Trang:Nho giao 2.pdf/215

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

215
NHO-GIÁO


làm điều thiện, bỏ điều ác. Nếu ta đem hai cái thuyết ấy mà so với cái nghĩa câu tính tương cận của Khổng-tử, thì thấy rõ mỗi thuyết thiên về một mặt. Nói tính thiện thì không nhận có hạng hạ-ngu, mà nói tính ác thì không nhận có bậc thượng-trí. Chẳng qua là hai ông đều bởi cái lòng giận thời ghét tục mà nói ra như thế. Tuy nhiên hai ông vẫn lấy Khổng-tử làm quyền hành, cho nên dẫu có quá và bất cập, cũng không mất cái tiếng là bậc đại-hiền trong Nho-giáo. Vậy nên từ đời Tần đời Hán đến đời Đường, các học-giả thường để Tuân-tử đứng ngang với Mạnh-tử.

Cái học của Tuân-tử, tuy về sau vẫn có thế-lực, nhưng không bằng cái học của Mạnh-tử, là vì cái học của Tuân-tử thấp và hẹp. Cũng vì thế mà sách của Mạnh-tử, thì từ xưa đã có bọn bác-sĩ truyền tập, chú-thích rõ-ràng, cho nên có nhiều người đọc. Sách của Tuân-tử thì trước nhà Đường không thấy có ai chú-thích, và lại biên đi chép lại, càng ngày càng sai lạc thêm, có chỗ thì chữ nọ viết ra chữ kia, có chỗ thì thừa ra mấy chữ, có chỗ lại thiếu đi hàng mấy câu, cú đậu hồ-đồ, mạch lạc không được phân-minh. Bởi vậy có nhiều đoạn ý nghĩa tối-tăm, làm cho ai đọc cũng chán nản, thành thử cái học của ông không được thịnh hành như cái học của Mạnh-tử.