Bước tới nội dung

Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 35

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ BA MƯƠI NHĂM

Huyền-đức qua Nam-chương, gặp người ẩn dật
Đan Phúc đến Tân-dã, tiếp chúa anh minh

Lại nói Sái Mạo đang định quay về thì Triệu Vân đem quân đuổi tới. Nguyên Triệu Vân đang ngồi uống rượu, bỗng nghe có tiếng người ngựa, xôn xao, vội chạy vào xem, không thấy Huyền-đức. Vân giật mình ra ngay quán xá, được tin Sái Mạo dẫn năm trăm quân ra cửa tây. Vân cấp tốc đem ba trăm quân cầm giáo cưỡi ngựa rượt theo, gặp ngay Sái Mạo. Vân hỏi:

- Chúa ta đâu?

Mạo nói:

- Sứ quân bỏ tiệc trốn, không biết đi dâu.

Triệu Vân là người cẩn thận, không hay hấp tấp, liền tế ngựa lên trước, trông xa thấy một cái suối rộng, không còn đường nào khác, liền quay ngựa lại, thét hỏi Sái Mạo:

- Ngươi mời chúa ta đến dự tiệc, cớ sao lại dẫn quân đuổi theo?

Mạo đáp:

- Quan chức chín quận, bốn mươi hai châu huyện đều họp ở đây. Ta là thượng tướng, sao lại không phải bảo vệ?

Vân lại hỏi:

- Ngươi bách chúa ta chạy đi đâu?

Mạo nói:

- Nghe nói sứ quân cưỡi ngựa chạy ra cửa tây, tôi đến đây chẳng thấy đâu cả.

Vân còn hoài nghi chưa biết thế nào, lại đến bên suối đứng ngắm mãi, thấy bờ bên kia có vệt ướt, bụng bảo dạ: “Chẳng lẽ cả người lẫn ngựa nhảy qua được suối này?”

Liền sai ba trăm quân tản ra bốn phía tìm kiếm cũng chẳng thấy dấu tích gì. Khi Vân quay ngựa lại thì Sái Mạo đã vào thành rồi. Vân tóm bọn lính gác tra hỏi chúng nói Lưu sứ quân tế ngựa ra cửa tây. Vân định vào thành, nhưng sợ có mai phục, liền đem quân về Tân-dã.

Lại nói, từ lúc nhảy qua suối, Huyền-đức bàng hoàng như người ngây dại, tự nhủ: “Suối rộng thế mà nhảy qua được, há chẳng phải lòng trời?” Rồi cứ lần theo đường Nam-chương ruổi ngựa đi. Lúc mặt trời sắp lặn, gặp một chú bé chễm chệ ngồi trên lưng trâu, miệng thổi cây sáo, đương tiến lại. Huyền-đức than rằng:

- Chú bé kia thật sướng hơn ta!

Rồi dừng ngựa lại đứng xem. Chú bé chăn trâu cũng họ trâu lại, hạ sáo xuống nhìn kỹ Huyền-đức một hồi, rồi hỏi rằng:

- Có phải ngài là Lưu Huyền-đức phá giặc Khăn vàng ngày xưa không?

Huyền-đức lấy làm lạ, hỏi lại rằng:

- Cháu là trẻ nhỏ thôn quê, sao cũng biết tên họ ta?

Chú bé thưa:

- Trước cháu cũng không được biết. Nhân nhiều khi đứng hầu thày tiếp khách, thấy nhiều người thường nói có ông Lưu Huyền-đức, mình dài bảy thước năm tấc, tay dài quá đầu gối, mắt trông thấy được tai, là người anh hùng đời nay. Nay gặp ngài đây, thấy hình dạng như đúc, cháu chắc ngài là ông Huyền-đức.

Huyền-đức hỏi:

- Thày cháu là ai?

Chú bé đáp:

- Thày cháu là Tư Mã-huy, tự là Đức-tháo, người ở Dĩnh-châu, đạo hiệu là Thủy-kính tiên sinh.

Huyền-đức hỏi:

- Thày cháu hay kết bạn với ai?

Cháu bé đáp:

- Thày cháu thường chơi với hai người ở Tương-dương là Bàng Đức-công và Bàng Thống.

Huyền-đức hỏi:

- Bàng Đức-công và Bàng Thống là người thế nào?

Chú bé đáp:

- Là hai chú cháu. Bàng Đức-công, tự Sơn-dân, hơn thày cháu mười tuổi; Bàng Thống, tự là Sĩ-nguyên, kém thày cháu năm tuổi. Một hôm thày cháu đương hái dâu ở trên cây, gặp Bàng Thống lại thăm, hai người ngồi chơi nói chuyện dưới gốc cây, cả ngày không biết mệt. Thày cháu yêu Bàng Thống lắm, gọi là em.

Huyền-đức hỏi lại:

- Thày cháu bây giờ ở đâu?

Chú bé chỉ tay, đáp:

- Nhà ở trong rừng trước mặt kia kìa.

Huyền-đức nói:

- Ta chính là Lưu Huyền-đức đây. Cháu đưa ta vào yết kiến thày cháu.

Chú bé dẫn Huyền-đức đi. Ước được hơn hai dặm, đến đầu nhà, Huyền-đức xuống ngựa, bước vào đến cửa trong, nghe có tiếng đàn du dương. Huyền-đức bảo chú bé đừng báo vội, đứng lắng tai nghe. Bỗng tiếng đàn im bặt; một người bước ra tươi cười nói:

- Tiếng đàn đương êm dịu, bỗng nẩy lên tiếng cao, tất có người anh hùng nghe trộm.

Chú bé trỏ tay và nói với Huyền-đức:

- Đây là Thủy-kính tiên sinh, thày cháu đấy!

Huyền-đức ngắm kỹ thấy người hình thông, vóc hạc, dáng điệu thật là tiên cách, vội vàng bước lên thi lễ. Lúc ấy quần áo Huyền-đức vẫn còn ướt. Thủy-kính nói:

- Ông hôm nay thoát được nạn to!

Huyền-đức rất lấy làm lạ.

Chú bé lại nói:

- Thưa thày, đây là Lưu Huyền-đức.

Thủy-kính mời vào nhà, chủ khách cùng ngồi. Huyền-đức thấy trên giá chất đầy sách vở, ngoài cửa sổ um tùm thông trúc, một cái đàn để trên sập đá: một bầu thanh khí lâng lâng.

Thủy-kính hỏi:

- Minh công ở đâu đến?

Huyền-đức đáp:

- Tôi ngẫu nhiên đi qua chỗ này, may gặp tiểu đồng chỉ dẫn, được vào hầu ngài, lấy làm hân hạnh lắm.

Thủy-kính cười, nói:

- Ông không nên giấu, chính ông chạy nạn đến đây.

Huyền-đức liền thuật lại đầu đuôi vụ Tương-dương. Thủy-kính nói:

- Trông sắc mặt ông, tôi biết cả rồi.

Lại hỏi Huyền-đức rằng:

- Tôi nghe đại danh đã lâu, sao đến nay vẫn còn long đong thế này?

Huyền-đức đáp:

- Số tôi vất vả, mới đến nỗi này!

Thủy-kính nói:

- Không phải thế. Vì bên cạnh minh công còn thiếu nhân tài đó thôi.

Huyền-đức nói:

- Bị tuy không có tài, nhưng văn thì có Tôn Càn, My Chúc, Dản Ung; võ thì có bọn Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, hết lòng phù tá, tôi cũng nhờ được sự giúp đỡ của họ nhiều.

Thủy-kính nói:

- Quan, Trương, Triệu đều là những người có võ nghệ địch nổi muôn người cả, nhưng chỉ tiếc không có người biết sử dụng những nhân tài ấy. Còn như bọn Tôn Càn, My Chúc là hạng bạch diện thư sinh, không có tài kinh luân tế thế gì.

Huyền-đức nói:

- Tôi thường vẫn khiêm tốn để cầu người hiền trong các nơi rừng núi, nhưng chưa gặp được ai thì làm thế nào?

Thủy-kính đáp:

- Ông Khổng-tử có nói rằng: “Trong một cái ấp chừng mười nóc nhà thể nào cũng có người trung tín”. Sao ông lại bảo là chẳng có ai?

Huyền-đức nói:

- Bị này ngu dốt không hiểu, xin ngài chỉ bảo cho.

Thủy-kính nói:

- Ông có được nghe những câu ca dao của trẻ con ở các quận Kinh, Tương không? Ca dao nói rằng:

“Khoảng năm tám chín vận lung lay
Năm thứ mười ba sạch mảy may
Hết thảy mệnh trời đã định trước
Rồng ẩn trong bùn cất cánh bay”.

Ca dao ấy xuất hiện từ năm Kiến-an thứ nhất. Đến năm thứ tám (203 sau Công nguyên), vợ trước Lưu Biểu mất, gia đình sinh ra lục đục, thế là ứng vào câu đầu: “vận lung lay”. Câu thứ hai: “sạch mảy may”, nghĩa là Lưu Cảnh-thăng sắp mất, văn vũ tan vỡ, mỗi người một nơi, không còn gì cả. Hai câu sau: “mệnh trời đã định trước” và “rồng cất cánh bay” là ứng vào tướng quân đó.

Huyền-đức nghe nói giật mình, tạ rằng:

- Tôi đâu dám nhận câu đó!

Thủy-kính nói:

- Nay những bậc kỳ tài trong thiên hạ đều ở miền này. Ông nên đến tìm.

Huyền-đức vội hỏi:

- Kỳ tài ở đâu?

Thủy-kính đáp:

- Phục-long, Phụng-sồ, chỉ cần một trong hai người ấy cũng đủ bình định thiên hạ.

Huyền-đức hỏi:

- Phục-long, Phụng-sồ là người thế nào?

Thủy-kính vỗ tay, cười rộ, nói:

- Được! Được!

Huyền-đức hỏi thêm. Thủy-kính nói:

- Bây giờ tối rồi, xin tướng quân hãy tạm nghỉ chân ở đây, ngày mai tôi sẽ nói chuyện.

Liền sai tiểu đồng làm cơm khoản đãi, dắt ngựa vào tàu. Huyền-đức ăn uống xong, vào nghỉ ở gian phòng bên cạnh; đêm nằm nghĩ lời Thủy-kính, trằn trọc mãi không ngủ được. Tới khuya, bỗng có tiếng người gõ cửa phòng giữa, đi vào, rồi nghe tiếng Thủy-kính hỏi:

- Nguyên-trực từ đâu đến?

Huyền-đức trở dậy nghe trộm, thấy tiếng người khách đáp:

- Lâu nay, tôi nghe nói Lưu Biểu là người yêu người thiện, ghét kẻ ác. Tôi đến yết kiến, té ra chỉ có hư danh thôi; vì hắn tuy biết yêu người thiện mà không biết dùng, biết ghét kẻ ác mà không biết bỏ. Cho nên tôi để lại thư từ biệt rồi đến đây.

Thủy-kính nói:

- Ông là người có tài vương tá, nên chọn người mà theo, sao lại khinh thân đến gặp Lưu Biểu làm gì? Vả anh hùng hào kiệt ở ngay trước mắt, chính ông không biết đấy thôi.

Người đó nói:

- Tiên sinh dạy phải lắm!

Huyền-đức nghe thấy thế, mừng lắm, nghĩ thầm người này chắc là Phục-long, Phụng-sồ đây, chỉ muốn ra gặp ngay, nhưng lại e hấp tấp quá.

Đợi đến sáng, Huyền-đức vào hỏi Thủy-kính:

- Đêm qua ai đến chơi đây?

Thủy-kính đáp:

- Bạn tôi đó.

Huyền-đức xin gặp. Thủy-kính nói:

- Người ấy đã đi nơi khác tìm minh chủ rồi.

Huyền-đức hỏi tên họ người ấy, Thủy-kính chỉ cười ồ lên, nói: “Được! Được!”. Huyền-đức lại hỏi đến Phục-long, Phụng-sồ. Thủy-kính cũng chỉ cười, nói: “Được! Được!” Huyền-đức lại mời Thủy-kính ra giúp cùng phò nhà Hán, Thủy-kính nói:

- Tôi là người ở rừng núi, xưa nay chỉ chơi dông dài không đáng cho đời dùng. Đã có người khác tài gấp mười tôi đến giúp ông, ông nên đi tìm.

Đương nói chuyện, thấy bên ngoài có tiếng người ngựa xôn xao. Tiểu đồng vào báo có một tướng dẫn vài trăm quân đến nhà. Huyền-đức nghe nói rụng rời, vội ra xem ai, thì là Triệu Vân. Huyền-đức mừng lắm. Vân xuống ngựa đi vào, nói:

- Đêm qua tôi về huyện không thấy chúa công, suốt đêm đi tìm, hôm nay hỏi thăm mãi mới đến được đây. Chúa công nên về ngay, sợ có người đến đánh huyện.

Huyền-đức từ biệt Thủy-kính, cùng Triệu Vân lên ngựa về Tân-dã.

Đi chưa được vài dặm, thấy một toán quân đã kéo đến, trông ra thì là Vân-trường và Dực-đức; gặp nhau ai cũng mừng rỡ.

Huyền-đức kể lại chuyện nhảy qua suối Đàn-khê, mọi người đều kinh ngạc.

Về đến huyện, Huyền-đức cùng bọn Tôn Càn thương nghị. Càn nói:

- Nên đưa thư nói việc ấy cho Cảnh-thăng biết.

Huyền-đức nghe lời sai ngay Tôn Càn mang thư sang Kinh-châu. Lưu Biểu gọi vào hỏi:

- Ta mời Huyền-đức đến hội ở Tương-dương, cớ sao đương giữa tiệc lại bỏ trốn đi?

Càn trình thư lên và thuật lại đầu đuôi việc Sái Mạo lập mưu ám hại, Huyền-đức nhờ được ngựa nhảy qua Đàn-khê mới chạy thoát.

Biểu giận lắm, cho đòi Sái Mạo đến mắng:

- Sao mi dám hại em ta?

Rồi thét lôi ra chém. Sái phu nhân ra van khóc xin tha, Biểu vẫn chưa nguôi giận. Tôn Càn thưa:

- Nếu minh công giết Sái Mạo, tôi e Lưu Huyền-đức khó lòng ở được chốn này.

Biểu trách mắng Sái Mạo thậm tệ, rồi mới tha tội; lại sai con trưởng là Lưu Kỳ cùng với Tôn Càn sang Tân-dã xin lỗi Huyền-đức.

Kỳ vâng lệnh đến Tân-dã, Huyền-đức tiếp đón, mở tiệc thết đãi. Rượu ngà say, Kỳ tự nhiên khóc; Huyền-đức hỏi vì cớ gì, Kỳ nói:

- Kế mẫu cháu là Sái thị thường vẫn có ý muốn hại cháu, cháu không tìm được kế nào để tránh vạ, xin thúc phụ dạy bảo cho.

Huyền-đức khuyên “nên ở cho trọn đạo hiếu, tất không lo gì”.

Hôm sau, Lưu Kỳ khóc lóc từ biệt. Huyền-đức cưỡi ngựa ra tận ngoài thành, nhân tiện trỏ vào con ngựa đang cưỡi nói:

- Nếu không có con ngựa này, ta đã là người dưới suối rồi!

Kỳ nói:

- Đó không phải là sức ngựa, chính là phúc lớn của thúc phụ.

Nói rồi, hai người chia tay, Kỳ rỏ nước mắt mà đi. Huyền-đức quay ngựa về thành, ngang qua chợ thấy một người đội khăn cát bá, mặc áo vải, thắt lưng thâm, đi giày đen, vừa đi vừa hát:

Thuở trời đất gặp cơn phản phúc
Lửa Viêm Lưu đương lúc suy tàn
Lâu đài sắp sửa lật nghiêng,
Một cây há dễ chống lên được nào?
Non sông có bậc anh hào,
Muốn tìm minh chúa, chúa nào biết ta?

Huyền-đức nghe xong, nghĩ thầm rằng: “Có lẽ Phục-long, Phụng-sồ đây chăng?”

Liền xuống ngựa gặp mặt, mời về huyện hỏi họ tên. Người ấy đáp:

- Tôi là người Dĩnh-thượng, họ Đan, tên Phúc, lâu nay vẫn nghe nói sứ quân có ý thu nạp những kẻ hiền sĩ muốn đến theo hầu; nhưng chưa dám vội vàng, nên đi rong chợ hát nghêu ngao để động đến tai ngài.

Huyền-đức mừng lắm, tiếp đãi vào bậc thượng khách.

Đan Phúc nói:

- Xin phép cho xem con ngựa ngài cưỡi vừa rồi.

Huyền-đức sai dắt đến, Đan Phúc nói:

- Đây có phải là ngựa Đích-lư không? Tuy là thiên lý mã nhưng hay hại chủ, không nên cưỡi.

Huyền-đức nói:

- Việc ấy đã xảy ra rồi!

Lại đem chuyện Đàn-khê ra thuật cho Đan Phúc nghe.

Đan Phúc nói:

- Thế là cứu chủ chứ không phải hại chủ. Sau này thể nào nó cũng hại một chủ. Tôi có phép giải được cái tật ấy.

Huyền-đức hỏi phép gì, Đan Phúc nói:

- Ngài hãy đem ngựa này tặng cho người nào mà ngài vẫn thù ghét, đợi khi nó hại người ấy rồi, ngài sẽ cưỡi, tất không việc gì nữa.

Huyền-đức biến ngay sắc mặt nói:

- Ông mới đến đây, chưa dạy ta điều gì chính đạo, đã vội khuyên ta ngay một việc ích kỷ hại nhân. Bị đây không thể nào theo được.

Đan Phúc cười, xin lỗi:

- Lâu nay tôi vẫn nghe tiếng sứ quân là người nhân đức, nhưng chưa dám tin, nên mới đem lời ấy ra thử.

Huyền-đức cũng bình tĩnh lại, đứng dậy xin lỗi;

- Bị đâu đã có nhân đức đối với mọi người, nay nhờ tiên sinh đến dạy bảo cho.

Đan Phúc nói:

- Tôi từ Dĩnh-thượng đến đây, nghe thấy người Tân-dã có câu hát rằng:

Tân-dã mục,
Lưu hoàng-thúc.
Từ khi đến đây,
Dân được sung túc.

Thế mới biết nhân đức sứ quân đã khắp mọi người.

Huyền-đức cử Đan Phúc làm quân sư, để rèn luyện quân mã.

Lại nói, từ khi ở Ký-châu về Hứa-đô, Tào Tháo vẫn có ý muốn lấy Kinh-châu; Tháo sai Tào Nhân, Lý Điển cùng hàng tướng Lã Khoáng, Lã Tường lĩnh ba vạn quân đóng ở Phàn-thành, để uy hiếp Kinh Tương và dò xét tình thế.

Một bữa, Lã Khoáng và Lã Tường về bẩm với Tào Nhân:

- Nay Lưu Bị đóng quân ở Tân-dã, chiêu binh mãi mã, tích lũy lương thảo, chí hắn không nhỏ đâu. Cần phải trừ ngay mới được. Hai chúng tôi từ khi hàng thừa tướng, chưa lập được chút công nào. Nay xin lĩnh năm nghìn tinh binh sang lấy đầu Lưu Bị về dâng.

Tào Nhân giao ngay cho hai anh em năm nghìn tinh binh kéo sang đánh Tân-dã. Thám mã phi báo Huyền-đức, Huyền-đức mời Đan Phúc đến bàn. Phúc nói:

- Không nên để giặc vào đến cõi; phải sai Quan-công dẫn một đạo quân từ mé tả đi ra đánh đường giữa quân giặc; Trương Phi đem quân từ mé giữa đi ra đánh đường sau, còn chúa công đem Triệu Vân ra mặt trước đón đánh; nhất định phá được quân Tào.

Huyền-đức nghe theo, liền cho Quan, Trương đi trước, còn mình cùng Đan Phúc, Triệu Vân dẫn hai nghìn quân mã ra cửa ải đón đánh. Đi chưa được vài dặm đã thấy phía sau núi bụi bay mù mịt, Lã Khoáng, Lã Tường kéo quân đến. Hai bên dàn thành thế trận, Lưu Bị ra ngựa dưới cửa cờ, gọi to rằng:

- Kẻ nào dám xâm phạm vào đất ta?

Lã Khoáng ra ngựa đáp:

- Ta là đại tướng Lã Khoáng, vâng mệnh thừa tướng lại đây bắt sống mi.

Huyền-đức nổi giận, sai Triệu Vân ra. Hai bên vừa giao chiến vài hợp, Triệu Vân đâm Lã Khoáng một nhát chết ngay dưới ngựa. Huyền-đức thúc quân ập vào đánh chém. Lã Tường địch không nổi, dẫn quân chạy; đến nửa đường, một cánh quân xông ra đi đầu là đại tướng Vân-trường; đánh giết một hồi, quân Tường chết mất nửa, cướp đường chạy thoát. Chạy chưa được mười dặm, lại một cánh quân nữa chặn lối, đi đầu là đại tướng Trương Phi, chống xà mâu hét lớn:

- Có Trương Dực Đức ở đây!

Phi nhảy đến đâm Lã Tường. Tường trở tay không kịp, bị Trương Phi đâm trúng chết ngay. Quân Tào vỡ chạy tán loạn. Huyền Đức đem quân đuổi theo, bắt được quá nửa, rồi thu quân về huyện, trọng đãi Đan Phúc, khao thưởng ba quân.

Bọn bại quân về gặp Tào Nhân báo tin hai họ Lã đã bị giết, quân sĩ bị bắt rất nhiều. Tào Nhân giật nẩy mình, bàn với Lý Điển. Điển nói:

- Hai tướng chết vì khinh địch. Nay nên đóng quân lại, đừng động vội, rồi về báo thừa tướng đem đại quân đi đánh mới được.

Nhân nói:

- Không được. Nay hai tướng bị chết, quân mã lại thiệt hại nặng, ta nhất định phải báo thù. Liệu cái đất Tân-dã nhỏ như lỗ mũi này có cần phải phiền đến đại quân của thừa tướng?

Điển nói:

- Lưu Bị là bậc nhân kiệt, chớ nên coi thường.

Nhân nói:

- Sao ông nhát thế?

Điển nói:

- Trong binh pháp có câu “biết người biết mình đánh trăm trận được cả trăm”. Tôi không nhát đâu, chỉ sợ đánh không nổi thôi.

Nhân nổi giận, nói:

- Ngươi hai lòng sao? Ta quyết bắt sống Lưu Bị!

Lý Điển nói:

- Nếu tướng quân đi, tôi xin ở lại giữ Phàn-thành.

Nhân nói:

- Nếu ngươi không đi thì thật là hai lòng rồi.

Điển bất đắc dĩ phải cùng Tào Nhân điểm hai vạn rưỡi quân mã qua sông đến Tân Dã.

Thật là:

Thày tướng khinh thường đành bỏ xác,
Tướng quân rửa hận lại đề binh.

Chưa biết phen này Tào Nhân, Lý Điển, được thua thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.