Biên dịch:Hòa ước Giáp Thân

75%
Văn thư lưu trữ mở Wikisource
(Đổi hướng từ Hòa ước Giáp Thân)
Hòa ước Giáp Thân  (1884) , do Wikisource dịch từ tiếng Pháp
Hiệp ước ký kết tại Kinh thành Huế vào ngày 6 tháng 6 năm 1884 chứng nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Đại Nam.

Bản dịch này dựa trên bản gốc tiếng Pháp, có tham khảo bản dịch từ chữ Nho trong Đại Nam thực lục để bổ sung chi tiết về địa danh, tên và chức vụ của triều đình nhà Nguyễn. Các chú thích đều là của dịch giả.

Chính phủ Cộng hòa Pháp và Đại hoàng đế nước Đại Nam, với mong ước ngăn ngừa vĩnh viễn sự phát sinh khó khăn như đã xảy ra gần đây, mong muốn tăng cường mối bang giao bằng hữu và láng giềng tốt, đã quyết định soạn ra hòa ước sau, và chỉ định các quan Khâm sai Toàn quyền của mình, bao gồm:

Tổng thống Cộng hòa Pháp: Toàn quyền đại thần Jules Patenôtre.

Và Đại hoàng đế nước Đại Nam: Dự thương Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường; Thượng thư bộ Hộ Phạm Thận Duật làm Khâm sai Toàn quyền đại thần; Tham tri bộ Công là Tôn Thất Phiên làm quyền Thượng thư bộ Công làm Phó toàn quyền.

Sau khi đã tham vấn các bề trên của mình một cách đúng đắn và thích hợp, đã đồng ý với các điều khoản sau:

Điều 1.

Nước Đại Nam công nhận và chấp nhận sự bảo hộ[1] của nước Pháp. Nước Pháp sẽ đại diện cho nước Đại Nam trong tất cả các quan hệ ngoại giao với nước khác. Những người Đại Nam ở nước ngoài sẽ được đặt dưới sự bảo hộ của nước Pháp.

Điều 2.

Quân đội Pháp sẽ được đóng lâu dài ở cửa biển Thuận An. Tất cả các đồn lũy và công sự dọc theo sông sẽ bị triệt bỏ.

Điều 3.

Các quan viên Đại Nam sẽ tiếp tục quản lý các tỉnh trong địa giới từ giáp tỉnh Biên Hoà, Nam Kỳ cho tới giáp tỉnh Ninh Bình, Bắc Kỳ, ngoại trừ nha Thương chính[2] và cục Tạo tác[3] và, nói chung là, bất kỳ công việc nào cần tới sự điều hành hoặc có sử dụng kỹ sư hoặc nhân viên Âu châu.

Điều 4.

Trong địa giới nói trên, ngoài cửa biển Thị Nại[4] đã mở thông thương, triều đình Đại Nam cũng sẽ mở các cửa biển Đà Nẵng[5] và Xuân Đài[6] để thông thương với tất cả các nước. Các cửa biển khác về sau cũng có thể sẽ mở thông thương theo thỏa thuận chung. Chính phủ Pháp sẽ quản lý các cửa biển này theo lệnh của Khâm sứ đại thần tại Kinh.

Điều 5.

Quan Khâm sứ đại thần, đại diện cho Chính phủ Pháp, sẽ quản lý công việc ngoại giao của Đại Nam và đảm bảo sự bảo hộ được diễn ra suôn sẻ, nhưng sẽ không can thiệp vào công việc các tỉnh ở địa giới trong Điều 3. Quan Khâm sứ đại thần ở trong Kinh và có quân đội bảo vệ. Quan Khâm sứ đại thần được quyền trực tiếp tiếp kiến Đại hoàng đế nước Đại Nam.

Điều 6.

Công sứ hoặc Phó Công sứ sẽ được Chính phủ Pháp đặt tại các tỉnh ở Bắc Kỳ[7] nếu thấy hữu ích, được đặt dưới quyền Khâm sứ tại Kinh. Họ sẽ sống trong thành và, nếu phù hợp, tại khu vực dành riêng cho quan tỉnh. Nếu cần thiết, họ sẽ có lính Pháp hoặc lính Nam theo hầu.

Điều 7.

Công sứ sẽ không can thiệp vào việc trị dân tại các tỉnh. Các quan tại tỉnh, dù ở cấp nào, sẽ tiếp tục việc trị dân như cũ, nhưng có thể bị thay thế nếu quan chức Pháp yêu cầu.

Điều 8.

Tất cả quan chức và nhân viên người Pháp sẽ chỉ được liên hệ với các quan nước Đại Nam thông qua Công sứ.

Điều 9.

Một đường điện báo sẽ được lắp đặt từ Sài Gòn đến Hà Nội, do nhân viên người Pháp đảm trách. Một phần tiền thuế thu được sẽ được chuyển cho nước Nam tiêu dùng, để bù cho phần đất nước Nam nhượng lại khi cần thiết để xây dựng các trạm điện báo.

Điều 10.

Ở Đại Nam từ giáp Biên Hòa đến giáp Ninh Bình cũng như ở Bắc Kỳ, những người ngoại quốc thuộc tất cả các quốc tịch đều sẽ do nước Pháp phán xử. Chính quyền Pháp sẽ giải quyết tất cả các tranh chấp giữa người nước Nam và người ngoại quốc hoặc giữa những người ngoại quốc với nhau.

Điều 11.

Trong địa giới Đại Nam từ giáp tỉnh Biên Hòa đến giáp tỉnh Ninh Bình, thì quan Bố chính sẽ thu thuế cho Triều đình nước Đại Nam như trước đây mà không chịu sự giám sát của quan chức Pháp. Ở Bắc Kỳ, quan Công sứ sẽ giám sát việc thu thuế này. Họ được quan Bố chính hỗ trợ và sẽ giám sát công việc và phương thức thu thuế. Một hội đồng gồm quan nước Pháp và quan nước Đại Nam sẽ quyết định số tiền chi cho các nơi và cho công vụ ra sao. Phần còn lại sẽ được chuyển cho Triều đình nước Đại Nam.

Điều 12.

Các sở Thương chính trên cả nước Đại Nam sẽ được tổ chức lại và giao hết cho quan chức Pháp quản lý. Các sở Thương chính sẽ chỉ được lập ở ven biển và biên giới, khi cần thiết. Các quyết định trước đây của quan chức quân sự về vấn đề thuế quan sẽ không được bàn tới nữa. Luật lệ và quy định của 6 tỉnh Nam Kỳ về đóng góp gián tiếp, sở Thương chính, mức thuế và phòng ngừa vệ sinh sẽ được áp dụng trên toàn lãnh thổ Đại Nam và Bắc Kỳ.

Điều 13.

Công dân Pháp và những người được Pháp bảo hộ sẽ được đi lại tự do, được buôn bán, và được mua và bán động sản và bất động sản ở bất kỳ đâu trong địa giới Bắc Bộ và trong các cửa biển mở buôn của Đại Nam. Đại hoàng đế nước Đại Nam tuyên bố xác nhận các đảm bảo về việc truyền giáo và người theo đạo Thiên chúa như đã ước định trong Hòa ước ngày 15 tháng 3 năm 1874.

Điều 14.

Những người muốn đi lại bên trong Đại Nam phải được sự cho phép của quan Khâm sứ tại Kinh hoặc của quan Thống đốc Nam Kỳ. Những nơi này sẽ phát một giấy thông hành, đến trình quan nước Đại Nam để phê đóng ấn "dĩ trình" thì mới được đi.

Điều 15.

Pháp cam kết đảm bảo tính toàn vẹn của triều đình Đại hoàng đế nước Đại Nam, bảo vệ Chủ quyền khỏi giặc cướp bên trong và bên ngoài. Để làm điều đó, quan chức Pháp có quyền đặt quân đội tại bất cứ đâu trong lãnh thổ Đại Nam và Bắc Kỳ mà họ thấy cần thiết để việc bảo hộ được hiệu quả.

Điều 16.

Đại hoàng đế nước Đại Nam sẽ tiếp tục cai trị việc trong nước như trước nay, ngoại trừ những điều đã định trong hòa ước này.

Điều 17.

Khoản nợ còn lại của Đại Nam với Pháp sẽ được trả hết theo cách thức sẽ được bàn định sau. Nước Đại Nam không được đi vay mượn nước ngoài trừ khi được sự cho phép của nước Pháp.

Điều 18.

Sẽ có thảo luận thêm để xác định giới hạn của các cửa biển mở buôn và của việc nhường đất cho người Pháp trong mỗi bến, địa điểm xây dựng các hải đăng trên bờ biển nước Đại Nam từ ven biển Biên Hòa đến giáp Ninh Bình và địa giới Bắc Kỳ, sắp xếp việc khai mỏ, hệ thống tiền tệ, và phần lợi nhuận từ thuế quan, quy định, thuế điện báo và các khoản thu lợi khác chưa được đề cập trong Điều 11 của hòa ước này. Hòa ước này sẽ được đệ trình cho Chính phủ Cộng hòa Pháp và Đại hoàng đế nước Đại Nam phê chuẩn, và các bản ký kết sẽ được trao đổi càng sớm càng tốt.

Điều 19.

Hòa ước này thay thế cho hòa ước ngày 15 tháng 3, 31 tháng 8 và 23 tháng 11 năm 1874.

Trong trường hợp có tranh chấp, văn bản tiếng Pháp sẽ được sử dụng.


Để thể hiện lòng tin, các đại diện khâm sai hai hai bên đã ký tên và đóng ấn vào Hòa ước này.

Làm ở Huế thành hai bản, ngày 6 tháng 6 năm 1884.

(ấn) Patenotre. (ấn) Nguyễn Văn Tường.
(ấn) Phạm Thận Duật. (ấn) Tôn Thất Phiên.
  1. Nguyên bản chữ Pháp là protectorat. Bản chữ Hán của hòa ước (trong Đại Nam thực lục, đệ ngũ kỷ, quyển 4, trang 5) dùng chữ bảo trợ 保助 có nghĩa là giúp đỡ, thay vì chữ bảo hộ 保護 có nghĩa là che chở, bảo vệ. Đây là khác biệt rất lớn về ý đồ của hai bên ký kết. Tuy nhiên, trong hai bản chữ Hán và tiếng Pháp, chỉ có bản tiếng Pháp là có giá trị khi có tranh chấp theo Điều 19.
  2. Nha Thương chính lo việc thuế quan.
  3. Cục Tạo tác lo về công trình công cộng
  4. Thị Nại thuộc tỉnh Bình Định.
  5. Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam.
  6. Xuân Đài thuộc tỉnh Phú Yên.
  7. Bắc Kỳ là từ giáp Ninh Bình trở về phía Bắc.


 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.