Bước tới nội dung

Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 47

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY

Hám Trạch mật dâng thư hàng giả
Bàng Thống khéo dụng kế liên hoàn

Hám Trạch biểu tự là Đức nhuận, người làng Sơn-âm, quận Cối-kê, nhà nghèo nhưng chăm học, phải đi làm thuê; thường hay mượn sách về xem, xem xong một lượt là nhớ như in không bao giờ quên nữa. Trạch lại có tài biện bác, có can đảm. Tôn Quyền dùng làm tham mưu. Trạch chơi với Hoàng Cái thân thiết lắm, nên Cái nhờ dâng thư trá hàng. Trạch vui lòng nhận ngay và nói:

- Đại trượng phu ở đời, không lập được công danh sự nghiệp gì, chẳng hóa ra cùng với cỏ cây cùng mục nát ư? Ông đã quên mình báo chúa, đây tôi há dám tiếc thân!

Hoàng Cái nhảy choàng xuống đất lạy tạ. Trạch nói:

- Việc không nên để lâu, xin đi ngay hôm nay!

Cái nói:

- Thư tôi đã viết sẵn rồi.

Trạch nhận lấy thư. Đến đêm giả làm ông lão đánh cá, bơi chiếc thuyền con sang thẳng bờ phía bắc. Đêm hôm ấy, sao lạnh đầy trời; vừa canh ba thì thuyền Hám Trách tới cạnh thủy trại quân Tào. Quân tuần sông bắt được, vào báo với Tào Tháo.

Tháo hỏi:

- Có lẽ là gian tế chăng?

Quân thưa:

- Chỉ có một ông lão đánh cá, tự xưng là tham mưu bên Đông Ngô, tên là Hám Trạch, lại trình việc cơ mật.

Tháo sai dẫn vào. Bấy giờ trên trướng, đèn đuốc sáng lòa, Tháo ngồi ngất ngưởng trên ghế hỏi rằng:

- Ngươi đã làm tham mưu Đông Ngô, nay đến đây có việc chi?

Trạch nói:

- Trước kia, tôi cứ thấy người ta đồn Tào thừa tướng cầu người hiền như kẻ khát nước. Nay nghe lời nói thật không ăn khớp chút nào. Thôi, Hoàng Công-phúc, ngươi nghĩ lầm mất rồi!

Tháo nói:

- Ta sắp sửa đánh nhau với Đông Ngô, thấy ngươi một mình đi lẻn đến đây, lẽ nào chẳng phải hỏi?

Hám Trạch nói:

- Hoàng Công-phúc là cựu thần ba đời bên Đông Ngô. Nay vô cớ bị Chu Du đập đánh khổ sở trước mặt các tướng. Công-phúc lấy làm căm tức vô cùng, bởi vậy, muốn sang hàng thừa tướng để báo thù, liền bàn với tôi. Tôi với hắn như anh em ruột một nhà, cho nên dâng hộ tờ mật thư, chưa biết thừa tướng có rộng dung cho không?

Tháo hỏi:

- Thư đâu?

Hám Trạch đưa thư ra trình. Tháo mở xem trong thư nói rằng:

"Tôi là Hoàng Cái, đội ơn sâu họ Tôn, đáng lẽ không dám ăn ở hai lòng mới phải. Nhưng xét tình thế bây giờ, thì đem quân sáu quận Giang-đông mà địch với quân trăm vạn ở trung-nguyên, ít địch sao nổi nhiều, thiên hạ đều thấy rõ cả. Các tướng sĩ bên Đông Ngô, bất kỳ khôn dại, ai cũng biết cái lẽ như thế. Duy có Chu Du ba tuổi ranh, tính tình nông nổi, tự cao tự đại, muốn đem trứng chọi với đá; lại ỷ thế lộng quyền, phạt kẻ vô tội mà không thương người có công. Tôi là cựu thần, không dưng bị đánh, căm tức biết ngần nào!

Tôi được nghe tiếng thừa tướng đem bụng chân thành đãi người, nhún mình dùng kẻ sĩ. Vậy tôi xin đem quân lại hàng, mong lập lấy chút công và rửa nhục trước. Lương thảo cùng đồ khí giới, sẽ xin đem cả thuyền lại nộp sau. Khóc ra máu, lạy trình thư này, xin đừng hồ nghi gì cả."

Tháo ngồi trên ghế, xem đi xem lại tờ thư hơn chục lượt, rồi bỗng dưng đập tay xuống án, trợn mắt nổi giận lên mà nói rằng:

- Hoàng Cái dùng kế khổ nhục, sai người đến dâng thư trá hàng, dám to gan đánh trống qua cửa nhà sấm phải không?

Và thét tả hữu lôi Trạch ra chém. Khi Trạch bị dẫn đi, nét mặt vẫn thản nhiên như không. Trạch chỉ ngẩng mặt lên trời cười ngất.

Tháo sai lôi lại quát hỏi:

- Ta đã biết rõ ruột gan ngươi, ngươi còn cười gì nữa?

Trạch nói:

- Thưa, tôi đâu dám cười ông! Tôi cười Hoàng Công-phúc không biết người đó thôi!

Tháo hỏi:

- Thế nào là không biết người?

Trạch đáp:

- Chém thì cứ chém, việc gì phải hỏi lôi thôi?

Tháo nói:

- Ta đây học binh thư từ thuở nhỏ, còn lạ gì những mẹo ấy, ngươi lừa ai thì được, chớ lừa ta sao nổi?

Trạch nói:

- Xin ông hãy cho tôi được biết mẹo lừa ở chỗ nào?

Tháo nói:

- Để ta nói thẳng cho ngươi biết, để ngươi có chết cũng không oán thán gì được nữa. Nếu ngươi thật tâm muốn hàng, sao không định trước ngày giờ? Thế có phải là gian hay không?

Trạch nghe xong, phì cười, nói:

- Nói thế mà không biết thẹn, dám khoe khoang biết nhiều binh thư! Thôi, biết điều thì thu quân về cho mau, đừng có đánh chác gì nữa mà bị Chu Du tóm được. Đồ không có học thức gì kia! Tiếc thay, ta chết uổng về tay ngươi!

Tháo hỏi:

- Thế nào là ta không có học thức?

Trạch đáp:

- Ngươi không biết cơ mưu, không hiểu đạo lý, vô học thức rành rành ra đấy còn gì!

Tháo nói:

- Ngươi cứ vạch những chỗ không đúng của ta ra xem nào?

Trạch nói:

- Ngươi không kính trọng người hiền, hà tất phải nhiều lời làm gì? Ta chỉ có chết là hết!

Tháo nói:

- Nếu ngươi đưa ra đủ lý lẽ thì tự nhiên ta sẽ kính phục ngay.

Trạch nói:

- Thế ngươi không biết đã trốn chúa đi lén thì hẹn trước ngày giờ làm sao được. Nếu hẹn trước mà lỡ ra việc trong chưa xong, ngoài đã có binh đến tiếp ứng, chẳng hóa ra lộ chuyện mất à? Do đó gặp lúc thuận tiện thì làm, không thể hẹn trước được. Ngươi không hiểu lẽ đó, định giết người tử tế, quả thị là không có học thức.

Tháo nghe xong, dịu ngay nét mặt, bước xuống xin lỗi, nói:

- Tôi xét việc không tinh, lỡ xâm phạm đến oai ngài, xin tha thứ cho.

Hám Trạch nói:

- Tôi với Hoàng Công-phúc, đã dốc một lòng đến hàng, khác nào trẻ nít mong cha mẹ, còn có điều gì là dối dá nữa.

Tháo mừng lắm, nói:

- Nếu hai ông mà lập được công to này, ngày sau sẽ được phong tước cao hơn những người khác.

Trạch nói:

- Chúng tôi có phải vì tước lộc mà lại đây đâu, chính vì thuận lẽ trời, hợp lòng người đó thôi.

Tháo sai đem rượu khoản đãi. Một lát, có người vào ghé tai nói nhỏ với Tào Tháo. Tháo nói:

- Đưa thư ra xem nào!

Người đó trình thư lên. Xem xong, Tháo tỏ vẻ vui mừng. Hám Trạch nghĩ thầm đây hẳn là Sái Hòa, Sái Trung đưa tin về báo chuyện Hoàng Cái bị đòn, nên Tháo mừng việc ta đến hàng là thật bụng hẳn.

Tháo nói:

- Phiền tiên sinh trở về Giang-đông, cùng với Hoàng Công-phúc hẹn ngày đưa tin sang bên này cho tôi biết trước, để đem quân ra tiếp ứng.

Trạch thưa:

- Tôi đã bỏ xứ Giang-đông mà đến đây, không mặt mũi nào dám về nữa. Xin thừa tướng sai người tin cẩn khác.

Tháo nói:

- Nếu sai người khác, tôi e tiết lộ việc chăng?

Trạch từ chối mãi, rồi nói:

- Tôi có về thì phải đi ngay, không ở đây lâu được.

Tháo thưởng cho vàng lụa, Trạch không nhận, từ tạ trở ra, lại bơi chiếc thuyền nhỏ về Giang-đông.

Trạch thuật lại tất cả với Hoàng cái. Cái nói:

- Giá không được ông là người biện bác giỏi, thì ta chịu khổ cũng uổng công.

Trạch xin ra trại Cam Ninh để dò ý tứ Sái Trung, Sái Hòa. Cái nói:

- Hay lắm!

Trạch đến trại, bảo với Ninh rằng:

- Hôm qua tướng quân cứu Hoàng Công-phúc mà cũng bị đánh, tôi rất căm tức.

Ninh chỉ cười không nói. Giữa lúc ấy thì Sái Trung, Sái Hòa ở đâu vừa đến. Trạch đưa mắt cho Cam Ninh, Ninh hiểu ý, nói ngay rằng:

- Công-cẩn chỉ hợm tài, chẳng coi chúng ta ra gì. Ta nay bị nhục thật xấu hổ với cả các người bên Giang-tả.

Nói đoạn, mắm miệng nghiến răng, đập tay xuống bàn gầm thét. Trạch giả tảng ghé vào tai Cam Ninh nói mấy câu. Ninh cúi sầm ngay mặt xuống, nín lặng, chỉ thở dài hai ba tiếng.

Sái Trung, Sái Hòa thấy hai người có ý muốn làm phản, mới hỏi thử:

- Chẳng hay tướng quân và tiên sinh sao buồn bực làm vậy?

Trạch nói:

- Các ngươi biết thế nào được những điều đau khổ trong lòng chúng ta?

Sái Hòa nói:

- Có lẽ hai vị định phản Đông Ngô mà hàng Tào chăng?

Hám Trạch tái mặt lại. Cam Ninh tuốt gươm đứng dậy, nói:

- Việc của ta bị lộ rồi, phải giết hai thằng này đi mới có thể giữ kín được!

Sái Trung, Sái Hòa vội nói:

- Hai ông chớ lo, chúng tôi cũng xin đem việc tâm phúc bày tỏ với các ông.

Ninh nói:

- Nói mau lên!

Hòa nói:

- Tào-công sai hai chúng tôi đến trá hàng đây, nếu hai ông có ý quy thuận Tào-công, chúng tôi xin dẫn tiến.

- Có thật thế không?

Hai người đồng thanh đáp:

- Đâu dám nói dối!

Ninh vờ mừng rỡ, nói:

- Nếu được như thế, thì chính là trời đem lại dịp may cho ta rồi!

Hai người nói:

- Việc Hoàng Công-phúc và tướng quân bị nhục, tôi đã báo tin về cho thừa tướng rồi.

Hám Trạch cũng nói:

- Ta đã dâng thư hàng của Công-phúc sang thừa tướng rồi, nay đến rủ Hưng-bá cũng đến hàng đây.

Ninh nói:

- Đại trượng phu đã gặp được minh chủ, cũng nên quyết một lòng đi theo.

Bốn người chén tạc chén thù, bàn việc tâm sự với nhau. Hai anh em họ Sái lập tức viết thư báo cho Tào Tháo, nói Cam Ninh sẽ cùng với chúng làm nội ứng. Hám Trạch lại viết thư riêng sai người đưa sang Tào Tháo. Trong thư nói Hoàng Cái muốn đến, nhưng chưa có dịp thuận tiện, khi nào thấy đoàn thuyền có cắm cờ xanh ở đầu, đó chính là thuyền đến hàng.

Tháo được luôn hai bức thư, trong bụng vẫn nghi nghi hoặc hoặc, liền hội các mưu sĩ lại bàn rằng:

- Bên Giang-tả, Cam Ninh bị Chu Du làm nhục, xin làm nội ứng. Hoàng Cái bị đòn, sai Hám Trạch sang xin hàng, đều chưa đáng tin lắm. Ai dám sang trại Chu Du dò xem hư thực ra sao?

Tưởng Cán bước ra nói:

- Tôi bữa trước sang Đông Ngô, chưa nên được việc gì, vẫn còn áy náy. Nay xin liều đi chuyến nữa, quyết dò được sự thật về báo với thừa tướng.

Tháo mừng rỡ, sai ngay Tưởng Cán đi. Cán cưỡi chiếc thuyền nhỏ, bơi thẳng đến cạnh thủy trại Giang-đông, cho người vào báo. Chu Du thấy Cán lại đến, mừng nói rằng:

- Ta thành công chỉ cốt ở người này! Lập tức dặn dò Lỗ Túc: "Mời Bàng Thống đến bảo cứ làm như thế... như thế cho ta".

Bàng Thống tự là Sĩ-nguyên, quê ở Tương-dương, tránh loạn sang ngụ bên Giang-đông. Lỗ Túc thường tiến cử lên Chu Du. Thống chưa kịp đến ra mắt, thì Du đã sai Túc đến hỏi kế phá Tào. Thống mật bảo Túc rằng: "Muốn phá quân Tào, phải dùng hỏa công, nhưng trên mặt sông to, một chiếc thuyền bén lửa thì các thuyền khác tản ra chạy được cả. Chỉ có dùng kế liên hoàn, khiến Tháo phải ghép cả thuyền vào một chỗ, mới có thể thắng được".

Túc về nói lại với Chu Du. Du phục lắm và bảo Túc:

- Chỉ có Bàng Sĩ-nguyên mới thực hiện được kế ấy cho ta mà thôi.

Túc nói:

- Chỉ sợ Tào Tháo xảo quyệt, đi thế nào được?

Chu Du còn đang phân vân, tìm chưa ra cơ hội, thì được tin Tưởng Cán lại sang. Du mừng lắm, một mặt dặn dò Bàng Thống thi hành mưu kế, một mặt cho người mời Tưởng Cán vào. Cán thấy không ai ra đón, trong bụng ngờ vực, liền sai buộc thuyền ở chỗ hẻo lánh rồi vào. Du hầm hầm nổi giận, nói rằng:

- Tử-dực sao dám khinh ta thế?

Cán cười, đáp:

- Ta nghĩ ông là chỗ tình nghĩa anh em cũ, muốn đến bày tỏ tâm sự, sao lại bảo ta lừa lọc?

Du nói:

- Ngươi muốn dụ ta hàng Tào, trừ phi sông cạn đá mòn ta mới chịu! Lần trước ta nghĩ tình bạn cũ, mời uống rượu và lưu ngủ chung giường; không ngờ ngươi ăn cắp thư của ta, lẻn về báo với Tào Tháo, để Trương Doãn, Sái Mạo bị giết, làm hỏng việc của ta. Hôm nay ngươi bỗng dưng lại đến, chắc không có bụng tốt đâu! Nếu ta không nghĩ đến tình xưa, thì chỉ cho ngươi một nhát đao đứt làm hai đoạn! Ta cũng muốn tống ngươi về cho rảnh, nhưng độ vài hôm nữa ta sẽ đánh phá Tào Tháo, nên phải giữ ngươi lại, kẻo tiết lộ quân cơ!

Liền sai tả hữu đưa Cán ra nghỉ trong một cái am, gần núi Tây-sơn, và bảo:

- Đợi khi nào ta phá xong Tào Tháo, sẽ tiễn ngươi sang sông cũng vừa.

Tưởng Cán đang chực nói thì Chu Du đã trở vào sau trướng rồi. Tả hữu lấy ngựa cho Tưởng Cán cưỡi, và dẫn đến am nhỏ sau núi, cắt hai tên lính hầu hạ.

Cán ở đó vừa buồn vừa lo, ăn ngủ không yên. Đêm hôm ấy, trăng sao vằng vặc, Cán dạo ra sau am, nghe văng vẳng có tiếng đọc sách. Cán lần theo, đến mãi cạnh núi, thấy có căn nhà tranh, ánh đèn le lói. Cán nhòm vào thấy một người đang ngồi đọc binh thư, trước đèn treo một thanh kiếm. Cán nghĩ người này hẳn là dị nhân đây, liền gõ cửa vào chơi. Người đó ra đón Cán vào, tư thế rất trịnh trọng. Cán hỏi họ tên, người đó đáp:

- Tôi là Bàng Thống, tự Sĩ-nguyên.

Cán nói:

- Có phải là Phụng-sồ tiên sinh đó không?

Thống đáp:

- Chính phải.

Cán mừng, nói:

- Tôi lâu nay vẫn nghe tiếng ngài, sao nay lại ẩn dật ở đây?

Thống nói:

- Chu Du cậy tài khinh người, nên tôi phải đến ở chỗ này. Xin hỏi ông là ai?

Cán đáp:

- Tôi là Tưởng Cán.

Thống mời vào thảo am nói chuyện. Cán nói:

- Cứ như tài của tiên sinh, đi đâu mà chẳng được trọng dụng. Nếu tiên sinh chịu sang với Tào-công, tôi xin tiến dẫn.

Thống nói:

- Tôi muốn bỏ đất Giang-đông này đã lâu, ông đã có lòng dẫn tiến nhưng phải đi ngay mới được, nếu để chậm trễ, Chu Du biết, sẽ làm hại mất.

Ngay đêm hôm ấy, Thống cùng với Cán xuống núi, ra bờ sông tìm chiếc thuyền của mình trước, chở như bay về Giang-bắc.

Về đến trại, Cán vào trước, thuật chuyện lại với Tào Tháo. Tháo thấy có Phụng-sồ tiên sinh đến, ra ngay ngoài trướng đón vào, chia ngôi chủ khách ngồi chơi, rồi hỏi:

- Chu Du tuổi còn ấu trĩ, thị tài khinh người, không dùng được mưu hay. Tôi được nghe tiếng lớn của tiên sinh đã lâu, nay đã có lòng hạ cố, có điều gì xin tiên sinh cứ dạy bảo cho.

Thống thưa:

- Tôi vẫn được nghe thừa tướng dùng binh rất giỏi, nay xin cho được xem việc bố trí quân sĩ thế nào.

Tháo sai đem ngựa và mời Bàng Thống đi xem trại trên cạn trước. Hai người gióng ngựa lên chỗ cao đứng quan sát. Thống khen rằng:

- Những trại này tựa vào sườn núi, men rừng, trước sau liên hệ với nhau, ra vào có cửa, lui tới có đường, dẫu Tôn, Ngô, Nhương Thư ngày xưa cũng không thể hơn được!

Tháo nói:

- Tiên sinh chớ có quá khen, còn mong dạy bảo giúp cho.

Lại mời Thống đi xem trại dưới nước, thấy ở mé nam chia làm hai mươi bốn cửa, thuyền lớn bao bọc phía ngoài như một bức thành; giữa là những thuyền nhỏ, lối ra vào thật phân minh. Thống cười, nói:

- Thừa tướng dùng binh thế này, tiếng đồn quả nhiên không ngoa!

Rồi lại trỏ sang Giang-nam, nói:

- Chu lang! Chu lang! Nay mai tất chết!

Tháo mừng lắm, về trại, mở tiệc thết đãi, cùng Thống đàm luận về cách dùng binh. Thống lý luận sắc bén, ứng đối trôi chảy. Tháo kính phục lắm, ân cần mời mọc. Thống giả say, hỏi rằng:

- Bẩm thừa tướng, ở đây có thầy lang giỏi không?

Tháo hỏi:

- Cần thầy lang làm gì?

Thống nói:

- Tôi xem chừng thủy quân của thừa tướng ốm nhiều, cần có thầy lang giỏi mới chữa được.

Bấy giờ, quân Tào không quen thủy thổ, bệnh thổ tả phát ra, nhiều người bị chết. Tháo đang lo nghĩ, chợt nghe Thống nói thì làm gì chẳng phải hỏi. Thống bèn nói:

- Phương pháp luyện tập thủy quân của thừa tướng thật là tuyệt diệu, nhưng tiếc chưa được toàn diện.

Tháo hỏi gặng hai ba lần. Thống nói:

- Tôi có một kế, khiến cho thủy quân không mắc tật bệnh gì, có thể yên ổn thành công.

Tháo mừng lắm, hỏi kế hay. Thống nói:

- Trong sông lớn này, nước thủy triều khi lên khi xuống, sóng gió liên miên. Người phương bắc không quen ngồi thuyền bị sóng đánh nghiêng ngả mới sinh ra bệnh. Nếu đem thuyền lớn nhỏ, ghép lại thành từng cụm độ ba chục chiếc hoặc năm chục chiếc, đầu đuôi dùng xích sắt ghép liền với nhau, trên thuyền lát ván phẳng phiu; như thế, chẳng những người đi lại dễ dàng, mà đến ngựa chạy cũng được. Nên làm ngay lúc này đi, thì còn lo chi thủy triều và sóng gió nữa.

Tào Tháo bước xuống tạ, nói:

- Giá tiên sinh không vạch cho kế hay này, thì phá sao được Đông Ngô!

Thống nói:

- Tôi cũng mới nghĩ nông cạn thế thôi, xin thừa tướng thử liệu xem có nên không?

Tháo lập tức truyền gọi thợ rèn, ngày đêm đúc dây xúc xích và đanh lớn ghép chặt các thuyền lại. Quân sĩ được tin, ai nấy đều mừng rỡ.

Người sau có thơ rằng:

Xích bích dùng binh đánh hỏa công,
Bày mưu đặt mẹo khéo thông đồng!
Nếu không có kế liên hoàn ấy.
Công-cẩn làm sao lập được công?

Bàng Thống lại nói với Tào Tháo rằng:

- Tôi xem tình hình các bậc hào kiệt bên Giang-đông, lắm người oán Chu Du. Tôi xin đem ba tấc lưỡi, dụ bọn ấy về hàng thừa tướng. Còn một mình Chu Du không có người giúp đỡ tất bị thừa tướng bắt sống thôi. Du đã bị tan, thì Lưu Bị cũng chẳng giở trò gì được nữa.

Tháo nói:

- Tiên sinh lập được công to này, Tháo sẽ tâu với thiên tử, phong ngài làm chức tam công.

Thống nói:

- Tôi không phải vì phú quý đâu, chỉ muốn cứu dân đó thôi. Thừa tướng có sang sông, chớ nên tàn hại dân lắm.

Tháo nói:

- Tôi thay trời mà trị dân, lẽ đâu lại giết hại dân?

Thống xin tờ chứng nhận của Tháo phòng khi quân kéo đến không động chạm đến gia đình, họ hàng mình.

Tháo nói:

- Họ hàng tiên sinh ở cả đâu?

Thống thưa:

- Ở cả bờ sông bên kia, nếu được giấy đó thì sẽ bình an vô sự.

Tháo sai viết giấy đóng dấu vào rồi giao cho Thống. Thống lạy tạ, nói:

- Sau khi tôi đi rồi, thừa tướng nên gấp rút tiến quân, chớ để cho Chu Du biết.

Tháo cho là phải. Thống từ biệt ra đến bờ sông, sắp bước chân xuống thuyền, bỗng có một người nắm chặt lấy Bàng Thống mà nói rằng:

- Ngươi to gan thật? Hoàng Cái dùng kế khổ nhục, Hám Trạch đưa thư trá hàng, còn ngươi lại đến bày kế liên hoàn. Ta chỉ sợ bọn ngươi đốt không xuể được thôi! Bọn ngươi mưu mô ác độc, chỉ lừa được Tào Tháo, chớ bịt sao nổi mắt ta!

Bàng Thống rụng rời hết vía.

Ấy là:

Cứ tưởng đông nam nhiều mẹo giỏi,
Ai ngờ tây bắc lắm người khôn!

Chưa biết người ấy là ai, xem đến hồi sau sẽ hiểu.