Cửu mỹ kỳ duyên/10

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cửu mỹ kỳ duyên của không rõ, do Phạm Quang Sán dịch
Hồi thứ mười
HỒI THỨ MƯỜI

Chúng anh-hùng hiệp lực cướp pháp-trường
Khổng Tiểu-thư âm-mưu tha Công-tử.

Lại nói chuyện khi Quì-Long đem thư đến Hán-Trung-phủ, vào ngục hỏi thăm, biết rằng đã giải Tô-Mỹ-Anh ra pháp-trường rồi, đợi đến giờ ngọ thời khai đao, Quỳ-Long giật mình kinh sợ, vội-vàng chạy ra pháp-trường, thấy quan quân đóng chặt tứ phía, dưới cột-cờ chói một vị nữ-nhân, nghĩ bụng rằng: « Chẳng có nhẽ chịu bó tay không cứu, âu là ta hãy vào hàng uống rượu cho hăng hái, rồi ra pháp-trường đánh tháo cho Tiểu-thư. » Bèn quay giở lại, bước lên tửu-lâu, gọi điếm-chủ đem rượu ra uống, vừa uống vừa ngẫm nghĩ rằng: « Quan quân đông như kiến mà ta chỉ có một mình, địch làm sao cho nổi, không biết dùng phương kế gì cho khỏi lỡ việc. » Khi rượu đã ngà-ngà, chợt thấy hai người cũng lên lầu uống rượu, một người đầu đội mũ lốt hổ, mình mặc áo thanh-bào, mắt ốc nhồi, râu quai nón, trong mình đeo đôi dùi đồng, tướng-mạo đường-đường; một người đầu đội mũ nhung-mạo, mình mặc áo bạch-bào, mắt xanh như chàm, tay cứng như sắt, trong lưng đeo đôi long đao, uy-phong lẫm-lẫm. Hai người ấy là ai? Tức là Thủy-Đồ-Long, Lý-Đức-Bảo, và Ba-Sơn-Hổ, Triệu-Mậu-Hùng. Nguyên hai người tự khi kết nghĩa với Hồ Công-tử vẫn ở Lão-Hổ-Sơn, sau nghe Công-tử cả nhà bị nạn, ngầm đi dò-la tin-tức, nhân đi qua Hán-Trung cũng lên lầu uống rượu, Quỳ-Long thấy hai người tướng-mạo phi thường, đứng dậy chào vái rồi mời ngồi chiếu trên, hai người đáp lễ, cũng ngồi uống rượu, chuyện-trò lân-la, hai bên cùng kể họ tên, hai người hỏi rằng:

« Đại-huynh qua đây có việc gì? »

Quỳ-Long nói:

« Nguyên Hồ Công-tử có một vị Phu-nhân là Tô-Mỹ-Anh, bị giam trong ngục mà Công-tử thời bị giam tại Kỳ-Sơn-huyện, Công-tử nhờ tiểu-đệ đưa thư cho Tô Tiểu-thư, khi đến nơi thời Tiểu-thư đã phải giải ra pháp-trường rồi, tiểu-đệ muốn cứu, nhưng sức không nổi, chưa biết nghĩ thế nào. »

Hai người nói:

« Anh em tôi trước cũng kết nghĩa với Hồ Công-tử, vậy thời anh em ta cùng ra cướp pháp-trường, rồi kéo thẳng ra Kỳ-Sơn, đánh tháo cho Công-tử một thể. »

Quỳ-Long mừng lắm, gọi quán-chủ lấy thêm rượu, đem ra ba hồ uống hết cả ba hồ, đem ra năm hồ uống hết cả năm hồ. Cuộc rượu đương vui, chợt nghe ngoài pháp-trường chuông chống vang giời, ba người vội-vàng đứng dậy, tự trên lầu nhẩy tót xuống đất, ù té chạy ra pháp-trường, thấy quân đao-thủ sắp sửa ra tay, ba người sấn vào, đạp tên đao-thủ một cái ngã quay xuống đất, liền cắt giây chói cho Tiểu-thư, Quỳ-Long cõng lên vai mà chạy, Lý-Đức-Bảo hai tay hai thanh long đao, đi trước dẫn đường; Triệu-Mậu-Hùng hai tay hai cái dùi đồng đi sau hộ-vệ, vừa chạy vừa chém vung tàn tán, đầu rụng như sung, người thời gẫy tay, người thời mất chân, còn người nào chạy thoát thời trốn cả vào thành. Khâu-công thấy vậy vừa mừng vừa lo, mừng rằng, con gái mình được sống sót; lo rằng, lại sinh việc tầy giời. Khi Quỳ-Long cướp được Khâu Tiểu-thư, thời Tiểu-thư chết ngất đi, ra khỏi vòng vây mới hoàn hồn, ba người cắm đầu mà chạy, kéo thẳng về Kỳ-Sơn-huyện, nghe tin Khổng Tiểu-thư đã tha cho Hồ Công-tử trốn rồi, bèn đem nhau về nhà Quỳ-Long, kể chuyện đầu đuôi một lượt, Quỳ-Mỹ-Hồng hỏi chuyện căn do, thời té ra Khâu-Mỹ-Dung thế mạng cho Tô Tiểu-thư, còn Tô Tiểu-thư thời vẫn ở với Khâu-công, các vị anh-hùng đều lấy làm kính phục. Từ bấy giờ Khâu Tiểu-thư ở với Quỳ-Mỹ-Hồng, hai người kết làm chị em, còn ba vị anh-hùng rủ nhau đi tìm Hồ Công-tử.

Lại nói đến quan huyện Kỳ-Sơn có người con gái mười sáu tuổi, dung nhan tuyệt thế, tên là Khổng-Mỹ-Bình, nhân lúc buổi hầu đứng sau bình-phong, nhác trông thấy tướng-mạo Hồ Công-tử, biết là người anh-hùng, từ bấy giờ thường thường đem lòng tư-tưởng. Một đêm giở thức giở ngủ, thấy Công-tử đeo ngọc-đái bước vào cửa, đến lúc mở mắt thời té ra một giấc chiêm-bao, nghĩ bụng rằng: « Dễ thường ta cùng người này có nhân-duyên hay sao? » Đương khi nghĩ-ngợi bồi-hồi, chợt thấy liễu-hoàn là Trần-Mỹ-Cúc bước lên lầu, bèn đem giấc mộng thuật lại một lượt, Mỹ-Cúc nói:

« Vừa rồi tôi cũng mộng thấy chàng ta, không biết nhân-duyên ra làm sao, chi bằng tối mai gọi chàng ta lên lầu, hỏi xem sự-tình thế nào rồi sẽ liệu. »

Tiểu-thư gật đầu khen phải. Mỹ-Cúc nói:

« Thôi cô-nương hãy đi nghỉ »

Tiểu-thư nói:

« Bụng ta bối-rối, nào có ngủ được! »

Mỹ-Cúc cười rằng:

« Nếu đem được Trương-Tùng lên lầu bồi tiếp cô-nương, thời ngủ hẳn được yên giấc! »

Tiểu-thư thẹn đỏ mặt lên mắng rằng:

« Con ranh này chỉ được nghề nói chêu ngươi. »

Tối hôm sau cả nhà ngủ yên cả, Mỹ-Cúc lẻn vào trong ngục, bảo ngục-tốt rằng:

« Trương-Tùng cùng Phu-nhân có tình thân, vậy Tướng-công cho đòi vào nhà trong tra xét. »

Ngục-tốt tưởng thật, giao Công-tử cho Mỹ-Cúc, Mỹ-Cúc dẫn đường đưa thẳng lên lầu, Tiểu-thư nghĩ thẹn, lấy áo che mặt, Mỹ-Cúc đặt ghế mời Công-tử ngồi, Công-tử ngẩn người ra, không biết là thế nào, Tiểu-thư đánh bạo nói rằng:

« Thiếp là con gái Khâu-công, thấy Công-tử tướng-mạo phi thường, sẵn lòng cứu giúp, vậy Công-tử nói rõ sự tình cho thiếp nghe. »

Công-tử nghe nói, biết rằng có ý với mình, bèn đem sự tình kể hết đầu đuôi một lượt, Tiểu-thư nghe nói, nước mắt ròng ròng, Mỹ-Cúc cũng ngậm-ngùi than thở.

Tiểu-thư giắt Mỹ-Cúc vào trong phòng mà bảo rằng:

« Ý ta muốn đính ước Châu-Trần với Hồ Công-tử, nhưng không nhẽ tự mình nói ra. »

Mỹ-Cúc nói:

« Để tôi xin thay quyền Nguyệt-lão. »

Nói đoạn bước ra bảo Công-tử rằng:

« Cô-nương tôi mời Công-tử lên đây, là có ý muốn kết duyên tơ-tóc, vậy tôi xin ở giữa se duyên. »

Tất-Tùng từ rằng:

« Tiểu-sinh đã có thê-thất rồi. »

Mỹ-Cúc nói:

« Tài giai lấy năm lấy bẩy, Công-tử không nên từ. »

Bèn thiết án cho hai người minh-thệ, Tiểu-thư sai lấy rượu đối chước, Mỹ-Cúc khóc rằng:

« Tôi hầu hạ cô-nương cũng mong trông cậy suốt đời, nay cô-nương chỉ biết phận mình mà không nghĩ đến tôi, thời tôi nhất-định không cho Công-tử đi trốn. »

Tiểu-thư cười rằng:

« Vậy thời Công-tử cho hắn làm như-phu-nhân, thiếp xin ở giữa tác hợp. »

Hai người lại làm lễ giao bái, rõ thật là: Hoa thơm vớ cả cụm, sông bao nhiêu nước cũng vừa. Bấy giờ đem rượu ra uống, tự tình đầm thắm, nhưng vẫn giữ gìn lễ nghĩa không bắt chước những thói giăng hoa. Đến canh tư, Tiểu-thư tặng cho Công-tử năm mươi lạng bạc làm tiền hành-lý, rồi mở cửa sau cho trốn ra ngoài.

Công-tử trốn thoát rồi, thầy trò Tiểu-thư lên thú thật với song-đường, vợ chồng Khổng-công nghe nói, ngẩn người ra một lúc. Khổng-công mắng rằng:

« Tuồng đĩ dại này, nó làm bại-hoại gia giáo. »

Liền nắm lấy Tiểu-thư mà đánh. Tiểu-thư khóc rằng:

« Nếu phụ-thân làm tội Hồ Công-tử, thời cũng là đảng gian-thần, đến lúc họ Hồ báo thù, chắc rằng tính-mệnh cả nhà không toàn được, huống chi hài-nhi kết duyên với Hồ Công-tử cũng không điếm nhục gì. »

Phu-nhân nghe nói có lẽ, khuyên giải Khổng-công tha cho thầy trò Tiểu-thư. Về sau có công-văn đem Trương-Tùng ra chính pháp, Khổng-công tìm cái thây người chết ban đêm, đem ra hành hình để che mắt thiên-hạ.