Vỏ quýt dày, móng tay nhọn/2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CHƯƠNG THỨ II

Ác-quỷ chốn thoát rồi, lại cải trang làm một vị Nam tước, niên-thiếu phong-lưu, nghi-dung tuấn-nhã, không ai biết là giả hình, một hôm xem nhật-trình biết rằng con hát nước Nga, tài sắc lưỡng toàn, lại là ý trung nhân của Phi-Lập, bèn lập mưu làm hại tính mệnh người ấy, tối hôm ấy trong nhà hát đèn sáng như sao người đông như kiến, người con hát soi gương mặc áo dáng đẹp tuyệt trần, Phi-Lập rất lấy làm tán thưởng, khi Phi-Lập bước ra thì Nam-tước lẻn vào đám đông người đem cái nhẫn độc tặng cho người con hát, và đeo luôn ngay vào tay cho, người con hát lên đàn diễn kịch, tiếng hát như oanh kêu, phượng hót, dáng múa như rắn lộn rồng bay. cử tọa đều vỗ tay khen ngợi, một lúc độc ở cái nhẫn phát ra đau đến xương tủy, nếu tháo ngay ra mà bỏ đi, cũng không đến nỗi nào nhưng đương giở cuộc vui. cho nên người con gái có ý nhẫn nại, ngờ đâu cuộc hát chưa tan mà hương hồn đã về nơi âm-phủ.

Xét trong đám lục-lâm xưa nay, cũng nhiều người nghĩa-khí, lắm kẻ hào-hiệp, chỉ vì thế bách mà hóa đi lạc đường, chứ không như Hắc-cân-đảng này, thù Phi-Lập mà đến nỗi thù cả ý trung nhân của Phi-Lập, thật là tàn nhẫn bất lương, không còn biết nhân đạo là gì nữa.

Khi người con hát đã chết rồi, Nam-tước lẻn ra lên xe đi thẳng, Phi-Lập gập ở ngoài cửa, thấy có ý khác, cũng lên xe đi theo, đi đến ngang đường, xe của Nam-tước dừng lại, Phi-Lập cũng dừng xe để thám thính ngờ đâu có mấy người gian đảng vẫn theo sau xe; Phi-Lập vừa xuống xe, thì chúng nó bắt trói ngay lại, đem dam ở dưới hầm. Khi bấy giờ có hai ba người đầu đội khăn đen, bảo một người rằng phải canh giữ cho cẩn thận mới được, rồi kéo nhau đi cả. Người canh ấy bỏ khăn đen ra, trông thấy Phi-Lập thẹn mướt mồ hôi ra Phi-Lập trông xem tưởng là ai chẳng hóa ra Dân-Đạt. liền quở trách rằng: « Trước ta tha cho nhà ngươi, tưởng nhà ngươi biết cải quá tự tân, ngờ đâu chứng nào vẫn giữ tật ấy, Dân-Đạt nói: « Tiểu-dân chỉ vì thế bách, bản tâm cũng không muốn như vậy, hiện nay quân gian đảng định đến sáng đem tiên-sinh sử tử, vậy xin hết lòng cứu giúp tiên-sinh để đền ơn. » Nói đoạn, cổi trói cho Phi-Lập, muốn tha cho ra, nhưng cửa bị khóa chặt, không thể sao được, đành cứ ngồi nhìn nhau chịu chết, giời đã gần sáng mà vẫn chưa có đường tháo thân; chợt nghe tiếng có người gõ cửa, Dân-Đạt nghĩ ngay một kế. bảo Phi-Lập giả làm bị trói, người kia mở cửa bước vào, Phi-Lập trói nghiến ngay lại. rồi cùng với Dân-Đạt mở cửa chốn ra, Phi-Lập ra khỏi, lập tức báo tòa Cảnh-sát đem lính đến vây bắt.

Giời tang tảng sáng, Ác-quỷ đem người vào trong hầm, thấy một người bị trói, vẫn tưởng là Phi-Lập, không biết chính là đồng-đảng mình, vừa toan đem ra sử-tử, thì lính cảnh-sát đã vây kín cả rồi, vội-vàng theo đường hầm chạy trốn, khi chốn đi lại còn đánh cho người bị trói một trận rất ghê gớm; lính vào trong hầm chẳng thấy tăm hơi người nào cả, Phi-Lập khám xét hồi lâu, bắt được một quyển tụ-trân nhật-ký, bỏ vào túi áo đem về.

Phi-Lập bắt được một quyển nhật ký của Hắc-cân-đảng mở ra xem toàn là văn tự bí mật, xem đi xem lại, chưa hiểu manh mối ra thế nào, sau xem mãi mới lược hiểu đại ý, dịch ra được mấy câu. Lão-mẫu thấy Phi Lập đi lại khó nhọc, sợ sinh ra yếu đau, Phi-Lập hiểu ý làm ra dáng khỏe mạnh, để yên lòng lão-mẫu, chợt có người phóng-sự xin vào yết kiến, Phi-Lập giả cách đau yếu, đắp chăn nằm trên giường, rồi cho mời vào tiếp truyện, Phi-Lập đem tình hình Hắc-cân-đảng lược kể đại khái và bảo người phóng-sự đem việc mình đau yếu đăng nhật-trình để che mắt quân gian đảng, người phóng sự vâng lời từ biệt giở ra. Người phóng sự vừa ra khỏi, Phi-Lập nhác thấy một người quần áo lam lũ ngồi nấp ở nóc nhà bên kia, cứ dương hai mắt chòng chọc nhìn sang nhà mình, biết rằng gian đảng nó vẫn gio thám mình, nghĩ bụng rằng tất phải tìm cách ẩn hình, mới có thể ra ngoài trinh-thám được.

Một đêm kia Phi-Lập đi qua nhà hát, thấy chữ đề rằng: « Nữ ưu Uyển-mỹ-Vực », trong bụng lấy làm lạ, nghĩ thầm rằng: ba chữ « Uyển-mỹ-Vực » điên đảo ghép lại thì thành ra ba chữ « Ác-quỷ-đảng » bèn theo đám đông người lẻn vào xem, thấy một người con gái lên đàn múa hát, dáng người sắc sảo, đang hát véo-von, mà thái trang hung hiểm, vẫn phát hiện ra ngoài mặt. còn những người ngồi xem chung quanh, toàn là người độc ác giữ tợn, biết ngay là chỗ gian-đồ tụ tập. Đến khi tan cuộc hát, những người xem đều bắt tay nhau vào trong nhà, Phi-Lập cũng theo vào, định giò xét sự hành động của đảng ấy, nhưng người canh cửa không cho vào.

Phi-Lập về nhà không giám đi đường chính phải theo đường lò sưởi chui vào buồng nằm, lão-mẫu đẩy cửa bước vào, sực trông thấy tưởng tá kẻ trộm, vừa toan kêu lên Phi-Lập ngăn lại rồi thôi, chợt có mảnh sành dơi ở cạnh lò sưởi, nhặt lên xem có một bức thư rằng: « Người cứu nạn cho ngày hôm trước đợi ở nóc nhà, nếu ngài có lòng cho vào, thì đốt hương sẽ xin đến. » Phi-Lập nghe lời đốt một nén hương, thấy một người ở trong lò sưởi chui ra, tưởng là ai, chẳng hóa ra Dân-Đạt, Phi-Lập vừa toan nói, thì Dân Đạt ngăn lại, rồi lấy bút nói chuyện với nhau cho khỏi tiết lộ. Dân-Đạt nói: « Nay tiểu-dân không có thể giúp tiên-sinh được, chỉ có một quản bút. nếu có thuốc độc thì thấm cả vào ngòi bút ấy, vậy xin tặng tiên sinh, hoặc có dùng gì đến chăng », nói đoạn đưa bút cho Phi-Lập, lại theo đường lò sưởi chui ra.

Sáng hôm sau, Phi-Lập dậy sớm, có một người con gái vào yết kiến lão-mẫu xin đến phục dịch, lão-mẫu thấy người ấy linh lợi sắc sảo, bằng lòng nuôi làm nữ-tỳ. Nữ-tỳ xuống bếp, cổi đồ hành-lý ra, lấy một vuông khăn treo trước cửa sổ, gió bay phấp phới như ngọn cờ, rồi vào phòng ngủ của Phi-Lập quét tước rọn rẹp, thường thường liếc mắt nhìn quyển tụ-trân nhật-ký. Phi-Lập lấy làm lạ, trông mặt hình như hơi quen quen, nhận kỹ ra thì nữ-tỳ chính là Uyển-mỹ-Vực, tự bấy giờ lưu tâm xem xét, để đối phó với nữ-tỳ.

Đêm ấy sáng giăng vằng vặc. Phi-Lập ngồi trong phòng, ngoảnh lưng ra cửa xoay lại cái gương ở trên bàn, liếc mắt trông vào trong gương để giò xét sự hành động của nữ-tỳ, thấy nữ-tỳ bước vào, đem chai thuốc của Phi-Lập đổ đi, móc túi áo lấy lọ thuốc mê rót vào để nguyên như cũ. Phi-Lập biết rõ mưu kế, nhưng vẫn giả vờ làm không biết, mở bừng mắt dậy, sai nữ-tỳ lấy chén nước súc miệng, khi nữ tỳ bước ra, Phi-Lập đổ chai thuốc mê đi, rót nước lã vào để nguyên như trước, dấu quyển tụ-trân nhật-ký vào túi áo, và đem khẩu súng lục để cạnh chỗ nằm dự bị sẵn, nữ tỳ đem nước vào, Phi-Lập súc miệng xong bỏ quyển nhật-ký dả vào cặp sách, đem để trong tủ, có ý làm cho nữ-tỳ trông thấy, lại đến gần bàn bưng chai thuốc uống một hơi hết cả, rồi lên giường đi nằm. giả cách mê man bất tỉnh nhân sự, nữ-tỳ đem một người trong lò sưởi ra, đầu chùm khăn đen, trông không rõ mặt, hai người cùng đến mở tủ lấy quyển nhật-ký. Phi-Lập thừa lúc bất ngờ, chìa súng lục bắn đánh đùng một tiếng hai người ngã quay xuống đất. Phi-Lập vội vàng báo tòa Cảnh-sát, khi giở về thì hai người đã chốn mất rồi, nghĩ bụng rằng: rõ ràng lúc súng phát ra, hai người lăn xuống chết lập tức, mà sao chúng nó chốn được, đem súng ra thí nghiệm, mới biết thấp mưu thua trí đàn bà, vì nữ-tỳ đã phòng bị trước mà thay đạn rồi, nhưng may rằng quyển nhật-ký thực vẫn còn, sau này có thể giò thám được.

Chính đêm hôm ấy lão-mẫu tiếp dây thép của người em nói rằng: bị ốm nặng lắm muốn mời đến nói chuyện hai điều, lão-mẫu thuật cho Phi-Lập nghe. Phi-Lập có ý ngờ, nhưng không dám ngăn cản lại, bèn đưa dược-thủy bút cho lão-mẫu bỏ vào túi áo mang đi. Khi đến nơi, té ra người em không ốm đau gì cả mà cũng không đánh dây thép bao giờ, lúc giở về ngang đường thì bị quân gian-đảng bắt mất, may nhờ có dược-thủy-bút của Dân-Đạt tặng khi trước, cho nên lại thoát được.