Bước tới nội dung

A Q. chính truyện/Chương 9

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
A Q. chính truyện của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Chương 9
Đại Đoàn Viên[1]

Sau khi nhà cụ Triệu bị cướp, đại khái người làng Mùi rất hả lòng mà cũng lo âu, A Q. cũng rất hả lòng mà cũng lo âu. Chẳng ngờ sau đó bốn hôm, đang nửa đêm A Q. bỗng bị bắt giải vào trong thành huyện. Giữa lúc đêm tối, một đội lính, một đội dân đoàn, một đội cảnh sát, năm tay trinh thám lặng lẽ về làng Mùi. Họ thừa dịp đen sẩm bổ vây cả đền Thổ Cốc, đặt sẵn ổ súng máy nhằm ngay cửa đền. Nhưng mà A Q. không xông ra. Đã bao lâu rồi mà chẳng có tăm dạng gì cả, viên Bả Tổng sốt ruột, treo thưởng hai ngàn quan, mới có hai người dân đoàn liều mạng trèo tường vào, trong ngoài ập lại, tóm được A Q. lôi ra. Khi dẫn ra đến phía ngoài đền, cạnh ổ súng máy, hắn mới có hơi tỉnh giấc.

Giải về thành, đã đúng trưa. A Q. thấy mình bị dắt tới một nha môn đổ nát, vặn quanh năm sáu lần, mới bị xô vào trong một gian nhà nhỏ. Hắn vừa lang thang bước thì cánh cửa chuồng giam làm bằng từng khúc cây nguyên đã đóng sập lại sau gót chân. Ba phía kia đều là vách tường, xem kỹ ra, đã có hai người ở trong một góc.

A Q. tuy có hơi thổn thức, chứ cũng không buồn bực lắm, vì chỗ nằm của hắn ở đền Thổ Cốc cũng chẳng cao ráo gì hơn gian nhà này. Hai người kia chừng cũng là người nhà quê, dần dần trò chuyện làm quen với hắn. Một người nói mình bị bắt vì cụ Cử muốn đòi số tiền địa tô mà ông cha hắn còn thiếu lại, một người nữa thì không biết vì việc gì. Họ hỏi A Q., A Q. nhanh nhẹn đáp ngay rằng: "Vì tôi toan làm giặc".

Buổi chiều hắn lại bị lôi ra khỏi cửa chuồng giam, đến nơi công đường lớn, chính giữa, ngồi chỡm chuệ một ông già đầu trọc long lóc. A Q. ngờ đó là sư cụ, nhưng xem thấy trước mặt có lính dàn hầu, hai bên lại đứng mười mấy người mặc áo dài: người thì đầu trọc long lóc như ông già nọ, người thì xỏa cái đầu tóc dài độ một thước ra sau lưng giống Thằng Tây giả kia, ai nấy mặt thịt ngang phè, lườm mắt mà nhìn hắn; hắn biết ngay rằng người ấy hẳn có là thế nào đó, các khớp xương đầu gối hắn tự nhiên nới lỏng ra, hắn quỳ xuống.

"Đứng mà nói! Không phải quỳ!" Mấy người áo dài đều quát to lên.

A Q. hình như cũng nghe hiểu, nhưng cứ thấy mình đứng không vững, cái thân không tự chủ được cứ chum hum xuống, thôi thì hắn cũng theo chiều quỳ hẳn xuống.

"Quen cái thói nô lệ!..." Mấy người áo dài lại thốt ra giọng khinh bỉ, nhưng không ai hề bảo hắn đứng lên.

"Mầy cứ khai thật ra đi, khỏi phải khổ thân. Ta đây biết cả rồi. Cứ khai đi, mày có thể được tha." Cái ông già đầu trọc kia ngó giắt mắt vào mặt A Q., nói một cách đằm thắm và rõ ràng.

"Khai đi!" Mấy người áo dài cũng lớn tiếng nói.

"Dạ, vốn tình tôi muốn... đến để đầu..." A Q. trả lời tiếng được tiếng mất sau khi suy nghĩ vơ vẩn một lúc lâu.

"Vậy thì, làm sao lại không đến?" Ông già dịu ngọt hỏi.

"Thằng Tây giả không cho phép tôi!"

"Nói bậy! Bây giờ mới nói thì đã muộn rồi. Hiện nay bọn đồng đẳng của mầy ở đâu?"

"Thưa, cái gì ạ?"

"Ta hỏi về bọn người đánh cướp nhà cụ Triệu đêm hôm nọ."

"Chúng nó không hề đến gọi tôi. Chính mình chúng khuân đồ đi mất." A Q. nhắc lại với cái vẻ căm tức.

"Chúng nó đi về đâu? Nói đi rồi ta tha cho mầy." Ông già nói càng dịu ngọt hơn.

"Thưa, tôi không biết ạ... Chúng nó không hề gọi tôi..."

Nhưng mà ông già nháy một cái, A Q. lại bị lôi về trong cửa chuồng giam. Lần thứ hai hắn bị lôi ra khỏi cửa, ấy là buổi sáng ngày hôm sau.

Tình hình chốn công đường đều y nguyên như cũ. Chính giữa, cái ông già đầu trọc vẫn chỡm chuệ ngồi, A Q. cũng vẫn quỳ trước mặt.

Ông già dịu ngọt hỏi: "Mầy còn có nói gì nữa chăng?"

A Q. ngẫm nghĩ, không có gì nói, bèn trả lời: "Không ạ."

Thế rồi một người áo dài cầm một tời giấy với một cây bút đưa tới trước mặt A Q., toan nhét cây bút vào trong tay hắn. Bấy giờ A Q. giật nảy mình, gần như "hồn lạc phách xiêu": vì lần này là lần đầu tiên mà tay hắn được cầm bút. Hắn đang không biết cầm thế nào, thì người kia lại chỉ một chỗ trong tờ giấy bảo hắn ký tên.

"Tôi... tôi... không biết chữ." A Q. nắm lấy cây bút, vừa nói vừa sợ sệt và xấu hổ.

"Vậy thì, tùy ý mầy, vẽ một cái khuyên tròn cũng được!"

A Q. toan vẽ cái khuyên tròn, thì cái tay nắm bút lại cứ run mãi. Bấy giờ người kia mới trải tờ giấy ra trên đất hộ hắn. A Q. nằm mọp xuống, dùng hết sức bình sinh vẽ cái khuyên tròn. Hắn những sợ bị người ta chê cười, cố vẽ cho thật tròn, song le cái bút phải gió kia chẳng những nó nặng nề mà lại không chịu nghe lời nữa, mới vừa run run hầu giáp mối, nó lại chệch ra ngoài, vẽ thành hình dạng một quả dưa.

A Q. đang xấu hổ vì mình vẽ không tròn, nhưng người kia bất chấp, dựt lấy tờ giấy đem đi; còn những người khác thì lôi hắn vào lần thứ hai trong cửa chuồng giam.

Lần thứ hai vào chuồng giam, A Q. cũng không rầu rĩ cho lắm. Hắn nghĩ rằng người ta sinh ra trong trời đất, đại khái cũng phải có lúc bị lôi ra lôi vào, có lúc vẽ khuyên tròn trên giấy, duy có khuyên mà không tròn thì mới là một vết dơ trên "hành trạng" của đời mình! Nhưng trong chốc lát hắn cũng nguôi ngoai hẳn, vì hắn nghĩ: thì rồi đến đời cháu mình nó sẽ vẽ cái khuyên tròn thật là tròn chứ gì! Thế rồi hắn ngủ.

Song le chính cái đêm ấy cụ Cử lại không ngủ được: cụ vừa tức khí với viên Bả tổng. Về vụ cướp này, cụ thì cụ chủ trương rằng cốt nhất phải truy cho ra tang vật, còn viên Bả tổng lại chủ trương rằng cốt nhất phải chém đầu. Viên Bả tổng gần nay thật không thèm đếm xỉa đến cụ Cử, từng đập bàn đập ghế thét rằng: "Phải giết một đứa để răn trăm đứa khác chứ! Ông xem, tôi làm cách mạng chưa đầy hai mươi hôm, có đến mười mấy đám cướp mà chẳng vỡ đám nào cả, tôi còn mặt mũi nào? Bây giờ vỡ được một đám, ông lại đâm ngang. Không được! Nầy là việc về phần tôi cai quản! " Cụ Cử lúng túng, nhưng cũng còn nói cứng, nếu không truy cho ra tang vật thì cụ xin từ cái chức bàng biện dân chánh ngay. Không ngờ viên Bả tổng lại trả lời: "Cái thì xin tùy!..." Bởi vậy cụ Cử không ngủ được suốt một đêm ấy, may làm sao đến sáng hôm sau cũng không từ chức.

A Q. bị lôi ra khỏi cửa chuồng giam lần thứ ba; vào buổi sáng hôm sau cái đêm mà cụ Cử không ngủ được. Khi hắn đến công đường, chính giữa vẫn chỡm chuệ ngồi cái ông già đầu trọc, A Q. cũng vẫn quỳ xuống.

Ông già hỏi rất dịu ngọt rằng: "Mầy còn có điều gì muốn nói chăng?"

A Q. ngẫm nghĩ, không có gì nói, bèn đáp rằng: "Thưa không ạ."

Thình lình bao nhiêu người áo dài và áo ngắn mặc cho hắn một cía áo lá trắng bằng vải tây, trên áo có những chữ đen. A Q. rất khó chịu: vì như thế rất giống để chở, mà để chở là xúi quảy. Song le, cùng một lúc ấy, hai tay hắn đã bị trói giật cánh khuỷu rồi, cùng một lúc ấy hắn đã bị lôi xồng xộc ra ngoài nha môn rồi.

A Q. bị bợ lên trên một cỗ xe không có mui, có mấy người áo ngắn cùng ngồi với một chỗ. Cỗ xe liền chạy, trước mặt là một bọn lính và dân đoàn đều mang súng, hai bên là những người đi xem đứng há hốc miệng ra, sau lưng những gì, A Q. không thấy. Nhưng hắn vụt nghĩ ra: thế này chẳng là dẫn đi chém ư? Hắn đâm hoảng, hai mắt tối sầm, tai ù, như muốn ngất đi. Tuy vậy, hắn cũng không đến ngất đi hẳn, có lúc đâm hoảng, có lúc lại bình tĩnh như không. Trong ý tưởng hắn hình như thấy rằng người ta sinh ra trong trời đất, đại khái có lúc cũng không khỏi bị chặt đầu.

A Q. còn nhận ra được đường lối, nên có ý lấy làm lạ: đã dẫn đi chém thì sao không đi thẳng tới pháp trường? Hắn không biết rằng đây là con đường dẫn đi dạo phố, còn đương "thị chúng", nghĩa là bêu cho thiên hạ xem. Nhưng, dẫu cho hắn có biết đi nữa cũng thế thôi, hắn cũng chỉ nghĩ rằng người ta sinh ra trong trời đất, đại khái có lúc cũng không khỏi phải dẫn đi dạo phố, phải bêu cho thiên hạ xem mà chớ!

Bây giờ hắn mới biết ra, đây là con đường đi vòng đến pháp trường, đây chắc hẳn là đi chặt đầu cái "sật". Hắn ngùi ngùi nhìn ra hai bên, toàn là người đông như kiến, tình cờ hắn chợt thấy u Ngò trong đám rừng người bên đường. Lâu không gặp, thì ra mụ đã ở trong thành đi làm mướn. A Q. bỗng tự hát một vài câu. Thế rồi sự nghĩ ngợi của hắn như là gió lốc nổi lên ở trong đầu: "Gái góa thăm mồ" không oai mấy, "ăn năn trót đã..." trong tuồng Long hổ đấu cũng vô vị, thôi thì "Tay cầm roi sắt đánh mày đây" đi thôi. Cùng lúc ấy hắn toan giang tay lên, chợt nhớ ra hai cái tay đã bị trói, thế rồi hắn cũng không hát "Tay cầm roi sắt" nửa.

"Sau đây hai mươi năm lại là một..."[2] A Q. trong cơn rối rít, nói như thuộc lòng được nửa câu mà từ hồi nào đến giờ hắn chưa hề nói.

"Hay!" Có tiếng như beo sói gầm thét phát ra từ trong đám rừng người.

Cỗ xe cứ đi tới. A Q. ở trong những tiếng reo hò, liếc mắt nhìn u Ngò, mụ hình như chưa hề trông thấy hắn, chỉ trâng tráo nhìn những khẩu súng trên vai bọn lính.

Khi ấy A Q. lại nhìn bọn người đang hò reo bên kia.

Trong giây phút ấy, sự nghĩ ngợi của hắn lại như là gió lốc nổi lên trong đầu. Bốn năm về trước, hắng từng ở dưới chân núi gặp một con sói đói, cứ chừng chừng đi theo riết hắn, muốn ăn thịt hắn. Lúc bấy giờ hắn sợ hòng chết, may sao trong tay hắn có con dao chặt củi, nhờ đó mới bạo gan lên chống chọi về đến làng Mùi. Vậy mà cứ luôn luôn nhớ mãi cặp mắt của con sói, nó hung tợn làm sao, lập lòe như hai ngọn lửa ma trơi, muốn từ đằng xa đến đâm phủng da thịt của hắn. Đến lần này hắn lại trông thấy những cặp mắt càng đáng sợ mà từ trước hắn chưa hề thấy qua một lần nào, nó vừa lừ đừ, vừa bén sắc, chẳng những đã nhai nghiến câu nói của hắn, lại còn sẽ nhai nghiến những cái gì bên ngoài da thịt của hắn nữa, cứ chừng chừng đi theo riết hắn.

Những cặp mắt ấy hình như đã hiệp lại làm một, tại nơi đó, đã cắn nuốt linh hồn của hắn rồi.

"Cứu tôi với!..."

A Q. tính kêu lên nhưng rồi không kêu. Hắn vốn đã hai mắt tối sầm, ù ù trong lỗ tai, thấy cả thân mình tan nát ra như những hạt bụi nhỏ.

Nói đến cái ảnh hưởng của vụ này thì cái ảnh hưởng rất lớn trở ở nơi cụ Cử, vì rốt cuộc không hề truy cho ra tang vật thành thử cả nhà cụ đều kêu rêu. Thứ đến là nhà cụ Triệu, chẳng những cậu Tú vì lên thành báo quan bị bọn cách mạng không tốt cắt mất cái bín, mà lại còn mất thêm hai ngàn quan tiển thưởng, cho nên cả nhà cũng kêu rêu nữa. Từ ngày hôm ấy về sau, giữa bọn họ càng ngày càng sực nức cái mùi "già sót" của triều Mãn Thanh[3].

Nói đến dư luận, thì ở làng Mùi trăm miệng một lời đều nói A Q. không lương thiện, chứng cứ của sự không lương thiện là bị bắn; nếu lương thiện thì sao đến nỗi bị bắn ư? Còn dư luận trong thành lại không tốt, số đông họ không được hả hê lắm, cho rằng bắn không bằng chém đầu xem vui mắt hơn; vả lại cái thằng tử tù gì mà buồn cười thế, đi dạo phố lâu hèn chi, mà nó chẳng hát được một câu nào, làm cho họ mất công toi đi theo một buổi.

(Tháng 12 năm 1921)

Nêu đại ý

Cái truyện ngắn này, theo người dịch hiểu, tả hai mặt.

Một mặt, tả sự suy lạc của nông thôn và bần cùng oan khổ của dân chúng dưới chế độ xã hội phong kiến, bán thực dân vào hồi cuối Mãn Thanh, đầu Dân quốc, mà lấy A Q. làm đại biểu. Một người dân như A Q. không có tên, không có họ, không có quê quán, không có vợ con, không có nông nghiệp làm ăn, bị bọn chủ đè nén bóc lột, cùng đường phải đi ăn trộm. Cách mạng nổi lên, người dân ấy đã chẳng được gì thì chớ, lại phải chết như "chó chết" thế là "hết chuyện". Đành rằng A Q. ngu dốt mà lại phách lối, nhưng đó không phải là lỗi của hắn. Dưới ngòi bút Lỗ Tấn, rốt lại, thấy A Q. là đáng thương; nếu ai hiểu tác giả có ý hài hước hay trào phúng, là hiểu lầm.

Cũng về mặt ấy, ngoài ra, còn thấy thêm Cách mạng Tân Hợi là không triệt để, vì không lấy được quần chúng, không lãnh đạo được quần chúng. Một người dân như A Q. sẵn lòng căm thù với sự đèn nén bóc lột, muốn theo cách mạng mà lại không hiểu cách mạng là gì, trở bị chết oan dưới viên đạn của cách mạng thì cách mạng cuối cùng phải thất bại là đáng lắm. Cái nhận thức ấy của tác giả còn sâu sắc hơn cái nhận thức trong Chuyện cái đầu tócSóng gió.

Một mặt khác, lấy A Q. làm đại biểu, tả những tư tưởng thái độ của những hạng người không phải A Q. trong thời ấy cả đến thời trước. "Chúng tao trước kia có bề thế hơn mầy lắm", tức là hay khoe văn minh bốn ngàn năm; luôn luôn bị khuất nhục mà cứ nghĩ mình đắc thắng, tức là bị các nước Âu châu, Nhật Bản đánh bại nhiều lần mà cứ tự tôn mình là hoa hạ, coi họ là di địch, tranh những cái thể diện vặt vặt. Cho đến những: thủ cửu, có óc địa phương, khinh miệt phụ nữ, tiếc dĩ vãng, mong tương lai mà quên bẵng hiện tại... tất cả những thói xấu ấy của A Q. đều là thói xấu của người Trung Quốc trong một thời kỳ từ Chiến tranh nha phiến cho đến lúc Lỗ Tấn viết cái truyện ngắn này.

Có lẽ cái tả ở mặt thứ hai này là trọng yếu hơn cái tả ở mặt thứ nhất, là chủ não của truyện. Chính Lỗ Tấn trong bài Tựa bổn dịch A Q. chính truyện tiếng Nga có viết một câu, đại ý nói đó là ông định tả cái hồn linh hiện đại của người Trung Quốc, nhưng không dám chắc có tả được hết không (Tập ngoại tập). Nắm lấy ba chữ "tả hồn linh", ta có thể đoán quyết cái chủ đề chính yếu của truyện là ở đó.

Lại, trong bài Thành nhân của A Q. chính truyện, Lỗ Tấn có nhắc đến lời của người khác, nói hồi cái truyện ấy đăng từng kỳ trên báo, có nhiều người đọc mà nhận thấy những thói xấu của A Q. đều là thói xấu của mình, rồi đâm ngờ tác giả có là người quen thân với mình mới biết mà vạch ra (Hoa cái tập tục biên). Thế đủ biết cái "hồn linh" của A Q. là cái "hồn linh" có phổ biến tánh, và cũng thấy Lỗ Tấn đã thành công trọn vẹn trong sự viết cái truyện ngắn này. Trong ngữ ngôn Trung Quốc vài chục năm nay có thêm nhưng danh từ "A Q. tướng", "A Q. thức", "A Q. tánh", "A Q. chủ nghĩa", làm chứng cho cái phổ biến tánh ấy và cái thành công ấy.

Theo chúng tôi biết, về tác phẩm của Lỗ Tấn, ngoài các thứ khác ra không kể, riêng về A Q. chính truyện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Diến Điện, Đan Mạch; gần nay thấy nói Ấn Độ, Ytali, Ácgiăngtin cũng gởi thư xin phép dịch A Q. chính truyện ra tiếng nước mình. Lại cũng đã được dịch ra mấy thứ tiếng Đông Âu nữa, nhưng không biết rõ lắm. Lỗ Tấn hiện nay thành ra một đại văn hào thế giới là nhờ ở toàn bộ tác phẩm của ông mà bắt đầu từ cái truyện ngắn này.

   




Chú thích

  1. Tiểu thuyết cũ Trung Quốc về chuyện tài tử giai nhân, thường là ban đầu vì trở ngại mà phân tán, nhưng về sau thế nào cũng hội hiệp, sự hội hiệp cuối cùng ấy gọi là "đại đoàn viên". Đây tác giả dùng từ ngữ cũ bằng lối phản ngữ.
  2. Nguyên văn: "Quá liễu nhị thập niên hựu thị nhất cá..." Đó là câu nói còn bỏ giở. Nói trọn cả câu phải nói là: "Quá liễu nhị thập niên hựu thị nhất cá hảo hán". Nghĩa là: sau đây hai mươi năm lại là một tay hảo hán. Đây là câu của những kẻ bị tử hình thường nói khoác lác trước khi bị hành hình. Có ý tin thuyết luân hồi, làm ra đều không sợ chết, hai mươi năm sau mình sẽ lại làm một hảo hán trên đời.
  3. "Già sót = di lão". Sau Cách mạng Tân Hợi, có những người vẫn tự coi mình là thần tử của Mãn Thanh, không chịu phục sự dân quốc, cũng như các "di lão" nhà Minh không thần phục nhà Thanh vậy. Xem lời chua ở Chuyện cái đầu tóc.