Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 2/Tạp-trở/Bài diễn-thuyết của quan học-chính Russier về việc nước Mĩ nhập cuộc với Đồng-minh

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bài diễn-thuyết của quan học-chính Russier về việc nước Mĩ nhập cuộc với Đồng-minh của Phạm Quỳnh
Tạp-trở

Bài diễn-thuyết của quan học-chính Russier về việc nước Mĩ nhập cuộc với Đồng-minh

Trong bài Thời-đàm kỳ trước bản-báo đã nói về viêc Đông-dương làm lễ mừng Hoa-kỳ nhập cuộc với Đồng-minh ngày 14 tháng 4 năm 1917. Hôm ấy ở nhà hát nhớn Hà-nội quan học-chính Russier có làm một bài diễn-thuyết về nước Mĩ cho học trò các trường tây trường An-nam nghe. Bài ấy thực là một bài lịch-sự rất tường, tham-khảo nhiều sách vở, phát-minh nhiều ý-kiến, thực là tỏ sự học-vấn rộng của quan học-chính. Bản-báo tiếc vì dài quá không thể dịch hết được. Vậy xin kể đại-ý cùng dịch mấy đoạn chính như sau này.

Trước kể qua lịch-sử sự giao-thiệp nước Pháp với nưới Mĩ tù đầu thế-kỷ thứ 16 đến giờ. Bấy giờ có mấy bọn đi bể người Pháp khởi đầu vượt bể sang Mĩ-châu, rồi sau nhiều người Pháp nữa cũng theo sang sinh-cơ lập-nghiệp ở đấy. Kịp đến khi người Mĩ cách-mệnh với nước Anh, tuyên-bố độc-lập ngày 4 tháng 7 năm 1776, thì nước Pháp mới can-thiệp vào để giúp nước Mĩ. Quốc-hội Mĩ vừa mới thành-lập sai ngay ông Franklin — là người bác-học có tiếng trong thế-giới, đã chế ra ống thu-lôi — làm đầu một phái-bộ sang xin nước Pháp cứu-viện. Các nhà quí-tộc nước Pháp được tin ấy cổ-võ lắm, nhiều người xin sang giúp nước Mĩ. Có một người nhiệt-thành hơn cả, là hầu-tước La Fayette. Hầu-tước nói: « Tôi được tin việc khởi-nghĩa bên Mĩ thì tấm lòng tôi như đã vào làm quân cho nước Mĩ rồi ». Hầu-tước bèn xuất tiền mình cùng với mấy người bạn đi sang Mĩ.

Đến đầu năm 1778 thì chính-phủ Pháp ký với nước Mĩ một tờ ước đồng-minh, nhận giúp việc chiến-tranh cho đến khi thành cuộc độc-lập. Tháng 7 năm 1780, bá-tước De Rochambeau đem 6 nghìn người sang Mĩ. Được ít lâu thì thủy-quân-đại-tướng de Grasse cũng mang một hạm-đội sang theo. Người Mĩ thiếu-thốn gì nước Pháp cũng sẵn lòng cấp cho: quần áo, đạn-dược, binh-khí, tiền-bạc (số tiền giúp đến 20 triệu phật-lăng). Tháng 10 năm 1781, đại-tướng Hoa-thịnh-đốn (Washington) xuất quân vừa người Mĩ vừa người Pháp đánh quân Anh thua ở Ước-đốn (Yorktown). Đến tháng 10 năm sau là 1782, nước Anh phải chịu nhận cho nước Mĩ độc-lập.

Từ đấy cái cảm-tình người Mĩ với người Pháp mỗi ngày một thân-mật, một bền chặt thêm lên. Hai dân đã vì nghĩa tự-do hòa máu cùng nhau ở nơi chiến-trường, tất không bao giờ còn phụ được nhau nữa. Tự khi khởi việc chiến-tranh ghê-gớm bên Âu-châu, cái tình nó buộc hai dân với nhau lại càng thêm mặn thêm nồng hơn xưa. Người Mĩ trông thấy nước Pháp bị lầm-than khổ-sở, đem người đem của sang giúp từ tháng 8 năm 1914 cho đến đầu năm nay không biết bao nhiêu mà kể. Các nhà phú-hào bên Mĩ lấy làm một sự danh-dự xin nhận giả bội-phần cái nợ của ông cha đã chịu với nước Pháp hồi dựng nước, không những nợ tiền, nợ người, lại cả cái nợ lòng ân-ái nữa! Trong bài diễn-thuyết quan học-chính đã lục ra nhiều nhời khen-tặng cảm-phục của những bực tai-mắt bên nước Mĩ đối với nước Pháp, xem đấy thì biết cái tình của hai nước nặng mà sâu là chừng nào, chỉ chực phát-hiện ra thực sự mà thôi.

Từ ngày 5 tháng 4, thực hai bên được thỏa tình ao ước, cá nước duyên-hài.

Quan Toàn-quyền Sarraut định làm lễ mừng nước Mĩ ngày 14 tháng 4 là có ngụ một cái ý cao-thượng ở đấy: ngày 14 tháng 4 là ngày kỷ-niệm tổng-thống nước Mĩ Lâm-căn (Lincoln) bị hại năm 1865.

Các nhà tân-học cựu-học nước ta ai cũng đều biết tên ông Lincoln (tầu dịch là Lâm-căn); ai cũng đều biết rằng về nửa phần thứ nhất thế-kỷ thứ 19 nước Mĩ phải một sự chiến-tranh ghê-gớm gội là « Nam-bắc chiến-tranh » (Guerre de Sécession). Sự chiến-tranh ấy gây lên bởi cái tục « mãi-nô », là tục buôn-bán những người giống da đen để dùng làm nô-lệ. Trong Hợp-chúng-quốc Mĩ thì các nước mặt Bắc lấy tục ấy là một sự nhục cho nhân-đạo, hết sức muốn bãi; các nước mặt Nam thì nói tục ấy có lợi cho nước mà cố muốn giữ lấy. Hai bên không chịu nhau, phải dùng đến kế chiến-tranh. Năm 1860, các nước mặt Bắc bầu được ông Lâm-căn lên chức tổng-thống, ông là người vốn có tiếng nhiệt-thành vì chủ-nghĩa bãi tục mãi-nô. Được tin ấy các nước mặt Nam bèn phân-lìa mà định khởi ra cuộc binh-đao. Đảng Nam thù ông Lâm-căn đến nỗi khi ông lên Hoa-thịnh-đốn nhận chức tổng-thống đảng ấy muốn tìm cách ám-sát ông. May ông kịp được người báo, cải hành-trình, đổi y-phục, mới thoát nạn. Ông vốn người đại-lượng, vẫn còn cố trù-trừ để điều-đình; sau không xong, bất-đắc-dĩ ngày 15 tháng 4 năm 1861 phải hạ lệnh khai chiến. Trước còn chưng-điệu có 3 vạn 5 nghìn người, hạn cho đảng nam trong 20 ngày phải hàng, không thời đánh kỳ-cùng. Hết hạn ấy đảng nam vẫn chưa chịu, ông bèn quyết chí dùng lối « sát-lực-chiến-tranh » (guerre d’usure) nghĩa là đánh cho kỳ bên địch hết sức không chống lại được nữa, tức là cái lối chiến-tranh đương thực-hành bên Âu-châu ngày nay. Đánh trong bốn năm giời, năm 1865 đảng Nam kiệt-lực phải xin hàng.

« Nhưng than ôi! người chủ-trương việc nghĩa-cử ấy, nay việc đã thành mà không được hưởng lâu cuộc toàn-thắng.

« Ngày 1 tháng 4 năm 1865, thành Richmont là thủ-phủ các nước mặt nam, đã bị hàng. Thống-tướng đảng nam là Lee xin bó gươm bãi chiến. Tổng-thống Lâm-căn chỉ còn diễn-dụ những nhời đồng-tâm hòa-hợp. Chiều ngày thứ sáu, 14 tháng 4, bụng khoan-khoái, trí thư nhàn, ngài định cùng phu-nhân với bạn buổi tối đi xem hát.

« Hôm ấy nhà hát diễn một bài hí-kịch tên là « Người anh họ Mĩ-châu » (Notre cousin d’Amérique). Tổng-thống đã ngồi xem diễn đến đầu hồi thứ 3. Ngài ngồi ở buồng bên tả trước sân khấu, đầu tựa vào tay, miệng cười, mắt nhìn vào nơi diễn-kịch. Bỗng nghe thấy một tiếng súng. Giữa lúc bấy giờ thì trông thấy một người nhẩy tự trong buồng khách lên sân khấu, mắt nhìn vào người xem hát, thét to lên một câu « Sic semper tyrannis » (Ta đã báo-thù cho phương Nam). Có người tưởng nhà hát ra trò kinh-ngạc để kích-động người xem. Nhưng chỉ trong giây phút, ai cũng rõ truyện. Một nhà luật-sư, ông Steward, chạy đuổi theo cái thằng vô-danh ấy nó nhẩy xổ vào trong hậu-viện; đã sắp nắm được thì nó đóng sập cửa vào mặt. Mở cửa ra nó đã đi đằng nào mắt rồi.

« Tổng-thống phải đạn, cố gượng đứng giậy, nhưng lại ngã xuống ghế, rồi mất tinh-thần ngay. Mắt nhắm, thái-dương thủng, chỉ có một sợi máu chẩy ra...

« Đương lúc kẻ khóc người kêu lộn nhộn, làm tạm cái cáng nhà thương đem lại, đem sác đứng trượng-phu nằm lên đấy, như cây đa đương ngất giời mà bỗng nhiên bị sét đánh... Khiêng sang trước cửa rạp hát, vào nhà một người thợ may, cho quân-lính canh giữ. Cho gọi quan thầy thuốc đến thì thầy thuốc nói không thể cứu được nữa. Bị thương vào ngay óc. Giả người yếu sức thì chết ngay tức-thì; tổng-thống vốn người sức-lực nên còn mong được ít giờ nữa...

« Đêm hôm ấy, hết giờ nọ đến giờ kia, giờ nào cũng thảm-đạm mà u-sầu. Giời mưa như thác, hình như trên giời cũng chia sầu chia thảm với dưới đất; nghe tiếng nước như chút trên mái nhà, không dứt...

« Tổng-thống đặt nằm trên giường, chốc-chốc hơi rùng mình một tí; thở khó mà không được đều... Viên y-sư cùng viên giáo-sư riêng của nhà « Bạch-cung » (Maison blanche)[1], các viên quốc-vụ tổng-trưởng, các viên đại-tướng, sắp hàng đứng cả cạnh giường nằm, cố nghe xem còn thở được mấy tí, cố nhận xem có nhìn được chút đỉnh nữa không, nhưng chỉ trông thấy bóng cái chết tỏa dần xuống khắp mọi nơi mà thôi...

« Đến tang-tảng sáng thì tổng-thống rùng mình, thở dài một lần cuối cùng... Thế là cái quả tâm cao-thượng ấy thôi không truyển-động nữa. Nét mặt lúc nãy đau-đớn như thế, nay trông ra bình-tĩnh mà tôn-nghiêm. Các người đứng đấy quì cả xuống; viên giáo-sư thổn-thức đọc một bài cầu-nguyện.

« Một viên thượng-thư đứng đấy nói: Thế là từ nay Tổng-thống thuộc về lịch-sử vậy. »[2]

Thế là hết đời một bực thượng-đẳng-nhân-vật của loài người, nhưng cái công-nghiệp của ngài cũng đã thành rồi. Từ đấy, nước Mĩ nhờ ngài mà được hưởng tự-do, vẫy vùng trong suốt cõi, tự bờ bể Thái-bình đến bờ bể Đại-Tây, không có quân-đội mà được hòa-bình, gồm biết bao nhiêu của cải, biết bao nhiêu công-nghĩa, dưới bóng cờ điểm sao!

Ph. Q.

   




Chú thích

  1. « Bạch-cung » (tiếng anh White House), là cung của Tổng-thống Mĩ ở, tại thành Hoa-thịnh-đốn.
  2. Cả đoạn tả lúc chết của tổng-thống Lâm-căn là quan học-chính trích trong sách: Y. PITROIS, Abraham Lincoln, le libérateur des esclaves.