Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang ta đến ngày nay/Cuốn 2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

NHỮNG TRẬN
o o o ĐỔ MÁU o o o o
hồi người Pháp sang ta đến ngày nay

HÌNH VUA HÀM-NGHI MẶC TRIỀU-PHỤC

Chuyện này chép rõ các trận từ hồi người Pháp mới sang ta đến ngày nay có đủ hình các yếu-nhân Pháp, Nam
nhat-nam thu-quan
102 HÀNG GAI HANOI, XUẤT-BẢN GIỮ BẢN-QUYỀN

Cuốn 2
Giá 3
NGÔ-TẤT-TỐ SOẠN

Dưới chín bệ thềm rồng, tàn vàng tán tía dương lên, lúp súp như đám lá khoai sọ.

Trong sân trầu, những chiếc bài-vị đánh dấu phẩm trật lổm-nhổm như đàn cóc ngồi.

Mũ cao, áo rộng, đai ủng chỉnh-tề, hai bên sân trầu văn võ trăm quan sắp hàng như tư-văn nhà quê sắp sửa vào tế.

Mặt trời đã hơi cao, Hoàng-thượng vẫn chưa ra coi triều, ngài bận việc ở cung Khôn-ninh, chỗ ở của Từ-dụ Thái-hậu. Việc gì vậy? Không có việc gì hết.

Từ khi lên ngôi, vua Tự-đức — vốn sẵn đức-tính nhà Nho — muốn theo sách nho; lấy đạo-hiếu mà trị nước. Cái hiếu của ngài, đúng như hệt cái hiếu của vua Văn-vương mà người ta đã chép ở trong kinh Lễ. Mỗi buổi sáng từ lúc trời còn tờ mờ, ngài đã mũ áo chính-chệnh vào cung Khôn-ninh, quì ở trước màn Thái-hậu. Bất cứ lúc đó Thái-hậu đã thức giấc hay còn ngủ say, ngài cũng phải hỏi một câu: « Thưa mẹ, đêm hôm mẹ ngủ có yên giấc không ». May mà gặp lúc Thái-hậu đã thức, bà này ra chỉ « cho giậy », thì ngài mới chịu đứng giậy. Nếu như Thái-hậu còn ngủ, hỏi mà không thấy trả lời, thì ngài quì luôn ở đó, chờ cho đến khi được câu « cho giậy » của Thái-hậu ban ra. Bữa nay cũng vì Thái-hậu ngon mắt ngủ kỹ, ngài phải chờ đợi lâu quá, cho nên chậm coi triều.

Các quan chờ mãi đến nửa giờ mão.

Trong điện Cần-Chính, một hồi chuông rung, bấy giờ ngài mới súng-sính, ngự lên ngai rồng.

Dưới sân trầu, trăm-quan hết thảy phủ phục giống như

CLICHE NHAT NAM

Trận đánh cửa ải Đà-nẵng

các vãi lễ « ngũ bách » ở các cửa chùa.

Buổi triều hôm ấy không có quan-hệ. Gần hết giờ mão, vua toan lui triều, bỗng có sớ cáo-cấp của Nguyễn-văn-trọng ở Đà-nẵng dưng về.

Sau khi bản sớ ấy đệ lên ngự-lãm, thấy nói có chiếc tầu-ô của người Tây-dương phá cửa Đà-nẵng, vua Tự-đức cũng lấy làm lo, ngài bèn giao cho đình-thần cùng bàn phương-sách cự-địch.

Kẻ rằng nên « chiến » người rằng nên « thủ », đình-thần ý-kiến phân-vân, không ai giống ai. Kết cục phái « thủ » thắng phải « chiến ». Triều đình sai thêm 5 đội thủy-binh, 5 đội bộ-binh. tức khắc kéo ra Đà-nẵng hiệp sức với Nguyễn-văn-Trọng, đóng giữ phía trong cửa biển, không cho chiếc tầu-ô ấy tiến vào trong sông.

Cách đó vài ngày, triều-đình nhận được bức thơ do người quản-cơ ở đồn Đà-nẵng đệ vào. Thì ra của Le heur de Ville-sur-Art, hỏi về việc làm sao bên ta lại giết hại những ngườ truyền-giáo và những người theo đạo Gia-tô.

Vua lại giao cho đình-thần cùng bàn.

Trong óc các quan hồi đó, đạo Gia-tô chỉ là một thứ tà-thuyết, mà người Tây-duơng thì là những man-di. Cấm tà-thuyết, chống man-di, ấy là đặc quyền và là bổn-phận của những nước theo đạo Khổng-Mạnh, không ai được hỏi, và mình cũng không phải trả lời cho ai. Vả lại, trong mấy ngày nay, chiếc tàu-ô của người Tây-dương đứng yên ngoài biển, không thấy bắn vào trong cạn, có lẽ họ không thể vào được trong sông. Thế « thủ » của mình đã vững còn sợ gì họ sinh-sự. Các quan tron triều đều nghĩ như vậy, nên mới tâu vua cứ lờ đi không thèm trả lời.

Ngoài biển Đà-nẵng, Leheur de ville sur-art, phát cáu, lại ra lệnh bắn vào đồn quân Đà nẵng.

San một hồi trái-phá dữ-dội, trong đồn Đà-nẵng, thành-lũy tan hoang, hải-đài đổ-vỡ, quân lính của ta chết nằm như dạ. Giữa đống xác người chồng-chất, mấy đội pháo-binh còn hăm-hở nạp đạn vào súng thần-công bắn ra ngoài biển, nhưng mà đạn đi không tới thuyền của địch-quân. Thấy thế nguy, quân ta phải bỏ đồn rút vào mánh trong.

Quân Pháp tuy phá được đồn Đà-nẵng, nhưng chẳng qua phá cho đã hờn, liệu chừng binh-lính trong một chiến-hạm, dù có kéo lên đất-cạn, cũng không làm nổi trò gì. Le Heur de Ville sur-Art bèn nhổ neo trở ra, rồi chạy thẳng về nước. Lúc đó có người cố-đạo là Péllerin, trốn được xuống tầu, cũng cùng về Pháp trong chuyến ấy.

Chiến-hạm Cát-ti-na đi rồi, vua quan trong triều đều mừng cho rằng cái cách « ngự-nhung » của mình như vậy là đắc-sách lắm, thế nước từ nay sẽ vững như núi Thái-sơn, các ngài lại ra công làm thơ, làm phú, ca-tụng cuộc thái-bình, hoặc hỏi vặn nhau những đoạn sách hiểm-hóc!

Thấm-thoát sang đến tháng 11, cửa biển Đà-năng lại thấy có tầu của người Tây-dương tiến vào. Quan lính trong đồn Đà-nẵng ai nấy lo-sợ, chắc sẽ có trận đại-chiến nay mai. Thủy-bình Đề-đốc tức thì đốc quân dự-bị phương-ược chống-cự.

Chiếc tầu chuyến này không dữ-dội như chiếc ầtu chuyến trước. Sau khi vào gần bờ biển, thì thấy đứng lại, rồi có một chiếc thuyền con chở một người ở trên tầu xuống, vào thẳng trong bến, đưa một bức thư cho bọn lính canh ở đó.

Thủy-binh đề-đốc liền sai đệ bức thư ấy vào triều.

Té ra vẫn chiến-hạm của nước Pháp.

Đứng chỉ-huy chiếc chiến-hạm ấy là Montigny, sứ-thần của Pháp ở xiêm-la, sang đây cốt điều-đình về việc ngoại-giao của Pháp với Ta.

Trong bức thư ấy, Montigny yêu-cầu nước ta mấy điều:

Người Pháp được tự-do buôn bán ở Ta, và mở hiệu buôn ở Đà-nẵng.

Nước Pháp được đặt lĩnh-sự ở Huế.

Giáo-sĩ của đạo Gia-tô được tự-do truyền giáo.

Tưởng là việc gì, chẳng ngờ lại mấy việc truyền-giáo và thông-thương! Lần này là mấy lần xin rồi, đều bị cự-tuyệt, mà cứ lằng nhằng xin mãi. Lạ cho cái thói giai-hoi của người Tây-dương. Không phải bàn-bạc chi cải vua Tự-đức, tức thì giáng-chỉ cho đình-thần phải trả lời một cách quyết liệt, để cho lần sau họ khỏi xin nữa.

Tiếp được phúc thư, Montigny thất vọng, quay tầu sang Xiêm, rồi viết thư tâu với vua Pháp.

Bấy giờ Chính-phủ dân-chủ ở Ba-lê đã bị đổ bễ, nền quân-chủ vừa theo vết cũ mà dựng lên, cái ngôi Hoàng-đế nước Pháp đã về cháu Nã-phá-luân thứ nhất là Nã-phá-luân thứ ba, ông này rất sùng đạo Gia-tô, thêm có vợ là Hoàng-hậu Enginie cũng là hạng con-chiên của đức chúa trờ, thấy sự « giết đạo » ở ta, vợ hồng ông đó đều cho là trái nhân-đạo.

Các viên quan võ nước Pháp hồi này, nhiều người sinh việc hành-binh, chỉ muốn đánh chiếm thuộc-địa, họ vẫn mượn cớ giết đạo, xin với vua Pháp cho đem quân sang lấy nước Nam. Nhân có cố-đạo Pellerin đã về đến nước, vào trầu vua Pháp, kể rõ những cái thảm-trạng của bọn giáo-sĩ và giáo-dân bị giết ở Ta, Hoàng-hậu Eugénie bèn khuyên vua Pháp nên theo ý của bọn quan võ.

Nhưng vì đường xá xa-xôi, vua Pháp sợ rằng binh-lực của mình không đủ, mới rủ nước Y-pha-nho hiệp sức với mình. Nước Y-pha-nho cũng có thù với nước Nam, vì giáo-sĩ của Y-pha-nho sang đây, cũng có nhiều người bị giết, vua Y-pha-nho bèn nhận lời vua Pháp, kén mấy đội quân và mấy chiếc chiến-hạm giao cho tướng Pháp đem sang đánh nước An-nam.

Theo lệnh vua Pháp, Hải-quan trung-úy là Rigault de Génouilly thống lĩnh vừa của Pháp vừa của Y-pha-nho cả thảy 14 chiến-hạm và 3 000 quân, vượt biển sang đông.

Năm Tự-đức thứ 11, (1858) tháng 7, đoàn chiến-hạm của Rigault de Génouilly tới cửa Đà-nẵng.

Lúc đó thành-lũy và hải-đài bị quân Le heur de Ville-sur-art tàn-phá khi xưa, đều đã xửa xang chỉnh-đốn, chiến-thuyền và bộ-binh, thủy-binh trong đồn cũng đã nhiều hơn năm xưa.

Bữa đó, thấy ngoài khơi có đoàn chiến-hạm lũ-lượt kéo vào, thủy-binh Đề-đốc lập-tức một mặt phi-báo về triều, một mặt cùng các lĩnh-binh đem mấy đội chiến-thuyền và mấy đôi thủy-binh ra khỏi cửa biển áng 14 chiếc chiến-hạm của Rigault de Genouilly sắp hàng chữ nhất xăm xăm tiến vào, như muốn cán hết quân thuyền của ta.

Quân ta ra hiệu hỏi là tầu nào? Quân Pháp không trả lời.

Một hồi trống thúc, thủy-binh bên ta hết sức chèo ra giữa khơi, chĩa súng bắn vào chiến-hạm của địch-quân.

Địch-quân cũng nổi hiệu kèn trận, chĩa súng bắn giả.

Khói thuốc mịt-mù, tiếng nổ vang mặt biển, quân ta chết hại nhiều lắm, nhưng vẫn hăng-hái chèo thuyền xông lên.

Sau một sạp bắn nhau kịch-liệt, chiến thuyền của ta bị đắm gần hết. Chiếc nào không đắm, rạt mãi ra đằng xa xa, lềnh-đềnh như lá tre ngày bão. Địch-quân chỉ có ít người bị thương soàng.

Thừa-thắng, chiến-hạm bên địch xông vào cửa biển, Thủy-binh Đề-đốc, hỏa-tốc đốc-dẫn mấy đội Bộ-binh, tượng-binh, tràn trận đón trên bờ bể.

Một hồi còi hét, 14 chiếc chiến-hạm của địch-quân đã vào gần sát bến bể, mấy trăm khẩu súng chĩa hết lên nẻo bờ-biển, đạn bay rào rào như mưa.

Quân ta vẫn liều chết cố giữ mặt trận, nhưng súng của ta bắn không tới chiến-hạm của địch-quân! Thấy quân lính bị chết, bị thương rất nhiều, Thủy-binh Đề-đốc phải rút quân vào đóng trong đồn.

Trái-phá của địch-quân bắn lên đoành-đoành.

Súng thần-công ở Hải-đài tuy vẫn bắn ra, nhưng địch sao nổi với sức trái-phá! Chỉ trong vài giờ, thành lũy ở đồn Đà-nẵng đều bị tan-nát, Hải-đài cũng đổ lổng-chổng, xác chết chồng-chất lên nhau.

Thủy binh Đề-đốc phải bỏ đồn Đà-nẵng lui về giữ thành An-hải.

Régault de Genouilly chia quân làm hai, một nửa đóng giữ chiến-hạm, một nửa đổ hết lên bộ, kéo vào trong đồn Đà-nẵng đốt phá hết các dinh trại, rồi hôm sau kéo đi đánh thành An-hải.

Giao-chiến nhiều trận dữ dội, quân ta giết được quân địch khá nhiều, nhưng sức súng của mình không sao địch nổi sức súng của họ, họ giết quân mình cũng lắm. Chiều hôm sau, góc thành An-hải bị vỡ. Thủy-binh đề-đốc và các lĩnh-binh phải bỏ thành ấy, chạy sang giữ thành Tôn-hải.

Quân địch lại kéo đến đánh.

Ngày hôm sau, thành Tôn-hải cũng bị mất nốt.

Thủy-binh đề-đốc thu-thập quân tàn, chạy vào phiá trong, đến nửa đường, vừa gặp hai toán đại-quân kéo ra. Tổng-đốc Nam-Ngãi, Đào-Trí và Tiều-ngữ. Trần-Hoằng vâng lệnh triều-đình đem quân ra cứu Đà-nẵng

Thấy nói An-hải, Tôn-hải mất cả, Đào-Trí, Trần-Hoằng bảo viên thủy-binh đề-đốc hợp quân làm một, đóng giữ các nơi hiểm yếu, rồi sai người phi báo về triều.

Tiếp được tin ấy, triều-đình luống-cuống. Vua Tự-Đức liền vào tâu với Từ-dụ Thái-hậu, hỏi ý Thái-hậu đối với việc ấy ra sao, Thái-hậu cau mặt gắt:

— Văn-võ bách quan, không có người nào chống nổi quân giặc hay sao!

Ra bảo triều-thần phải lập-tức cử người tài-giỏi đem quân đi đánh!

Vua Tự-đức dạ dạ mấy tiếng rồi lui ra, đem chỉ Thái-hậu truyền cho triều-thần.

Sau khi kén đi chọn lại nhiều lần triều-thần bèn cử hữu-quân đô-thống Lê-đình-Lý làm tổng-thống quân-vụ, đem 2000 Cấm-quân kéo ra mạn bể hiệp với toán quân Đào-Trí chống giữ quân địch.

Bấy giờ Régault de Genouilly đã chia quân đóng giữ hai thành An-hải và Tôn-hải, đương dự-bị vào đánh kinh-đô

Quân của Lê-đình-Lý tới nơi, tức thì tiến đánh hai thành An-hải và Tôn-hải.

Quân ta phần nhiều can-đảm và hung-tợn, xông vào mặt trận, chém giết quân địch rất nhiều, nhưng vẫn không lấy lại được hai thành ấy, Lê-đình-Lý phải lui quân về đóng ở Xã Cẩm-lệ.

Hôm sau, trung-tá của quân địch là Jauréguiberry đem mộ toán đến phá Cẩm-lệ, quân ta chống cự rất hăng. Lê đình-Lý xông pha mặt trận đốc-chiến. Đánh nhau từ sáng đến trưa, quân ta bị chết nhiều lắm, Lê-đình-Lý bị một viên đạn bắn vào cạnh sườn, nhưng vẫn hò-hét đốc quân chém giết! Một lát, vết thương đau quá. Lê-đình-Lý phải bỏ trận chạy lùi, vừa gặp Trần-Hoằng dẫn quân lại cứu, quân địch vẫn bắn dữ-dội, Trần-Hoằng và các lĩnh-binh liều chết, vừa đánh vừa chạy đem được Lê-đình-Lý về trại quân mình.

Đào-trí thấy thế quân địch mạnh quá, không giám tiến đánh, chỉ sai quân đóng giữ các đồn cho vững, rồi thảo biểu cho người về kinh xin thêm viện quân.

Thấy nói Lê-đình-Lý bị đạn, triều-đình lại càng lo sợ. Nhưng vua Tự-đức thì hình như vẫn coi là thường, ngài chỉ quở trách các quan: ngày thường không chịu luyện-tập quân lính, đến lúc có giặc, chưa đánh đã thua, đáng lẽ thì bao nhiêu võ-quan đều phải giáng chức phạt bổng hết thảy!

Dưới chín bệ thềm rồng, các quan đều khấu-đầu tạ tội.

Tan cơn lôi-đình, vua Tự-đức giáng chỉ sai quan Nam-kỳ kinh-lược đại-sứ là Nguyễn-tri-phương thay chân Lê-đình-Lý, lĩnh Tổng-thống quân-vụ, và Chu-phúc-minh làm chức Đề-đốc, luôn bữa đó phải kéo đại-quân ra thẳng mạn bể, giúp sức cho toán quân Đào-trí.

Lúc ấy Lê-đình-Lý đã chết! Nguyễn-tri-phương và Đào-trí sai làm lễ an táng cực long-trọng, để khuyến khích lòng quân.

Sau khi xem xét tình-hình quân địch và địa-thế các nơi, Nguyễn-tri-phương biết rằng sức quân mình chưa thể đánh được quân địch. Nếu cứ nóng-nẩy mà giao-chiến, chỉ tổ hao quân tổn tướng chứ không ích gì. Đào-trí cũng đồng-ý như vậy. Hai người bàn nhau nên lập hải-đồn Liên-trì, và đắp một bức thành từ làng Hải-châu đến làng Phúc-minh, giữ cho cho quân địch khỏi vào mạn trong, chờ đến khi nào có dịp sẽ kéo quân lấy lại những nơi đã mất.

Trần-hoằng và Chu-phúc-minh cũng khen kế ấy là phải.

Bữa sau, Nguyễn-chi-phương và các tướng đốc-xuất quân lính ngày đêm đội đất đắp đồn đắp thành, một mặt chia nhiều toán quân canh-giữ các nơi, phòng quân địch thình-lình lại đánh.

Gần một tháng, thành và đồn đều đắp xong cả. Cái nơi bốn mặt chống trải đã thành một nơi hiểm-trở. Nguyễn-tri-phương chia quân đóng khắp trong thành ngoàg thành trong hải-đồn và trên mặt thành đều có những súm Thần-công, đại-bác để sẵn, dưới chân thành thì có rất nhiều ụ đất, để cho quân-sĩ nấp đó mà bắn ra.

Coi cái qui-mô đó đủ biết cách dụng binh của viên tướng già thật là chu-đáo và chắc-chắn.

Thấy cách đề-phòng cẩn-thận của quân ta, tưởng chừng đánh được cũng khó. Rigault de Genouilly chỉ cho quân đóng mấy nơi quan trọng ở miền An-hải, Tôn-hải, không giám đánh vào.

Suốt mấy tháng trời, hai bên không bắn nhau một phát súng nào.

Các quan trong triều đều yên-chí rằng chẳng bao lâu nữa, địch-quân hết lương hết đạn, dẫu không đánh cũng phải bỏ đó mà về. Vua Tự-đức cũng tin như vậy, cái chí lo nước bèn đổi làm chí lo con. Ngài lên ngôi đã hơn mười năm, tuổi cũng đã cao dưới gối vẫn chưa có một vị hoàng-tử hay công-chúa nào cả. Một đạo chỉ dụ ban xuống, Trung, Nam Bắc ba kỳ phải tuyển 3000 con gái thanh-tân, cón nhan sắc và có đức-hạnh, hạn trong 3 tháng, phải đưa đủ số vào kinh, để nhà vua kén lấy 300 cung-nữ.

Năm Mậu-ngọ đã qua, năm Kỷ-vị bắt đầu.

Cửa biển Cần-giờ thường vẫn sóng im gió lặng.

Mấy trăm chiến thuyền vẫn sắp hàng đóng trên mặt biển, lên xuống theo ngọn nước thủy-chiều.

Những chiếc Hải-đài kiên-cố vẫn nghiễm-nhiên ngồi chén bến bể và hai bờ sông Đồng-nai, như có ý chờ coi sự đổi thay của cuộc dâu bể.

Hai chục khẩu súng thần-công vẫn nằm yên trên mặt thành cao, há miệng ra ngoài biển lớn.

Một cảnh thái-bình vô sự.

Quân lính trong đồn, ngoài những giờ tập bắn súng và tập chèo thuyền, cơ hồ không có việc gì mà làm.

Bữa đó, vào khoảng giờ mão, trời vừa nắng gắt, mấy viên Thống-chế Đề-đốc đương cùng nhau đánh cờ ở trên Hải-đài. Thình-lình ngoài biển nghe có còi hét dữ-dội, ai nấy giật mình trông ra.

Một đoàn chiến-hạm đương lượn-lờ ngoài khơi, ý nhòm vào cửa biển.

Vì có những trận chiến tranh xẩy ra ở Đà-nẵng cho nên lúc đó các quan trong đồn biết ngay là chiến-hạm của người Tây-dương, và đoán chắc là họ sẽ sinh-sự.

Thống chế Trần-Đồng lập tức ra lệnh cho quân-sĩ dự-bị ra trận.

Các súng thần-công và các tiểu-sang của pháo binh đều phải nhồi thuốc nạp đạn sẵn.

Các đội bộ-binh phải kéo ra ràn trận ở trên bến bể.

Các toán chiến-thuyền đều phải sắp thành đội-ngũ. gấp sức chèo ra ngoài khơi.

Lại mấy tiếng còi gầm hét, đoan chiến-hạm xông thẳng vào nẻo bờ biển.

Sóng biển nổi lên ầm ầm!

Mặt biển dập-dềnh như châu nước bị lúc-lắc.

Đoành! Đoành! Đoành!

Chiếc chiến-hạm đi đầu nổ ba phát súng ra oai.

Các chiến-hạm đều đứng dừng lại.

Dứt ba hồi trống trận, tiếp đến mấy hồi tù-và, các đội chiến-thuyền của ta nhất-tề chèo thẳng đến trước hàng chiến-hạm của quân địch.

Kèn trận thổi vang.

Hai bên bắt đầu khai-chiến.

Một sạp súng nổ dữ-dội, trên mặt biển đạn bay vun-.vút!

Quân ta nhiều thuyền đắm, nhiều người bị đạn, trống vẫn thúc, tù-và vẫn thổi, chiến-thuyền vẫn hăng-hái xông vào hạm-đội quân địch.

Dưới từng mưa đạn rào-rào, một viên lĩnh-binh vỗ mộc nhảy vót sang được chiến-hạm quân-đich, tay mộc tay gươm, vừa đỡ vừa chém tứ-tung! Chém được vài người thì viên lĩnh-binh ấy bị bắt và bị bắn chết tức-khắc!

Các chiến-thuyền khác đến gần chiến-hạm địch-quân, đều bị bắn đắm tất cả.

Giao chiến từ giờ mão đến giờ mùi, quân ta chết hại gần hết. Xác người theo sóng biển lộn lên, lộn xuống, lềnh-đềnh trôi khắp góc biển.

Quân-địch cũng có ít người phải đạn, nhưng không thấm vào đâu.

Chiến-hạm chạy thẳng vào trong của biển Cần-giờ, chĩa súng bắn lên hải-đài.

Trên hải-đài các súng thần-công đã nạp đạn sẵn nhất tề phát nổ, mấy trăm súng con đồng thời bắn ra. Các đội bộ-binh trên bến bể đều đổ xô ra, chực nhảy lên chiến-hạm quân-địch.

Lại một hồi kèn trận thúc-dục, trái phá của địch quân bắn vào đoành đoành Chỉ trong nửa giờ, mấy đội bộ binh đều bị tan xương nát thịt, mấy cái hải-đài cũng đều tan tành, xác chết từng đống ngổn ngang, máu chảy lênh-lênh trên mặt. Trần-Đồng và mấy viên lĩnh binh đều tử trận hết.

Quân-địch kéo lên chiếm giữ các nơi trọng-yếu. Rồi mấy chiếc chiến-hạm lại thẳng dòng sông Đồng-nai kéo lên đánh thành Gia-định.

Tiếp được tin báo, tổng-đốc Gia-định là Vũ-duy-Ninh sợ hãi luống-cuống, lập-tức tư đi các tỉnh lấy quân về cứu.

Trong khi quân của các tỉnh chưa kịp đến nơi, thì quân địch đã vào gần thành.

Vũ-duy-Ninh sai đóng cửa thành, đốc quân ra sức canh giữ.

Bên ngoài, trái-phá của quân-địch bắn lên mặt thành ầm-ầm.

Hai ngày dòng-giã, tiếng súng không lúc nào dứt.

Trong thành, quân lính và nhân dân chết nằm la-liệt. Vũ-đuy-Ninh thấy cơ nguy, biết rằng không thể giữ được, chờ đến nửa đêm cùng mấy viên Đề-đốc, Lĩnh-binh mở cửa thành đánh ra, định tháo đường chạy, vừa gặp một oán địch quân. Hai bên chém nhan một trận kịch-liệt Vũ-duy-Ninh chết, thành Gia-định vỡ!

(còn nữa rất hay, rất vui, rất kỹ)

Vì muốn cho độc-giả khỏi sốt ruột, vì theo lối chép chuyện Âu Châu nên tạm viết lộn lên đến trận đánh Hà-nội v. v. rồi sē viết lại-rở

Cuốn 3 sẽ chép ngay trận đánh thành Hà-nội! rất hay, rất kịch-liệt ghê-gớm. Ai mà trả muốn xem!

Kỳ số 3 sẽ có hình ông Hoàng-Rượu và hình chụp cảnh thành Hà-nội, hình cột cờ về hồi ấy, cùng tranh vẽ lúc đánh nhau rất đúng.

bán tại Nhật-Nam 102 hàng Gai Hanoi và khắp tỉnh