Trả lời ông Chu Quế Long lần chót

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trả lời ông Chu Quế Long lần chót  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6382 (4.3.1931) và số 6383 (5.3.1931)

I

Nhắc lại trước kia tôi có viết một bài trong Trung lập trả lời cho một vị độc giả hỏi về vận văn. Sau đó thấy báo Phổ thông ở Hà Nội có đăng mấy bài phản đối, người viết ký tên là Chu Quế Long. Thấy bài phản đối ấy viết rành rẽ và hiệp phép biện luận nên tôi có trả lời hai bài ở tờ báo nầy vào tháng Décembre 1930.

Trong bài trả lời của tôi nói phân minh lắm, tôi tưởng như thế là đủ tỏ ra sự xác tín (conviction) của tôi và sự xác tín ấy là hữu lý, bên phản đối không cần phải cải lại. Vì bên phản đối cải lại, đừng nói vô lý làm chi, dầu hữu lý như tôi, thì lại cũng thành ra một cuộc tranh biện không bao giờ rồi, có làm chi ? Chi bằng để tôi nói trắng bên ấy nói đen, treo một cái huyền án chưa giải quyết như những cái thuyết trong triết học phản nhau đại khái như duy vật và duy tâm cũng được !

Chẳng ngờ ông Chu Quế Long lại biện bác lần nữa. Lần nầy ông viết gấp hai gấp ba lần trước, đăng trên tờ Phổ thông đến 5 – 6 số chi đó (từ số 167 đến số 172, vậy là 6 số, song tôi mất đi một số 171, không biết trong số ấy có bài của ông Chu không, nên tôi nói phân hai như vậy. Mất mà không thể biết được, là tại cách đăng bài của báo Phổ thông không được rành ; những bài tiếp theo chỉ ghi hai chữ “tiếp theo” mà thôi chớ không đánh số riêng từng bài, nên nếu mất một số thì không thể biết được).

Nhưng bài trả lời lần nầy của ông Chu tuy là dài mà không có lý sự chi cho lắm ; vả lại những cái lẽ ông dùng mà bẻ tôi lại rất mong manh. Cho nên tôi phải nói thiệt với ông rằng lần nầy tôi trả lời không được dõng dược như lần trước. Tôi lại còn xin thưa trước rằng tôi chỉ đáp biện lần nầy nữa mà thôi, dầu sau nầy ông có viết nữa, cũng cho phép tôi không viết lại. Tôi định như vậy, chẳng phải có ý chi, chỉ vì một điều mà tôi đã có xác tín rồi thì dầu nói bao nhiêu lần cũng vậy đó, nói nhiều vô ích.

Lẽ ra thì Trung lập nên đăng những bài của ông như lần trước rồi sẽ đăng bài đáp biện nầy của tôi tiếp theo, vì có đủ lý sự hai bên thì độc giả mới tiện việc so sánh cho biết phải trái. Song lần nầy chúng tôi không đăng là vì có hai cớ.

Một là vì bài của ông Chu dài quá, đăng thì choán hết nhiều giấy lắm, không tiện, mà còn gón bớt lại thì e tác giả không bằng lòng.

Hai là vì trước kia hai bài của tôi trả lời cho ông Chu báo Phổ thông cũng không đăng thì lẽ nào hôm nay chúng tôi lại đăng bài ông Chu vào Trung lập ?

Những báo đăng những bài luận chiến (polémique) mà đăng cách như vậy, thật không đúng lẽ công bình. Cũng như mấy tháng trước báo Trung Bắc tân văn đăng những bài ông Trần Trọng Kim biện luận cùng tôi mà không đăng bài của tôi, thì thật là vô lý. Nói vậy không phải tôi cần chi Trung Bắc đăng bài của tôi vào báo ấy, song lời biện luận hai bên mà chỉ đăng của một bên thế thì có ích gì cho độc giả đâu ? Làm như vậy như là có ý đi hùa với ông Trần Trọng Kim đem cái thuyết của ông ta mà nhồi sọ độc giả đó thôi. Theo lẽ công bình, đã đăng thì đăng cả hai bên, không đăng thì không đăng cả, chớ còn làm như vậy kém mất cái tánh cách độc lập của một nhà báo. Tôi không phục.

Thôi xin nói vào đề.

Trong bài ông Chu có chỉ ra những chữ tôi dùng không được sát nghĩa hoặc sai nghĩa, như “bịnh” và chữ “điều kiện sung mãn”.

Thật tôi nhừ nhận[1] một đôi khi tôi có dùng sai như vậy ở trong các bài khác nữa cũng có. Ấy là bởi tôi viết hơi nhiều, lắm khi không còn sức nữa mà cũng phải viết ; trong khi đó có chữ không vừa ý mà nghĩ hoài không ra chữ gì để thay thì cũng dùng tạm đi ; khác nào nhà nước đương lúc nhu nhân[2], sai đỡ ông kia ra tổng đốc, không ngờ chính ông ấy vừa tựu lỵ[3] một cái là đã làm cho nhà nước mang tiếng !

Chữ “điều kiện sung mãn” là chữ trong bài ông Chu chớ không phải của tôi. Khi tôi viết bài trả lời cho ông giá không dùng chữ ấy cũng không hại, song vì ham cái văn thể được mạnh mẽ, khi bác lời của ông mà lôi được nguyên văn của ông vào để vặn ngược lại thì khoái lắm, cho nên lửng đi mà có sự sai lầm.

Đến như tôi nói “người mình có cái bịnh ưa ngâm thơ”, thì chữ “bịnh” ấy chẳng có lỗi gì. Theo bài trước, cắt nghĩa chữ “bịnh” đó cũng như thói quen chớ không có ý là “nên” hay “không nên”. Ấy là cứ theo văn lý đó mà nói. Song nếu muốn cho sự ưa ngâm thơ là cái bịnh thiệt, thì cũng là đúng nữa. Bởi vì ngâm thơ vốn không phải là cái bịnh, nhưng thơ dở mà hay ngâm thì kêu là cái bịnh cũng phải, và cũng đáng cho là sự không nên nữa. Sách Dinh hoàn chí lược của Tàu xuất bản trước đây sáu bảy mươi năm, về nước ta cũng có nói rằng “Kỳ sĩ phu đa háo ngâm vịnh, tuy liệt bất thành cú, diệc háo vi chi !”. Hay làm thơ mà bị người ta chê cười như vậy đó, há chẳng đáng cho là cái bịnh hay sao ? Há chẳng đáng chừa đi hay sao ?

Đây sắp xuống, tôi chỉ duy trì mấy cái thuyết tôi đã chủ trương mà thôi.

Tôi nói : Vận văn phải học mới làm hay được. Ông cãi rằng vận văn không học cũng làm hay được ; và ông lấy phong dao của ta và Kinh Thi của Tàu ra làm chứng. Trong bài trả lời của tôi, tôi truy nguyên từ đầu, nói vị độc giả hỏi tôi đó là hỏi về thi Đường luật, cho nên tôi nói “vận văn” đó là chỉ riêng về thi Đường luật. Ấy là tôi theo sự thiệt nhắc lại mà nghe chớ không phải kiếm đường trớ vỉa[4] chi. Kế đó tôi vẫn giữ y cái thuyết hồi đầu mà nói rằng : “Nói cho thật thì chẳng những làm thi Đường luật cần phải học mà thôi, làm thứ vận văn nào cũng cần phải học hết. Không học mà làm được là sự tình cờ, sự thuộc về số ít, không đem mà khái luận cả được”.

Thế mà ông Chu cũng vẫn không chịu. Không chịu mặc ông, chớ tôi vẫn tin lời của tôi, vì tôi đem cái thuyết ấy nghiệm ra sự thiệt thì đúng lắm. Nói như ông Chu thì sao hiện thời đây bọn vô học không ai làm ra được bài thơ bài ca nào truyền tụng, - có thì cũng lại là sự tình cờ, sự thuộc về số ít, - mà ở Bắc kỳ gần nay, Trần Tuấn Khải và Nguyễn Khắc Hiếu được nổi tiếng về vận văn ? Nội một lẽ đó đủ làm lời kết luận rất vững cho cái thuyết của tôi rằng : Làm vận văn cần phải học, có thiên tài mà không học, cũng thành ra đồ bỏ.

Chẳng phải nói khoe, tôi cũng là một tay vận văn chẳng chịu kém người đương thời, tôi sống trong đó một khoảng thời gian mười mấy năm, tôi nói với ông là lấy sự kinh nghiệm ra mà nói. Năm sáu năm nay tôi có ý bỏ hẳn vận văn đi, là vì thấy mà chán quá ; hiện nay tôi muốn nhờ sự học vấn lịch duyệt ít lâu rồi trở vào mà mở ra một con đường khác ; chưa biết cái chí nguyện ấy có thành được không ? Cái chủ trương của tôi như thế, thì thật không có thể nào phục được lời ông Chu vậy.

Đến cái đề thơ “khóc cha” tôi bảo là không đứng được, trước sau tôi có viện ra nhiều cớ. Vì từ đầu hết tôi nói rằng : Sự cha chết làm thơ mà khóc là sự phản thường xưa nay chưa hề thấy. Mấy lời ấy ông Chu không chịu. Khi trả lời bài ông, tôi mới buộc ông một điều nơi đoạn kết luận mà xin ông cử trong lịch sử văn chương cho tôi được ít nhiều bài thơ “khóc cha”. Nếu ông tìm được thì tôi không cãi nữa.

Nhưng hôm nay quả ông Chu không tìm ra được thứ thi từ trái ngược ấy. Ông tìm ra cho tôi được mấy bài “À mon père” là thơ sau khi cha chết đã lâu rồi mới làm, không tiêu đề là “khóc cha” được. Những bài ấy sao mà biết được làm ra sau khi cha chết đã lâu ? Vì xem lời lẽ trong bài thì biết được ; huống chi xem cái đề “À mon père” thì cũng đã rõ ràng lắm.

Sau khi cha chết đã lâu rồi thì cái lòng ai bi của mình làm con có phai lạt bớt đi, bấy giờ nhớ đến tình cha con, có thể dùng vận văn mà tỏ tình ra được. Điều đó, trong bài trước tôi vẫn chịu là có thể, tôi đã cử ra những bài như bài Lục nga trong Kinh Thi. Song le, nếu đã vậy, nghĩa là bài thơ làm ra sau khi cha chết đã lâu rồi, thì sao gọi được là “khóc cha” ?

“Khóc cha”, nghĩa là đương lúc cha chết mà người làm thơ để khóc, như vậy mới tiêu đề là “Khóc cha” được. Chớ còn cái nầy, cha chết đã lâu mới làm thơ tỏ tình tư mộ cha, thì có gọi được là “khóc cha” đâu. Vì chữ “khóc” ăn với sự chết, trong lúc chết mới có “khóc”, chết đã lâu rồi thì còn khóc gì nữa ? Vậy mà ông Chu nhận cho những bài “À mon père” ấy là thơ “khóc cha”, như vậy chẳng qua là ông nhận liều.

Chẳng những thế thôi, ông còn nhận liều chỗ khác nữa, là những thơ ca tụng Đức Chúa Trời ca tụng Thượng Đế mà ông nhận cho là thơ “vịnh trời”.

Nguyên tôi nói : “Người ta ít hay phô trương ca tụng công ơn của cha cũng như ít hay phô trương ca tụng sự lớn lao của trời”. Chữ “trời” ấy đáng lẽ không viết hoa, song nhà in đã in lầm chữ hoa. Tuy vậy, dưới đó có chữ “vịnh trời” thì chữ “trời” vẫn không hoa. Vậy thì “trời” đó là ciel chớ không phải là Dieu ; nếu Dieu thì phải nói là Thượng Đế, là Đức Chúa Trời hay là ông Trời. Vậy mà ông Chu đã xách ra những thơ ca tụng Thượng Đế, thậm chí xách đến trong Kinh Thánh ra để hỏi ngặt tôi, thì thật là vô vị quá ! Cái bài của ông mà được dài đến mười mấy cột báo, đại khái là nhờ nhiều những cái vô vị ấy.

Những bài thơ sau khi cha chết mới làm thì tôi vẫn cho là đứng được, song tôi nói phải lập cái đề khác kia, chớ không để được cái đề là “khóc cha”. Tôi nói phân minh như thế, mà ông còn vịn lấy đó, cáo rằng tôi trước phản đối cái đề khóc cha, sau cũng thuận nhận sự khóc cha, như thế có phải là ông suất lược quá không ? Tôi nói ông suất lược[5], chớ không nói ông hồ đồ.

Ông vịn lấy cớ ấy rồi lại nói tôi lập luận trước sau tương phản bỏ rớt mất luận lý học thì thật là kỳ quá, như tuồng hai người nói với nhau giữa thinh không, chẳng có ai làm chứng hết, giấy trắng mực đen ông cũng không kể.

Tông chi, cho đến bây giờ tôi cũng còn cho cái đề thơ “khóc cha” là không thành lập được, vì những cớ tôi đã nói trước rồi mà thứ nhứt là vì từ xưa đến nay chưa hề có ai làm thứ thơ ấy nên tôi gọi là phản thường. Nếu trong lịch sử văn chương quả có một bài thơ khóc cha, – nghĩa là trong khi cha chết làm thơ mà khóc – thì tôi mới chịu nhìn lời ông Chu là có thể tin được. Ngặt vì những bài ông dẫn ra đó là thơ làm sau khi cha chết, cũng như bài Lục nga nên tôi vẫn còn cho cái thuyết của tôi là phải.

Nói đến luận lý học, ông Chu bảo rằng hiện nay người ta chỉ học về phần “phương pháp” của nó mà thôi, còn không học về phần “hình thức”. Sự đó quả thật như vậy. Duy có ở nước Tàu, từ trung đẳng học hiệu trở lên là học kiêm luôn hai phía.

Muốn nói là vô dụng thì phần hình thức của luận lý học cũng gần như vô dụng thật. Song le theo tôi thì những người nếu tự phụ là nhà học giả, muốn trứ thuật để đời, muốn lập ngôn để mà phù dực cho chơn lý thì không những về phương pháp mà về hình thức cũng phải học luôn.

Đây rồi có dịp tôi sẽ nói nhiều về vấn đề nầy. Chỗ nầy tôi xin nói lược qua mà thôi. Học thuật mà thạnh hay suy là do ở luận lý học thạnh hay suy. Ở bên Tàu đời Chiến Quốc cũng có cái học ấy kêu là “danh học”. Hồi đó danh học bên Tàu thạnh lắm, mỗi một học phái đều lấy danh học làm trụ cốt cho cái học thuyết của mình, cho nên phái nào cũng đứng vững được, mà trong học thuật sử nước Tàu hai ngàn năm nay phải nhìn cho hồi đó là thạnh hơn hết.

Chẳng biết vì sao từ đó rồi danh học càng ngày càng lu lờ đi, về sau không ai phát huy nữa cho tới bây giờ thành ra sự học ở nước Tàu trở không kịp đời xưa. Ngày nay họ biết rõ đến cái nguồn gốc ấy, cho nên họ trở lại sùng thượng luận lý học hơn các nước. Ấy cũng là cái phương thuốc cứu thời mà thôi vậy.

Người nước mình xưa nay lại gần như không có cái học chi hết, ít có ai tiềm tâm mà nghiên cứu nghĩa lý như người các nước hay người Tàu. Bắt đầu từ đây, thấy nhiều người có cái khuynh hướng về sự học nghĩa lý, tôi tưởng không gì tốt bằng đem luận lý học ra làm căn cơ. Ấy, cái bổn ý của tôi là thế.

Vả lại người mình lại hay thiên trọng về cảm tình, tôi thấy nhiều việc đáng lấy lý mà nói nhưng người ta cũng cứ tình mà thôi. Ở đời nay như vậy là không tiện. Lại còn người mình lại kém cái óc phán đoán (esprit de critique), theo thời đợi nầy cũng là một điều không hay. Vì những hiện trạng ấy, tôi mong rằng đề xướng luận lý học lên thì có nhiều phần bổ ích.

Thật ra thì tôi không bảo luận lý học giải quyết được mọi vấn đề. Nhưng tôi tưởng nên làm cho nó ngầm ngấm trong óc mọi người như ở giữa xã hội Âu châu, thì hay lắm.

Còn như ông, nếu ông nghiên cứu luôn phần hình thức luận lý học nữa thì càng ích lợi cho ông, chớ vô dụng là lẽ gì ? Nếu ông hiểu nhiều về phần hình thức thì chắc là trong bài của ông biện luận cùng tôi lần thứ hai đó đã bớt đi được nhiều chỗ tỳ lụy. Như chỗ ông bảo tôi không biết tâm lý học, và những chỗ khác mà tôi không kể ra đây làm chi, đều là phạm cấm kia của hình thức luận lý học cả. Có điều đã không thích, thì thôi nói làm chi !

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Nhừ nhận : phải chăng là “nhìn nhận” (như “thừa nhận”), báo in lầm ?
  2. Nhu nhân (chữ “nhu” trong “nhu cầu”) : cần người
  3. Tựu lỵ : đến chỗ làm quan nhận chức vụ
  4. Trớ vỉa : chưa thật rõ nghĩa, có lẽ ý nói tránh đi, làm chệch đi (“trớ” : tránh, lảng (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ) ; “vỉa” trong “cọ vỉa” : dựa kề, đả động, ở gần (theo H.T.Paulus Của)
  5. Suất lược : sơ sài qua loa (theo Đào Duy Anh)