Đài gương kinh/26

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đài gương kinh của Tản Đà
26. — Tính-hạnh

26. — TÍNH-HẠNH

3°. — Dăn về sự vay nợ

Người ta, không mấy người được thường đủ tiêu, cho nên có lúc phải vay; đồng tiền là một vật làm được ra lợi, cho nên có người cho vay. Đã gọi là vay thời phải có lúc giả; đồng tiền đã cho vay thời giả phải có lãi; người đi vay thời phải tính sự giả, sự lãi. Bởi thế, nhẽ chính của sự vay có ba hạng:

1° Trong sự làm ăn buôn bán, tính trừ sự giả, sự lãi mà còn có lợi ngoài thời vay. 2° Việc gì xẩy ra cần phải tiêu, tính đến sự giả, sự lãi mà có món tiền khác trông được thời phải vay. 3° Các người nghèo nhà quê, không có ăn để cầy cấy, tính ngô thóc ngày mùa vào sự giả, sự lãi vừa đủ thời cũng phải vay.

Ngoài ba sự vay đó, hoặc không tính được sự giả, sự lãi mà vay để ăn tiêu thời là vay liều; hoặc tính được sự giả, sự lãi, nhưng vay để hoang-phí, cũng là vay liều.

Vay liều để ăn tiêu thời rồi công nợ không giả được, thân làm tội đời, đến khổ chồng khổ con; vay liều để hoang-phí thời rồi lờ lãi đẻ mãi ra, năm gấp lên mười, đến mất cơ mất nghiệp. Người đàn bà mà làm cho đến khổ chồng khổ con, mất cơ mất nghiệp, nghĩ thẹn thay với chữ tề gia. Cho nên kẻ nghèo khó vay liều để ăn tiêu thời thà nhịn ăn tiêu, chớ thấy vay được mà vay; người sang-trọng vay liều để hoang-phí thời nên bớt hoang-phí, chớ thấy dễ vay mà vay. Người ta, trong lúc đi vay, nên trông một người đương mắc nợ; trong lúc vay được tiền, nên trông một người đã vỡ nợ.

Phương-ngôn: Nhất tội nhì nợ

GIẢI NGHĨA. — Bệnh-tình của sự vay thường có hai nỗi: 1° Lòng xa-xỉ của người ta mỗi ngày mỗi hơn. 2° Bụng liêm-sỉ của người ta mỗi ngày mỗi kém.

Lòng xa-xỉ ngày hơn, cho nên có thừa dễ hoang-phí. Lúc thừa đã hoang-phí mà lúc túng xẩy có sự phải tiêu thời đâm ra đi vay. Nợ cũ chưa giả xong mà có tiền đã lại muốn hoang-phí thời sự cần tiêu lúc túng sau hợp với sự bách-thúc của nợ cũ, sẽ lại sinh ra một món nợ mới mà nhớn hơn. Sự-thể như vá cái áo tàn, vá được miếng rách con, càng rách ra miếng nhớn. Thế đến vỡ nợ mới thôi.

Bụng liêm-sỉ ngày kém, cho nên đói rách không chịu được mà không ngại sự đi cầu người thời vay chầy, vay cối mà cũng vay.

Hai cái bệnh về sự vay này, tự kẻ làm ra sách đều có cả, nhân mới giải nghĩa được càng rõ, mong cùng người đồng-bệnh cùng dăn.

Thuốc để dăn, có chăng là tiết-kiệm và liêm-sỉ?