Vũ trung tùy bút/Chương XXXIX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Khoa y học khởi thủy từ đời Viêm Đế[1], Hoàng Đế[2], lại có Lôi Công, Ký Bá phò tá thêm vào. Các đấng thánh nhân đời xưa lo lắng bảo vệ sinh mạng cho nhân dân rất là chu đáo. Tự đời trung cổ trở xuống, các bậc danh y xuất hiện cũng lắm, làm ra sách vở càng ngày càng nhiều, nhưng đại lược chẳng qua có tám kinh, tám vĩ mà thôi. Tám kinh là : châm, biếm, chích, thang, hoàn, tán, cao, đồ. Bệnh ở trong kinh lạc, tạng phủ, sâu thì dùng phép châm, biếm, chích ; cạn thì dùng thuốc thang, hỏa tán. Trong tám kinh ấy, muốn dùng còn phải cân nhắc châm chước cho khéo. Tám vĩ là : vọng, văn, vấn, thiết, công, bổ, bình, tán. Vọng là xem thân thể diện mạo ; văn là nghe tiếng nói hơi thở ; vấn là hỏi tường tận nguyên úy ; thiết là án xem cho biết mạch lạc ; công là công kích cái bệnh chứng hăng quá ; bổ là bồi bổ cái khí huyết yếu kém ; bình là cái gì thiên lệch thì bình lại cho ngay ; tán là chỗ nào uất kiết thì tản đi cho thông. Đó là tám kinh, tám vĩ, kể cả là mười sáu điều, không thể thiếu điểm nào, mới có thể làm được lương y. Còn như phép cắt da, nạo xương, tẩy dạ dày, rửa ruột, những cách chữa như thế rất là quyền biến, không phải bậc danh y rất giỏi, không thể bàn đến.

Thầy thuốc nước ta, đời xưa có ông Đổng Tiên[3], ông Trâu Ý[4] là bậc danh tiếng, nhưng về sau thất truyền. Phép châm biếm ở trong tám kinh, lối vọng văn ở trong tám vĩ, đều bỏ không ai lưu ý đến cả. Còn như phép chích thì không hiểu chính huyệt ở chỗ nào : phép thiết thì không biết mạch lạc[5] đi làm sao, thành ra mười sáu bí quyết về y khoa đã bỏ mất sáu, lẽ sâu kín thì không học, chỉ học được lẽ nông cạn, điều tinh thì quên, chỉ biết được điều thô. Học thuốc như thế mà muốn cầm mệnh sinh tử, chữa bệnh trầm trọng, cầu lấy ý nghĩa dưỡng sinh của người xưa thì có thể được chăng ? Than ôi ! Dân sinh ở đầu đời Tam Đại[6] phép giáo dưỡng đã không ra gì, còn phép bảo vệ sinh mạng cũng bỏ nốt. Đấng tiên nho nói "mệnh phó cho trời" thực chẳng nhầm. Nào những đấng hiền nhân quân tử ở đời, mình áo mũ, miệng nhân từ, có nghĩ đến điều ấy cho không ? Thương thay !

Y học bây giờ chia làm hai khoa : nội khoa và ngoại khoa. Trong ngoại khoa lại chia ra làm ba phái : 1 - Phái họ Nguyễn ở Bảo Từ ; 2 - Phái họ Nguyễn ở Phù Ninh ; 3 - Phái họ Nguyễn ở Vân Lủng ; ba phái ấy đều giữ được thuốc gia truyền, thuốc cao, thuốc đồ cũng hiệu nghiệm lắm. Còn thuốc nội ẩm (uống vào trong) thì xưa nay vẫn quen thói dùng thuốc công phạt, tiêu hao quá. Nhưng phép ngoại khoa thì dùng thuốc cao, đồ nhiều, mà dùng thuốc nội ẩm ít, dẫu không được trúng bệnh lắm, song cũng không đến nỗi hại.

Nội khoa thì chia làm hai phái : người chủ mặt trị bổ thì coi các vị đại hoàng, phác tiêu như hằn thù ; giá gặp người bệnh hư thì bổ có ích ; rủi gặp người bệnh thực lại dùng lầm thuốc bổ vào, thì khác gì lửa cháy tưới dầu thêm ; gặp bệnh ngoại cảm mà nhầm cho thuốc bế vào, thì khác gì nước nghẽn lại đem lấp cống, thế thì hại tính mệnh con người ta thậm tệ hơn là thuốc độc. Thầy lang nào chỉ chuyên dùng mặt bổ, lại tự đắc thế mới là vương đạo, không đến nỗi hại người, tức là không biết ăn mãi thịt vào thì càng nuôi to cái khối nhọt hạch trứng ở trong bụng ; cầm cái mũi dao mảnh dẻ mà đâm vào xương cứng thì sao vỡ được, chẳng khác gì nhân nghĩa giả của Yển Vương[7], đạo đức gàn của Tương Công[8]. Người chủ mặt công tán thì coi các vị nhân sâm, nhục quế như thuốc độc ; nếu gặp bệnh thực, bệnh ngoại cảm, mà dùng nhầm thuốc hàn lương, thì khác gì đã rét lại thêm băng vào, hối hận sao kịp được ; nếu gặp bệnh hư mà dùng nhầm thuốc công tán, khác gì cầm đuốc ra trước gió, cứu vớt sao cho được nữa. Thế mà thầy lang chỉ chuyện mặt thuốc công phạt, lại tự đắc thuốc để đánh bệnh thì có sợ gì. Họ không biết đem búa rìu mà nện vào cây khô, đưa sóng gió mà xô vào thuyền nát, cứu sao cho được, có khác gì Phi Liêm, Ác Lai[9] giúp vua làm sự tàn ngược, Thân Bất Hại[10], Thương Ưởng[11] chuyên dùng hình phạt để gây uy danh.

Hai phái trên thường công kích lẫn nhau, dẫu người cao minh cũng không biết theo đường nào cho phải. Ta thường ngày đêm suy nghĩ lời cổ nhân dạy "Làm lương y cũng không khác gì làm lương tướng". Lương y thì quan hệ đến tính mệnh ngựời ta, mà lương tướng thì quan hệ đến sự an nguy trong nước, mỗi đàng một khác, nhưng cũng là một đạo. Trị nước có đức hóa, cũng phải có hình phạt, mà làm thầy lang dùng thuốc bổ, cũng có khi dùng thuốc công, không thể cố chấp được. Bệnh nào quả là hư thì dùng thuốc bổ, cũng như làm tướng nên dùng nhân đức, hà tất phải dùng hình phạt khắt khe như họ Thân, họ Thương. Bệnh nào quả là thực, thì dùng thuốc công, cũng như làm tướng dùng uy lực, hình phạt, hà tất hải phi nhân nghĩa để cho bảy nước chư hầu[12]càng kiêu căng lấn át. Bồi bổ sát phạt đều phải tùy thời cho phải, chứ chấp nê làm sao được.

Hoặc có người bác rằng "Ông nói vẫn là phải nhưng biết phân biệt kẻ nào là thiện mà mình trả ơn, kẻ nào là ác mà mình trừng phạt ?". Ta đáp lại rằng "Trước tôi đã nói tám kinh, tám vĩ, không thể khuyết một điều nào, phải học sách Nội kinh[13] cho tường, lại tham bác các sách y thư cho rộng, đừng có chấp nên các sách Cảng nhạc, Phùng thị quá mà ghét thuốc công phạt, đừng có chuyên trị pho Y học hồi xuân quá, mà không dùng thuốc tẩm bổ. Học cho tinh, làm cho phải đường, dẫu làm lương tướng cũng được nữa là làm lương y".

Nước ta về đời Lê có hai ông danh y. Một là ông Lê Lãn Ông[14], người làng Liêu Xá, ngụ cư ở Nghệ An, chúa Trịnh Tĩnh Vương thường đón về kinh đô để chữa bệnh. Ông có làm ra bộ sách Lãn Ông toàn tập, Mộng trung giác và bộ sách Chẩn đấu chuẩn thằng, học lực thâm thúy, nghị luận xác đáng, song cũng ít dùng thuốc công tán. Học giả bấy giờ vẫn cho đó là những lời châu ngọc cách ngôn. Tiếc rằng ta chưa được xem hết bộ sách của ông. Hoặc có người nói ông là con Lê Hữu Kiều[15], song chưa xét được rõ. Hai là quan Thị trà, người Xuân Dục, tên Nguyễn Quý, trước là chân Giám sinh, Tri huyện Tiên Minh. Ông học được y thuật chính truyền, án mạch rất tinh, chữa bệnh rất thần hiệu, đời Trịnh Tĩnh Vương thăng cho làm Hàm nghị[16] xứ An Quảng. Ta thấy khi ông lão bảy mươi, có dán câu đối rằng Nhân dục vô nhai, nhân khởi năng vi thiên tính giả - Thiên dư hữu hạn, thiên quả tất lòng nhân nguyện hồ nghĩa là Người lòng dục vô cùng, người trái tính trời sao thế được - Tuổi trời lộc nước, thỏa lòng yên nghỉ cái thân nhàn. Xem thế thì biết ông là người nhàn tản, phong lưu, có khuynh hướng Lão Trang, tính rất vui vẻ.

Anh họ ta là Phạm Tôn Kiệu, nhân vợ phải chứng sản hậu, đau bụng, huyết thống thành hòn, ông bảo sắc một lạng toàn qui, mài ba đồng nhục quế, uống khỏi liền. Học trò hỏi ông sao không lập ra thành bài ? Ông bảo rằng "Huyết ngộ hàn thì nó đọng lại, gặp nóng thì nó tan ra, chỉ hai vị là khỏi, cần gì phải lập thành bài". Anh thứ ta nhân khi vợ mắc bệnh, uống nhầm phải đại hoàng, bụng phát trướng, khát nước, đại tiểu tiện đều bế tắc. Mời ông án mạch, ông bảo không can chi, chỉ cho uống một lạng dương sâm, năm đồng ngưu tất, ba đồng phụ tử, uống xong là tiêu ngay. Nho sinh Nguyễn Viện phải chứng phù thũng, đã phát mê sảng, ông cho uống một thang "phụ tử lý trung" gia đại hoàng, cho hạ lợi, cũng khỏi liền. Còn như xem mạch cho ông Giám sinh Nguyễn Thảng, ông biết rằng sang năm tất phải bệnh to ; xem mạch cho anh thứ ta, biết ba năm nữa thì chết, sau quả nhiên đều chết cả. Còn nhiều việc công hiệu nữa, không thể kể xiết được. Xem đó thì biết ông án mạch rất tinh.

   




Chú thích

  1. Tức vua Thần Nông. Tương truyền ông đã nếm thử rất nhiều loại thảo mộc để xem loài nào ăn được, loài nào có độc, giúp dân trồng trọt, chữa bệnh.
  2. Được coi là tổ tiên của người Hán. Tương truyền ông cùng với Ký Bá làm ra sách Hoàng Đế nội kinh về y học
  3. Người thời Tam Quốc. Khi ấy, Sĩ Nhiếp cai trị Giao Châu ta, có lần ốm chết, Đổng Phụng cho viên thuốc uống thì sống lại, đến 90 tuổi mới chết. Tương truyền, Đổng Phụng là một vị tiên. Chuyện này có chép trong Liệt tiên truyện
  4. Có lẽ là Trâu Canh, danh y đời Trần Dụ Tông
  5. Tức là kinh mạch chạy trong cơ thể
  6. Ba triều đại Hạ, Thương, Chu của Trung Quốc
  7. Đời Chu Mục Vương (TK X trước CN), Yển Vương giả nhân giả nghĩa lấy lòng dân để làm phản nhà Chu
  8. Tống Tương Công, tên là Tử Tư Phủ (?- 637 TCN), vua nước Tống thời Xuân Thu. Vì muốn giữ danh hiệu đội quân nhân nghĩa, nên trong trận Hoằng Thủy năm 638 TCN, Tống Công không cho quân đội đánh Sở khi quân Sở chưa ổn định đội ngũ. Rốt cuộc quân Tống đại bại, Tương Công trúng tên rồi chết ít lâu sau
  9. Gian thần đời Ân Trụ Vương
  10. Thân Bất Hại là tướng nước Trịnh đời Xuân Thu, dùng pháp gia để cai trị đất nước, có soạn sách Thân tử.
  11. Thương Ưởng, chính tên là Công Tôn Ưởng (? - 338 TCN), người nước Ngụy, làm Thừa tướng ở nước Tần dưới thời Hiếu Công. Chủ trương pháp trị, khiến cho nước Tần giàu mạnh. Được phong làm Thương Quân, rồi sau khi Hiếu Công chết, Huệ Vương lên ngôi, ông bị xử tử
  12. Thất hùng đời Chiến Quốc, gồm bảy nước là Tần, Sở, Tề, Triệu, Ngụy, Hàn, Yên đánh lẫn nhau để tranh thiên hạ
  13. Hoàng Đế nội kinh
  14. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791)
  15. Lê Hữu Kiều (1691 - 1760) hiệu là Tốn Trai , người xã Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay thuộc xã Liêu Xá huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông là con của Lê Hữu Danh, chú Lê Trọng Tín và là cha của Lê Hữu Dụng. Ông giữ các chức quan, như: Tư vụ ở Bộ Hộ, quyền Hiến sát sứ Kinh Bắc, Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Hữu Thị lang Bộ Công và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh, thăng Tả Thị lang Bộ Công, tước Liêu Đình bá; thăng Đô đài, Thượng thư Bộ Công; rồi làm Tham tụng, Đốc trấn Thái Nguyên, Tham tri Nghệ An, Thượng thư Bộ Binh, Thượng thư Bộ Lễ, tước Liêu Đình hầu. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu phó, tước Liêu Quận công.
  16. Có lẽ in nhầm. Tham nghị mới hợp lý