Trang:Viet Han van khao.pdf/133

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 121 —

mới chọn được; như những thiên Vương-chế, Lễ-vận, Lễ-khí, cũng có lắm câu truyền được cổ ý. Còn như thiên Nhàn-cư, Yến-cư, thì văn-tự hơi khả nghi vì giọng nói tựa như có ý Lão-tử  ».

Kinh Lễ cũng có một câu cai hết được nghĩa một bộ sách, là câu « Vô bất kính » ở đầu sách. Câu ấy nghĩa là chẳng gì là chẳng kính. Vì lễ phép chẳng qua bởi ở lòng kính-cẩn mà sinh ra. Trong lễ tuy có 300 điều kinh-lễ là những điển lễ lớn, có 3.000 điều khúc-lễ là những nghi-tiết nhỏ, nhưng tóm lại thì chỉ là ý kính cẩn mà thôi.

Ta đọc kinh Lễ, nhỏ từ câu thưa câu dạ, khi đứng khi đi; nhớn thì việc quan hệ đến tính-mệnh đạo-đức, đều có khuôn phép cả. Song cổ-lễ thiết tưởng cũng có nhiều điều phiền toái quá, như phép cư tang, phép tế tự, nghi-tiết rườm rà, khó mà tuân theo cả được. Vậy thì ta nên biết cái đại-ý mà giữ lấy một lòng kính cẩn, tức cũng là hợp lễ vậy.

Xuân thu. — Kinh Xuân-thu là bộ sách của đức Khổng-tử, đem nhời nói mà thay quyền thưởng phạt của nhà vua. Nguyên ngài sinh ra hồi nhà Chu đã suy, thiên-tử mất quyền năm bá-chủ thay đổi nhau mà ra, cầm giữ quyền chính, thiên-tử chỉ có hư-danh mà thôi. Vả bấy giờ lại là thời suy-bĩ, kỷ-cương đổ nát, nào là kẻ làm con giết cha, nào là kẻ bày-tôi giết chúa, luân-thường trái loạn, mà quyền thưởng phạt của nhà vua thì không thi hành được. Ngài thương xót cho nhân-tâm thế-đạo bấy giờ, ngài đã đi chu-du các nước, để xem có vua chư-hầu nào biết dụng đến ngài, thì ngài đem học-thuật ra mà cứu cho thiên-hạ. Song ngài đi long-đong mãi mà không ai biết dùng đến. Khi ngài già, ngài mới trở về nước Lỗ là nước quê hương mà trứ thư tập ngôn. Ngài nhân Lỗ-sử soạn ra kinh Xuân-thu này. Chủ ý ngài chỉ cốt tôn nhà Chu mà trị tội bọn loạn-thần tặc-tử. Mỗi việc trong Lỗ-sử, ngài chỉ chép một câu đại-cương mà thôi; mà mỗi câu mỗi chữ đều có ý có tứ, dù đến câu tầm-thường chép ngày tháng, cũng là có ý nhị, chớ không phải là lời vô tình.