Bước tới nội dung

Đài gương kinh/33

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đài gương kinh của Tản Đà
33. — Đối với con

33. — ĐỐI VỚI CON

5° — Ở với con chồng, con vợ lẽ.

Có đẻ có thương, cái đó đã đành; còn như không đẻ mà là con thời bụng thương cũng hơi khó. Bởi thế, thế-gian có câu rằng: « Mấy đời bánh đúc có xương! »

Câu nói đó là thương nỗi thói đời ghẻ-lạnh, làm cho nghe thấy mà buồn. Nay cứ theo đạo thường nhẽ phải của loài người mà nói: Đã làm con mà có mẹ, không cứ mẹ ghẻ hay mẹ già, ở với mẹ nào cũng phải hiếu; đã làm mẹ mà có con, không cứ con chồng, con vợ lẽ, ở với con nào cũng nên nhân. Quả mai kia dẫu có khác cành, nhưng khí-mạch cùng chung một gốc; nếu lấy cành kia đập quả nọ, không những đang tay là quá, mà sao cho mát ruột cội mai già! Người đàn bà có nghĩa vì chồng mà nuôi con, hoặc làm mẹ già mà có con vợ lẽ, hoặc làm mẹ ghẻ mà có con chồng, đều nên rủ một lòng thương, chẳng đẻ mà coi cũng như đẻ. Một là vẹn lấy đường hiền thuận, hai là mở rộng đạo nhân từ. Từ thuận gồm hai thời hiếu nghĩa cũng xum họp một nhà, có đức tự-nhiên có phúc.

Đàn bà thường có một tính hay cầu phúc, tâm tâm niệm niệm, lễ Phật cầu Giời. Nhưng Giời, Phật nếu có giúp được người, cũng chỉ giúp được người có đức. Muốn có phúc, phải có đức.

Phương-ngôn: Con nào cũng là con.

GIẢI NGHĨA. — Một sự dì ghẻ con chồng xưa nay, truyện nhân từ cũng nhiều, nhưng tàn ác thời mười phần đến quá nửa. Xét ra, không những là một nỗi ghẻ-lạnh, mà như còn có mang một bụng dạ ghen ghét, cho nên cách sử-đãi có khi không được như con nuôi. Xưa có câu thơ rằng:

« Răng hùm nọc rắn chưa là độc;
Độc nhất trần-gian bụng phụ-nhân! »

Người đàn bà, tính-chất thuộc về bên âm-nhu mà sao đến có câu thơ ấy? Đó là một câu thơ của Tầu. Than ôi! Nếu chỉ có đẻ mới có thương, thời thương con chẳng những một loài người.