Lại nói về tam cang với ngũ luân

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Lại nói về tam cang với ngũ luân  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 89 (2.7.1931)

Vì một bài phản hồi trong An Nam tạp chí

Vào lúc Phụ nữ tân văn mới vừa tái sanh, chính ở số 83, tôi có viết một bài đề là Gia đình ở xứ ta, nay cũng đã thành ra vấn đề rồi. Trong đó, tôi có nói sơ qua cái thuyết tam cang của Hán nho, cho rằng cái chế độ gia đình xứ ta là do ở đó; mà cái thuyết ấy cốt chỉ để tôn quyền quân chủ, lợi cho việc cai trị mà thôi. Dựa theo thuyết tam cang ấy, nhà vua lập ra những điều luật thâu quyền về cho gia trưởng, mới thành ra cái chế độ gia đình quá hà khắc, như ta đã chịu.

Tam cang là cái mà xã hội ta bấy lâu phụng làm thần thánh, coi như khuôn vàng thước ngọc, là cái mà không ai dám nói động đến, cũng không ai nỡ nói động đến. Vậy mà nay tôi khống cáo nó, đổ lỗi cho nó, đến nỗi buộc nó vào tội như là thủ phạm gây ra sự áp chế tàn nhẫn trong gia đình, thì há chẳng làm cho có kẻ lắc đầu le lưỡi mà lấy làm quái lạ sao? hay là có kẻ nghiến răng dựng tóc mà vì nó tức giận sao? Vào thầy ra tớ[1], ấy là cái tâm lý phổ thông trong cõi học thuật tư tưởng xưa nay, tôi cũng đã liệu thấy trước rồi; có lẽ nào tôi chỉ nói tắt ngang có bấy nhiêu lời, không giãi bày rõ hơn, hầu cho kẻ lấy làm lạ đừng lấy làm lạ nữa, kẻ tức giận đừng tức giận nữa?

Vì nghĩ vậy, đến số 85, tôi có bài Cái chế độ gia đình nước ta đem gióng với luân lý của Khổng Mạnh. Bài nầy với bài trước, xem nơi đầu đề, thấy như không can liên nhau; nhưng xem đến trong bài, thì từ đầu chí cuối, toàn là cắt nghĩa một đoạn nói về tam cang trong bài trước.

Nay tôi có sự cần phải đem đại ý bài sau mà tóm tắt thuật ra đây, theo như kiểu đề cương (résumé) mà các trò trong nhà trường thường làm.

Bài nầy, một phần trên, tôi theo đúng lịch sử mà kể ra sự thay đổi của luân lý nhà nho là thế nào. Ban đầu, các đế vương đời xưa đề xướng cái thuyết ngũ luân, hoặc kêu là ngũ phẩm; rồi đến Khổng Mạnh mới càng chủ trương cái thuyết ấy cho vững chãi thêm, và phát huy cho rõ sáng thêm. Tôi lấy nhiều câu sách làm chứng cho cái thuyết ngũ luân là rất bình đẳng, bình đẳng về tinh thần, vì mỗi luân có hai bên, bên nào cũng phải làm hết bổn phận mới được. Nhứt là có một chỗ thánh hiền đã dụng tâm mà ta nên chú ý, là: trong hai bên của mỗi luân, không khi nào thánh hiền hạ một bên xuống, nâng một bên lên. Luân lý của nhà nho hồi đầu hết là như vậy đó. Mà như vậy mới phải, mới hiệp với thiên lý và nhân đạo.

Đến đời nhà Hán, bọn Hán nho vì muốn đền ơn trả thảo cho nhà vua, mới rứt ba cái trong ngũ luân ra mà lập thành thuyết tam cang. Thuyết tam cang thì rõ là vua áp chế tôi, cha áp chế con, chồng áp chế vợ, mà không còn cái tinh thần bình đẳng của ngũ luân nữa. Bởi vậy tôi mới dám nói tam cang là trái với cái bổn ý của Khổng Mạnh.

Thuyết tam cang lợi cho nhà vua, cho nên nhà vua nào cũng tôn sùng cái thuyết ấy, và thiên hạ cũng hóa theo. Từ đó trong luân lý nhà nho, tam cang lên thay cho ngũ luân mà cầm quyền thống trị.

Tam cang lợi cho nhà vua, là vì theo thuyết ấy thì kẻ làm cha làm chồng phải chịu trách nhậm về vợ con mình, chẳng khác nào hương chức ngày nay phải chịu trách nhiệm quản thúc những tù phạm được tha! Làm như vậy rất là vững vàng chắc chắn cho cuộc trị an của nhà vua, khỏe nhà vua lắm, cho nên tôi nói là có lợi.

Một phần dưới, xét về sau khi cái thuyết tam cang lên cầm quyền thay cho ngũ luân, thì cái tinh thần và hình thức của gia đình ta biến đổi ra thế nào.

Hồi trước, gia đình ta trọng về ân ái, mà khi chịu ảnh hưởng của tam cang rồi, thì ân ái hầu muốn tiêu diệt đi mà hiện ra cái vẻ oai nghiêm. ấy là vì theo thuyết tam cang thì pháp luật của nhà vua phải đổ trách nhiệm cho người gia trưởng; người gia trưởng vì tôn trọng pháp luật, cực chẳng đã phải dùng cường quyền, bắt vợ con vào khuôn vào nhịp, tự nhiên trong gia đình hiện ra cái vẻ oai nghiêm. Chỗ nầy tôi có dẫn vào hai câu tục ngữ: Gươm vua thì xa, gươm cha thì gần; Gái có chồng như gông vào cổ. Ai là người sẵn mối thương tâm, đọc đến đây chắc phải rưng rưng nước mắt, rồi buông lời trù ẻo rủa sả cái thuyết tam cang, vì nó đã đem gươm và gông mà phân ly cái tình cha con vợ chồng của chúng ta bấy lâu nay vậy.

Rồi tôi kể đến sự biến đổi về hình thức. Nguyên hồi trước, còn ở dưới quyền thống trị của ngũ luân, thì lúc người con đã thành nhân rồi, phải ở riêng khỏi cha mình, như kiểu tiểu gia đình của người Tây ngày nay. Nhưng từ khi cái thuyết tam cang cầm quyền, nếu còn theo lối tiểu gia đình đó thì khó mà thâu quyền vào tay gia trưởng được. Cho nên từ đó về sau, tuy pháp luật không bắt buộc, nhưng nhà vua xui cho dân đồng cư, từng tỏ ý ra trong những khi ban thưởng để mà khuyến khích.

Rốt bài, tôi chú trọng ở một cái ý rất nên chú trọng, tức là sự quan hệ với tư cách cá nhân. Theo ngũ luân thì cái tư cách ấy được kính trọng; còn theo tam cang thì cái tư cách ấy bị giày đạp. Tôi buộc tội cho Hán nho là kẻ đã đang chưn giày đạp cái tư cách ấy hai ngàn năm nay; và tôi quyết rằng như cái chế độ gia đình của ta bây giờ, là căn cứ ở Hán nho chớ không phải căn cứ ở luân lý Khổng Mạnh vậy.

*

* *

Bài trước của tôi đăng ở số 83, ra ngày 21 Mai; còn bài sau đăng ở số 85, ra ngày 4 Juin. Trong khoảng thời gian đó, vào tuần lễ đầu trong tháng Juin, An Nam tạp chí ở Bắc kỳ ra số 24 có một bài phản đối tôi, đăng vào đầu tập báo, đề là Thuyết tam cang có quả là gây nên cái quyền vô thượng trong gia đình và xã hội không? Tác giả bài ấy là Nguyễn Xuân Dương.

Xem bài của ông Dương đây thì biết trong khi ổng viết bài phản đối đó, chỉ mới xem bài trước của tôi mà thôi, chớ chưa thấy đến bài sau. Tôi không hiểu: nếu khi ông thấy bài sau của tôi rồi, thì ông có còn viết bài phản đối nầy không? (Muốn hiểu sự nầy cũng không khó, cứ đợi đây coi thử có không thì biết). Nhưng trong khi ông mới thấy một bài trước thì ông viết vậy là phải; đăng bài của ông là phải.

Quả tôi liệu trước thật không sai. Ông Dương dẫn một câu trong bài của tôi rồi nói một cách nửa giận nửa tủi, buộc tội cho tôi rằng: Thảm hại thay! lời nói ông Khôi thật là một lời nói làm hại cho nền danh giáo, cho nền đạo đức không biết bao! sai lạc hết cả cái tinh thần của nhà nho vậy!

Cái án ông Dương đã dựng cho tôi đó dầu oan tôi cho mấy tôi cũng không kêu; tôi cũng bắt chước một đôi kẻ kia không ký tên chống án làm gì. Vì tôi quyết rằng thế nào bữa nay ông Dương xem đến bài sau của tôi cũng phải vỗ bàn, chắt lưỡi, hối cái tội thất nhập[2] của mình hôm trước và xóa ngay bổn án vừa kết cho tôi đó vậy.

Tôi có đắc tội với danh giáo là việc gì kia; chớ còn trong việc nầy, tôi dám vỗ ngực mà khoe trước mặt các ông rằng chính tôi là người có công với danh giáo đây! Vì tôi đã vạch cái đám mây che khuất của Hán nho kia, hầu cho các ông trông thấy mặt trời chói lói của Khổng Mạnh!

Ở đây, xin độc giả cho phép tôi nói kèm vài câu, để bộc bạch lòng dạ của tôi và công việc tôi làm. Có người vẫn tưởng tôi có tánh hay lập dị và hay học đòi. Họ nói tôi vì đọc nhiều những sách Tàu đời nay, là sách hay phản đối đạo đức luân lý cũ, rồi bắt chước nói theo để cho mình ra khác với người đồng thời. Họ nói vậy mặc họ; chớ thật tình tôi không có thế đâu. Tôi là người tự do, nói lời gì hay là làm việc gì cũng theo sở kiến và lương tâm mình cả.

Về đạo đức luân lý, nếu theo phái Tân văn hóa của Tàu ngày nay thì họ đã đi con đường cực đoan mà đạp đổ cả Khổng Mạnh. Các ông đừng nghe vậy mà hoảng hốt lên, nổi nóng mà buông lời mắng chưởi họ, không nên. Cái gì cũng phải xem xét tới nơi tới chốn: những người Tàu nào chủ trương như vậy, họ phải có cái lý thuyết vững vàng của họ mà đã được một số đông học giả biểu đồng tình. Nhưng cái lý thuyết ấy có phải như là một phương thuốc bá chứng mà ai ai và đâu đâu cũng dùng được đâu. Đất Việt Nam nầy, người Việt Nam ta, phong thổ khác, tỳ vị khác, phải có thuốc khác. Vậy thì chúng ta ở ngày nay, muốn lập ngôn có bổ ích cho cuộc tấn hóa của tổ quốc, há nên nhắm mắt nói liều theo họ?

Về đạo đức luân lý ở nước ta, tôi không có khi nào chủ trương như những người Tàu đó; trái lại, tôi lại muốn lấy Khổng Mạnh làm thầy. Khổng Mạnh cũng còn có chỗ cho tôi phản đối, nhưng phản đối ở chỗ khác. Vì theo cái óc tôi, tôi tin rằng Khổng Mạnh chưa phải là bậc toàn tri toàn năng, tận thiện tận mỹ, đáng làm thầy cho muôn đời trong muôn việc đâu; mà khắp thế giới, suốt từ quá khứ, hiện tại đến vị lai, cũng không hề có người nào là bậc ấy.

Trong cái vòng đạo đức luân lý, tôi muốn lấy Khổng Mạnh làm thầy, mà đồng thời tôi cũng muốn phế truất Hán nho và Tống nho. Vì theo tôi thấy, trong đạo đức luân lý ta theo xưa nay, có phần nhiều là đồ giả của Hán nho Tống nho mà đề cái nhãn ở ngoài là của Khổng Mạnh. Không phải tôi nhắm mắt theo Khổng Mạnh hết thảy; nhưng xét ra cái đồ giả ấy xấu hơn đồ thiệt của Khổng Mạnh thì ta nên bỏ đi đừng dùng, dùng của Khổng Mạnh tốt hơn. Hôm nay tôi chỉ trích cái tam cang của Hán nho ra đây là một.

Vì bài phản đối của ông Dương, tôi phải viết thêm bài nầy, làm như lời kết luận của hai bài kia, cho cái nguyên ý càng được tỏ sáng; và tôi nói kèm vào một đoạn trên đây, cầu xin độc giả nhơn đó thấy chỗ lập ngôn của tôi là có ý thức, sự cách tân tư tưởng của tôi là có bả ác[3], có bộ phạt chỉnh tề[4], chớ không phải bạ đâu nói đó, học đòi cùng lập dị, như người ta đã tưởng về tôi.

Bài của ông Dương, lý sự hơi non nớt, có bài thứ hai của tôi rồi, thì cũng đủ đính chánh những chỗ sai lầm trong bài của ông. Bởi vậy tôi bỏ qua đi mà không đem ra biện luận làm chi. Duy có chỗ ông giải nghĩa tam cang càng sai lầm hơn nữa, tôi phải trích ra đây mà bác đi mới được.

Ông vẫn cắt nghĩa chữ cang là giềng lưới. Song sau lại, ông lại cho là cái giây liên lạc. Ông nói rằng: Quân vi thần cang, phụ vi tử cang, phu vi thê cang, nghĩa là: Vua là cái giây liên lạc với tôi, cha là cái giây liên lạc với con, chồng là cái giây liên lạc với vợ. Ông nói vậy rồi ông lại tấm tắc khen nó nữa. Cách đoạn ấy không xa, ông nói rằng: Cái thuyết tam cang như thế rất là bình đẳng.

Tôi xin hỏi: Đã hiểu cang là cái giềng lưới, là cái ôm lấy những mắt lưới, hễ nó giương ra thì mắt lưới giương theo, nó xép lại thì mắt lưới xép theo, thế thì biết nó là gì rồi, sao còn cắt nghĩa được là cái giây liên lạc? Nếu là cái giây liên lạc, thì nói được vua là cái giây liên lạc với tôi, há không nói được tôi là cái giây liên lạc với vua hay sao? nói được cha là cái giây liên lạc với con, há không nói được con là cái giây liên lạc với cha hay sao? … Mà nếu nói được như cách sau đó thì lại đảo ngược lại, thành ra Thần vi quân cang, tử vi phụ cang, cũng được sao? Cho nên ông dùng chữ cái giây liên lạc để giải ý chữ cang, thật là khó mà trôi được vậy. Ông Dương cắt nghĩa quàng xiên như vậy rồi khen là bình đẳng thì cũng phải!

Trong bài của ông có một chữ, tôi đọc tới mà ngạc nhiên, chẳng biết cái sức Hán học của ông đến chừng nào mà có sự lỗi lầm thái quá thế nầy. ấy là chỗ dẫn lời Thoán trong quẻ Gia nhân kinh Dịch mà ông nói là lời Triện.

Trong kinh Dịch có Thoán từ và Thoán truyện. Thoán từ của Văn Vương, để luận cái nghĩa của một quẻ; còn Thoán truyện của Khổng Tử, để giải nghĩa Thoán từ. Mà vì chữ Thoán (彖) hơi giống với chữ Triện (篆?), nên ông lầm ra chữ Triện. Cái lầm ấy, theo hồi còn học chữ Hán phải nói là gì, chớ không nói là lầm được!

Về sau xin ông phải chú ý cho lắm trong khi viết văn, đừng để cho có cái lầm như vầy. Bài phản đối của ông dầu là hay mấy đi nữa, mà bị một chữ ấy, kẻ bị ông phản đối, nếu là tay thâm hiểm, họ sẽ bắt lấy một chữ đó rồi nói ông học chưa thuộc mặt chữ, không thèm biện luận với ông, có phải là mình chịu lép không? Cái cách ấy tôi thường thấy trong nhiều trận bút chiến. Nhưng tôi không có vậy đâu, tôi chỉ chỉ ra cho ông và luôn thể cho ông Chủ sự An Nam tạp chí thấy mà thôi.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Hàn Dũ nói: Nhập giả chủ chi; xuất giả nô chi. Đây tôi dịch tắt là Vào thầy ra tớ. Theo ý họ Hàn, bất kỳ học thuật, tư tưởng hay tông giáo nào, ai vào trong ấy, nghĩa là tin theo, thì coi như là thầy (chủ nhà); còn ai ra ngoài, không tin theo, thì coi như tớ. Đại ý nói : ai tin cái thuyết nào thì tôn cái thuyết ấy làm chủ và mạt sát các cái khác (nguyên chú của Phan Khôi)
  2. "Thất nhập" - một danh từ về pháp luật, nghĩa là buộc tội ai mà không nhằm; đối với "thuất xuất" là nhè tha kẻ có tội (nguyên chú của Phan Khôi)
  3. Có bả ác nghĩa là có chỗ cầm chỗ nắm (nguyên chú của Phan Khôi)
  4. Bộ phạt chỉnh tề, nói về sự tập lính, bước đi và đâm đánh có phép tắc, ví với làm việc gì theo trình độ trật tự, không hớp tớp (nguyên chú của Phan Khôi)