Luật Hợp tác xã nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2023/Chương V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Hợp tác xã nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2023
Chương V. TỔ CHỨC QUẢN TRỊ CỦA HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ

Chương V
TỔ CHỨC QUẢN TRỊ CỦA HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ

Mục 1
TỔ CHỨC QUẢN TRỊ VÀ ĐẠI HỘI THÀNH VIÊN

Điều 56. Tổ chức quản trị

1. Tổ chức quản trị của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm hai loại:

a) Tổ chức quản trị đầy đủ bao gồm Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc (Tổng giám đốc);

b) Tổ chức quản trị rút gọn bao gồm Đại hội thành viên, Giám đốc, kiểm soát viên.

2. Hợp tác xã quy mô nhỏ, vừa, lớn, liên hiệp hợp tác xã từ 10 thành viên trở lên phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ.

3. Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ, liên hiệp hợp tác xã dưới 10 thành viên có thể tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ hoặc tổ chức quản trị rút gọn.

4. Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn phát triển thành hợp tác xã quy mô nhỏ, vừa, lớn, liên hiệp hợp tác xã từ 10 thành viên trở lên thì Đại hội thành viên gần nhất phải quyết định việc chuyển sang tổ chức quản trị đầy đủ.

Điều 57. Đại hội thành viên

1. Đại hội thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đại hội thành viên họp thường niên mỗi năm một lần và có thể họp bất thường. Trường hợp tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn, Đại hội thành viên họp định kỳ theo quy định của Điều lệ nhưng ít nhất 03 tháng một lần và có thể họp bất thường.

2. Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu. Đại hội toàn thể bao gồm các thành viên chính thức tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên. Đại hội đại biểu bao gồm các đại biểu đại diện cho các thành viên chính thức tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tổng số thành viên chính thức từ 50 thành viên trở lên có thể tổ chức đại hội đại biểu.

Cuộc họp Đại hội thành viên có thể mời thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn tham dự.

3. Cuộc họp Đại hội thành viên có thể được tổ chức bằng hình thức họp trực tiếp, họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và họp trực tuyến.

4. Cuộc họp Đại hội thành viên phải được ghi biên bản, có thể ghi âm, ghi hình để cung cấp cho các thành viên nếu có yêu cầu. Biên bản họp phải có chữ ký của chủ tọa và thư ký. Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký thì biên bản họp có hiệu lực nếu được trên 50% thành viên tham dự đồng ý ký; biên bản ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký. Người ký tên trong biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của biên bản họp.

Điều 58. Đại biểu tham dự đại hội đại biểu

1. Tiêu chuẩn đại biểu và trình tự, thủ tục bầu đại biểu tham dự đại hội đại biểu do Điều lệ quy định.

2. Số lượng đại biểu tham dự đại hội đại biểu do Điều lệ quy định nhưng phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

a) Không được ít hơn 50% tổng số thành viên chính thức đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tổng số thành viên chính thức từ trên 50 đến 100 thành viên;

b) Không được ít hơn 30% tổng số thành viên chính thức đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tổng số thành viên chính thức từ trên 100 đến 300 thành viên;

c) Không được ít hơn 20% tổng số thành viên chính thức đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tổng số thành viên chính thức từ trên 300 đến 1.000 thành viên;

d) Không được ít hơn 200 đại biểu đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tổng số thành viên chính thức trên 1.000 thành viên.

3. Đại biểu tham dự đại hội đại biểu phải thể hiện được ý kiến, nguyện vọng và có trách nhiệm thông tin về kết quả đại hội cho tất cả thành viên mà mình đại diện.

Điều 59. Triệu tập Đại hội thành viên

1. Hội đồng quản trị đối với tổ chức quản trị đầy đủ hoặc Giám đốc đối với tổ chức quản trị rút gọn triệu tập Đại hội thành viên thường niên trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

2. Trường hợp tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ, Đại hội thành viên bất thường được triệu tập trong trường hợp sau đây:

a) Hội đồng quản trị triệu tập để giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền;

b) Hội đồng quản trị triệu tập theo đề nghị của Ban kiểm soát hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên chính thức;

c) Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập trong trường hợp không tổ chức được cuộc họp định kỳ của Hội đồng quản trị sau 02 lần triệu tập.

3. Trường hợp tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn, Giám đốc triệu tập Đại hội thành viên bất thường trong trường hợp sau đây:

a) Giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền;

b) Theo đề nghị của kiểm soát viên hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên chính thức.

4. Việc triệu tập Đại hội thành viên bất thường đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên chính thức, Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc phải triệu tập Đại hội thành viên bất thường;

b) Trường hợp quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên chính thức mà Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc không triệu tập Đại hội thành viên bất thường hoặc quá 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính mà Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc không triệu tập Đại hội thành viên thường niên thì Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên có quyền triệu tập Đại hội thành viên bất thường;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên có quyền triệu tập mà không triệu tập Đại hội thành viên bất thường theo quy định tại điểm b khoản này thì thành viên đại diện cho ít nhất một phần ba tổng số thành viên chính thức có quyền triệu tập Đại hội thành viên. Việc cử thành viên đại diện phải được lập thành biên bản và có đầy đủ chữ ký của tất cả thành viên đề nghị triệu tập Đại hội thành viên.

5. Trường hợp Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc không triệu tập họp Đại hội thành viên theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 4 Điều này thì Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

Trường hợp Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên không triệu tập họp Đại hội thành viên theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

6. Đại hội thành viên do người triệu tập chủ trì, trừ trường hợp Đại hội thành viên quyết định bầu thành viên khác chủ trì.

7. Đại hội thành viên được tiến hành khi có ít nhất 50% tổng số thành viên chính thức hoặc đại biểu được triệu tập tham dự; trường hợp không đủ số lượng thành viên thì phải hoãn họp Đại hội thành viên.

Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Cuộc họp Đại hội thành viên lần thứ hai được tiến hành khi có ít nhất 33% tổng số thành viên chính thức hoặc đại biểu được triệu tập tham dự.

Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành thì triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Trong trường hợp này, cuộc họp Đại hội thành viên được tiến hành không phụ thuộc vào số thành viên tham dự.

Điều 60. Chuẩn bị Đại hội thành viên

1. Người triệu tập Đại hội thành viên phải lập danh sách thành viên, đại biểu có quyền dự họp; chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu và dự thảo nghị quyết; thông báo triệu tập gửi đến từng thành viên ít nhất 03 ngày trước ngày Đại hội thành viên khai mạc. Nội dung thông báo triệu tập phải xác định rõ thời gian, địavđiểm, hình thức và chương trình họp. Thông báo triệu tập được gửi bằng bản giấy,vbản điện tử hoặc phương thức khác do Điều lệ quy định.

2. Nội dung chương trình đại hội có thể thay đổi khi có ít nhất một phần ba tổng số thành viên chính thức kiến nghị bằng văn bản điều chỉnh về cùng một nội dung. Nội dung kiến nghị phải được gửi đến người triệu tập họp chậm nhất 02 ngày trước ngày Đại hội thành viên khai mạc nếu Điều lệ không có quy định khác. Kiến nghị phải ghi rõ tên thành viên chính thức và nội dung kiến nghị.

3. Người triệu tập Đại hội thành viên chỉ có quyền từ chối kiến nghị quy định tại khoản 2 Điều này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Kiến nghị được gửi đến không đúng thời hạn;

b) Kiến nghị không phù hợp với nội dung được đề nghị xem xét tại Đại hội thành viên;

c) Nội dung kiến nghị không thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội thành viên;

d) Trường hợp khác theo quy định của Điều lệ.

4. Trường hợp từ chối kiến nghị, người triệu tập phải báo cáo Đại hội thành viên trước khi quyết định chương trình Đại hội thành viên.

Các kiến nghị được chấp thuận phải được đưa vào chương trình dự kiến. Chương trình Đại hội thành viên phải được Đại hội thành viên biểu quyết thông qua.

Điều 61. Tham dự và biểu quyết trong Đại hội thành viên

1. Thành viên, đại biểu được xác định là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên trong trường hợp sau đây:

a) Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;

b) Tham dự và biểu quyết bằng hình thức trực tuyến;

c) Đã ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp.

2. Các nội dung sau đây được Đại hội thành viên thông qua khi có ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết tán thành của thành viên, đại biểu tham dự và biểu quyết theo quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ;

b) Quyết định việc đầu tư hoặc bán tài sản chung được chia có giá trị bằng hoặc lớn hơn 20% tổng giá trị tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất; quyết định việc đầu tư hoặc bán tài sản chung không chia;

c) Thay đổi tổ chức quản trị của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

d) Tổ chức lại, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

3. Các nội dung không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này được thông qua khi có trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành của thành viên, đại biểu tham dự và biểu quyết theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Đối với Đại hội thành viên của hợp tác xã, mỗi thành viên chính thức tham dự đại hội toàn thể có một phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào phần vốn góp hay chức vụ thành viên. Mỗi đại biểu tham dự đại hội đại biểu có số phiếu biểu quyết bằng số lượng thành viên ủy quyền.

5. Đối với Đại hội thành viên của liên hiệp hợp tác xã, mỗi thành viên chính thức hoặc đại biểu thành viên chính thức tham dự có số lượng phiếu biểu quyết ngang nhau hoặc khác nhau tương ứng theo số lượng thành viên chính thức của các hợp tác xã thành viên do Điều lệ của liên hiệp hợp tác xã quy định.

6. Phiếu biểu quyết và biên bản kiểm phiếu tại Đại hội thành viên phải được lưu trữ.

Điều 62. Điều kiện trở thành thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán

1. Thành viên Hội đồng quản trị của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là thành viên chính thức hoặc là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của tổ chức là thành viên chính thức;

b) Không đồng thời là thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Không được là người có quan hệ gia đình với thành viên khác của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

2. Giám đốc (Tổng giám đốc) của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là thành viên chính thức hoặc là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của tổ chức là thành viên chính thức. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ có thể thuê Giám đốc (Tổng giám đốc) theo quyết định của Đại hội thành viên.

b) Không đồng thời là thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Không được là người có quan hệ gia đình với thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

3. Thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là thành viên chính thức hoặc là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của tổ chức là thành viên chính thức;

b) Không đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Không được là người có quan hệ gia đình với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên khác của Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

4. Những người sau đây không được là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên:

a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

b) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

5. Kế toán trưởng, người làm kế toán phải có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

Điều 63. Miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người giữ các chức danh trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc chấm dứt hợp đồng lao động nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 62 của Luật này;

b) Có đơn từ chức và được chấp thuận;

c) Bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

d) Tổ chức mà Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên là người đại diện bị mất tư cách pháp nhân hoặc bị chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;

đ) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ và hợp đồng lao động.

2. Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên sau khi bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc chấm dứt hợp đồng lao động phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình trong thời gian đảm nhiệm chức vụ.

Mục 2
TỔ CHỨC QUẢN TRỊ ĐẦY ĐỦ

Điều 64. Thẩm quyền của Đại hội thành viên theo tổ chức quản trị đầy đủ

1. Thông qua định hướng phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát; báo cáo tài chính hằng năm; phương án sản xuất, kinh doanh.

2. Thông qua phương án phân phối thu nhập và xử lý khoản lỗ, khoản nợ; tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia và quỹ khác; phương án thù lao, tiền lương, tiền công, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác cho thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên Ban kiểm soát, người giữ chức danh quản lý, chuyên môn khác và người lao động.

3. Thông qua việc đầu tư hoặc bán tài sản chung được chia có giá trị bằng hoặc lớn hơn 20% tổng giá trị tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất; việc đầu tư hoặc bán tài sản chung không chia.

4. Thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, liên danh, liên kết; tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác, tổ chức đại diện.

5. Thông qua việc tăng, giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu; việc huy động vốn; việc trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp; kết quả định giá tài sản và tài sản chung không chia; quy chế quản lý, sử dụng tài sản và quỹ.

6. Thông qua tổ chức quản trị; quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; quyết định số lượng thành viên Hội đồng quản trị, số lượng thành viên Ban kiểm soát, số lượng người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc tổ chức lại, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

7. Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát; người đại diện theo pháp luật. Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Thông qua chủ trương Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc thuê Giám đốc (Tổng giám đốc).

8. Quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập.

9. Thẩm quyền khác do Đại hội thành viên quyết định nhưng không trái với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 65. Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị và thành viên khác của Hội đồng quản trị do Hội nghị thành lập hoặc Đại hội thành viên bầu trong số thành viên chính thức. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị do Điều lệ quy định nhưng tối thiểu là 03 người, tối đa là 15 người. Tổng số lượng thành viên tham gia Hội đồng quản trị là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài chiếm dưới 35% tổng số lượng thành viên Hội đồng quản trị.

2. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị do Điều lệ quy định nhưng tối đa là 05 năm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị theo nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị. Thành viên Hội đồng quản trị có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Việc bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị được thực hiện bằng phiếu kín.

3. Hội đồng quản trị hợp tác xã họp định kỳ theo quy định của Điều lệ nhưng ít nhất 03 tháng một lần. Hội đồng quản trị liên hiệp hợp tác xã họp định kỳ theo quy định của Điều lệ nhưng ít nhất 06 tháng một lần.

4. Hội đồng quản trị họp bất thường khi có yêu cầu của một trong các chủ thể sau đây:

a) Chủ tịch Hội đồng quản trị;

b) Giám đốc (Tổng giám đốc);

c) Trưởng Ban kiểm soát;

d) Ít nhất một phần ba tổng số thành viên Hội đồng quản trị.

5. Cuộc họp Hội đồng quản trị được thực hiện như sau:

a) Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng quản trị tham dự. Quyết định của Hội đồng quản trị được thông qua theo nguyên tắc đa số, mỗi thành viên có một phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau. Trường hợp có số phiếu ngang nhau thì nội dung có phiếu tán thành của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được Chủ tịch Hội đồng quản trị ủy quyền chủ trì cuộc họp là nội dung được thông qua;

b) Trường hợp triệu tập họp Hội đồng quản trị theo định kỳ nhưng không đủ số thành viên tham dự, Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị lần thứ hai trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự định cuộc họp lần đầu. Trường hợp này, cuộc họp được tiến hành nếu có trên 50% số thành viên Hội đồng quản trị dự họp;

c) Trường hợp triệu tập họp Hội đồng quản trị lần thứ hai mà vẫn không đủ số thành viên tham dự, Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội thành viên bất thường trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Chủ tịch Hội đồng quản trị báo cáo Đại hội thành viên bất thường để xem xét tư cách của thành viên Hội đồng quản trị không tham dự hai cuộc họp trước và đề xuất biện pháp xử lý;

d) Cuộc họp Hội đồng quản trị phải được ghi biên bản, có thể ghi âm, ghi hình để cung cấp cho các thành viên nếu có yêu cầu. Biên bản họp phải có chữ ký của chủ tọa và thư ký. Thành viên Hội đồng quản trị có quyền bảo lưu ý kiến và được ghi vào biên bản họp. Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký thì biên bản họp có hiệu lực nếu được trên 50% thành viên tham dự đồng ý ký; biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký. Người ký tên trong biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của biên bản họp.

6. Trường hợp nội dung do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết Đại hội thành viên, Điều lệ gây thiệt hại cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì các thành viên tán thành nội dung đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân và phải bồi thường thiệt hại cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật; thành viên phản đối được miễn trừ trách nhiệm và có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nội dung này.

Điều 66. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị

1. Trình Đại hội thành viên xem xét, thông qua các nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên theo quy định tại Điều 64 của Luật này.

2. Quyết định tổ chức các bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Điều lệ. Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện.

3. Tổ chức thực hiện nghị quyết của Đại hội thành viên. Báo cáo Đại hội thành viên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

4. Chuyển nhượng, thanh lý, xử lý tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo thẩm quyền. Quyết định đầu tư hoặc bán tài sản chung được chia có giá trị dưới 20% tổng giá trị tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất.

5. Phối hợp với chủ sở hữu, người góp vốn để định giá hoặc thuê tổ chức thẩm định giá định giá tài sản của cá nhân, tổ chức trong quá trình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

6. Quản lý, kết nạp hoặc chấm dứt tư cách thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn. Báo cáo với Đại hội thành viên gần nhất về công tác phát triển thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

7. Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị theo quy định của Điều lệ (nếu có).

8. Bổ nhiệm; miễn nhiệm; cách chức; ký kết hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; giám sát và đánh giá kết quả làm việc Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng giám đốc) và người giữ chức danh quản lý khác.

9. Quyết định khen thưởng, kỷ luật thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn, người lao động; khen thưởng cá nhân, tổ chức khác có đóng góp nổi bật trong việc xây dựng, phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

10. Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

Điều 67. Chủ tịch Hội đồng quản trị

1. Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội nghị thành lập hoặc Đại hội thành viên bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm trong số thành viên chính thức hoặc Hội đồng quản trị bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm trong số thành viên Hội đồng quản trị. Việc bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị được thực hiện bằng phiếu kín.

2. Chủ tịch Hội đồng quản trị có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chịu trách nhiệm trước Đại hội thành viên và Hội đồng quản trị về nhiệm vụ được giao;

b) Ký Điều lệ và nghị quyết thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các văn bản của Hội nghị thành lập, Đại hội thành viên; ký văn bản của Hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và Điều lệ;

c) Quyết định chương trình, kế hoạch và phân công nhiệm vụ thành viên Hội đồng quản trị;

d) Chuẩn bị nội dung, chương trình, triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng quản trị, Đại hội thành viên, trừ trường hợp Luật này hoặc Điều lệ có quy định khác;

đ) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

3. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ thì phải ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên khác thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo quy định tại Điều lệ. Trường hợp không có người được ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị đã chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì việc bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị được thực hiện như sau:

a) Hội đồng quản trị bầu một người trong số các thành viên còn lại làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cho đến khi Đại hội thành viên gần nhất bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị;

b) Hội đồng quản trị bầu một người trong số các thành viên còn lại làm Chủ tịch Hội đồng quản trị trong trường hợp Hội đồng quản trị được Đại hội thành viên ủy quyền bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị.

4. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc (Tổng giám đốc) thì thực hiện thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc (Tổng giám đốc) quy định tại khoản 4 Điều 68 của Luật này.

Điều 68. Giám đốc (Tổng giám đốc) theo tổ chức quản trị đầy đủ

1. Giám đốc (Tổng giám đốc) là người điều hành hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Nhiệm kỳ của Giám đốc (Tổng giám đốc) do Điều lệ quy định nhưng tối đa là 05 năm. Giám đốc (Tổng giám đốc) có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

3. Trường hợp Giám đốc (Tổng giám đốc) được thuê, không là thành viên chính thức thì được tham gia cuộc họp Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị nhưng không có quyền biểu quyết. Nhiệm kỳ của Giám đốc (Tổng giám đốc) thực hiện theo quy định của hợp đồng lao động.

4. Giám đốc (Tổng giám đốc) có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Trình Hội đồng quản trị các nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;

b) Thực hiện các nghị quyết của Hội nghị thành lập, Đại hội thành viên, nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị; ký kết hợp đồng nhân danh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo thẩm quyền;

c) Tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh; quyết định địa điểm kinh doanh;

d) Chịu trách nhiệm trong hoạt động mua chung, bán chung sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

đ) Quản lý, kết nạp hoặc chấm dứt tư cách thành viên liên kết không góp vốn và báo cáo Hội đồng quản trị; tuyển dụng lao động; quyết định khen thưởng, kỷ luật thành viên liên kết không góp vốn, người lao động;

e) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

Điều 69. Ban kiểm soát theo tổ chức quản trị đầy đủ

1. Ban kiểm soát có từ 01 đến 07 thành viên bao gồm Trưởng Ban kiểm soát và kiểm soát viên do Đại hội thành viên bầu trong số thành viên chính thức, chịu trách nhiệm trước Đại hội thành viên. Nhiệm kỳ Ban kiểm soát tối đa là 05 năm. Nhiệm kỳ của thành viên Ban kiểm soát theo nhiệm kỳ của Ban kiểm soát. Thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 thành viên thì thành viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát. Việc bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát được thực hiện bằng phiếu kín.

2. Ban kiểm soát hoạt động độc lập, kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

3. Ban kiểm soát có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, chấp hành Điều lệ, nghị quyết của Đại hội thành viên, nghị quyết của Hội đồng quản trị và quy chế của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

b) Giám sát hoạt động của Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên theo quy định của pháp luật, Điều lệ, nghị quyết của Đại hội thành viên và quy chế của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Kiểm tra hoạt động tài chính, việc chấp hành chế độ kế toán, phân phối thu nhập, xử lý khoản lỗ, sử dụng quỹ, tài sản, vốn vay của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và khoản hỗ trợ của Nhà nước;

d) Thẩm định báo cáo tài chính hằng năm trước khi trình Đại hội thành viên; tổ chức việc kiểm toán nội bộ khi cần thiết; rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

đ) Yêu cầu cung cấp tài liệu, sổ sách, chứng từ và thông tin cần thiết để phục vụ công tác rà soát, kiểm tra, giám sát và không được sử dụng vào mục đích khác;

e) Thông báo cho Hội đồng quản trị và báo cáo trước Đại hội thành viên về kết quả kiểm soát; kiến nghị Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) khắc phục những yếu kém, vi phạm trong hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; trình Đại hội thành viên xem xét thông qua báo cáo hoạt động của Ban kiểm soát;

g) Tiếp nhận kiến nghị liên quan đến hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Hội đồng quản trị, Đại hội thành viên giải quyết theo thẩm quyền;

h) Trưởng Ban kiểm soát, kiểm soát viên được tham dự nhưng không được quyền biểu quyết tại cuộc họp của Hội đồng quản trị;

i) Chuẩn bị chương trình và triệu tập Đại hội thành viên bất thường;

k) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

Mục 3
TỔ CHỨC QUẢN TRỊ RÚT GỌN

Điều 70. Thẩm quyền của Đại hội thành viên theo tổ chức quản trị rút gọn

1. Thông qua định hướng phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; báo cáo hoạt động của Giám đốc và kiểm soát viên; báo cáo tài chính hằng năm; phương án sản xuất, kinh doanh.

2. Thông qua phương án phân phối thu nhập và xử lý khoản lỗ, khoản nợ; tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia và quỹ khác; phương án thù lao, tiền lương, tiền công, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác cho Giám đốc, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý, chuyên môn khác và người lao động.

3. Thông qua việc đầu tư hoặc bán tài sản chung được chia có giá trị bằng hoặc lớn hơn 20% tổng giá trị tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất; việc đầu tư hoặc bán tài sản chung không chia.

4. Thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, liên danh, liên kết; tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác, tổ chức đại diện.

5. Thông qua việc tăng, giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu; việc huy động vốn; việc trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp; định giá hoặc thông qua kết quả định giá tài sản và tài sản chung không chia; quy chế quản lý, sử dụng tài sản và quỹ.

6. Thông qua tổ chức quản trị, quy chế quản trị nội bộ; phương án tổ chức bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc tổ chức lại, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

7. Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, kiểm soát viên; quyết định số lượng, bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm người đại diện theo pháp luật.

8. Quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; khen thưởng, kỷ luật thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn.

9. Thông qua việc kết nạp hoặc chấm dứt tư cách thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn theo quy định của Điều lệ.

10. Thẩm quyền khác do Đại hội thành viên quyết định nhưng không trái với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 71. Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn

1. Giám đốc là người điều hành hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Đại hội thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Nhiệm kỳ của Giám đốc do Điều lệ quy định nhưng tối đa là 05 năm. Giám đốc có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Việc bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc được thực hiện bằng phiếu kín.

3. Giám đốc có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Trình Đại hội thành viên các nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên;

b) Ký Điều lệ, nghị quyết thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các văn bản của Đại hội thành viên;

c) Thực hiện các nghị quyết của Đại hội thành viên, quyết định các vấn đề liên quan đến công việc hằng ngày của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà không thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên; ký kết hợp đồng nhân danh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong trường hợp là người đại diện theo pháp luật do Điều lệ hoặc pháp luật quy định;

d) Tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh; quyết định địa điểm kinh doanh; báo cáo Đại hội thành viên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; công tác phát triển thành viên;

đ) Chịu trách nhiệm trong hoạt động mua chung, bán chung sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

e) Quyết định việc chuyển nhượng, thanh lý, xử lý tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo thẩm quyền do Đại hội thành viên giao; quyết định đầu tư hoặc bán tài sản chung được chia có giá trị dưới 20% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

g) Quản lý thành viên, thông báo nghị quyết, quyết định của Đại hội thành viên tới các thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn; kết nạp, chấm dứt tư cách thành viên liên kết không góp vốn theo quy định của Luật này, Điều lệ và báo cáo với Đại hội thành viên gần nhất; tuyển dụng lao động; đánh giá kết quả làm việc của Phó Giám đốc (nếu có);

h) Quyết định khen thưởng, kỷ luật thành viên liên kết không góp vốn, người lao động; khen thưởng cá nhân, tổ chức khác có đóng góp nổi bật trong việc xây dựng, phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

i) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

Điều 72. Kiểm soát viên theo tổ chức quản trị rút gọn

1. Kiểm soát viên kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ. Kiểm soát viên hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước Đại hội thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Nhiệm kỳ của kiểm soát viên do Điều lệ quy định nhưng tối đa là 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Việc bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm kiểm soát viên được thực hiện bằng phiếu kín.

3. Kiểm soát viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, chấp hành Điều lệ, nghị quyết của Đại hội thành viên và quy chế của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

b) Giám sát hoạt động của Giám đốc, thành viên theo quy định của pháp luật, Điều lệ, nghị quyết của Đại hội thành viên, các quy chế của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Kiểm tra hoạt động tài chính, việc chấp hành chế độ kế toán, phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, sử dụng các quỹ, tài sản, vốn vay của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các khoản hỗ trợ của Nhà nước;

d) Thẩm định báo cáo tài chính hằng năm trước khi trình Đại hội thành viên; tổ chức việc kiểm toán nội bộ khi cần thiết;

đ) Yêu cầu cung cấp tài liệu, sổ sách, chứng từ và những thông tin cần thiết để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát nhưng không được sử dụng các tài liệu, thông tin đó vào mục đích khác;

e) Báo cáo trước Đại hội thành viên về kết quả kiểm soát; kiến nghị Giám đốc khắc phục những yếu kém, vi phạm trong hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

g) Tiếp nhận kiến nghị, giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Giám đốc, Đại hội thành viên giải quyết theo thẩm quyền;

h) Chuẩn bị chương trình và triệu tập Đại hội thành viên bất thường;

i) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.