bề nào, ba hôm không ra đến ngoài.
Cung vào nói rằng:
- Quân Tào Tháo bốn mặt vây thành, nếu không ra ngay, thì khốn đến nơi.
Bố nói:
- Ta nghĩ chạy ra ngoài xa, sao bằng giữ vững ở đây?
Cung nói:
- Mới rồi tôi vừa nghe thấy tin Tháo hết lương, có sai quân về Hứa-đô để vận tải đến. Nay mai sắp đến nơi. Tướng quân nên đem tinh binh ra chẹn đường mang lương. Kế ấy thực là hay.
Bố chịu kế ấy là phải, lại vào hỏi vợ. Họ Nghiêm khóc nói rằng:
- Nếu tướng quân đi thì Trần Cung, Cao Thuận giữ làm sao nổi được thành này? Ngộ có điều lầm lỡ gì thì hối làm sao? Khi xưa thiếp ở Tràng-an đã bị tướng quân bỏ, may nhờ Bàng Thư giấu giếm mới lại được đoàn tụ với tướng quân. Không ngờ bây giờ tướng quân lại bỏ thiếp mà đi? Đường công danh của tướng quân còn nhiều, xin chớ nghĩ đến thiếp nữa!
Nghiêm thị nói xong khóc lóc thảm thiết.
Bố nghe nói, trong bụng buồn bã, không biết nghĩ thế nào, lại vào nói chuyện với Điêu Thuyền. Thuyền nói:
- Tiện thiếp đã đem thân vào gửi tướng quân là trăm điều trông cậy ở tướng quân cả. Xin tướng quân nghe thiếp đừng khinh xuất ra ngoài.
Bố nói:
- Chớ lo ngại gì. Ta có ngọn họa kích này, ngựa Xích-thố kia thì ai dám đến gần ta.
Bèn ra bảo Trần Cung rằng:
- Quân Tào vận lương đến, là chước dối đấy. Tháo nhiều quỷ kế lắm, ta chưa nên động vội.
Cung trở ra mà than rằng:
- Chúng ta phen này chết không có đất chôn!
Lã Bố tự đó cả ngày không ra đến ngoài, chỉ cùng với họ Nghiêm và Điêu Thuyền uống rượu giải buồn.
Một bữa có mưu sĩ Hứa Dĩ và Vương Khải vào hầu hiến kế như sau:
- Viên Thuật ở Hoài-nam thanh thế to lắm, tướng quân trước đã ước hôn với Thuật, nay sao không sang mà cầu? Giả thử quân Thuật sang cứu ta, trong đánh ra, ngoài đánh vào, khó gì mà chẳng phá được Tháo.
Bố nghe kế ấy lập tức viết thư, sai ngay hai người ấy đem đi.
Hứa Dĩ nói:
- Phải có quân đi đường cho chúng tôi mới đi được.
Bố sai Trương Liêu, Hách Manh hai tướng dẫn một nghìn quân đưa ra khỏi cửa ải.
Canh hai đêm hôm ấy, Trương Liêu đi trước, Hác Manh đi sau giữ gìn cho Hứa Dĩ, Vương Khải kéo ra cửa thành, chạy qua trại Huyền-đức các tướng ra đuổi không kịp, thoát được khỏi cửa ải. Hác Manh đem năm trăm quân đi theo Dĩ, Khải. Trương Liêu thì dẫn một nửa quân trở về. Khi về đến cửa ải thì gặp Quan-công ra chẹn đường nhưng Quan-công chưa kịp đánh, Cao Thuận đã dẫn quân ra tiếp ứng Trương Liêu được vào thành. Hứa Dĩ, Vương Khải đến Thọ-xuân vào bái kiến Viên Thuật dâng trình thư Lã Bố.
Thuật nói:
- Trước kia giết sứ mệnh ta lừa ta việc hôn nhân, nay sao lại đến đây?
Dĩ nói:
- Việc ấy trước vốn là tại mưu Tào Tháo nó làm nhỡ ra. Xin ngài xét lại cho rõ.
Thuật nói:
- Chủ mày nếu không bị Tào Tháo bức bách sao chịu đem con gái gả cho con ta.
Vương Khải nói:
- Chủ tôi sai tôi sang đây, chẳng qua cũng là lợi cả hai bên. Phỏng như bây giờ mà ngài nhất định không cứu, e rằng môi hở răng lạnh, cũng không phải là phúc gì cho ngài đâu.
Viên Thuật nói:
- Phụng-tiên vốn tính giáo giở, đưa con gái sang đây đã, rồi ta sẽ phát binh.
Hứa Dĩ, Vương Khải nói mãi không được phải trở về cùng với Hác Manh, lúc đi sắp đến trại Huyền-đức thì Dĩ nói:
- Ban ngày, không đi được, phải chờ đến nửa đêm hai chúng ta đi trước. Hác tướng quân đi chặn hậu.
Bàn nhau rồi, đêm hôm ấy đi qua trại Lưu Bị. Hứa Dĩ, Vương Khải đi trước được thoát còn Hác Manh đương đi thì gặp Trương Phi ra chặn đường, Hác Manh vào giao chiến, chỉ được một hợp, bị Trương Phi bắt sống đem đi. Năm trăm quân đi theo cũng bị Phi đánh giết tan nát cả.
Trương Phi giải Hác Manh vào trước Lưu Bị. Lưu Bị giải sang trình Tào Tháo. Hác Manh nói hết cả chuyện hứa hôn cầu cứu. Tháo giận lắm sai đem Manh ra cửa quân chém, lại truyền lệnh cho các trại “phải phòng giữ cẩn thận, trại nào để cho Lã Bố và quân sĩ Lã Bố chạy lọt qua được, sẽ lấy quân pháp xử trị”. Các trại đều lo sợ, ai nấy canh giữ thực riết.
Lưu Bị về trại, dặn bảo Quan, Trương rằng:
- Trại ta chính ở giữa đường hiểm Hoài-nam, hai em nên giữ cẩn thận, chớ phạm vào quân lệnh Tào-công.
Phi nói:
- Ta bắt được một tướng giặc, Tào Tháo không thấy khen thưởng gì, lại còn dậm dọa, là làm sao?
Lưu Bị nói:
- Không phải là dọa. Tào-công thống lĩnh nhiều quân, không có quân lệnh phục sao được chúng? Em đừng nên phạm.
Quan, Trương vâng lời rồi ra.
Hứa Dĩ, Vương Khải về được, vào hầu Lã Bố nói rằng:
- Viên Thuật muốn được nàng dâu trước rồi mới khởi binh đến cứu.
Bố hỏi:
- Đưa dâu đi thế nào được?
Dĩ nói:
- Nay Tào Tháo đã bắt được Hác Manh tất nhiên nó biết cả mưu của ta rồi, mà đường xá thì tất nó giữ gìn thật nghiêm. Phi tướng quân thân hành hộ tống, thì không ai ra lọt được.
Bố hỏi:
- Đi ngay hôm nay có được không?
Dĩ nói:
- Hôm nay xấu ngày lắm không nên đi. Ngày mai tốt lắm nên đi vào giờ tuất hoặc giờ hợi.
Bố sai Trương Liêu, Cao Thuận dẫn ba nghìn quân mã dặn rằng:
- Phải sắm sẵn một cỗ xe nhỏ, ta đưa con gái ta ra khỏi hai trăm dặm, rồi hai người đưa sang tận Hoài-nam.
Canh hai đêm hôm sau, Lã Bố lấy bông quấn vào mình con gái, ngoài mặc áo giáp bạc, rồi cõng ở trên lưng, vác kích nhảy lên ngựa, mở cửa thành ra. Lã Bố đi trước, Trương Liêu, Cao Thuận đi theo sau.
Lúc sắp đến trại Lưu Bị thì có một tiếng trống nổi lên, rồi thấy Quan, Trương ra chắn ngang đường đi, quát to lên:
- Đừng chạy! Đừng chạy nữa!
Bố bấy giờ không dám nghĩ đến chuyện đánh nhau nữa chỉ cố chạy cho thoát. Lưu Bị dẫn một toán quân kéo lại, hai bên đánh nhau giáp lá cà.
Lã Bố tuy khoẻ, nhưng trên lưng còn cõng con, sợ con phải thương, không dám xông pha cho lắm, chỉ chống đỡ làm sao cho chạy thoát mà thôi.
Đằng sau Từ Hoảng, Hứa Chử lại kéo quân đến. Quân sĩ cùng reo lên rằng:
- Không được để cho Lã Bố chạy thoát!
Bố thấy quân xô lại kíp lắm, lại phải quay vào trong thành.
Lã Bố thu quân về. Lũ Từ Hoảng cũng ai về trại nấy. Quân Lã Bố không chạy lọt được một người.
Lã Bố về thành, trong bụng lo buồn, ngày nào cũng chỉ uống rượu.
Tào Tháo đánh ròng rã hai tháng trời mà chưa hạ được. Chợt lại có người báo rằng:
- Thái-thú Hà-nội là Trương Dương, đem binh ra chợ cửa đông, định đến cứu Lã Bố, lại bị bộ tướng là Dương Sú giết chết. Sú toan đem đầu Trương Dương đến dâng thừa tướng, chẳng may lại phải tướng tâm phúc nhà Trương Dương là Khuê Cố giết mất; Khuê Cố nay đã đi sang Đại-thành mất rồi.
Tháo lập tức sai Sử Hoán đuổi theo chém Khuê Cố. Nhân việc ấy Tháo bàn với các tướng rằng:
- Trương Dương nó bị nội phản mà chết, thế là may cho ta lắm, nhưng tuy rằng thế, mặt bắc lại còn có Viên Thuật, mặt đông còn có Lưu Biểu, Trương Tú; cũng là phải lo cả; mà Hạ-bì đây thì vây mãi chưa đánh được. Ta muốn tha cho Lã Bố, về Hứa-đô, tạm nghỉ ít bữa, các ngươi nghĩ thế nào?
Tuân Du vội vàng ngăn rằng:
- Không nên! Không nên! Lã Bố thua luôn, nhuệ khí đã nhụt. Quân cốt có tướng, tướng đã suy, lòng quân cũng nản. Trần Cung tuy có mưu nhưng ứng biến chậm. Nay khí thế của Bố chưa hồi, mưu Trần Cung chưa định, đánh cho cấp, chắc là bắt được Lã Bố.
Quách Gia lại hiến một kế:
- Tôi có một kế phá được Hạ-bì, kế ấy, dùng hai mươi vạn quân cũng không bằng.
Tuân Úc hỏi:
- Kế ấy có phải là khai sông Nghi sông Tứ ra không?
Gia cười nói rằng:
- Chính phải!
Tháo mừng lắm, sai ngay quân sĩ khơi đào ngay hai con sông ấy.
Quân Tào đóng trên gò cao, ngồi trông nước chảy vào Hạ-bì.
Thành Hạ-bì chỉ có cửa đông không có nước, còn các cửa, đều bị ngập cả.
Quân sĩ vào báo Lã Bố. Bố nói:
- Ta có ngựa Xích-thố, bơi dưới nước như đi trên cạn, có việc gì mà lo?
Bèn cùng vợ và nàng hầu say sưa suốt ngày, nhân vì tửu sắc quá độ, hình dáng gầy võ. Một hôm, cầm gương soi, than rằng:
- Ta bị tửu sắc làm hại rồi, từ nay phải chừa mới được.
Bèn truyền lệnh:
- Hễ ai uống rượu thì chém!
Một bữa Hầu Thành có 15 con ngựa, bị người giữ ngựa ăn trộm, muốn đem dâng Lưu Bị. Hầu Thành biết, đuổi giết được người giữ ngựa, cướp được ngựa đem về. Các tướng đến mừng Hầu Thành.
Thành nhân có nấu được năm sáu hộc rượu, muốn đem ra mời các tướng cùng uống, nhưng sợ Lã Bố bắt tội, mới đem năm bình đến biếu Lã Bố và bẩm rằng:
- Nay tôi nhờ oai tướng quân cho nên lại bắt được ngựa mất. Các tướng đều đến mừng. Tôi có nấu được ít rượu, chưa dám tự tiện, trước xin đem dâng tướng quân.
Bố nổi giận nói rằng:
- Tao đang cấm rượu, sao mày dám nấu rượu, hội với nhau để uống? Chúng bay đồng mưu định đánh lại tao hay sao đấy?
Bố sai lôi Hầu Thành ra chém. Lũ Tống Hiếu, Ngụy Tục và các tướng cùng vào van xin cho Hầu Thành.
Bố nói:
- Cố ý trái lệnh ta, lẽ ra phải chém, nay nể các tướng, hãy đánh nó một trăm roi.
Các tướng lại xúm vào kêu van, Hầu Thành bị đánh năm mươi roi, lưng bị thương hoa cả lên mới được tha.
Các tướng thấy thế ai cũng ngán lòng.
Tống Hiến, Ngụy Tục đến nhà Hầu Thành hỏi thăm. Hầu Thành khóc nói rằng:
- Không có các ông thì tôi chết rồi.
Hiến nói:
- Bố chỉ quý vợ con, coi chúng ta như củi rác cả.
Tục nói:
- Quân vây dưới thành, nước quanh bên hào, chúng ta chưa biết chết ngày nào.
Hiến bàn rằng:
- Lã Bố không có nhân nghĩa gì, chúng ta bỏ nó mà đi. Các ông nghĩ sao?
Tục nói:
- Bỏ đi không phải là trượng phu, sao bằng bắt ngay nó đem nộp Tào công.
Hầu Thành nói:
- Tôi vì cướp lại được ngựa mà bị nó đánh, nó cậy có con ngựa Xích-thố, nếu hai ông định bắt nó và dâng thành, tôi sẽ lấy trộm trước ngựa của nó đem nộp Tào công.
Ba người bàn định xong rồi, đêm hôm ấy Hầu Thành lẻn ngay vào chuồng ngựa, ăn trộm ngựa Xích-thố, chạy ra cửa đông. Ngụy Tục mở cửa cho ra rồi lại tảng lờ đuổi theo không kịp.
Hầu Thành đến trại Tào Tháo, đem ngựa dâng lên, nói rằng:
- Tống Hiến, Ngụy Tục cắm ngọn cờ trắng để làm hiệu, hai người ấy sắp sẵn để dâng cửa.
Tháo nghe nói, liền viết ngay vài mươi tờ văn bản, bắn vào trong thành. Văn rằng:
“Đại tướng quân Tào: phụng chiếu vua, đến đánh Lã Bố, ai dám kháng cự với quân ta, hễ khi phá thành, cả nhà sẽ bị giết, trên từ tướng hiệu, dưới đến thứ dân, ai bắt sống được Lã Bố, hoặc lấy đầu đem dâng, sẽ được trọng thưởng, nay hiểu dụ, để mọi người đều biết”.
Sáng hôm sau, ngoài thành có tiếng reo dậy đất. Lã Bố thất kinh, vác kích lên thành đi dạo các cửa xem xét, trách mắng Ngụy Tục để Hầu Thành chạy thoát, làm mất ngựa quý, định đem Ngụy Tục ra làm tội. Quân Tào ở dưới thành, trông thấy trên thành có lá cờ trắng, cố sức đánh thành. Bố phải thân ra chống giữ, từ sáng đến trưa quân Tào mới lui.
Lã Bố lên lầu tạm nghỉ ở trên tràng kỷ không ngờ ngủ quên mất. Tống Hiến đuổi tả hữu ra, trước hết ăn trộm cây họa kích, rồi gọi Ngụy Tục vào cùng ra tay, lấy thừng chão trói Lã Bố thật chặt.
Lã Bố đang bàng hoàng giấc ngủ, thấy động, mở quàng mắt ra, vội vàng gọi tả hữu, đều bị Hiến và Tục đánh tan hết cả. Tống Hiến cầm lá cờ trắng vẫy một cái, quân Tào đến cả dưới thành. Ngụy Tục nói to lên rằng:
- Đã bắt sống được Lã Bố rồi!
Hạ Hầu-uyên chưa tin. Tống Hiến ở trên thành ném cây kích xuống, mở to cửa thành ra. Quân Tào kéo ùa cả vào.
Cao Thuận, Trương Liêu bấy giờ ở cửa tây, nước vòng quanh cả không sao ra được, cũng bị quân Tào bắt sống. Trần Cung chạy đến cửa nam, bị Từ Hoảng bắt.
Tào Tháo vào thành, lập tức truyền lệnh cho tháo nước ra, rồi treo bảng yên dân.
Tháo cùng với Lưu Bị lên ngồi trên lầu Bạch-môn. Quan Vũ, Trương Phi đứng hầu bên cạnh. Quân lính giải những tù binh đến.
Lã Bố tuy lực lưỡng, nhưng thừng trói chặt quá. Bố nói:
- Trói chặt quá, nới cho một tí.
Tào Tháo nói:
- Trói hổ phải trói cho chặt!
Lã Bố thấy Hầu Thành, Tống Hiến, Ngụy Tục đứng ở hai bên, trách rằng:
- Ta đãi các ngươi không bạc, sao nỡ phản ta?
Hiến nói:
- Chỉ nghe lời vợ, không theo mưu tướng, sao gọi là không bạc?
Bố nín lặng.
Được một lát, quân lại giải Cao Thuận đến, Tào Tháo hỏi:
- Ngươi có muốn nói gì không?
Cao Thuận không trả lời, Tào Tháo giận sai đem chém ngay.
Từ Hoảng giải Trần Cung đến.
Tháo hỏi:
- Công-đài vẫn mạnh khoẻ chứ?
Cung nói:
- Bụng dạ ngươi bất chính, cho nên ta bỏ ngươi.
Tháo nói:
- Ông trách tôi là người bất chính, sao ông lại đi theo Lã Bố?
Cung trả lời:
- Lã Bố là người vô mưu mà thôi, chớ không có quỷ trá gian hiểm như ngươi.
Tháo hỏi:
- Ông tự cho là nhiều mưu trí, sao ngày nay đến nỗi này?
Cung nhìn vào Lã Bố nói rằng:
- Chỉ giận rằng người này không nghe lời ta. Nếu nghe lời ta chưa chắc đã bắt được.
Tháo hỏi:
- Bây giờ ông nghĩ sao?
Cung nói to lên rằng:
- Bây giờ chỉ có chết mà thôi!
Tháo hỏi:
- Ông đã vậy, còn mẹ già ông và vợ con ông thì làm sao?
Cung nói:
- Tôi tưởng người nào lấy đạo hiếu trị thiên hạ thì không hại bố mẹ người ta; người nào thi hành nhân chính ở thiên hạ, không làm đứt tuyệt hương hỏa người ta. Vậy mẹ tôi và vợ con tôi, sống chết cũng ở trong tay ông. Tôi đã bị bắt xin chịu chết ngay, trong lòng không còn vướng víu điều gì.
Tháo còn có ý lưu luyến.
Cung bước thẳng xuống lầu, tả hữu lôi lại không được. Tháo đứng dậy khóc tiễn Trần Cung.
Cung không ngoảnh cổ lại.
Tháo truyền cho lính hầu rằng:
- Lập tức phải đem mẹ già và vợ con Công-đài về Hứa-đô để phụng dưỡng. Hễ ai chậm trễ ta sẽ chém ngay.
Cung nghe Tháo nói cũng làm thinh vươn cổ ra cho quân chém.
Ai trông thấy cũng rỏ nước mắt khóc. Tháo sai lấy quan quách khâm liệm đem về táng ở Hứa-đô.
Đời sau có thơ khen rằng:
Sống chết khăng khăng vững một lòng.
Khảng khái thay đáng bực anh hùng!
Nhời vàng đá nọ sao không dụng?
Tài sến lim kia huống bỏ không!
Một bụng giúp người, trung với chúa,
Chút tình giã mẹ, xót cho ông.
Bạch-môn khi ấy còn ghi tiếng,
Thiên hạ ai là kẻ sánh cùng!
Đương khi Tào Tháo tiễn Trần Cung xuống lầu, Lã Bố ngoảnh mặt lại Lưu Bị trách rằng:
- Ông là khách trên ghế, tôi là tù dưới thềm, sao không nói giúp cho một nhời?
Lưu Bị gật đầu.
Đến khi Tào Tháo trở lên, Bố kêu rằng:
- Ông không lo ai bằng lo tôi. Nay tôi đã chịu ông. Ông làm đại tướng, tôi làm phó tướng, việc thiên hạ khó gì không định nổi?
Tháo ngoảnh mặt lại hỏi Huyền-đức:
- Thế nào?
Huyền-đức nói:
- Ông còn nhớ chuyện Đinh Kiến-dương và Đổng Trác không?
Bố nhìn vào Lưu Bị nói:
- Thằng này thực là vô tín.
Tháo sai đem xuống lầu thắt cổ. Bố lại ngoảnh lại bảo Lưu Bị rằng:
- Thằng tai to kia, quên mất công tao bắn kích ở Viên-môn rồi à?
Chợt một người quát to lên rằng:
- Đồ hèn Lã Bố kia! Chết thì chết, sợ gì!
Chúng nhìn xem ai, thì là Trương Liêu, đang bị quân đao phủ dẫn đến.
Tháo sai đem Lã Bố xuống thắt cổ rồi mới chặt đầu đem bêu.
Đời sau có thơ rằng:
Nước cả mênh mông ngập Hạ-bì
Nhớ khi Lã Bố bắt mang đi!
Ngựa khoe Xích-thố, làm gì được?
Kích cậy phương thiên, có ích chi?
Trói hổ còn mong chi trói lỏng?
Nuôi ưng, mới biết cũng nuôi thì.
Nghe lời vợ, chẳng nghe lời tướng,
Mắng kẻ tai to khéo chẳng suy!
Lại có thơ luận về Huyền-đức rằng:
Trói hổ xin đừng trói hững hờ.
Kìa! Kìa! Đinh, Đống máu còn nhơ.
Đã hay hổ đói hay ăn thịt.
Để thịt Tào man chẳng được dư?
Bấy giờ võ sĩ giải Trương Liêu đến. Tháo trỏ vào Liêu mà bảo rằng:
- Thằng này trông quen quen!
Liêu nói:
- Phải, gặp nhau trong thành Bộc-dương, đã quên rồi ư?
Tháo cười mà hỏi rằng:
- Thế ra mày còn nhớ à?
Liêu nói:
- Nhưng rất đáng tiếc!
Tháo hỏi:
- Tiếc cái gì?
Liêu nói:
- Tiếc hôm ấy lửa không cháy to đốt chết thằng quốc tặc là mày!
Tháo giận lắm, mắng rằng:
- Tướng đã thua sao dám làm nhục ta?
Rút gươm ra định giết Trương Liêu. Liêu chẳng sợ hãi gì vươn cổ chờ chết. Sau lưng Tào Tháo có người giữ tay lại, một người nữa quỳ trước mặt can rằng:
- Xin thừa tướng hãy dừng tay.
Thế thực là:
Lã Bố kêu van không đáng cứu;
Trương Liêu khảng khái mới nên tha!
Chưa biết hai người đến cứu Trương Liêu là ai, hồi sau sẽ phân giải.