Bước tới nội dung

Anh phải sống/Bên giòng sông Hương

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bên giòng sông Hương

Vị-dạ là một khu rất yên tịnh ở vùng sông Hương núi Ngự.

Chiều đến thả thuyền từ, bến Đông-ba theo giòng sông đi xuôi xuống phía dưới, vượt qua cù lao Bộc-thanh, lữ khách sẽ nghe tiếng ồn ào ở trong chợ, ở trên cầu, tiếng còi ô-tô, tiếng nhạc xe kéo dần dần một lúc một xa, rồi bỗng có cái cảm giác vừa rời chốn thị thành huyên náo mà đi tới một nơi thôn quê tịch mịch. Đối diện với đầu mỏm cù lao ấy, là xóm Vị-dạ.

Mấy tháng trước hai vợ chồng một người Bắc đưa nhau đến xóm ấy thuê nhà ở. Gia nhân duy có một tên đầy tớ. Đồ đạc chỉ trơ trọi một cái giường, một cái bàn và bốn cái ghế. Đến như sự giao du thì vợ chồng nhà ấy lại ít lắm: chẳng mấy khi có người quen thuộc đến chơi. Những người láng giềng thường thì thào bảo nhau: vợ chồng nhà ấy đến ở đây làm gì? Có người tò mò hỏi anh đầy tới thì cũng chỉ biết rằng ông khách lạ ấy đậu cử nhân luật, trước làm nghề viết báo và soạn sách ở Hà-nội.

Cái nhà hai vợ chồng người ấy thuê tuy nhỏ và không gác nhưng có vườn rộng bao bọc chung quanh. Chiều chiều mặt trời tà phản chiếu ánh vàng vào lá cây mít sáng loáng và gió thổi rì rào trong đám lá thông xanh tươi xen lẫn với những cành xoan đầy hoa tím nhạt, càng làm tăng vẻ bí mật và khiến ai qua lại trông vào tưởng đó là một cái vườn bỏ hoang, vì cổng trước, cổng sau thường thấy đóng.

Thực vậy, thuê cái nhà ấy, Vinh-Sơn chỉ muốn lánh cuộc đời phiền phức để cùng người yêu được hoàn toàn hưởng hạnh phúc ái tình. Vì thế chàng mới đưa bạn vào tận Huế tìm đến ở một xóm hẻo lánh quạnh hiu.

Từ ngày ở Pháp về, và ngắm xã hội Việt Nam, từ những tục lệ bó buộc cho chí cách sinh hoạt khuôn sáo, chàng lấy làm khó chịu, tiếc cái thời kỳ ở Paris. Ở đấy, chàng đã tiêm nhiễm những cử chỉ khoáng đạt, những tư tưởng khoáng đạt, khiến chàng lúc nào cũng được khoan khoái dễ chịu, và chẳng cần phiền lụy đến ai, chẳng bị ai làm phiền lụy đến mình.

Một hôm, tình cờ chàng gặp Diễm-Lan, cựu nữ sinh viên trường Sư-phạm, một trang tân tiến, cực kỳ mỹ lệ, đã nổi tiếng lãng mạn khắp Hà-thành.

Rồi hai người cùng nhau lăn lóc trong cõi tình. Rồi không những Vinh-Sơn không được nhà cho phép cùng người yêu kết hôn, mà lại còn bị anh em bạn bè và những người quen thuộc chế riễu khinh bỉ.

Nghe những lời bình phẩm, chàng chỉ cười. Vì thực ra chàng chẳng cần gì trinh tiết, chẳng cần gì tứ đức tam tòng. Chàng cho những cái đó không có liên quan đến ái tình, không có dính dáng đến hạnh phúc. Yêu là yêu chứ không là gì khác nữa. Nhưng cứ bị dư luận eo hẹp, rầy rà mãi chàng cũng khó chịu.

Một ngày kia, bỗng vắng bặt bóng Vinh-Sơn và Diễm-Lan ở các phố Hà-nội. Hai người đã đưa nhau đi ẩn, hay nói cho đúng đi tìm một cảnh thích hợp với ái tình. Cảnh ấy là sông Hương.

Trong tháng đầu, cái nhà ở bến Vị-dạ chỉ là một ổ chim uyên ương. Hai người không lúc nào rời nhau, khi cùng nhau đọc sách dưới ánh đèn, khi cùng ngồi ở bực gạch ngắm cảnh hoàng hôn trên sông Hương, hay đi chơi thuyền trên làn nước trong xanh, yên lặng, êm-đềm, uốn éo, dịu dàng như cô gái Thần-kinh.

Có lần giữa cảnh đêm trăng, Diễm-Lan ngồi bên Vinh-Sơn ở ngoài mũi thuyền, lẳng lặng hé cặp môi mỉm cười, mắt đăm đăm nhìn gợn nước long lanh như muôn vàn ngôi sao lấp lánh. Thốt như điên cuồng, nàng ôm chầm lấy đầu người yêu, vừa hôn lấy, hôn để vừa nói:

— Mình ơi! Em sung sướng quá! Em ước ao trọn đời được ở bên mình trong cái cảnh thần tiên mộng ảo này.

Vinh-Sơn cảm động không nói nên lời, dịu dàng đặt đầu nóng bừng vào lòng Diễm-Lan, như đứa con nít mỏi mệt thiu thiu trong lòng người mẹ.

Diễm-Lan đặt bàn tay lên trán Vinh-Sơn, rồi như ru chàng ngủ, cất tiếng hát, hát một bài Pháp ca:

« Đôi ta sẽ cùng nhau dan díu trên làn sóng biếc dịu dàng

« Mặt nước, vì đôi ta, in bóng rung rinh các ngôi sao vàng.

« Vừng trăng vì đôi ta chiếu ánh sáng bạc lên cánh buồm;

« Và trong bầu không khí thần tiên.

« Điệu hát du dương của buổi chiều tà yên lặng.

« Thì thầm khuyên chúng ta yêu nhau ».

Dứt câu hát, nàng vừa cười vừa cúi xuống nói nựng với người yêu:

— Mình còn sung sướng không? Mình còn ao ước một điều gì nữa không?

Vinh-Sơn se sẽ lắc đầu.

Bấy giờ như đáp lại Diễm-Lan, điệu hát hò đò của một cô lái xa xa theo chiều gió đưa tới. Trong khoảng đêm khuya thanh vắng, giọng hát sầu thảm như tiếng than thở của một người sắp sửa từ trần, cặp uyên ương ngồi im nhau lắng tai nghe, từ từ nhỏ lụy.

Như thế hơn một tháng, mỗi ngày quyển sổ nhật ký của hai người chỉ ghi thêm có một chữ: Yêu.

Nhưng sang tháng sau tình thương yêu tuy vẫn nặng, mà cái tình nồng nàn của Diễm-Lan đã thấy giảm bớt vài phần. Đối với sự thay đổi của bạn, Vinh-Sơn chỉ cười nhạt. Chàng cho sự đó rất thường, và chàng đã đoán biết từ trước rằng cái ngày ấy chẳng chóng thì chầy thế nào cũng tới. Linh hồn lãng mạn của Diễm-Lan chàng chỉ ví như một con bướm, một đóa hải đường, nghĩa là một cốt cách hữu tình chứa một khối tinh thần vô tư.

Chàng lầm. Vì Diễm-Lan vẫn yêu chàng như trước. Sự thay đổi tính tình kia không có liên can gì tới ái tình...

Một buổi chiều, Vinh-Sơn đương ngồi viết truyện. Thấy Diễm-Lan đi chơi về, chàng vui mừng đứng dậy xoắn xít hỏi:

— Mình đi chơi đâu, về đấy? Mình cho anh thức gì thế?

Diễm-Lan thở dài đáp:

— Em lên chơi bà Hường về. Bà ấy cho quà đấy.

Vinh-Sơn hơi cau mày:

— Anh đã dặn em đừng đến chơi các bà quan mà em không nghe anh.

Diễm-Lan bỗng bưng mặt khóc, kể lể:

— Thế thì cậu áp chế tôi quá. Cậu cấm đoán tôi, không cho tôi đi chơi đâu cả. Thế mà cậu bảo cậu thích tự do.

— Không phải thế. Em không hiểu bụng anh. Em đi chơi, nào anh có cấm? Nhưng anh không muốn em đến chơi đằng các quan, mà ở đây thì nhiều quan lắm, đi một bước là gặp quan. Chi bằng em đừng lên phố nữa là hơn. Em không nhớ chủ nhật trước em ở nhà bà thị về rồi em buồn mãi, vì em cứ thấy người ta là bà lớn nọ, bà lớn kia, em thèm...

— Chứ sao! Cậu thì kém gì người ta, cũng thi đậu luật khoa cử nhân. Thế mà người ta thì làm quan mà mình thì...!

Vinh-Sơn cười rũ rượi, ngắt câu nói của bạn:

— Mà mình thì làm dân! Em còn nhớ câu em hỏi anh ở dưới thuyền bữa nọ không? Hôm ấy hình như em hỏi anh: anh có ao ước một điều gì nữa không? Vậy anh trả lời em nhé: ngoài em ra, ngoài ái tình đôi ta ra, ngoài cái đời lãng mạng tự do ra, anh không còn thèm muốn một điều gì khác nữa.

Rồi chàng âu yếm ôm lấy bạn, ghé vào tai nàng thì thầm hát lại bài ca:

« Đôi ta sẽ cùng nhau dan díu trên làn sóng biếc dịu dàng.

« Mặt nước, vì đôi ta, in bóng rung rinh các ngôi sao vàng.

« Vừng trăng, vì đôi ta, chiếu ánh bạc lên cánh buồm.

« Và trong bầu không khí thần tiên.

« Điệu hát du dương của buổi chiều tà yên lặng.

« Thì thầm khuyên chúng ta yêu nhau ».

Diễm-Lan cảm động gục đầu vào vai bạn mỉm cười. Bỗng ở phía trước có tiếng còi ô-tô. Nàng giật mình bảo Vinh-Sơn:

— Có lẽ vợ chồng quan Hường lại chơi.

Thì ra cái mồi vinh hoa phú quí đã nhóm ở trong lòng Diễm-Lan ngay từ lần đầu nàng gặp vợ chồng ông thị. Rồi bà thị dắt Diễm-Lan lại chơi hết bà quan nọ đến bà quan kia: ai ai cũng khuyên ông cử Vinh-Sơn nên xin xuất chính.

Mà cái bả quan vinh lại dễ say lòng phụ nữ!

Diễm-Lan nghĩ thầm rằng: « Đến như ông thị đương ở chỗ tiền rừng bạc bể mà còn bỏ để hưởng cái sung sướng lộng lẫy ở chốn đế đô, nữa là cái địa vị của Vinh-Sơn thì đã lấy gì làm vẻ vang mà cứ cố víu lấy ».

Cái tư tưởng sính lên bà lớn vẫn núp trong tâm trí đám phụ nữ nước ta, dù họ tòng cổ hay tân thời, dù họ ở ở chốn khuê phòng đài các, hay thuộc bọn phóng đãng giang hồ. Hễ gặp dịp có thể leo lên được cái địa vị kia thì không bao giờ họ bỏ qua.

Suốt hai tuần lễ Diễm-Lan đi chơi đây chơi đó cũng chỉ có một mục đích: nghe ngóng để tìm cách vận động.

Lại luôn luôn ở ngoài phố, Diễm-Lan gặp biết bao bà quan nọ, bà quan kia, áo gấm áo màu rực rỡ, hoặc ngồi trong ô-tô hòm kính, hoặc ngồi trên xe nhà cao xu, khiến lòng sính quan của nàng ngày ngày càng thêm bành trướng, cho đến khi lên tới nhiệt độ nằn nì khóc lóc để bắt người yêu phải làm được toại lòng ước nguyện.

Cái ổ uyên ương ngày nay đã biến thành một nơi sầu thảm: Diễm-Lan và Vinh-Sơn luôn luôn giận nhau, cãi nhau, và chẳng còn tưởng gì đến cái cảnh đẹp trước mắt nữa.

Một hôm Diễm-Lan vừa ngỏ lời rằng ông thị sẽ sẵn lòng giúp cho công việc tiến thân của chàng thì Vinh-Sơn liền gắt gỏng đập bàn, cự tuyệt.

— Tôi cấm mợ từ nay không được đả động đến những truyện ấy nữa, mợ làm tôi đến ghét mợ mất thôi.

Diễm-Lan gục đầu xuống bàn, khóc nức nở:

— Mình phải biết chỉ vì em yêu mình nên em mới muốn mình nên danh nên giá...

— Nhưng tôi không muốn, tôi không thích danh giá...

Chàng nói dứt lời, toan giơ tay tát, nhưng lại ngừng lại ngay. Rồi lấy làm hối hận, chàng vỗ về bạn, ôn tồn xin lỗi:

— Em tha thứ cho anh. Mai chúng ta ra Bắc thôi em ạ. Nếu ta còn muốn yêu nhau, nếu ta định yêu nhau mãi mãi, thì ta phải mau mau rời bỏ hẳn chốn này. Vì nước sông Hương sẽ cám dỗ lòng em mất.

*

* *

Trưa hôm sau chuyến xe lửa tốc hành đưa Vinh-Sơn và Diễm-Lan ra Hanoi. Khi qua cầu trên sông Hương, Vinh-Sơn trỏ bảo bạn:

— Kìa mình trông, nước sông Hương mà in bóng những thành quách lâu đài thì thực hết cả thi vi, tình tứ.

Hiểu thấu thâm ý người yêu, Diễm-Lan đưa mắt mỉm cười.

Và từ đó về sau hai người không bao giờ dám trở lại Huế nữa.