Trang:Nho giao 2.pdf/159

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

159
NHO-GIÁO


Trong thiên Tính-ác, Tuân-tử viện các lẽ để bác cái thuyết tính thiện của Mạnh-tử. Ông cho rằng vì cái tính vốn ác cho nên thánh-nhân mới đặt ra nhân nghĩa lễ phép để kiểu-sức cái tính cho thiện, chứ nếu tính đã thiện, thì còn cần gì đến bậc thánh bậc vương và nhân nghĩa lễ phép làm gì nữa.

« Phàm người ta muốn làm điều thiện là vì cái tính ác vậy. Hễ mỏng là muốn dày, xấu là muốn đẹp, hẹp là muốn rộng, nghèo là muốn giàu, hèn muốn sang. Nếu không có ở trong là ắt phải tìm ở ngoài... Cái tính của người ta ắt vốn không có lễ nghĩa, cho nên phải cưỡng mà học để cho có lễ nghĩa, tính không biết lễ nghĩa, cho nên phải tư-lự để tìm cho biết lễ nghĩa. Vậy nên cứ theo tính, thì người ta không có lễ nghĩa. Người mà không có lễ nghĩa thì loạn, không biết lễ nghĩa thì trái ». (Tính-ác, XXIII).

Tuân-tử lại bác cái lương-tri lương-năng. Ông cho là người ta ai cũng có cái « khả dĩ tri chi chất, khả dĩ năng chi cụ 可 以 知 之 質,可 以 能 之 具: cái chất khả lấy mà biết, cái cụ-thể khả lấy mà hay ». (Tính-ác, XXIII). Song cái chất khả dĩ tri và cụ-thể khả dī năng ấy vị tất đã biết được và vị tất đã hay được. Bởi vậy ông nói rằng: « Kẻ làm nghề, làm ruộng, làm thợ, đi buôn, chưa từng đã không có người nọ khả dĩ làm được việc