Bước tới nội dung

Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 65

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ SÁU MƯƠI NHĂM

Mã Siêu đại chiến cửa Hà-manh
Huyền-đức chiếm được đất Tây Thục

Lại nói, Diêm Phố đang khuyên Trương Lỗ đừng giúp Lưu Chương, thì Mã Siêu bước ra thưa rằng:

- Tôi cảm ơn chúa công, không biết lấy gì báo được. Nay tôi xin lĩnh một toán quân, đánh lấy cửa Hà-manh, bắt sống Lưu Bị và bắt Lưu Chương phải cắt hai mươi châu nộp chúa công.

Trương Lỗ mừng lắm, cho Hoàng Quyền về trước, rồi điểm hai vạn quân giao cho Mã Siêu. Bấy giờ Bàng Đức đau bệnh không đi được, nằm ở lại Hán-trung. Trương Lỗ sai Dương Bách làm giám quân. Siêu cùng em là Mã Đại, chọn ngày lên đường.

Huyền-đức vẫn đóng quân ở tại Lạc thành, được tin Pháp Chính cho người về báo rằng:

- Trịnh Độ khuyên Lưu Chương đốt trụi thóc lúa ngoài đồng và kho tàng ở các nơi, dời cả nhân dân Ba-tây sang lánh ở vùng tây Bồi-thủy, thành cao hào sâu, giữ chặt không ra đánh.

Huyền-đức, Khổng Minh nghe xong đều giật mình, nói:

- Nếu họ dùng kế ấy thì ta nguy mất!

Pháp Chính cười, nói:

- Chúa công không lo, kế ấy tuy thâm độc nhưng Lưu Chương cũng không dùng đâu.

Được mấy hôm, có người cho biết là Lưu Chương không chịu di chuyển nhân dân, không nghe lời Trịnh Độ. Huyền-đức mới yên tâm. Khổng Minh nói:

- Ta nên tiến quân lấy Miên-trúc cho mau, nếu lấy xong thì Thành-đô lấy dễ như chơi vậy!

Huyền-đức sai Hoàng Trung, Ngụy Diên tiến đi. Tướng giữ Miên-trúc là Phí Quan sai Lý Nghiêm dẫn ba nghìn quân ra cự. Hai bên dàn trận, Hoàng Trung đánh nhau với Lý Nghiêm hơn năm mươi hợp chưa phân thắng phụ. Khổng Minh ở trong trận sai khua chiêng thu quân. Hoàng Trung quay về hỏi rằng:

- Tôi sắp bắt được Lý Nghiêm, quân sư làm sao lại thu quân về thế?

- Ta coi võ nghệ của Lý Nghiêm, không thể dùng sức bắt được. Ngày mai đánh trận nữa, ngươi nên giả làm thua, dử cho y đuổi vào trong đường núi, rồi ta phục quân mà bắt lấy.

Hoàng Trung lĩnh kế ấy. Hôm sau, Lý Nghiêm lại dẫn quân đến. Hoàng Trung ra địch, chưa được mười hợp, Trung quay ngựa chạy. Nghiêm đuổi theo, lần lần đuổi vào trong hang núi. Lúc ấy Nghiêm mới sực nghĩ ra, định quay về, thì đã thấy Ngụy Diên dẫn quân chặn mất đường về rồi.

Khổng Minh đứng trên đỉnh núi gọi rằng:

- Anh kia! Không hàng ngay đi thì hai bên ta đã phục sẵn cung nỏ cứng, định để báo thù cho Bàng Sĩ-nguyên đó!

Lý Nghiêm vội vàng xuống ngựa cởi giáp xin hàng. Khổng Minh dẫn về ra mắt Huyền-đức. Huyền-đức xử với Nghiêm rất tử tế.

Lý Nghiêm nói:

- Phí Quan tuy là họ hàng với Lưu Quý-ngọc, nhưng chơi với tôi thân thiết lắm. Tôi xin vào thành dụ y ra hàng.

Huyền-đức cho đi. Nghiêm vào thành Miên-trúc thuật chuyện cho Phí Quan nghe, nói Huyền-đức nhân đức lắm, nếu không hàng đi, tất có vạ về sau. Quan nghe lời ấy, mở cửa thành ra hàng.

Huyền-đức vào thành Miên-trúc, bàn việc cất quân tiến lấy Thành-đô. Sực có ngựa lưu tinh về báo rằng:

- Mạnh Đạt, Hoắc Tuấn giữ cửa ải Hà-manh, nay bị Trương Lỗ sai Mã Siêu, Mã Đại, Dương Bách đem quân đến đánh nguy cấp lắm, nếu chậm đến cứu thì mất cửa ải mất!

Huyền-đức nghe tin giật mình. Khổng Minh nói:

- Tất phải Trương, Triệu hai tướng mới đánh nổi được Mã Siêu.

Huyền-đức nói:

- Tử-long ra phủ dụ các quận chưa về, có Dực-đức ở nhà, nên sai y đi cho mau.

Khổng Minh nói:

- Chúa công đừng nói vội, để tôi khích Dực-đức đã.

Trương Phi nghe tin Mã Siêu đến đánh cửa ải, chạy vào kêu to lên rằng:

- Cáo từ kha kha, tôi xin đi ra đánh Mã Siêu đây!

Khổng Minh giả đò không nghe tiếng, chỉ nói với Huyền-đức rằng:

- Mã Siêu xâm phạm cửa ải, xem chừng ở đây không ai địch nổi, dễ thường phải cho người về Kinh-châu, gọi Vân-trường sang mới xong!

Trương Phi gầm lên rằng:

- Quân sư sao khinh tôi thế? Tôi khi trước, một mình còn cự nổi được trăm vạn quân Tào Tháo, có sợ gì một thằng Mã Siêu?

Khổng Minh nói:

- Dực-đức khi xưa cách sông chặn cầu là vì Tào Tháo không biết hư thực thế nào, nên không dám đến. Nay Mã Siêu là tay kiêu hùng, thiên hạ ai cũng biết tiếng. Sáu trận đánh ở Vị-kiều, làm cho Tào Tháo phải cắt râu, quẳng áo, suýt nữa mất mạng. Sức lực ấy không phải tầm thường, dẫu đến Vân-trường cũng còn e không địch nổi kia đấy!

Phi nói:

- Tôi xin đi, nếu không đánh nổi Mã Siêu, xin chịu tội chết!

Khổng Minh nói:

- Tướng quân có chịu viết tờ cam kết, thì cho làm tiên phong.

Rồi nói với Huyền-đức rằng:

- Xin chúa công đi cho một chuyến, để Lượng ở nhà giữ Miên-trúc, đợi Tử-long về rồi lại liệu.

Ngụy Diên cũng xin đi. Khổng Minh sai Diên lĩnh năm trăm quân tiễu mã đi trước, Trương Phi đi thứ nhì. Huyền-đức dẫn đại quân đi sau.

Ngụy Diên đến cửa ải trước, gặp ngay Dương Bách. Diên đánh nhau với Bách chưa đầy mười hợp, Bách thua chạy. Diên muốn tranh công của Trương Phi, đuổi dấn lên đánh. Trước mặt gặp toán quân của Mã Đại. Diên tưởng là Mã Siêu, xông ngay vào đánh. Đại giả đò thua chạy, Diên đuổi theo. Đại quay mình bắn một phát, tin ngay vào cánh tay Ngụy Diên. Diên vội vàng quay ngựa về, Đại đuổi mãi đến dưới cửa ải. Bỗng gặp một tướng, tiếng thét như sấm, từ trên cửa ải phi ngựa xuống. Tướng ấy nguyên là Trương Phi vừa mới đến, nghe mé trước đang đánh nhau, mới tế ngựa lại xem ra làm sao, thì thấy Ngụy Diên trúng tên thua chạy. Phi mới xông vào cứu Ngụy Diên, quát to lên rằng:

- Mi tên là gì, hãy nói cho ta biết đã, rồi sẽ đánh nhau!

Mã Đại nói:

- Ta là Mã Đại ở Tây-lương đây!

Phi nói:

- Té ra mi không phải là Mã Siêu! Mi không địch nổi được ta đâu, nên về bảo ngay thằng Mã Siêu ra đây, nói có Trương Dực-đức là người nước Yên ở đây nhé!

Mã Đại nổi giận quát rằng:

- Mi sao dám coi thường ta?

Nói đoạn, cầm đao tế ngựa xông vào chém Trương Phi. Mới được vài hợp, Mã Đại liệu thế không địch nổi, bỏ chạy, Trương Phi sắp đuổi đánh, thì trên cửa ải có một người tế ngựa xuống gọi rằng:

- Em hãy thong thả, chớ đuổi vội!

Trương Phi ngảnh lại trông xem ai, thì là Huyền-đức, Trương Phi mới quay ngựa về. Huyền-đức bảo rằng:

- Anh sợ em nóng nảy, cho nên theo đến đây. Có phải đánh được Mã Đại, hãy nghỉ ngơi một đêm, để ngày mai đánh Mã Siêu.

Sáng hôm sau, Mã Siêu khua trống om sòm, kéo quân đến dưới ải. Huyền-đức đứng trên trông xuống, thấy Mã Siêu đầu đội mũ chỏm sư tử, mình mặc áo giáp bạc, bào trắng, đai nịt khác thường, mặt mũi khôi ngô, sức lực hơn người. Huyền-đức than rằng:

- Người ta nói "cẩm Mã Siêu", quả thực như thế!

Trương Phi muốn xuống ải đánh Mã Siêu, Huyền-đức ngăn lại bảo rằng:

- Mã Siêu mới đến, khí lực đang hăng, ta hãy nên tránh đi.

Mã Siêu ở dưới ải, chỉ thách Trương Phi ra ngựa. Trương Phi thì hăm hở muốn nuốt sống ngay Mã Siêu, nhưng ba bốn phen đều bị Huyền-đức gàn lại. Dần dần đến buổi trưa, Huyền-đức thấy quân Mã Siêu đã có dáng mỏi mệt, mới kén năm trăm quân kỵ, cho theo Trương Phi xuống ải.

Mã Siêu thấy Trương Phi xuống ải, lùi quân lại độ hơn trăm bước, dàn trận. Trương Phi vác mâu tế ngựa xuống gọi to lên rằng:

- Bớ Mã Siêu! Ngươi có biết Trương Dực-đức ở nước Yên là ai không?

Mã Siêu đáp:

- Nhà tao đời đời làm công hầu, biết đâu đến tên thất phu quê kệch!

Phi giận lắm, xông thẳng vào đánh. Hai bên đánh nhau hơn trăm hợp, chưa ai kém ai một nước nào. Huyền-đức đứng xem than rằng:

- Thế mới gọi là hổ tướng!

Huyền-đức sợ Trương Phi mệt sức, có rủi ro gì chăng, vội vàng khua chiêng thu quân.

Hai tướng cùng trở về.

Trương Phi về đến trại, nghỉ ngựa một lát, rồi chỉ quàng cái khăn bịt tóc, lên ngựa lại ra trận gọi đánh. Mã Siêu ra liền. Huyền-đức sợ Trương Phi yếu thế, cũng cưỡi ngựa xuống ải, đến thẳng trước trận đứng xem. Hai người giao phong hơn trăm hợp, càng đánh càng khỏe mãi ra. Huyền-đức khua chiêng thu quân. Hai tướng lại ai về trận ấy.

Lúc này trời đã tối. Huyền-đức bảo Trương Phi rằng:

- Mã Siêu khỏe lắm, không nên khinh địch, hãy rút quân về ải, ngày mai sẽ lại đánh nhau.

Trương Phi đánh đang hăng máu, không chịu trở về, kêu lên rằng:

- Chết tôi cũng không về vội!

Huyền-đức nói:

- Tối rồi, không nên đánh nhau.

Phi nói:

- Đốt cho nhiều đuốc lên để đánh nhau đêm.

Mã Siêu thay ngựa khác, rồi lại ra trận gọi rằng:

- Trương Phi có dám đánh nhau đêm không?

Trương Phi đổi ngựa cho Huyền-đức, tế ngựa ra trận quát rằng:

- Ta không giết được mi, thề không lên cửa ải!

Siêu nói:

- Ta không bắt sống được mi, nhất định không về trại.

Quân hai bên reo ầm cả lên, đốt hàng trăm nghìn bó đuốc, sáng vằng vặc như ban ngày. Hai tướng ra trận đánh nhau, mới được hai mươi hợp, Mã Siêu quay ngựa chạy về. Trương Phi quát lên rằng:

- Mi chạy đi đâu?

Nguyên là Mã Siêu thấy đánh không đổ được Trương Phi, mới giả cách thua chạy, để lừa cho Phi đuổi đến. Siêu cầm giấu một cái dùi đồng trong tay, quay mình nhằm vào giữa mặt Trương Phi quật sang. Phi thấy Mã Siêu chạy, cũng đã có ý đề phòng. Khi dùi đồng văng đến, thì Phi né mình ra một bên, dùi đồng bay sạt qua mang tai.

Trương Phi quay ngựa trở về, Mã Siêu lại đuổi. Phi dừng ngựa, lấy cung tên, quay mình lại bắn một phát. Siêu cũng tránh được. Hai tướng lại ai về trại ấy.

Huyền-đức đứng trước cửa trận gọi rằng:

- Ta lấy nhân nghĩa đãi người, không thèm lừa dối. Mã Mạnh-khởi, ngươi cứ thu quân về nghỉ, ta không đuổi theo đâu!

Mã Siêu nghe nói, tự mình đi chặn mặt sau cho quân dần dần rút về. Huyền-đức cũng thu quân lên ải.

Hôm sau, Trương Phi lại muốn xuống ải đánh nhau. Bỗng có tin báo quân sư đã đến, Huyền-đức ra tiếp vào. Khổng Minh nói:

- Mã Siêu là hổ tướng trên đời, nếu để cho đánh nhau mãi với Dực-đức, tất có một người bị hại. Cho nên tôi phải để Tử-long, Hán Thăng ở lại giữ Miên-trúc, vội vã đến đây, có thể dùng một mẹo nhỏ, để Mã Siêu về hàng với chúa công.

Huyền-đức nói:

- Ta thấy Mã Siêu khỏe mạnh, có bụng yêu lắm, làm thế nào cho y hàng với ta?

Khổng Minh nói:

- Tôi nghe Trương Lỗ ở Đông Xuyên, muốn tự xưng là Hán Ninh-vương. Mưu sĩ Dương Tùng lại tham ăn của đút. Ta nên sai người đi đường tắt đến Hán-trung, trước hết đem vàng bạc kết liên với Dương Tùng, rồi đưa thư cho Trương Lỗ, nói rằng: "Ta đánh nhau với Lưu Chương, là có ý báo thù cho nhà ngươi, ngươi đừng có nghe lời người khác mà cự nhau với ta. Khi nào xong việc sẽ tâu cho ngươi làm Hán Ninh-vương". Nói thế để Trương Lỗ triệt Mã Siêu về. Khi đó, ta sẽ dùng mẹo gọi Mã Siêu lại hàng.

Huyền-đức mừng lắm, lập tức viết thư, sai Tôn Càn mang vàng ngọc, châu báu đi tắt sang Hán-trung. Càn vào ra mắt Dương Tùng, dâng vàng ngọc, nói chuyện làm vậy. Tùng mừng rỡ, dẫn ngay Tôn Càn vào ra mắt Trương Lỗ, bày tỏ ý kiến Huyền-đức và trình thư lên.

Trương Lỗ xem xong, nói:

- Huyền-đức chỉ là chức Tả tướng quân, bảo cử thế nào được cho ta làm Hán Ninh-vương?

Tùng thưa:

- Ông ta làm hoàng thúc nhà Hán, bảo cử cho chúa công là đáng lắm.

Lỗ mừng quá, sai sứ ra bảo Mã Siêu bãi binh. Tôn Càn ở lại nhà Dương Tùng để nghe tin tức. Không được mấy bữa, sứ giả về báo rằng:

- Mã Siêu nói là chưa thành công, không chịu bãi binh.

Lỗ lại sai hai ba tin nữa ra đòi về, Siêu cũng nhất định không về.

Dương Tùng nói:

- Người ấy vốn là người không tín hạnh, nay đòi mãi không về, tất có ý muốn làm phản.

Tùng lại xui người nói phao lên rằng:

- Mã Siêu muốn cướp lấy Tây Xuyên, để tự lập làm chủ nước Thục, báo thù cho cha, chớ không chịu làm bề tôi Hán-trung.

Trương Lỗ nghe tin đồn như thế, hỏi kế Dương Tùng. Tùng thưa:

- Một mặt sai người đến bảo cho Mã Siêu biết muốn thành công thì trong một tháng phải làm theo ba việc: một là phải lấy cho được Tây Xuyên; hai là phải đem đầu Lưu Chương về nộp; ba là phải đuổi quân Kinh-châu đi cho hết. Nếu làm không xong, thì phải mang đầu về mà nộp. Một mặt sai Trương Vệ điểm quân giữ lấy cửa ải, phòng ngừa quân Mã Siêu có biến động gì chăng.

Trương Lỗ nghe lời, sai người đến trại Mã Siêu nói ba việc ấy. Siêu thất kinh mà rằng:

- Sao bỗng dưng mà giở quẻ ngay được thế?

Siêu mới bàn với Mã Đại, muốn rút quân về.

Dương Tùng lại nói phao lên rằng:

- Mã Siêu chuyến này mang quân về, tất sinh bụng khác.

Bởi thế Trương Vệ chia quân ra làm bảy đường, giữ các cửa ải, không cho quân Mã Siêu trở về. Siêu bấy giờ tiến thoái hai đường cùng khó, không biết nghĩ làm sao.

Khổng Minh nói với Huyền-đức rằng:

- Hiện nay Mã Siêu đang lúc tiến thoái lưỡng nan, tôi xin thân đến trại Mã Siêu, uốn ba tấc lưỡi, dụ y về hàng.

Huyền-đức nói:

- Tiên sinh như chân tay lòng ruột của tôi, nếu xảy ra sự gì, thì làm thế nào?

Khổng Minh cố ý xin đi, Huyền-đức nhất định giữ lại. Đang khi ấy, thì có tin vào báo Tử-long có thư đưa một người ở Tây Xuyên đến hàng. Huyền-đức gọi vào hỏi, thì là người ở quận Kiến-ninh, tên là Lý Khôi, tự là Đức-ngang.

Huyền-đức hỏi:

- Trước kia ngươi can mãi Lưu Chương, sao nay lại chịu theo ta?

Khôi nói:

- Tôi nghe "chim khôn tìm cây mà đậu, tôi hiền chọn chúa mà thờ". Trước kia tôi can Lưu Chương, là để trọn nghĩa làm tôi. Nói không biết dùng, tất là không nên được việc. Minh công nhân nghĩa khắp cả thiên hạ, tôi chắc làm nên công việc to, nên tôi đến xin hàng.

Huyền-đức nói:

- Tiên sinh đến đây, tất có việc gì giúp ích cho tôi chăng?

Khôi nói:

- Tôi nghe Mã Siêu đang gặp phải bước khó xử. Khi trước tôi ở Lũng-tây, có quen biết y, nay xin sang dụ y về hàng.

Khổng Minh mừng nói rằng:

- Hay lắm! Hay lắm! Tôi đang cần một người đi đỡ cho tôi, may lại được ông đến đây. Nhưng xin hỏi ý ông dụ Mã Siêu thế nào?

Lý Khôi ghé vào tai Khổng Minh nói nhỏ mấy câu. Khổng Minh mừng rỡ, lập tức sai đi.

Lý Khôi đến trại Mã Siêu, cho người vào báo tin trước. Mã Siêu biết Lý Khôi là người giỏi mồm mép, tất đến dụ mình, mới phục sẵn hai mươi tên đao phủ dưới trướng và dặn rằng:

- Hễ tao sai giết, thì chúng mày cứ băm nhỏ như cám cho tao!

Một lát, Lý Khôi ngạo nghễ bước vào. Mã Siêu ngồi chỉnh chện trên trướng không đứng dậy, mắng phủ đầu ngay:

- Mi đến đây làm gì?

Khôi nói:

- Ta chỉ đến đây làm thuyết khách!

Siêu nói:

- Gươm của ta mới mài đây, mi thử nói đi xem, hễ nói không thông, thì ta sẽ mượn đầu mi để thử gươm!

Khôi cười, nói:

- Tai vạ tướng quân ở ngay trước mắt, ta chỉ e gươm mới mài chẳng thử nổi được đầu ta mà lại thử vào đầu mi đó thôi.

Siêu nói:

- Ta việc gì mà có vạ?

Khôi nói:

- Ta nghe: nàng Tây Thi nước Việt, ai khéo chê đến đâu, cũng không che lấp được cái đẹp; nàng Vô Diệm nước Tề, ai khéo khen đến đâu cũng không che lấp được cái xấu. Mặt trời đến trưa thì phải xế; mặt trăng tròn rồi thì phải khuyết; đó là lẽ thường thiên hạ. Nay tướng quân cùng với Tào Tháo thì có thù giết cha, ở Lũng-tây lại có thù giết mất vợ con. Trước không cứu được Lưu Chương mà đuổi quân Kinh-châu đi, sau không chế nổi được Dương Tùng để thấy mặt Trương Lỗ. Nay bốn biển không nhà, một thân vô chủ. Nếu lại có trận thua ở Vị-kiều, Ký-thành, thì mặt mũi nào mà nhìn đến thiên hạ nữa?

Siêu ngồi cúi đầu, suy nghĩ rồi tạ rằng:

- Ông nói phải lắm, nhưng tôi không có đường lối nào mà đi bây giờ?

Khôi nói:

- Tướng quân đã nghe lời tôi, sao lại còn phục quân đao phủ ở dưới trướng?

Siêu có ý thẹn, mới đuổi cả những quân đao phủ ra.

Khôi nói:

- Lưu hoàng thúc biết kính người hiền, trọng kẻ sĩ. Tôi chắc rằng ông ấy làm nổi được nghiệp to, cho nên bỏ Lưu Chương mà theo ông ấy. Tôn quân nhà tướng quân khi xưa, có kết với hoàng thúc cùng nhau đánh giặc, sao tướng quân không bỏ nơi tối tăm ra nơi sáng sủa để báo thù cho cha và lập công danh có được không?

Mã Siêu mừng lắm, liền gọi Dương Bách vào, chém một nhát chết, rồi xách đầu cùng với Mã Đại đi theo Lý Khôi lên cửa ải xin hàng.

Huyền-đức thân ra ngoài cửa tiếp vào, thết đãi tử tế. Siêu lạy tạ, nói:

- Nay mới gặp được minh chúa, ví cũng như quét đám mây mù mà trông thấy trời xanh.

Bấy giờ Tôn Càn ở bên Dương Tùng vừa về. Huyền-đức lại sai Mạnh Đạt, Hoắc Tuấn giữ ải, còn mình thì rút quân đi lấy Thành-đô. Hoàng Trung, Triệu Vân ra nghênh tiếp Huyền-đức vào thành Miên-trúc.

Có tin báo tướng Thục là Lưu Tuấn, Mã Hán dẫn quân đến khiêu chiến.

Triệu Vân xin ra đánh, nói đoạn lên ngựa đi liền. Bấy giờ Huyền-đức đang ngồi tiếp đãi Mã Siêu, vừa uống được mấy chén thì Tử-long đã xách đầu hai tướng đem về nộp ở trước tiệc. Mã Siêu thấy vậy, thất kinh, lại càng kính phục Tử-long lắm.

Siêu nói:

- Không cần gì quân mã của chúa công phải đánh nhau nữa, để Siêu gọi Lưu Chương ra hàng. Nếu không hàng, Siêu xin cùng với em là Mã Đại đánh lấy Thành-đô, hai tay dâng lên chúa công.

Huyền-đức mừng lắm, hôm ấy uống rượu vui vẻ.

Quân Thục thua trận, về báo với Lưu Chương. Chương kinh hãi, đóng chặt cửa thành lại không dám ra. Có tin báo Mã Siêu mang quân đến cứu, hiện đã đến mé bắc thành rồi. Chương bấy giờ mới dám lên thành đứng xem, thấy Mã Siêu, Mã Đại ở dưới thành gọi to lên rằng:

- Mời Lưu Quý-ngọc ra đây nói chuyện.

Chương đứng trên thành hỏi xuống. Siêu trỏ roi lên bảo rằng:

- Ta vốn phụng mệnh Trương Lỗ lại cứu Ích-châu. Nhưng không ngờ Trương Lỗ nghe lời Dương Tùng gièm pha, muốn hại ta, nên ta đã theo về với Lưu hoàng thúc. Ông cũng nên nộp đất xin hàng, kẻo để nhân dân khổ sở. Nếu còn mê hoặc thì ta đánh thành đây!

Lưu Chương nghe xong, mặt xám như gio, khí uất đầy ruột, ngã quay xuống mặt thành. Các tướng cứu tỉnh dậy. Chương nói:

- Ta xét việc không được minh, hối lại làm sao cho kịp. Thà rằng mở cửa mà hàng, kẻo để khổ đến nhân dân.

Đổng Hòa nói:

- Trong thành còn có ba vạn quân, tiền lương đủ dùng được một năm, can gì mà đã phải hàng?

Lưu Chương nói:

- Cha con ta ở nước Thục hơn hai mươi năm, không có ân đức gì với dân. Thế mà đánh nhau ba năm nay, máu thịt tơi bời khắp đồng áng, tội lỗi tại ta cả, ta nghĩ sao cho đành dạ. Chi bằng hàng quách đi để yên nhân dân.

Chúng tướng thấy nói chua xót làm vậy, ai cũng rỏ nước mắt. Bỗng có một người tiến lên nói rằng:

- Chúa công nói thế, chính hợp lòng trời lắm!

Chương trông xem, thì là người ở Ba-tây, tên là Tiêu Chu, tài xem thiên văn. Chương hỏi lại, Tiêu Chu thưa rằng:

- Tôi xem thiên văn, thấy các vì sao tụ cả ở Thục-quận. Trong các ngôi sao, có một ngôi to sáng lắm, hình như mặt trăng, đó là tượng đế vương. Vả lại năm ngoái có trẻ con hát rằng: "Muốn ăn cơm gạo mới, nên đợi tiên chủ sang", đó cũng là điềm trời báo trước, chúa công không nên trái lòng trời.

Hoàng Quyền, Lưu Ba nghe thấy nói vậy, đều rút gươm ra chực chém Tiêu Chu. Chương ngăn lại không cho giết.

Chợt có tin báo rằng:

- Quan thái thú ở Thục-quận là Hứa Tĩnh trèo qua thành ra hàng Lưu Bị rồi!

Chương nghe tin, khóc vang lên, trở về phủ. Hôm sau, Huyền-đức sai Dản Ung vào thành dụ Lưu Chương. Chương mở cửa thành ra tiếp vào. Ung ngồi trên xe, ngạo nghễ tự đắc lắm. Bỗng có một người rút gươm ra quát rằng:

- Tiểu nhân đắc chí, dưới mắt không coi ai vào đâu, mi dám khinh người Thục ta chăng?

Ung vội vàng xuống xe chào hỏi. Người ấy quê ở Miên-trúc, tên là Tần Bật, tự là Tử-sắc. Ung cười, nói:

- Tôi không được biết hiền huynh, xin thứ lỗi cho.

Hai người cùng vào ra mắt Lưu Chương, kể chuyện Huyền-đức nhân đức, không có lòng nào nỡ hại. Chương mới quyết ý ra hàng, đãi Dản Ung tử tế.

Hôm sau, Chương mang ấn thụ, sổ sách cùng ngồi xe với Dản Ung đến xin hàng. Huyền-đức ra ngoài trại tiếp vào, cầm tay Lưu Chương khóc mà nói:

- Tôi không phải là không muốn làm điều nhân nghĩa, cũng là bất đắc dĩ mà phải thế này!

Chương vào trại, dâng cả ấn thụ, sổ sách, rồi cùng với Huyền-đức cưỡi ngựa vào thành.

Huyền-đức vào Thành-đô, trăm họ bày đồ hương hoa bái vọng khắp dọc đường.

Huyền-đức vào công sảnh, các quan quỳ lạy cả dưới thềm. Chỉ có Hoàng Quyền, Lưu Ba đóng cửa không chịu ra. Các tướng muốn bắt giết ngay, Huyền-đức không cho, truyền lệnh rằng:

- Ai dám hại hai người ấy thì giết cả họ.

Truyền lệnh rồi, Huyền-đức vào tận nhà hai người mời ra làm quan. Hai người cảm ơn ấy mới chịu ra.

Khổng Minh nói rằng:

- Tây Xuyên nay đã bình định, không thể để một nước có hai chủ, nên cho Lưu Chương sang ở bên Kinh-châu.

Huyền-đức nói:

- Ta mới lấy được Thục-quận, chưa nên để Quý-ngọc đi xa.

Khổng Minh nói:

- Lưu Chương mất cơ nghiệp, chỉ vì nhu nhược quá, chúa công nếu bắt chước nhân đức của đàn bà, làm đến việc không có quyết đoán, tôi e rằng cũng không ở được đất này mãi đâu!

Huyền-đức nghe lời, mở một tiệc yến to, mời Lưu Chương đến ăn tiệc; phong cho làm Trấn oai tướng quân, bảo thu xếp của cải, đưa vợ con gia nhân đầy tớ sang ở huyện Công-an bên Kinh-châu, khởi hành ngay hôm ấy.

Huyền-đức tự lĩnh chức mục Ích-châu, trọng thưởng cho các văn võ theo hàng, định danh tước: Nghiêm Nhan làm tiền tướng quân, Pháp Chính làm thái thú Thục-quận; Đổng Hòa làm chưởng quân trung lương tướng; Hứa Tĩnh làm tả tướng quân chưởng sử; Bàng Nghĩa làm tư mã, Lưu Ba làm tả tướng quân; Hoàng Quyền làm hữu tướng quân. Ngoài ra, Ngô Ý, Phí Quan, Bành Lạng, Trác Ung, Lý Nghiêm, Ngô Lan, Lôi Đồng, Lý Khôi, Trương Dực, Tần Bật, Tiêu Chu, Lã Nghĩa, Hoắc Tuấn, Đặng Chi, Dương Hồng, Chu Quần, Phí Vĩ, Phí Thi, Mạnh Đạt, văn vũ cả thảy hơn sáu mươi người, đều được tuyển dụng.

Lại phong Gia-cát Lượng làm quân sư; Quan Vân-trường làm Đãng khấu tướng quân, Hán-thọ đình hầu; Trương Phi làm Chinh lỗ tướng quân, Tân-đình hầu; Triệu Vân làm Trấn viễn tướng quân; Hoàng Trung làm Chinh tây tướng quân; Ngụy Diên làm Dương võ tướng quân; Mã Siêu làm Bình tây tướng quân. Còn bọn Tôn Càn, Dản Ung, My Chúc, My Phương, Lưu Phong, Ngô Ban, Quan Bình, Châu Sương, Liêu Hóa, Mã Lương, Mã Tắc, Tưởng Uyển, Y Tịch, bao nhiêu văn vũ ở Kinh Tương đều được thăng thưởng.

Huyền-đức sai sứ mang năm trăm cân vàng, một ngàn cân bạc, năm nghìn vạn quan tiền, một nghìn tấm gấm Tây Thục sang Kinh-châu thưởng cho Vân-trường. Các quan tướng khác, cũng được thưởng theo cấp bậc cả. Rồi giết trâu, mổ bò khao quân sĩ, mở kho phát chẩn cho nhân dân. Quân dân ai nấy cùng vui vẻ.

Huyền-đức lại muốn lấy những ruộng nương tốt ở Thành-đô, chia cho các quan. Triệu Vân can rằng:

- Nhân dân Ích-châu, gặp phải việc binh hỏa mấy năm nay, ruộng vườn bỏ hoang, nay nên trả lại cho dân, để họ yên cư lạc nghiệp thì dân mới phục, không nên cướp lấy làm phần thưởng riêng.

Huyền-đức mừng lắm, nghe theo lời ấy, sai Gia-cát Lượng định ra luật lệ trị nước, binh pháp hơi nặng. Pháp Chính can rằng:

- Ngày xưa vua Cao-tổ đặt ra pháp luật, chỉ có ba điều nhân dân đều cảm phục. Xin quân sư phải rộng hình nhẹ luật để yên lòng dân.

Khổng Minh nói:

- Ngươi chỉ biết một, chưa biết đến hai. Nhà Tần dùng phép dữ dội quá, muôn dân cùng oán, cho nên vua Cao-tổ dùng phép rộng rãi để được lòng dân. Nay Lưu Chương nhu nhược, chính lệnh không được nghiêm, thể thống dần dần suy tàn; chiều chuộng cho người ta ngôi chức cho vinh, ngôi cao quá thì sinh hỗn; yêu người ta ân tình cho thiết, ân đằm thắm quá thì sinh nhờn; bởi thế nên nát bét. Ta nay trên dưới có phép tắc, có phép tắc rồi mới biết ơn; tước lộc có hạn có ngữ, có hạn ngữ rồi mới biết vinh. Ân uy gồm đủ, trên dưới có bậc, đạo trị dân như thế là rõ ràng.

Pháp Chính chịu lẽ ấy là phải. Từ đó, quân dân yên ổn, chia binh ra giữ khắp cả bốn mươi mốt châu, đâu đấy đều được an cư lạc nghiệp.

Pháp Chính làm thái thú ở Thục-quận, báo ân báo oán, từ một bữa cơm hay một cái lườm nguýt. Có người nói với Khổng Minh để nén bớt Pháp Chính đi, Khổng Minh nói:

- Trước kia chúa công ta ngồi khốn ở một xứ Kinh-châu, phía bắc sợ Tào Tháo, phía đông gờm Tôn Quyền. Nay nhờ có Hiếu-trực giúp cho, mới cất cánh bay liệng lên được, không sợ ai đè ép mình nữa. Ta nay lòng nào cấm đoán Hiếu-trực, không cho y hả được một chút ý riêng hay sao?

Pháp Chính nghe Khổng Minh nói thế, từ đó cũng phải chùn tay.

Một hôm, Huyền-đức đang ngồi chơi với Khổng Minh. Chợt có Quan Bình từ Kinh-châu phụng mệnh Quan Vân-trường sai đến tạ ơn cho vàng gấm. Huyền-đức triệu vào, Quan Bình lạy xong trình thư và nói rằng:

- Cha tôi nghe Mã Siêu võ nghệ giỏi lắm, muốn vào Xuyên để đọ tài. Vậy sai tôi đến bẩm với bá phụ việc ấy.

Huyền-đức giật mình, nói:

- Nếu Vân-trường vào Thục thi võ với Mã Mạnh-khởi, hai người tất hại mất một người, thì làm thế nào?

Khổng Minh thưa:

- Chẳng hề chi việc ấy, để tôi viết mấy chữ gửi về là xong.

Huyền-đức sợ Vân-trường nóng tính vào Xuyên ngay chăng, bèn sai Khổng Minh viết thư, giao cho Quan Bình cấp tốc đưa về Kinh-châu.

Bình về đến Kinh-châu, Vân-trường hỏi:

- Ta muốn thi võ với Mã Siêu, mày có bẩm cho ta không?

Bình dâng trình tờ thư của Khổng Minh, Vân-trường mở xem. Thư nói rằng:

"Tôi nghe tướng quân muốn thi đọ cao thấp với Mã Mạnh-khởi. Cứ ý tôi thấy, thì Mạnh-khởi tuy hùng dũng hơn người, nhưng chẳng qua cũng vào một bọn Kình Bố, Bành Việt[1] đó thôi, chỉ khả dĩ đua ganh với Dực-đức thì được, chớ sao sánh được với ông tài giỏi tuyệt vời?

"Nay tướng quân phụng mệnh giữ Kinh-châu là một việc quan hệ rất lớn. Nếu tướng quân vào Xuyên, ở Kinh-châu nhỡ xảy việc gì, thì tội để đâu cho hết! Xin tướng quân phải nghĩ mới được!"

Vân-trường xem xong, vuốt râu cười mà nói rằng:

- Khổng Minh biết bụng ta lắm!

Bèn đưa thư cho cả các quan xem, rồi không có ý gì vào Xuyên nữa.

Đây nói, Tôn Quyền ở Đông Ngô nghe tin Huyền-đức lấy được Tây Thục rồi, mới hội bọn Trương Chiêu, Cố Ung đến bàn rằng:

- Khi xưa Lưu Bị mượn Kinh-châu của ta, hẹn khi nào lấy được Tây Thục thì trả. Nay đã lấy được bốn mươi mốt châu quận Thục rồi, ta nên sai người đến đòi Kinh-châu; nếu không trả thì ta khởi binh đến đánh, các ngươi nghĩ thế nào?

Chiêu thưa rằng:

- Nước Ngô mới yên, không nên động binh vội. Tôi có một kế này, khiến cho Lưu Bị phải đem Kinh-châu hai tay dâng lên nộp trả chúa công.

Đó là:

Tây Thục vừa khai trời đất mới,
Đông Ngô lại hỏi nước non xưa.

Chưa biết Trương Chiêu hiến kế ra làm sao, xem đến hồi sau thì rõ.

  1. Kình Bố và Bành Việt là hai võ tướng đời Hán Cao-tổ.