Còn cái "bóp-phơi" của tôi? Bác Thông Reo

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Còn cái "bóp-phơi" của tôi? Bác Thông Reo[1]  (1930) 
của Hoàng Tích Chu

Bài đăng trên Đông Tây tuần báo, Hà Nội, số 37 (25.10.1930)

Họa có là Trời mới không biết muốn.

Còn đã là người, như tôi chẳng hạn, thì ai cũng muốn. Muốn giàu, muốn trẻ, muốn vợ đẹp, muốn con khôn.

Muốn về vật chất, tôi không muốn.

Thế muốn gì ?

Muốn về tinh thần như văn hay chữ tốt, đàn hay vẽ giỏi, thì tôi lại chẳng muốn. Tôi đây chỉ nếm mãi cái mùi nghèo, sống về tưởng tượng…

Muốn gặp bà Chúa trong rừng hay sao ? Thì tôi đã khốn đốn về đường “Tình”, ngoắt ngoéo mà bấp bênh. Trăm mũi tên vu cáo nó chĩa bắn vào trái tim người mang vạ.

Không muốn cả, bao nhiêu thứ ấy. Mà bao nhiêu thứ ấy đều là thứ muốn của người đời.

Cái muốn của tôi, ngày nay nó lớn hơn tôi.

Thưa các ngài, tôi muốn làm Thượng thư.

Khó lắm. Làm Thượng thư phải có tuổi với có công. Kể công, anh chưa được đội ơn mưa móc, che bóng tam tài, mà kể tuổi thì mặt trời vừa đứng bóng, tôi còn thấy phu xe tâng anh bằng tiếng “cậu”.

Thưa ngài, tôi vẫn biết tôi là bạch đinh, trời không phú cho bộ ngực to với cái đầu có chẩm[2] ; tôi vẫn biết tôi còn “măng sữa”, tuổi nó chưa gắn cho bộ râu hầm, nét trán răn.

Nhưng tôi muốn làm Thượng thư. Tôi cứ muốn…

Cái điềm gở, muốn chết.

Thì từ ngày xướng lên việc lập hiến, trong sáu, bảy bộ Thượng thư hiện thấy thiếu người. Bác Thông Reo rành số tử vi đã cho biết bộ học thế nào cũng thuộc về họ Phạm. Còn họ Huỳnh có lẽ vì phản đối họ Phạm mà mất một bóp-phơi. Thế là còn nhiều “lập lách” bỏ trống. Tôi lấy cớ rằng cũng sinh trưởng ở nước Nam, cũng là công dân trong một nước có hiến pháp, thì hẳn cũng có quyền tiến lên làm cụ Thượng. Chớ sao !

Chẳng khó gì. Nhất là trong buổi này, làm quan lối tắt thường làm nên to, cũng như làm giàu lậu thuế, mới bốc chóng được tiền nghìn. Cái anh thày bói mặt rỗ như tổ ong bầu, đã trông thấy tướng “quan tắt” của tôi từ ngày còn để chỏm, đội nón dứa, lòng thòng cái dây xanh. Đến lớn, lại trông ra vô số ông quan, không từng như tôi ê a dưới ngọn roi mây, không từng như tôi lếch thếch bộ lều ống quyển. Tôi lại thấy tôi thi cử hai khoa, năm trượt trường nhất, năm ngã trường ba, thì tôi càng quyết lắm…, quyết sau này có vận to ở ngoài trường ốc (các cụ gọi là chính đạo).

Ngày nay đọc sách Lập hiến của cụ thượng hàng (…) cũ, tôi chẳng cần biết hiến pháp là gì, chủ quyền ở ai mà lối bảo lĩnh của hiến pháp ấy đối với dân thế nào, vì chừng ấy thứ tìm ra không thấy trong quyển bìa mùi. Tôi chỉ cần đăm đăm hai con mắt vào chỗ chia quyền có sáu bộ Thượng thư. Lúc đầu, người làm Thượng thư không cứ là người thật giỏi. Một điều mừng cho tôi. Điều mừng nữa là khi tòa Nội các chúng tôi không được tín nhiệm với dân, thì Viện ông Dân không có thể bỏ phiếu lần đầu mà lật đổ được. Nếu ông Dân hăng tiết thì chánh phủ Pháp đã có quyền giải tán. Thế là quyền Vua Quan một đầu, quyền chánh phủ Pháp một đầu, hai đầu ép cái quyền tí hon gọi là quyền Dân ở giữa.

Đấy, lúc đã chễm chệ làm cụ Thượng, tôi tha hồ (…) cũng tha hồ vũng vẫy. Thế gọi là quan bất tử. Tôi cứ muốn làm Thượng thư… Muốn lắm rồi.

Giấc mơ màng tôi đang tiến, bác Thông Reo rõ ác ! Bác tin cho biết ông Huỳnh Thúc Kháng bỏ mất cái bóp-phơi, vì đã phản đối phép ông Quỳnh. Sực nghĩ ra, tôi cũng vậy, cũng chẳng chịu nhận lối lập hiến của chủ nhiệm Nam phong.

Vậy chẳng một mình gì ông Huỳnh Thúc Kháng.

Bóp-phơi của tôi cũng mất. Thôi ! chẳng hòng nghe danh :

Cụ Thượng HOÀNG tên gọi TÍCH CHU

   




Chú thích

  1. Bài đăng trong mục "Chuyện đâu", chuyên mục hài đàm của báo Đông Tây, thường do Văn Tôi (một bút danh của Hoàng Tích Chu) viết
  2. Chẩm : phần xương lồi ra phía sau ót (H.T.Paulus Của) ; theo niềm tin dân gian, người nào ở đầu có chẩm là dấu hiệu thông minh tài giỏi xuất chúng