Ý kiến đối với tả dực tác gia liên minh

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

(Giảng tại đại hội thành lập Tả dực tác gia liên minh ngày 2 tháng 3 năm 1930)

Có nhiều điều nên nói, thì nãy giờ đã có người nói cặn kẽ rồi, tôi không cần lặp lại. Tôi cho rằng hiện bây giờ, tác gia "tả dực" rất dễ dàng biến thành tác gia "hữu dực". Vì sao vậy? Một là, nếu chúng ta không tiếp xúc với sự đấu tranh xã hội thực tế, mà chỉ nhốt mình trong cửa kính viết văn, nghiên cứu vấn đề, thế thì không cứ khích liệt đến chừng nào, "tả" đến chừng nào, cũng dễ làm được lắm ; nhưng mà một khi vấp phải thực tế, sẽ lập tức bị đập nát. Ngồi trong phòng viết, rất dễ oang oang lên nói những chủ nghĩa triệt để, nhưng mà cũng rất dễ "hữu khuynh". ở bên Tây, gọi là "người xã hội chủ nghĩa salon" tức là chỉ những người như thế. "Salon" nghĩa là phòng khách, ngồi trong phòng khách mà đàm luận chủ nghĩa xã hội, thì nhã lắm, lịch sự lắm, nhưng mà không hề nghĩ đến thực hành. Người xã hội chủ nghĩa kiểu ấy thật không đáng tin cậy chút nào. Vả lại hiện nay, những tác gia hay nghệ thuật gia không đeo một chút tư tưởng của chủ nghĩa xã hội theo nghĩa rộng, tức là những tác gia hay nghệ thuật gia nói rằng đại chúng công nông đáng phải làm nô lệ, đáng phải bị giết, bị bóc lột, thì hầu như không còn có nữa, trừ ra Mussolini không kể, nhưng Mussolini lại chưa hề viết qua tác phẩm văn nghệ nào.

Hai là, nếu không hiểu rõ tình hình thực tế của cách mạng, cũng dễ dàng biến thành "hữu dực". Cách mạng là thống khổ, trong đó cũng phải có lộn dơ bẩn và máu, quyết không phải là thú vị, hoàn mỹ, như thi nhân đã tưởng tượng ra kia ; cách mạng rất là việc hiện thực, cần có các thứ công tác hèn hạ, rắc rối, quyết không phải là lãng mạn như thi nhân đã tưởng tượng ra kia ; cách mạng cố nhiên có phá hoại, nhưng lại cần kiến thiết, phá hoại là thú lắm, nhưng kiến thiết lại là việc rắc rối. Cho nên người nào ôm cái ảo tưởng rô-măng-tít đối với cách mạng, một khi tiếp cận với cách mạng, một khi tiến hành cách mạng, bèn dễ dàng thất vọng. Nghe nói Esenin, thi nhân nước Nga, lúc đầu cũng hoan nghênh Cách mạng tháng Mười lắm lắm, bấy giờ ông reo lên, "cách mạng trên trời và trên đất muôn năm!" lại nói "tôi đã là một người bôn-cho-vích rồi". Nhưng mà đến sau Cách mạng một cái, cái tình hình thực tế hoàn toàn không giống với những điều như ông đã tưởng tượng, rốt cuộc ông thất vọng, trở nên đồi phế. Về sau Esenin tự sát, nghe nói cái nguyên nhân ông tự sát có một phần bởi sự thất vọng ấy. Lại như Piliniad[1], Eremburg[2], cũng vào một loại đó. ở thời Cách mạng Tân hợi của chúng ta cũng có như thế. Lúc đó có nhiều nhà văn, như những người trong "Nam xã", buổi đầu họ rất là cách mạng, nhưng họ vốn ôm một thứ ảo tưởng, cho rằng chỉ đuổi được người Mãn châu đi rồi, mọi sự đều trở lại theo lề thói Trung Quốc, người ta đều mặc áo thụng, mũ cao dài rộng, khệnh khạng đi trên đường phố. Không ngờ sau khi đuổi hoàng đế Mãn Thanh đi rồi, Dân quốc thành lập lên, tình hình lại khác hẳn, cho nên họ bèn thất vọng, về sau có những người đến nỗi thành ra kẻ phản động của cuộc vận động mới. Nhưng nếu chúng ta không hiểu rõ tình hình thực tế của cách mạng, chúng ta cũng sẽ dễ dàng giống như họ.

Lại còn, cho rằng nhà thơ hay nhà văn học là cao hơn hết thảy mọi người, công tác của họ là cao quí hơn hết thảy mọi công tác, đó cũng là cái quan niệm không chính xác. Trước kia Henri Heine[3] cho rằng thi nhân rất cao quí và Thượng đế rất công bằng, thi nhân sau khi chết sẽ đến chỗ Thượng đế, ngồi bên cạnh Thượng đế, Thượng đế mời họ ăn kẹo mứt. Ngay bây giờ, cái chuyện Thượng đế mời họ ăn kẹo mứt, cố nhiên không ai tin nữa rồi, nhưng cho rằng nhà thơ hay nhà văn học hiện nay làm cách mạng cho đại chúng lao động, mai sau cách mạng thành công, giai cấp lao động thế nào cũng trả ơn hậu hĩ, ưu đãi đặc biệt, mời họ ngồi xe ngoại hạng, ăn cơm ngoại hạng, hay là người lao động bưng bánh mì sữa bò dâng họ, nói: "Nhà thơ của chúng tôi, xin mời ngài!" thì đó cũng là không chính xác. Bởi vì, thực tế, quyết không thể có việc như thế, e đến lúc đó còn khổ hơn bây giờ nữa kia, chẳng những không có bánh mì sữa bò, không chừng, cả đến bánh mì đen cũng không có nữa, coi như tình hình nước Nga sau Cách mạng một hai năm thì biết. Nếu không hiểu rõ tình hình ấy, cũng dễ dàng biến thành "hữu dực". Sự thực, đại chúng người lao động chỉ nếu không phải là người "biết lo" mà Lương Thực Thu đã nói[4], thì cũng quyết không phải là người đặc biệt coi trọng giai cấp tri thức, tức như Mít-tít (xuất thân giai cấp tri thức) trong "Hội diệt" mà tôi đã dịch[5], trở thường bị bọn thợ mỏ nhạo cười. Không đợi nói, giai cấp lao động quyết không có cái nghĩa vụ ưu đãi cách đặc biệt ngoại hạng nhà thơ hay nhà văn học đâu.

Bây giờ tôi nói qua mấy điểm chúng ta phải chú ý từ nay về sau.

Một là, đấu tranh với xã hội cũ và thế lực cũ, phải cho kiên quyết, bền dai không ngớt, lại phải chú trọng ở thực lực. Gốc rễ của xã hội cũ vốn là bền chặt lắm lắm, nếu cuộc vận động mới không có cái sức càng lớn thì không làm day động nổi nó chút nào đâu. Vả lại xã hội cũ còn có cái mánh lời tự nó làm cho thế lực mới phải thỏa hiệp mà chính mình nó quyết không thỏa hiệp. ở Trung Quốc đã có bao nhiêu cuộc vận động mới rồi, nhưng lần nào cũng cái mới không địch lại nổi cái cũ, đại khái là bởi bên mới không có mục đích bền lâu rộng lớn, đòi hỏi rất nhỏ, dễ mà hả hê. Tức như cuộc vận động văn bạch thoại, ban đầu xã hội cũ hết sức chống chế, nhưng không bao lâu bèn nhận cho văn bạch thoại có quyền sống, thí cho nó một chỗ ngồi thảm hại, những bài viết bằng bạch thoại đã được đăng ở những chỗ xó góc tờ báo, ấy là vì, theo con mắt xã hội cũ, cái mới cũng chẳng có gì, chẳng đủ sợ, thôi thì cứ để nó sống, mà bên mới cũng thấy mãn nguyện rồi, cho là văn bạch thoại đã giành được quyền sống rồi. Lại như cuộc vận động văn học vô sản, vì thấy văn học vô sản cũng không làm hại gì, trái lại, bọn họ cũng chơi văn học vô sản, lấy làm đồ trang sức, coi cũng như ở phòng khách, ngoài những đồ sứ đồ cổ, bày một cái bát đàn của thợ thuyền dùng, coi cũng hay hay ; mà bên những người vô sản văn học thì, đã có được địa vị nho nhỏ trên văn đàn rồi, bản thảo đã có chỗ bán được rồi, không cần đấu tranh nữa, nhà phê bình cũng hát bài khải ca: "Văn học vô sản thắng lợi rồi!". Song le, ngoài sự thắng lợi của cá nhân không kể, kể chính mình văn học vô sản, rốt cuộc nó thắng lợi được bao nhiêu? Huống chi, văn học vô sản là một cánh của đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản, nó trưởng thành theo sự trưởng thành của thế lực xã hội của giai cấp vô sản ; trong khi cái địa vị xã hội của giai cấp vô sản đang còn rất thấp, mà cái địa vị văn đàn của văn học vô sản trở rất cao, điều đó chỉ để chứng minh rằng những người vô sản văn học đã lìa bỏ giai cấp vô sản, trở về xã hội cũ rồi đó.

Hai là, tôi nghĩ rằng mặt trận phải mở rộng ra. Năm kia và năm ngoái, có chiến tranh về văn học đấy, nhưng thực thì phạm vi nhỏ quá, hết thảy văn học cũ tư tưởng cũ đều không bị những người phái mời chú ý đến, trái lại, làm thành cuộc đấu tranh trong một góc giữa bọn người văn học mới với nhau, bọn người phái cũ lại có thể thong thả đứng ngoài thị chiến.

Ba là, chúng ta phải tạo thêm ra một số đông chiến sĩ mới. Bởi vì hiện nay, thực ra, tay làm việc ít quá, ví như chúng ta có mấy thứ tạp chí, sách in từng bổn cũng chẳng ít, nhưng mà viết thì chỉ có mấy người đó, cho nên nội dung không thể không kém cỏi. Một người không chuyên làm một việc, làm cái nầy một tí, làm cái kia một tí, đã phải phiên dịch, lại phải viết tiểu thuyết, lại phải viết phê bình, cũng còn phải làm thư nữa, thế thì làm sao cho hay được? Đó là vì ít người quá, giá có nhiều người thì ai phiên dịch cứ phiên dịch, ai sáng tác cứ sáng tác, ai phê bình cứ phê bình ; binh lực mạnh mẽ thì ứng chiến với quân địch cũng dễ dàng được trận. Về điểm ấy, tôi xin nhân dịp kể ra một việc. Năm kia, Sáng tạo xã và Thái dương xã tấn công tôi, lực lượng của họ thực không có gì, sau rồi cả đến tôi cũng thấy hơi buồn nản, không có hứng phản công nữa, vì tôi thấy rõ bên địch đang diễn trò "không thành kế"[6]. Lúc đó bên địch của tôi chỉ việc thổi kèn dóng trống om sòm, chứ không lo rèn binh luyện tướng ; những bài công kích tôi cố nhiên nhiều lắm, nhưng xem qua thì biết rằng đó là một hay hai người mà bịa ra nhiều tên ký, chửi đi chửi lại cũng chỉ có mấy câu đó mà thôi. Tôi bấy giờ đợi cho có một người nào biết dùng ngọn roi phê bình theo chủ nghĩa Mác đến đánh tôi thình lình, nhưng mà người ấy rốt cuộc không hề xuất hiện. Về phần tôi thì lại từ trước đến giờ đã chú ý đến sự đào tạo thanh niên chiến sĩ mới, từng tổ chức mấy cái đoàn thể văn học, có đều hiệu quả cũng rất nhỏ. Nhưng rày về sau, chúng ta cần phải chú ý cái điểm ấy.

Chúng ta kíp phải tạo ra một số đông chiến sĩ mới, nhưng đồng thời, những người đứng trên mặt trận văn học còn phải "dẻo dai". Nói rằng dẻo dai, nghĩa là đừng làm như kiểu những người làm văn bát cổ đời Mãn Thanh coi nó là "hòn gạch gõ cửa". Văn bát cổ của đời Mãn Thanh vốn là cái công cụ thi đỗ làm quan, hễ ai đã làm được "khởi thừa chuyển hiệp"[7], nhờ đó lấy được "tú tài, cử nhân" rồi, thì có thể vứt bỏ cái văn bát cổ, cả đời không dùng nó nữa, cho nên gọi là "hòn gạch gõ cửa", nghĩa là cũng như dùng một hòn gạch gõ cái cưa, cửa mở ra rồi thì ném hòn gạch đi, không cần còn giắt nó bên mình làm chi. Cái mánh khóe ấy đến nay cũng vẫn còn có nhiều người dùng. Chúng ta thường thấy có những người ra một vài tập thơ hoặc tiểu thuyết, rồi sau biền biệt không thấy họ đâu nữa, họ đi đường nào thế? ấy là vì sau khi ra một vài tập sách, có một chút danh tiếng nhỏ hoặc lớn, được lên ngôi cái ghế giáo thụ hoặc cái ghế nào đó, công thành danh toại, không cần viết thơ viết tiểu thuyết nữa, cho nên biền biệt không thấy họ đâu nữa. Vì vậy, cho nên ở Trung Quốc, không cứ ở văn học hay khoa học đều không có cái gì cả, nhưng ở chúng ta thì phải có cái gì, vì cái đó là hữu dụng cho chúng ra. (Lunacharsky đến nỗi chủ trương rằng nên bảo tồn mỹ thuật nông dân nước Nga, vì có thể chế tạo ra bán cho người ngoại quốc, giúp ích về kinh tế. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ra có cái gì về văn học hay khoa học đem cho người khác được, thì cho đến về sự vận động chính trị để thoát khỏi áp bách của chủ nghĩa đế quốc cũng có giúp ích kia). Nhưng, muốn có thành tích về văn hóa thì không dẻo dai không được.

Sau cùng, tôi nghĩa rằng mặt trận liên hiệp phải lấy sự có cùng một mục đích làm điều kiện tất yếu. Tôi nhớ như từng có nghe qua câu nói nầy: "Phải phản động đã có mặt trận liên hiệp rồi mà chúng ta còn chưa đoàn kết với nhau đi!". Thực ra thì họ cũng chưa hề có mặt trận liên hiệp có ý thức, chỉ vì họ có cùng một mục đích, cho nên hành động được nhất trí, rồi tự chúng ta xem thấy như là một mặt trận liên hiệp đó thôi. Còn mặt trận của chúng ta không thống nhất được, đủ chứng tỏ rằng mục đích của chúng ra không được nhất trí, hoặc chỉ vì một đoàn thể nhỏ, hoặc thực ra còn là chỉ vì cá nhân, nếu quả cùng có một mục đích ở đại chúng công nông, thì thế bài mặt trận cũng đã thống nhất rồi.

(Dịch ở Nhị tám tập).

   




Chú thích

  1. Piliniad tên thực là Wogan, sinh năm 1894. Năm 1922 phát biểu một cuốn tiểu thuyết, được tiếng khen lừng lẫy. Nhưng về sau dần dần thành ra nhà văn phản động, bị giới phê bình Liên sô công kích, năm 1925 hầu như bị loại ra khỏi văn đàn Liên sô. Nhưng đến năm 1930, sau khi phát biểu cuốn tiểu thuyết "sông Vôn-ga chảy đến Lý hải", lấy kế hoạch 5 năm làm đề tài, miêu tả sự âm mưu và thất bại của bọn phản cách mạng, lại dần dần lấy lại danh vọng cũ.
  2. Tức là Eremburg được xưng là tác gia vĩ đại Liên sô ngày nay. Vào quãng mấy năm sau Cách mạng tháng Mười, ông còn là một nhà văn "lừng khừng", cho nên ở đây bị liệt vào một loại với Esenin, Piliniad.
  3. Henri Heine (1797-1856), một thi nhân nước Đức.
  4. Lương Thực Thu, giáo thụ đại học, một nhà văn về phái Tân nguyệt, có viết trên "Tân nguyệt nguyệt san" cái bài đề là "Văn học có giai cấp tánh không?" Trong có câu rằng: "Một người vô sản nếu như biết lo, chỉ phải thật thà cặm cụi làm lụng một đời, thế nào cũng kiếm được một số tài sản hoặc nhiều hoặc ít. Ấy mới là cái thủ đoạn chân chính đấu tranh cho sự sống." Ở nơi khác, Lỗ Tấn đã có bài bác trọn cả bài ấy của Lương Thực Thu. Hai chữ "biết lo" trong bài nầy là căn cứ ở một câu trên đây của Lương Thực Thu.
  5. "Hội diệt", tiểu thuyết dài của Fataef (trong Lỗ Tấn toàn tập có nơi gọi là "Hủy diệt"), bản dịch của Lỗ Tấn xuất bản năm 1931.
  6. Không thành kế: theo truyện Tam quốc, có một lần Tư mã ý tấn công cứ điểm của Khổng minh, vì quân số ít, Khổng minh không dự bị ứng chiến, mà lại mở cửa thành ra, ngồi trên lầu thành gẩy đàn. Tư mã ý đến, thấy thế, đồ là có phục binh, không đánh mà rút lui. Đó gọi là "không thành kế".
  7. Khởi thừa chuyển hiệp là một phép tắc làm văn bát cổ: Khởi là mở đầu bài, thừa là tiếp theo ý mở, chuyển là chuyển sang ý khác, hiệp là hợp lại những ý trên mà làm kết luận.