Bước tới nội dung

Đài gương kinh/13

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đài gương kinh của Tản Đà
13. — Hiếu-thuận

13. — HIẾU THUẬN

2• Nói về Nghĩa.

Nghĩa làm dâu, lấy bố mẹ chồng làm bố mẹ. Cho nên người con gái đã đi lấy chồng thời lễ chở bố mẹ đẻ một năm, mà lễ chở ba năm, để nhường sang thờ bố mẹ chồng[1]. Lễ chở bố mẹ chồng đã ba năm đại-tang thời người con dâu ấy thật chính-chức là con. Đã chính-chức là con thời trong khi bố mẹ còn sinh-thời, con phải hiếu-thuận với bố mẹ, quả là một nghĩa rất chính-đáng.

Tự phận-vị người con dâu đã thế; nay lại lấy người chồng mà nói:

Đạo người con giai kia, cũng lấy hiếu-thuận làm trọng. Cho nên, chồng hoặc có thất-hiếu, mình làm vợ, còn nên khuyên can. Người chồng kia nguyên không có sự đến thất-hiếu mà tự mình thất-hiếu, thời cái thất-hiếu ấy, tội lây sang đến chồng; nghĩa là: người con giai để vợ thất-hiếu với bố mẹ, cũng là chính người ấy thất-hiếu. Cho nên, mình có sự thất-hiếu mà người chồng biết hiếu thời tất đến nhà cửa không yên, gối chăn không ấm; nhớn ra nữa, đất bằng nổi sóng, nghể gẫy chôi sông. Tự mình đã có sự thất-hiếu mà người chồng cũng không biết hiếu thời mình thất-hiếu trước mà chồng thất-hiếu theo, thành ra hai vợ chồng cùng bất hiếu. Hai vợ chồng đã cùng đến bất hiếu thời dâu nữa mà chi, con nữa mà chi, dâu con ai cũng thế thì, thế-gian cheo cưới ra gì mà vui!

Cho nên trong luân-thường, có đạo hiếu của con dâu ở với bố mẹ chồng, mà đó là một phần thuộc về nghĩa.

Phương-ngôn: Dâu là con.

DẪN TRUYỆN. — Ông Quách-Cự đời Hán, nhà nghèo, còn mẹ già mà mình có con bé. Mỗi bữa ăn, con mình quấy mẹ mà bà hay chiều cháu. Hai vợ chồng bảo nhau rằng: « Vợ chồng mình còn trăm năm, sự sinh đẻ cũng còn nhiều; mẹ chỉ có một mà tuổi không còn mấy, nếu để con mình chia những miếng bùi miếng ngọt thời nghĩ sao cho đang. » Nghĩ vậy, rồi nhân đêm đem con đi để chôn bỏ. Không ngờ đào đất lên, tự-nhiên bắt được một lọ vàng, lại được đem con về.

Sự đó không ai cưỡng được ai; nếu vợ không cùng lòng, người chồng muốn hiếu cũng không được.

Nghĩ như truyện này thật quá đáng, khó lấy làm gương cho khắp thảy mọi người song cũng nên biết rằng đời xưa có người bụng hiếu đến như thế.

  1. Chính lễ đặt như thế, cũng như người con giai đã đứng thừa-tự ai thời đối với bố mẹ đẻ của mình, không được giữ lễ thường; nghĩa là sự tôn không có hai. Nhiều nhà, con gái đã đi lấy chồng mà để chở bố mẹ đẻ ba năm là theo tục-lễ và cái đó cũng tự ở người nhà chồng.