Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/337

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Warnel, và sai ông Paul Bert là quan văn sang sung chức thống-đốc, để kinh-lý mọi việc ở nước Nam.

8. VUA HÀM-NGHI Ở QUẢNG-BÌNH. Bấy giờ tuy ở Huế đã lập vua Đồng-khánh rồi, nhưng đảng cựu-thần còn có nhiều người theo phò vua Hàm-nghi, quyết chí chống lại với quân Pháp. Quan Pháp bèn sai đại-tá Chaumont đem quân ra đóng ở thành Quảng-bình, để chặn đường không cho đảng Tôn-thất Thuyết thông với Bắc-kỳ. Nhưng ở mạn Thanh-hóa, Nghệ-an, bọn văn-thân đánh phá rất dữ. Đại-tá Chaumont bèn để thiếu-tá Grégoire ở lại giữ thành Quảng-bình, rồi trở về Đà-nẵng lấy thêm binh và tàu chiến đem ra đóng ở thành Nghệ-an, chia quân đi tuần-tiễu các nơi.

Tôn-thất Thuyết thấy thế không chống nổi quân Pháp, bèn bỏ vua Hàm-nghi ở lại đồn Vé, thuộc huyện Tuyên-hóa (tên cũ là Qui-hợp-châu) tỉnh Quảng-bình, rồi cùng với đề-đốc Trần xuân Soạn 陳 春 撰 đi đường thượng đạo, nói rằng sang cầu-cứu bên Tàu[1].

Vua Hàm-nghi bấy giờ phải ẩn-nấp ở vùng huyện Tuyên-hóa, có các con Tôn-thất Thuyết là Tôn-thất Đạm và Tôn-thất Thiệp cùng với đề-đốc Lê Trực 黎 直 và Nguyễn phạm Tuân 阮 范 遵[2], hết sức giữ-gìn và đem quân đi đánh phá ở mạn Quảng-bình và Hà-tĩnh.

  1. Tôn-thất Thuyết đi đường thượng đạo ra vùng Hưng-hóa rồi theo thượng-lưu sông Đà lên Lai-châu nương-tựa vào họ Điêu. Đến lúc nghe tiếng quân Pháp lên đánh, liền bỏ họ Điêu mà trốn sang Tàu. Con cháu họ Điêu nói chuyện lại rằng: Khi Tôn-thất Thuyết lên đến Lai-châu còn có mấy chục người đi theo. Lên đấy ở một đô, chém giết gần hết. Xem như thế thì ông Thuyết là một người cuồng dại mà lại nhát gan. Một người như thế mà làm đại-tướng để giữ nước, thì tài gì mà nước không nguy được.

    Về sau chết già ở Thiều-châu, thuộc tỉnh Quảng-đông.

  2. Sách ông Gosselin chép là Phạm Thuận. Nhưng xét trong sử nước ta thì không có ai là Phạm Thuận, chỉ có Nguyễn phạm Tuân trước làm tri-phủ, sau theo vua Hàm Nghi chống cự với quân Pháp, rồi bị đạn phải bắt. Vậy Phạm Thuận tức là Nguyễn phạm Tuân.