Cửu mỹ kỳ duyên/9

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cửu mỹ kỳ duyên của không rõ, do Phạm Quang Sán dịch
Hồi thứ chín
HỒI THỨ CHÍN

Quỳ đại-kha kết nghĩa đưa thư,
Khâu Tiểu-thư pháp-trường thế mạng.

Hồ-Tất-Tùng kết thành tử tội, bị giam ở Kỳ-Sơn huyện, mẹ con Quỳ Tiểu-thư thương hại Công-tử không lúc nào nguôi lòng, chợt nghe tin Quỳ-Long hết hạn được về, hai mẹ con đứng cửa trông đợi. Quỳ-Long về đến bến, đem bao-phục hành-lý đi thẳng về nhà, mẹ con anh em gặp nhau mừng rỡ kể sao cho xiết. Quỳ-Long mở đồ hành-lý ra, nào vóc nhiễu vàng bạc, nào trân-châu mã-não, hoặc dưng lão-mẫu, hoặc cho Tiểu-thư gọi là làm quà một chút, Tiểu-thư làm tiệc ăn mừng, mẹ con trò chuyện vui vẻ.

Đương khi uống rượu, Quỳ-Long hỏi rằng:

« Ngu-huynh vắng nhà ba năm nay, mẫu-thân và hiền-muội ở nhà, không biết có ai ức hiếp gì không? »

Tiểu-thư rớt nước mắt mà nói rằng:

« Khi trước có tên Đậu-Đại-Đinh đến đánh mẫu-thân và tiểu-muội, có người khách qua đường tên là Trương-Tùng, thấy sự bất bình chạy ra khuyên giải, thành ra sinh sự đánh nhau, Trương-Tùng đánh chết Đậu-Đại-Đinh, hôm sau bốn người anh em bạn Đậu-tặc đến đánh báo thù, đều bị Trương Công-tử lấy gông đánh chết, quan Huyện kết án tử tội, hiện giam trong ngục, tiểu-muội nghĩ rằng, người ta vì nhà mình mà mắc nạn, cho nên ngày nào cũng đưa cơm vào phụng dưỡng. »

Quỳ-Long nói:

« Người có nghĩa-hiệp như vậy, chắc là tay anh-hùng, vả lại một mình mà đánh chết năm người hung-thần, thời vũ-nghệ thực là vô-địch, vậy thời hiền-muội đi mua rượu thịt, để ngu-huynh đem vào ngục cùng Công-tử uống rượu cho vui. »

Tiểu-thư bèn sửa-soạn một mâm rượu tử-tế, Quỳ-Long đem vào trong ngục, hỏi thăm Trương-Tùng, ngục-tốt vào báo tin, Công-tử chạy ra nghênh-tiếp, Quỳ-Long trông thấy giật mình mà nói rằng:

« Vẫn tưởng là Trương-Tùng nào, chẳng hóa ra ân-công-tử. »

Công-tử không hiểu vì cớ gì mà gọi là ân-nhân. Quỳ-Long nói:

« Công-tử quên tôi rồi hay sao? Ba năm trước quan Huyện sai tôi đưa thư đến quí-phủ, nhân say rượu mạo phạm Quốc-công, lịnh-huynh sai đem chém, nhờ Công-tử nói giúp được tha, ơn ấy chưa đền được chút nào, ngờ đâu Công-tử lưu-lạc đến đây, lại vì mẫu-thân và tiệu-muội mà mắc nạn vào mình, nay tôi muốn cứu Công-tử mà sức không nổi, không biết nghĩ thế nào? »

Tất-Tùng nói:

« Đó là số-mệnh tiểu-đệ, đại-huynh bất-tất phải phiền lòng, nay có một việc khẩn-yếu, muốn nhờ đại-huynh đi giúp, chẳng biết có được không? »

Quỳ-Long hỏi việc gì? Tất-Tùng bèn đem việc Tô-Mỹ-Anh kể hết một lượt, và nói rằng:

« Muốn nhờ đại-huynh đưa thư cho Tô Tiểu-thư, rồi thẳng tới Vĩnh-Xương phủ, nói với Tô đại-nhân cứu mệnh cho vợ chồng tiểu-đệ. »

Quỳ-Long nói:

« Tôi đội ơn Công-tử, dẫu xông vào hang hổ, nhẩy vào lửa hồng cũng không dám từ. »

Tất-Tùng mừng lắm, bèn cùng với Quỳ-Long kết làm anh em, ra trước Ngục-thần làm lễ minh-thệ với nhau, Quỳ-Long đem mâm rượu ra, hai người đối ẩm đàm tâm, tiệc rượu tan rồi, Tất-Tùng viết thư đưa cho Quỳ-Long, Quỳ-Long nhận lấy thư thẳng tới Hán-Trung phủ.

Lại nói đến Tô-Mỹ-Anh bị giam tại Hán-Trung phủ, thường nhớ Hồ Công-tử không lúc nào khuây, lại nghĩ đến lúc ly biệt nhau, không đem tiền hành-lý, chưa biết đã đến Vĩnh-Xương chưa, đêm hôm ấy thương thân tủi phận, thở ngắn than dài, trong ruột bồn chồn như lửa đốt, nước mắt chan chứa như mưa rào, nàng sụt sùi khóc rằng: « Phụ-thân ôi! Chỉ vì kế-mẫu cay nghiệt làm cho Tô-Mỹ-Anh này chịu khổ muôn phần, chắc rằng kiếp này không thấy mặt phụ-thân nữa; Hồ-lang hỡi Hồ-lang! Chàng cứu mệnh cho thiếp, tưởng rằng đem nhau về Vĩnh-Xương thành thân, ngờ đâu lưu lạc phong-trần, mỗi người đi mỗi ngả, Hồ-lang ôi! Sao không đến cứu thiếp khỏi vòng lao-lung này, để cùng kết duyên tơ tóc, thôi chẳng qua tơ tưởng hão-huyền, dễ có khi xuống dưới suối vàng thời mới gặp mặt! » Tiểu-thư khóc suốt năm canh, không lúc nào ráo nước mắt, quan Huyện là Khâu-công ngẫu-nhiên đi qua, lắng tai nghe mãi đến sáng, nghĩ bụng rằng: « Tên phạm này tự sưng là Tô-Mỹ-Anh, thường là con gái ông Tô-Bình-Chu, lại gọi Hồ-lang mà khóc, có khi là Hồ-Tất-Tùng hay sao? » Bèn sai liễu-hoàn đòi vào nhà trong tra xét. Khi Tiểu-thư vào đến nơi, quỳ xuống đất mà lạy, Khâu-công hỏi rằng:

« Trương-Anh! Chính tay nhà ngươi đánh chết Ngô Công-tử, còn oan uổng nỗi gì mà khóc suốt đêm, ta xem tình nhà ngươi không phải là họ Trương, sự thể thế nào phải nói cho thực, để ta dảm nhẹ tội cho. »

Tiểu-thư ứa nước mắt mà bẩm rằng:

« Đại-nhân đã có lòng thương, thiếp xin thú thật. »

Bèn đem sự tình từ khi gặp Hồ Công-tử đến lúc đánh chết Ngô-Hán, kể hết một lượt. Khâu-công nghe nói, cũng sa nước mắt mà nói rằng:

« Chết nỗi! Tiểu-thư là lệnh-ái ân-công, mà lão-phu không biết, nguyên khi trước Nghiêm-Bình-Trực vu cho lão-phu tiêu bạc trong kho ba vạn lạng, bắt cả nhà đem ra pháp-trường chính pháp, may nhờ Tô đại-nhân lúc ấy đang làm quan tại kinh bỏ ra ba vạn bạc, cứu mệnh cho cả nhà, sau lại nhờ Hồ Quốc-công bảo cử, được tái bổ làm Tri-huyện Hán-Trung, tuy rằng ba vạn bạc ấy lão-phu đã giả lại rồi, nhưng lúc bấy giờ nếu không có đại-nhân, thời lão-phu còn đâu đến ngày nay. »

Nói đoạn sai Phu-nhân đem Tiểu-thư tắm gội thay quần áo.

Khâu-công có người con gái tên là Khâu-Mỹ-Dung, trạng mạo giống Tô Tiểu-thư như hệt, thấy phụ-thân nói sự tình như vậy, liền đem quần áo gương lược sắm sửa cho Tô Tiểu-thư, vả lại hai người tính nết cũng giống nhau, cho nên ý hợp tâm đầu, tình nghĩa càng ngày càng thân mật, cùng ăn cùng nằm, một hình một ảnh, chẳng khác gì chị em ruột.

Một hôm có công-văn ở kinh tư ra. Khâu-công bóc ra xem, giật mình kinh sợ, vội-vàng chạy vào nhà trong noi rằng:

« Thôi bất-trị rồi! Có công-văn ở kinh tư ra, giờ ngọ ngày mai đem Trương-Anh trảm quyết, không biết làm thế nào mà cứu được Tiểu-thư bây giờ! »

Tô-Mỹ-Anh nghe nói, ngã lăn xuống đất, chết ngất người đi, nghiến hai hàm răng lại, không nói năng gì được nữa. Khâu-Mỹ-Dung ôm lấy Tiểu-thư, vừa khóc vừa gọi rằng: « Tiểu-thư lai tỉnh! » Gọi một hồi lâu, Tiểu-thư tỉnh lại khóc rằng:

« Hồ-lang ơi hỡi Hồ-lang! Kiếp này không gặp nhau nữa đâu, đừng nghĩ đến thiếp làm chi nữa cho uổng! »

Khâu Tiểu-thư khuyên giải đôi ba điều, rồi nói với song-thân rằng:

« Hài-nhi thiết-tưởng có ân không báo, thời không phải là người quân-tử. Khi trước Tô đại-nhân cứu mệnh cho cả nhà ta, ngày nay có một mình Tiểu-thư, mà không cứu được hay sao! Vậy ngày mai hài-nhi xin ra pháp-trường thế mạng cho Tiểu-thư, gọi là đền ân một chút, song-thân chớ nghĩ đến hài-nhi làm gì nữa! »

Tô Tiểu-thư nói:

« Không xong đâu, ai làm nên tội thời người ấy chịu, có nhẽ nào thế mạng bao giờ. »

Nói đoạn khóc suốt năm canh không lúc nào ráo nước mắt.

Giời đã gần sáng, Khâu-Mỹ-Dung mặc sống áo giả làm Tô Tiểu-thư, Tiểu-thư kéo lại mà nói rằng:

« Phụ-thân thiếp tuy có ân với đại-nhân, chẳng qua là cho vay tiền bạc mà thôi, nay để hiền-muội thế mạng chết thay, thời còn có nghĩa lý gì nữa! »

Khâu-Mỹ-Dung nhất-định không nghe, liền bỏ đồ trang-sức ra, lấy áo của Tô Tiểu-thư mặc, vợ chồng Khâu-công nước mắt chẩy ròng ròng, Giám-trảm-quan giải ra pháp-trường. Khâu Tiểu-thư quỳ dưới cột-cờ, đầu tóc rũ rợi, hai mắt nhắm nghiền lại, chỉ đợi đến giờ ngọ thời khai đao.