Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 71
HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT
Chiếm đối sơn, Hoàng Trung sức nhàn thắng sức mỏi
Giữ Hán-thủy, Triệu Vân quân ít phá quân nhiều
Đây nói Khổng Minh bảo Hoàng Trung rằng:
- Tướng quân có muốn đi, ta cho Pháp Chính theo giúp tướng quân, mọi việc phải thương lượng với nhau mà làm. Ta lại mang thêm quân mã đến sau tiếp ứng.
Hoàng Trung lĩnh mệnh, cùng với Pháp Chính dẫn quân đi.
Khổng Minh nói với Huyền-đức rằng:
- Lão tướng nay không dùng lời nói khích, thì dẫu đi cũng không thành công. Nay y đi rồi, nên cho quân mã ra tiếp ứng.
Bèn sai Triệu Vân dẫn một đội quân đi lẻn con đường nhỏ để tiếp ứng cho Hoàng Trung và dặn rằng:
- Hoàng Trung mà thắng, thì không phải ra đánh, nhược bằng có thua thì hãy cứu.
Lại sai Lưu Phong, Mạnh Đạt lĩnh ba nghìn quân, bao nhiêu nơi hiểm yếu trong núi, cắm tinh kỳ cho nhiều, để thêm mạnh thanh thế quân mình, và làm cho giặc phải nghi nghi hoặc hoặc. Ba người lĩnh quân đi.
Lại sai người ra Hạ-biện, dặn dò mẹo mực cho Mã Siêu, sai y cứ thế mà làm. Lại sai Nghiêm Nhan sang Ba-tây để giữ cửa ải thế cho Trương Phi, Ngụy Diên để cho hai người về cùng vào lấy Hán-trung.
Nói về Trương Cáp, Hạ-hầu Thượng chạy đến với Hạ-hầu Uyên, nói rằng:
- Núi Thiên-đãng đã mất rồi, Hạ-hầu Đức, Hàn Hạo lại bị chết. Nay nghe Lưu Bị sắp thân chinh vào lấy Hán-trung, ta phải phi báo với Ngụy vương cho mau, để ngài phát tinh binh mãnh tướng đến cứu ngay mới được.
Hạ-hầu Uyên lập tức sai người báo với Tào Hồng. Hồng về ngay Hứa-đô bẩm với Tào Tháo. Tháo giật mình, hội cả văn võ lại thương nghị đem quân cứu Hán-trung. Lưu Hoa tiến lên thưa rằng:
- Nếu để Hán-trung mất, thì trung nguyên ta cũng chấn động cả. Đại vương đừng ngại khó nhọc, phải thân chinh mới xong.
Tháo phàn nàn rằng:
- Tiếc thay! Khi trước ta không nghe lời ngươi để đến nỗi có việc thế này!
Mới truyền lệnh khởi bốn mươi vạn đại quân đi đánh. Lúc này là năm Kiến-an thứ 23, mùa thu, tháng bảy. Tháo chia quân làm ba đường: Hạ-hầu Đôn làm tiên phong, Tháo tự lĩnh trung quân, Tào Hưu làm áp hậu; ba đạo quân lục tục khởi hành.
Tháo cưỡi ngựa trắng, yên vàng, đai ngọc, áo gấm. Võ sĩ hai bên cầm đôi tán vóc đại hồng. Cờ mao vàng, lưỡi việt bạc, hèo, trượng, đòng, mâu; tinh kỳ vẽ rồng phượng, nhật nguyệt; lại dùng hai vạn rưởi quân long hổ đi hộ giá, chia làm năm đội, mỗi đội năm nghìn người, tinh kỳ, áo, ngựa chiến theo năm màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen; mỗi đội dùng một màu, lấp lánh chói lòa, rất là hùng tráng.
Ra đến cửa ải Đồng-quan, Tháo ngồi trên ngựa trông mé xa xa thấy có một rặng rừng, cây cối um tùm, mới hỏi tả hữu rằng:
- Đây là xứ nào đó!
Tả hữu bẩm:
- Đây gọi là Lam-điền. Trong đám rừng này, có nhà Sái Ung ở đó. Hiện nay có con gái Sái Ung tên là Sái Diệm cùng với chồng là Đổng Kỷ ở nơi ấy.
Nguyên Tháo vốn quen nhau với Sái Ung. Con gái Sái Ung trước là vợ Vệ Đạo-giới. Về sau, nàng ấy bị phương bắc bắt đi, ở xứ đó sinh được hai con. Nàng đặt ra mười tám khúc kèn rợ Hồ, truyền vào đến trung nguyên. Tháo thấy vậy, thương nàng lắm, mới sai người đem nghìn nén vàng sang tận phương bắc để chuộc về. Vua rợ Hồ là Tả Hiền vương sợ uy thế Tào Tháo, phải đưa nàng trả về Hán. Tháo mới đem nàng gả cho Đổng Kỷ.
Hôm ấy, đi qua nhà, lại nhớ đến Sái Ung, Tháo mới cho quân mã đi trước, còn Tháo thì dẫn hơn trăm kỵ vào chơi. Bấy giờ Đổng Kỷ đi làm quan, chỉ có vợ ở nhà. Sái Diệm nghe tin Tào Tháo đến, vội vàng ra nghênh tiếp vào trong nhà. Diệm lạy xong, đứng hầu bên cạnh. Tháo nhác trông lên tường, thấy một cuốn văn bia treo ở đó, Tháo hỏi văn gì thì Sái Diệm thưa rằng:
- Đây là bài văn bia thuật chuyện nàng Tào Nga. Xưa kia, đời vua Hoàn đế, ở làng Thượng-ngu có một người đồng bóng, tên là Tào Vu, thường hay múa may nổi đồng. Hôm mồng năm tháng năm, Vu say rượu múa ở trên thuyền, chẳng may ngã xuống sông chết đuối. Con gái người ấy tên là Tào Nga, bấy giờ mới có 14 tuổi, đi quanh bờ sông kêu khóc bảy đêm ngày, rồi cũng nhảy xuống sông để tìm cha. Được năm hôm, nàng ấy đội thây cha nổi lên trên mặt nước. Người xứ ấy vớt lên táng ở trên bờ sông. Quan huyện ở đó tên là Độ Thượng tâu việc ấy lên, triều đình khen là con gái có hiếu, sai Hàm Đan-thuần làm văn khắc vào bia để ghi việc đó. Thuần bấy giờ mới có 13 tuổi, thảo một mạch xong bài văn bia, câu nào cũng hay, không ai chữa được một chữ, dựng ở cạnh mả. Tiếng văn hay đồn dậy xa gần. Cha thiếp là Sái Ung nghe tin cũng đi xem, đến nơi thì trời đã tối, mới lấy tay sờ vào từng chữ mà xem. Xem xong, lấy bút viết tám chữ to vào đằng sau bia, người sau nhân thể khắc cả tám chữ ấy.
Tháo đọc tám chữ đề rằng: "Hoàng quyến, ấu phụ, ngoại tôn, tê cữu".
Tháo hỏi Sái Diệm rằng:
- Nàng có biết ý tám chữ ấy là thế nào không?
Diệm nói:
- Tâu đại vương, tám chữ ấy tuy là cha thiếp để lại, nhưng thiếp thực là không biết ý ra làm sao.
Tháo ngảnh lại hỏi các mưu sĩ, cũng không ai trả lời được. Bỗng có một người bước ra thưa rằng:
- Tôi hiểu được nghĩa ấy rồi.
Tháo trông ra thì là quan chủ bạ Dương Tu. Tháo nói:
- Ngươi đừng nói vội, để ta nghĩ đã!
Bèn từ giã Sái Diệm, dẫn chúng đi ra. Lên ngựa đi được ba dặm, Tháo sực nghĩ ra, cười bảo Dương Tu rằng:
- Ngươi thử nói đi, xem có hợp ý với ta không?
Tu thưa rằng:
- Đó là câu ẩn ngữ: Hoàng quyến nghĩa là sợi tơ có sắc vàng, chữ sắc chắp với chữ ti thì thành chữ TUYỆT. Ấu phụ nghĩa là con gái nhỏ, con gái nhỏ thì là thiếu nữ, chữ thiếu chắp với chữ nữ thành chữ DIỆU. Ngoại tôn nghĩa là cháu ngoại, cháu ngoại thì là con người con gái, con gái là chữ nữ tử, chữ nữ chắp với chữ tử thành chữ HẢO. Tê cữu là cái cối giã hành, chịu cay là chữ thụ tân, chữ thụ chắp với chữ tân thành ra chữ từ. Nói tóm lại thì là bốn chữ "TUYỆT DIỆU HẢO TỪ" nghĩa là "lời lẽ hay tuyệt diệu".
Tháo thất kinh, nói rằng:
- Ngươi nói chính hợp ý ta!
Mọi người đều khen Dương Tu có tài nhận thức nhanh.
Không bao lâu, Tào Tháo kéo quân đến Nam-trịnh. Tào Hồng ra tiếp vào, thuật lại chuyện Trương Cáp bại trận. Tháo nói:
- Được thua là sự thường, không phải là tội Trương Cáp.
Tào Hồng nói:
- Hiện nay Lưu Bị sai Hoàng Trung đánh núi Định-quân, Hạ-hầu Uyên nghe tin đại vương sắp đến, cho nên chưa tiến quân ra đánh trận nào.
Tháo nói:
- Nếu không ra đánh chẳng hóa ra mình hèn nhát lắm ru?
Lập tức sai người cầm cờ tiết đến núi Định-quân, sai Hạ-hầu Uyên ra đánh.
Lưu Hoa can rằng:
- Hạ-hầu Uyên tính cương quá, tôi e mắc phải mẹo giặc.
Tháo viết một phong thư, cầm cờ tiết đến dinh Uyên. Uyên tiếp vào, mở thư ra xem, trong thư đại ý nói rằng:
"Phàm làm tướng, có lúc nên cứng, có lúc nên mềm, nếu chỉ cậy sức khỏe của mình, thì chỉ địch được một người mà thôi. Nay ta đóng đại quân ở Nam-trịnh, muốn xem cái "tài giỏi" của ngươi, chớ có phụ hai chữ đó mới được."
Hạ-hầu Uyên xem xong, mừng lắm, thu xếp cho sứ giả về, rồi bàn với Trương Cáp rằng:
- Ngụy vương dẫn đại quân đóng ở Nam-trịnh để đánh Lưu Bị. Ta với ngươi giữ mãi ở đây, thì bao giờ lập được công? Ngày mai ta ra đánh, quyết bắt kỳ được Hoàng Trung mới nghe!
Trương Cáp nói:
- Hoàng Trung mưu, dũng đủ cả, lại có Pháp Chính giúp đỡ, không nên khinh địch. Ở đây, đường núi hiểm trở, chỉ nên giữ vững là hơn.
Uyên nói:
- Nếu để người khác lập được công lao, thì ta với ngươi còn mặt mũi nào trông thấy Ngụy vương nữa? Có phải thế thì ngươi ở nhà giữ núi, để ta ra đánh.
Bèn hạ lệnh rằng:
- Có ai dám ra tiễn thám để dử địch không?
Hạ-hầu Thượng nói:
- Tôi xin đi!
Uyên nói:
- Ngươi do thám, có đánh với Hoàng Trung thì chỉ cần thua, chớ không cần được. Ta đã có diệu kế, cứ làm như thế, như thế...
Thượng vâng lệnh, dẫn ba nghìn quân rời khỏi trại lớn trong núi Định-quân đi trước.
Nói về Hoàng Trung, Pháp Chính từ khi dẫn quân đến đóng ở cửa núi Định-quân, mấy phen đến khiêu chiến, Hạ-hầu Uyên cứ giữ chặt không ra. Muốn tiến quân lên, thì lại sợ đường núi nguy hiểm, khó lường được giặc, nên cũng phải đóng quân một chỗ.
Hôm ấy, chợt có tin quân Tào ở trên núi kéo xuống. Trung toan đem quân ra địch, có nha tướng là Trần Thức nói rằng:
- Tướng quân chớ nên ra vội, tôi xin đi trước xem sao.
Trung mừng lắm, cho Trần Thức dẫn một nghìn quân ra cửa núi bày trận. Hạ-hầu Thượng đến, hai bên đánh nhau chưa đầy vài hợp, Thượng giả đò thua chạy, Thức đuổi theo. Đi đến nửa đường, bỗng nhiên hai bên sườn núi, đá gỗ quăng xuống không tiến lên được. Thức đang chực rút về, thì mé sau Hạ-hầu Uyên đã dẫn quân xông ra. Thức không địch nổi, bị Uyên bắt sống điệu về trại; nhiều quân sĩ đầu hàng.
Những tên thua chạy trốn được về báo với Hoàng Trung. Trung lo sợ, bàn với Pháp Chính. Chính nói:
- Uyên tính nóng nảy, cậy khỏe, ít mưu. Ta nên khuyên dỗ sĩ tốt, nhổ trại tiến lên, đi đến đâu lập trại đến đấy, dử Uyên đến đánh mà bắt, đó gọi là mẹo "phản khách vi chủ", nghĩa là ta là khách, mà hóa thành chủ đấy.
Trung nghe kế ấy, nội bao nhiêu đồ đạc của cải, đem thưởng hết cho ba quân, tiếng quân sĩ reo mừng vang động hang núi, ai cũng tình nguyện hết sức đánh giặc. Ngày hôm ấy Trung nhổ trại tiến quân, đi đến đâu lập trại đến đấy, mỗi trại ở vài ngày rồi lại tiến. Uyên nghe tin, muốn ra đánh. Trương Cáp nói:
- Đó là mẹo "phản khách vi chủ", ta không nên ra đánh, nếu ra tất lỡ việc.
Uyên không nghe, sai Hạ-hầu Thượng dẫn vài ngàn quân kéo đến thẳng trại Hoàng Trung. Trung cưỡi ngựa vác dao ra đánh, mới một hợp đã bắt sống ngay được Hạ-hầu Thượng, quân Tào tan chạy về báo với Hạ-hầu Uyên. Uyên kíp sai người đến trại Hoàng Trung xin đem Trần Thức đổi Hạ-hầu Thượng. Trung hẹn đến ngày mai trao đổi ở tại trước trận.
Hôm sau, hai bên ra một chỗ hang núi rộng rãi, dàn thành trận thế. Hoàng Trung, Hạ-hầu Uyên hai tướng cưỡi ngựa đứng hai bên cửa trận. Trần Thức, Hạ-hầu Thượng, mỗi người chỉ mặc một cái áo ngắn, đứng một bên. Một tiếng trống nổi lên, người nào chạy về trận người ấy. Khi Hạ-hầu Thượng chạy về gần đến nơi, bị Hoàng Trung bắn theo một phát, tin vào sau lưng, Thượng đeo cả tên mà chạy. Uyên nổi giận, quất ngựa xốc tới đánh nhau với Hoàng Trung. Trung chỉ cốt trêu tức cho Hạ-hầu Uyên ra đánh nhau. Hai tướng giao phong, được hai mươi hợp, trong trận Tào bỗng nhiên khua chiêng thu quân. Uyên vội vàng quay ngựa chạy về, bị Trung thừa thế chém giết một trận.
Uyên về hỏi quan áp trận rằng:
- Làm sao lại khua chiêng?
Đáp rằng:
- Tôi thấy trong hang núi, có cờ quạt quân Thục phấp phới ở mấy chỗ, sợ có quân mai phục, nên khua chiêng mời tướng quân về.
Uyên tin lời, bèn giữ vững không ra nữa.
Hoàng Trung đuổi mãi đến dưới núi Định-quân, bàn với Pháp Chính, Pháp Chính trỏ tay nói:
- Mé tây núi Định-quân có một quả núi cao chót vót, bốn mặt toàn là đường hiểm. Đứng trên núi ấy, dòm sang được núi Định-quân, biết được hư thực. Nếu lấy được núi ấy, thì núi Định-quân như ở trong tay ta rồi.
Trung ngẩng lên xem, thấy trên đỉnh núi hơi phẳng phiu, mà số quân giữ ở đó cũng lơ thơ không có mấy. Canh hai đêm hôm ấy, Hoàng Trung dẫn quân khua trống tiến lên đỉnh núi. Trên núi, bộ tướng của Hạ-hầu Uyên là Đỗ Tập trấn giữ, chỉ có hơn một trăm quân mã, thấy đại quân Huyền-đức ồ ạt kéo lên, phải bỏ chạy. Trung chiếm được núi ấy, đối diện với núi Định-quân.
Pháp Chính nói:
- Tướng quân nên giữ ở lưng chừng núi, tôi thì ở trên đỉnh núi; khi Hạ-hầu Uyên mang quân đến, tôi phất lá cờ trắng làm hiệu, tướng quân đừng động vội, đợi lúc quân địch mỏi mệt, tôi phất lá cờ đỏ, thì tướng quân sẽ dẫn quân xuống núi, thong dong mà đánh kẻ nhọc mệt, tất nhiên phải được.
Hoàng Trung mừng lắm, nghe theo kế ấy.
Lại nói Đỗ Tập chạy về ra mắt Hạ-hầu Uyên, thuật chuyện Hoàng Trung cướp mất đối sơn. Uyên nổi giận, nói:
- Hoàng Trung chiếm mất đối sơn, ta không ra không xong!
Trương Cáp can rằng:
- Đó là mẹo Pháp Chính, tướng quân chớ nên ra đánh, chỉ giữ vững là hơn.
Uyên nói:
- Y chiếm mất đối sơn, dòm xem biết hết được hư thực của ta, không đánh sao được?
Cáp cố can mãi không được. Uyên chia quân kéo đến vây kín đối sơn, chửi mắng thách đánh. Pháp Chính ở trên núi, kéo lá cờ trắng, tha hồ cho Hạ-hầu Uyên sỉ nhục, Hoàng Trung nhất định không xuống. Đến quá trưa, Pháp Chính thấy quân Tào đã mỏi mệt, trễ nải, nhuệ khí đã nhụt, mới phất cờ đỏ lên, rồi thì tiếng trống, tiếng tù và, tiếng hò reo ầm ĩ, Hoàng Trung tế ngựa xuống trước, đại quân kéo ùa theo sau, như trời long đất lở. Hạ-hầu Uyên chưa kịp trở tay, Hoàng Trung đã xấn đến trước mặt, quát to một tiếng như sét đánh. Uyên toan đón đỡ thì lưỡi đao của Trung đã phập xuống từ đầu đến vai, xả Uyên ra làm hai mảnh.
Đời sau có thơ khen Hoàng Trung rằng:
Đầu hoa lâm đất trận,
Tóc bạc sính vai thần.
Cung bắn, tên bay vút,
Đao khoa, tuyết trắng ngần.
Hổ gầm, người thét tiếng,
Rồng vọt, ngựa bốn chân.
Mở cõi dâng đầu giặc,
Công to đại tướng quân.
Hoàng Trung chém xong Hạ-hầu Uyên, quân Tào vỡ lở, ai nấy tìm đường chạy trốn. Hoàng Trung thừa thế đánh dấn đến núi Định-quân, Trương Cáp dẫn quân nghênh địch. Trung và Trần Thức hai mặt đánh dồn lại. Trương Cáp phải chạy. Bỗng đâu, bên cạnh núi có một toán quân mã xông ra chặn mất đường, một viên đại tướng đi đầu quát lên rằng:
- Thường-sơn Triệu Tử-long ở đây!
Trương Cáp giật mình, dẫn quân theo đường chạy về núi Định-quân. Bỗng lại gặp một toán quân ở mé trước chạy lại, té ra là Đỗ Tập.
Tập nói:
- Núi Định-quân đã bị Lưu Phong, Mạnh Đạt cướp mất rồi!
Cáp giật mình, mới cùng với Đỗ Tập kéo nhau về Hán-thủy đóng trại và cho người về báo với Tào Tháo.
Tháo nghe tin Hạ-hâu Uyên chết, khóc ầm cả lên, bấy giờ mới nghiệm lời Quản Lộ khi trước: "Ba tám tung hoành", nghĩa là năm Kiến-an thứ 24. "Lợn vàng đạp hổ", nghĩa là tháng giêng (dần là hổ) năm kỷ hợi (hợi là lợn). "Mé nam Định-quân", nghĩa là ở mé nam núi Định-quân. "Gãy một cánh tay", nghĩa là Uyên, anh em với Tào Tháo, bị hại.
Tháo cho người đi tìm Quản Lộ, nhưng không biết đã đi phương nào rồi.
Tháo căm Hoàng Trung vô cùng, lập tức sai Từ Hoảng làm tiên phong, đem đại quân đến núi Định-quân, đánh báo thù cho Hạ-hầu Uyên. Tháo đi đến Hán-thủy, Trương Cáp, Đỗ Tập ra tiếp vào trại.
Hai tướng nói:
- Núi Định-quân đã mất rồi, nên chuyển lương thảo ở núi Mễ-sương sang chứa vào trại Bắc-sơn, sau sẽ tiến quân.
Tháo nghe lời ấy.
Lại nói Hoàng Trung chém chết Hạ-hầu Uyên, mang đầu về cửa Hà-manh, dâng Huyền-đức để lĩnh thưởng. Huyền-đức mừng lắm, gia phong cho Hoàng Trung làm chính tây đại tướng quân, mở tiệc ăn mừng.
Chợt có nha tướng là Trương Trứ báo rằng:
- Tào Tháo dẫn hai mươi vạn đại quân, đến đánh báo thù cho Hạ-hầu Uyên. Hiện nay Trương Cáp đang vận lương ở núi Mễ-sương sang chứa ở Bắc-sơn, cạnh sông Hán-thủy.
Khổng Minh nói:
- Tào Tháo dẫn đại quân đến đây, có ý sợ lương thảo không đủ dùng, cho nên dùng dằng chưa dám tiến vội. Nếu ta được một người, lẻn vào đốt sạch lương thảo, thì nhuệ khí của hắn tất phải nhụt.
Hoàng Trung nói:
- Lão phu lại xin cáng đáng việc ấy.
Khổng Minh nói:
- Tào Tháo không phải như Hạ-hầu Uyên, không nên khinh thường!
Huyền-đức nói:
- Hạ-hầu Uyên tuy là tổng súy, chẳng qua chỉ là một gã dũng phu, bằng sao được Trương Cáp. Nếu chém được Trương Cáp, thì hơn gấp mười Hạ-hầu Uyên!
Hoàng Trung hăng hái lên, nói rằng:
- Tôi xin đi cho!
Khổng Minh nói:
- Ngươi nên cùng với Triệu Tử-long mỗi người lĩnh một cánh quân đi, phàm việc gì cũng phải bàn với nhau mà làm, xem ai lập được công!
Trung lĩnh mệnh. Khổng Minh sai Trương Trứ làm phó tướng đi theo.
Triệu Vân nói với Hoàng Trung rằng:
- Nay Tào Tháo dẫn hai mươi vạn đại quân, đóng dàn ra mười trại. Trước mặt chúa công tướng quân đã tình nguyện đi cướp lương, không phải việc dễ dàng đâu. Tướng quân dùng mẹo gì cho được?
Trung nói:
- Hãy để tôi đi trước xem sao đã!
Vân nói:
- Để tôi đi trước cho!
Trung nói:
- Tôi là chủ tướng, ông là phó tướng, sao lại tranh đi trước?
Vân nói:
- Tôi với ông cùng là một bọn ra sức giúp chúa công, lọ là phải suy bì hơn kém? Hai chúng ta nên rút thẻ, ai rút trúng thì đi trước.
Trung ưng lời rút thẻ, Trung lại rút trúng, được đi trước.
Vân nói:
- Tướng quân đã đi trước, tôi xin giúp đỡ. Nên hẹn giờ khắc cho đúng. Nếu đúng giờ mà về, thì tôi không phải đi; nhược bằng đến giờ mà không về, thì tôi sẽ lập tức đem quân tiếp ứng.
Trung nói:
- Ông nói phải lắm! Tôi xin hẹn đúng giờ ngọ.
Vân về trại, bảo với bộ tướng là Trương Dực rằng:
- Hoàng Hán-thăng hẹn với ta đến ngày mai đi cướp lương, đến giờ ngọ mà không về, thì ta phải đi cứu. Trại ta ở gần sông Hán-thủy, địa thế nguy hiểm lắm. Nếu ta đi ngươi ở nhà phải giữ trại cho cẩn thận, chớ có khinh động.
Lại nói, Hoàng Trung về đến trại, dặn phó tướng là Trương Trứ rằng:
- Ta chém Hạ-hầu Uyên khiến Trương Cáp mất vía. Ngày mai ta phụng mệnh ra cướp lương thảo, chỉ để năm trăm quân ở nhà giữ trại, ngươi phải đi giúp ta. Canh ba đêm nay, cho quân ăn uống no nê, canh tư rời trại, kéo đến dưới núi Bắc-sơn, giết Trương Cáp trước rồi sẽ cướp lương.
Trương Trứ vâng lệnh.
Đêm hôm ấy, Hoàng Trung dẫn quân đi trước, Trương Trứ đi sau, lẻn qua sông Hán-thủy, đến thẳng dưới núi Bắc-sơn, bấy giờ vầng đông mới mọc.
Trung trông thấy lương thảo chồng chất như núi, chỉ thấy một ít quân sĩ coi giữ. Quân canh thấy quân Thục kéo đến, ù té bỏ chạy cả. Hoàng Trung truyền cho kỵ binh nhất tề xuống ngựa, lấy cỏ chất lên đống thóc gạo, sắp sửa phóng hỏa, thì quân Trương Cáp kéo đến. Hai bên đánh nhau ồ ạt. Tào Tháo nghe tin, kíp sai Từ Hoảng đến tiếp ứng. Hoảng dẫn quân đến vây chặt Hoàng Trung vào giữa. Trương Trứ dẫn ba trăm quân chạy thoát đang định trở về trại, bỗng một toán quân kéo ra, chặn mất đường về, đại tướng đi đầu là Văn Sính. Sau lưng, quân Tào lại ồ đến, vây nốt Trương Trứ.
Lại nói Triệu Vân ở nhà, trông chừng đến giờ ngọ, không thấy Hoàng Trung về, vội vàng nai nịt lên ngựa, dẫn ba nghìn quân đi tiếp ứng. Khi đi Vân lại dặn Trương Dực rằng:
- Ngươi ở nhà phải giữ trại cho vững, hai bên đầu trại phục sẵn cung nỏ cho nhiều để phòng bị.
Trương Dực dạ dạ vâng lệnh.
Vân cầm thương, tế ngựa nhằm phía trước thẳng tiến. Đang đi gặp một tướng chặn đường, tên là Mộ Dong-liệt, bộ tướng của Văn Sính. Mộ Dong-liệt vỗ ngựa múa đao đón đánh Triệu Vân, bị Vân đâm một thương bỏ mạng. Quân Tào tan chạy cả.
Vân đánh tràn vào vòng vây, lại gặp toán quân của tướng Ngụy là Tiêu Bính chặn đường. Vân quát lên hỏi rằng:
- Quân Thục ở cả đâu?
Bính đáp:
- Giết sạch cả rồi!
Vân nổi giận, tế ngựa lại đánh, chỉ một thương lại đâm chết Tiêu Bính, phá tan quân Tào, đến thẳng chân núi Bắc-sơn, thấy Trương Cáp, Từ Hoảng đang vây đánh Hoàng Trung, quân sĩ bị vây đã lâu, nguy cấp lắm. Vân reo lên một tiếng, múa thương tế ngựa, đánh thốc vào trong vòng vây, xông xáo như vào chỗ không người. Một ngọn thương của Vân múa, khi lên khi xuống, lấp loáng như cánh hoa lê bay, lộn trước lộn sau, tơi bời như hạt mưa tuyết tỏa. Từ Hoảng, Trương Cáp rụng rời mất vía, không dám ra địch. Vân cứu được Hoàng Trung, vừa đánh vừa chạy, đi đến đâu quân giặc giạt ra đến đấy.
Tào Tháo ở trên núi cao trông thấy, sợ hãi hỏi các tướng rằng:
- Tướng ấy là ai thế?
Có người biết, bẩm rằng:
- Đó là Triệu Tử-long ở Thường-sơn!
Tháo nói:
- Anh hùng ở Đương-dương Tràng-bản khi trước hãy còn đó!
Lập tức truyền lệnh rằng:
- Hễ Tử-long đi đến đâu, không được khinh địch.
Triệu Vân cứu được Hoàng Trung ra khỏi trùng vây, có quân sĩ trỏ bảo rằng:
- Bên mé đông nam có đám quân vây đặc lắm, hẳn là phó tướng Trương Trứ thôi.
Vân không về trại, đánh luôn sang mé đông nam. Vân đến đâu, ai trông thấy cờ hiệu có bốn chữ "Thường-sơn Triệu Vân" cũng nhớ lại trận Đương-dương Tràng-bản, biết là anh hùng vô địch. Một truyền mười, mười truyền trăm, cho nên Vân đi đến chỗ nào, quan tướng Tào trốn tránh đến đấy. Vân lại cứu nốt được Trương Trứ.
Tào Tháo thấy Triệu Vân xông xáo ngược xuôi, đi đến đâu giạt ra đến đấy, cứu được cả Hoàng Trung lẫn Trương Trứ, bỗng nổi giận đùng đùng, lập tức dẫn quân đuổi theo thì Triệu Vân đã về đến trại rồi. Trương Dực ra đón, trông thấy mé sau bụi bay mù mịt, biết là quân Tào đuổi theo, liền nói với Vân rằng:
- Quân Tào đuổi gần đến nơi, nên cho đóng chặt cửa trại, lên địch lâu để phòng thủ.
Vân quát rằng:
- Không được đóng cửa trại! Ngươi không biết khi trước ta đánh nhau ở trận Đương-dương Tràng-bản đó à? Ta chỉ một thương một ngựa, coi tám mươi vạn quân Tào như cỏ rác. Nay đã có tướng lại có quân, còn sợ gì nữa!
Bèn sai các tay cung nỏ, phục cả hai bên hào sâu ngoài trại, ngả cờ im trống. Vân thì cưỡi ngựa cầm thương, một mình đứng ngoài cửa trại.
Trương Cáp, Từ Hoảng mang quân đuổi đến trại Thục, lúc ấy đã về chiều. Hai tướng thấy trong trại ngả cờ im trống, quân sĩ vắng teo, chỉ có Triệu Vân một ngựa một thương đứng trước, cửa trại mở toang. Hai tướng không dám tiến lên. Còn đang lưỡng lự thì Tào Tháo cũng dẫn quân vừa đến, thúc quân xông tới. Quân sĩ reo ầm một tiếng, rồi kéo thốc cả đến trước trại, thấy Vân vẫn đứng nghiễm nhiên không động đậy chút nào. Quân Tào bèn quay trở về. Vân cầm thương vẫy một cái, cung nỏ hai bên bắn ra như mưa. Trời thì đã mờ mờ tối, lại không biết quân Thục nhiều hay ít, Tào Tháo bèn quay đầu ngựa chạy trước. Thấy sau lưng tiếng người reo, trống đánh, tù và rúc rầm rĩ, biết quân Thục đuổi đến, quân Tào chen lấn nhau chạy ùa đến sông Hán-thủy, lăn xuống sông, chết hại không biết bao nhiêu mà kể.
Triệu Vân, Hoàng Trung, Trương Trứ, mỗi người dẫn một đạo quân đuổi theo đánh ráo riết. Tháo đang chạy thì Lưu Phong, Mạnh Đạt dẫn hai đạo quân từ núi Mễ-sương đánh lại, phóng hỏa đốt sạch cả lương thảo. Tháo phải bỏ Bắc-sơn chạy về Nam-trịnh. Trương Cáp, Từ Hoảng cùng bỏ trại, chạy nốt. Triệu Vân chiếm được trại Tào, Hoàng Trung cướp được hết lương thảo sông Hán-thủy, và bắt được khí giới rất nhiều, thắng một trận lớn, sai người về báo tin với Huyền-đức. Huyền-đức cùng Khổng Minh đến Hán-thủy, hỏi Triệu Vân đánh trận ra làm sao, quân sĩ thuật lại chuyện Triệu Vân cứu Hoàng Trung, đuổi Tào Tháo. Huyền-đức mừng lắm, dạo xem tất cả những chỗ hiểm yếu trước sau núi, rồi hớn hở bảo Khổng Minh rằng:
- Toàn thân Tử-long đều là đảm cả!
Người sau có thơ khen rằng:
Khi xưa đánh Tràng-bản,
Oai phong vẫn chưa giảm,
Xông trận, tỏ hùng tài,
Phá vây, khoe dũng cảm.
Quỷ khiếp thần cũng kinh,
Trời sầu đất lại thảm.
Thường-sơn Triệu Tử-long
Một thân toàn là đảm!
Từ đó, Huyền-đức gọi Tử-long là Hổ oai tướng quân, mở tiệc ăn mừng, khao tướng sĩ, ăn uống vui vẻ mãi đến khuya. Chợt có tin lại báo rằng:
- Tào Tháo sai đại quân từ con đường nhỏ hang Tà-cốc tiến đến cướp lại Hán-thủy.
Huyền-đức cười, nói rằng:
- Chuyến này Tào Tháo đến đây, cũng chẳng làm trò gì! Ta chắc phen này lấy xong Hán-thủy.
Bèn dẫn quân sang mé tây Hán-thủy cự với Tào Tháo.
Tào Tháo sai Từ Hoảng làm tiên phong, đi trước quyết chiến. Một người tiến ra nói rằng:
- Tôi thuộc hết cả địa lý xứ này, xin theo giúp tướng quân để phá quân Thục.
Tháo trông xem thì là người ở Nham-cừ, quận Ba-tây, họ Vương tên Bình, tự Tử-quân, hiện làm nha môn tướng. Tháo mừng rỡ, cho Vương Bình làm phó tiên phong, cùng đi với Từ Hoảng.
Tháo đóng quân ở mé bắc núi Định-quân. Từ Hoảng, Vương Bình kéo đến Hán-thủy, sai tiến quân sang qua sông dàn trận, Bình nói:
- Quân sang sông dàn trận, ngộ phải chạy gấp thì làm thế nào?
Hoảng nói:
- Ngày xưa Hàn Tín bày trận quay lưng xuống sông, gọi là "đặt vào chỗ chết rồi mới sống" là thế.
Bình nói:
- Ngày xưa Hàn Tín biết quân giặc vô mưu mới dùng mẹo ấy. Nay tướng quân đã lượng được ý Triệu Vân, Hoàng Trung chưa?
Hoảng nói:
- Ngươi cứ việc dẫn bộ quân chống cự, để ta đem mã quân sang sông phá giặc cho mà xem.
Liền sai bắc cầu phao, kéo quân sang bên kia sông, đánh nhau với quân Thục.
Thế là:
Người Ngụy chắc mưu Hàn Tín giỏi,
Tướng Xuyên biết kế Tử Phòng hay.
Chưa biết hai bên đánh nhau làm sao, xem đến hồi sau sẽ hiểu.