Trang:Nho giao 1.pdf/121

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

125
NHO-GIÁO


Nhân là cái gốc lớn của sự sinh-hóa trong trời đất. Thế-gian nhờ đó mà đứng, vạn vật nhờ đó mà sinh, quốc-gia nhờ đó mà còn, lễ nghĩa nhờ đó mà phát-hiện ra. Cho nên Khổng-giáo lấy nhân làm cái tôn-chỉ duy-nhất trong tôn-giáo, chính-trị và học-thuật của thiên-hạ. Đối với từng người một, thì nhân là cái hành-xích để biết việc phải trái, điều hay dở. Sự ngôn-luận, sự hành-vi của người ta mà hợp với đạo nhân là hay là phải, trái với đạo nhân là dở là xấu.

Đạo nhân to lớn như vậy, sâu xa như vậy, cho nên cái học của Khổng-tử chủ cả ở chữ nhân. Vì thế cho nên mới nói: « Quân-tử vô chung thực chi gian vi nhân, tháo-thứ tất ư thị, điên-bái tất ư thị 君 子 無 終 食 之 間 違 仁,造 次 必 於 是,顛 沛 必 於 是: Người quân-tử trong khoảng bữa ăn cũng không trái nhân, vội-vàng cũng phải theo nhân, hoạn-nạn cũng phải theo nhân. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Vậy bao nhiêu việc hành-vi đạo-đức là căn-bản ở nhân cả.

Đạo nhân có thể vừa thấp cho ai cũng với đến được, mà cao thì cao vô cùng. Đến bậc hiền như thầy Nhan-Hồi cũng chỉ giữ được ba tháng không trái đạo nhân mà thôi; mà chính Khổng-tử cũng nói rằng: « Nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm 若 聖 與 仁,則