Trang:Ton Ngo Binh Phap - Ngo Van Trien.pdf/56

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được phê chuẩn.
62
TÔN NGÔ

Đỗ Hựu rằng: Việc quân không vào nước, việc nước không vào quân, việc binh không thể lấy lễ ra mà trị. Này trị nước chuộng ở lễ nghĩa, việc binh quý ở quyền trá, hình thế riêng khác, giáo hóa không cùng. Vậy mà lại không hiểu sự thay đổi, lấy cách trị dân ra trị quân, thì quân sĩ sẽ phải nghi hoặc. không biết ra sao cả. Cho nên Binh Kinh nói: Ở nước phải tín thực, ở quân phải dối trá.

Trương-Dự nói: Nhân nghĩa có thể trị nước mà không có thể dùng trị quân, quyền biến có thể trị quân mà không có thể dùng trị nước, cái lẽ nó phải như thế. Quắc-công không làm điều từ ái mà bị nước Tấn diệt mất, Tấn-hầu không chịu giữ bốn đức mà bị nước Tần đánh thua, ấy là không lấy nhân nghĩa để trị nước đó. Tề-hầu không bắn người quân tử mà bị bại với nước Tấn. Tống-công không bắt người hai thứ tóc mà bị thua với nước Sở, ấy là không lấy quyền biến để trị quân vậy. Cho nên đáng nhân nghĩa mà dùng quyền quyệt thì nước tất nguy, như nước Tấn nước Quắc đó; đáng biến trá mà chuộng lễ nghĩa thì binh tất bại, như nước Tề, nước Tống đó. Vậy thì cái đạo trị nước, vốn không có thể đem dùng trị quân được.


Không biết quyền mưu của ba quân mà cùng gánh cái trách nhiệm ba quân thì quân sĩ sinh ngờ.

Đỗ-Hựu rằng: Đó là nói dùng không phải người. Ông vua dùng tướng, nên chọn lựa cho tinh, tướng nếu không biết quyền biến, thì không thể giao cho thế vị, nếu trao không phải người thì cất đặt lỗi lầm, quân sẽ ụp đổ.