Đài gương kinh/28
28. — TÍNH HẠNH
5• Dăn về sự ghen tuông
Tục-ngữ có câu rằng: « Gái nào là gái không hay ghen chồng. » Một sự ghen thật cũng là tính chung của người ta, không ai dạy ai mà đến mực đến nước. Nay hỏi đàn bà có phép được ghen không?
— Có.
— Đàn bà có nhẽ nên ghen không?
— Có.
— Đàn bà đã có phép được ghen, có nhẽ nên ghen, thời sự ghen sao có dăn?
Một vợ một chồng là đạo chính. Hoặc người chồng vì lòng tham dục, muốn lấy năm lấy ba; ra dạ bạc đen, đi lấy riêng lấy dấu thời vợ được phép ghen chính là phải. Còn như chồng đã đứng tuổi mà vợ không con giai thời phải lấy giòng giống của nhà chồng làm trọng, chồng lấy vợ lẽ thời mình ra phận cả, nên ở sao cho có lượng. Phép không được ghen.
Vợ chồng có nhau là tình chính. Hoặc người chồng nặng tình hoa nguyệt mà rẻ chữ bố kinh[1], tham mùi chung đỉnh mà phụ nghĩa tao khang[2] thời vợ có nhẽ ghen chính là phải. Còn nếu như một đôi khi công việc vui mừng, khách bạn xum hợp mà hoặc có hát sướng, thời có gì mà bõ ghen. Hoặc tự mình muốn sĩ-diện, đi mua hầu lấy lẽ về cho chồng thời vì ai mà còn ghen!
Cho nên: phép có được ghen mà hoặc vì sự-thể, có khi không được ghen; nhẽ có nên ghen mà hoặc vì tình-diện, có khi không nên ghen. Huống chi vô đoan vô tích, ghen bóng ghen hơi, làm cho mất danh-giá thể-diện của chồng, bè bạn giã từ, thiên-hạ chế mỉa, chẳng qua xấu chàng thời hổ ai.
Cho nên ở trong Lễ, đàn bà có bẩy tội phải bỏ, mà sự ghen là một điều.
Thời-ngữ: Một sự ghen của người vợ, thường đuổi xa mất cái bụng thân yêu của người chồng.
DẪN TRUYỆN — Chuyện cũ phố Hà-Nội. nghe có một người hay ghen ngờ. Một hôm, chồng vừa đi ra lên xe, nàng nhìn theo, xe ngoài đường đương lúc đông chật, trên một cái xe khác một người đàn bà cũng tươi son, miệng có vẻ cười. Ngờ rằng nhân-nghãi với chồng mình, nàng liền giả đến nhận quen, mời cần vào nhà chơi. Vô tình, khách xuống xe theo vào, chưa ngồi yên; chủ-nhân ních cửa lại, gọi người nhà cho một trận tàn-tệ. Truyện đó lên tòa án, mãi mới xong. Máu ghen đâu có lạ đời! Rất vô nghĩa.