Đài gương kinh/8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đài gương kinh của Tản Đà
8. — Chức-nghiệp

8.CHỨC-NGHIỆP

2• Sự lo gần

Người con gái không có chức-nghiệp thời trước khi định lấy ai, đã sẵn có một bụng đem cái thân mình lụy vào người, trước hết cái đó là cái xấu.

Sau lúc lấy chồng, không may gặp người chồng cũng vô nghiệp thời ngày xanh mòn-mọi, lưng vốn hết dần, nhà nát sân rêu, thân rách con đói; lúc ấy mới hờn duyên tủi phận, trách thân giận giời mà bát nước ái-ân đương đầy hóa vơi. Thương thay mà nghĩ giận!

Không cứ thế, may gặp người chồng có tài-cán, nhưng tự mình không có chức-nghiệp thời cái ăn cái mặc, công nọ việc kia, nhất-thiết trông vào người chồng cả. Làm cho người chồng những lo-liệu quanh-quẩn vì vợ con thời dẫu cho có tài to chí cao, thế cũng đến tiêu-hao hèn mạt. Vậy thời lụy cho người đàn ông biết bao nhiêu! Người đàn-ông kia, đã không trông cậy vào mình được chút nào thời lòng nể trọng kém đi bao nhiêu phần. Dẫu có trách người chồng nữa chăng, nên cũng tự mình trách mình trước.

Không cứ thế, may gặp được người chồng tài hơn bụng tốt, lo liệu hết thẩy, nể trọng vẹn mười thời ăn trắng mặc chơn, tiêu-dao ngày tháng, kể cũng là duyên phúc trong một đời. Nhưng thử tự ngồi mà nghĩ mình, như thế, chỉ sinh ra đời để ăn chơi. Hai tiếng “ăn chơi” không phải là cái hay cho con người ta; vào đàn bà con gái thời lại rất xấu không thể nói. Đàn bà, con gái, nếu ai biết xấu-hổ mà muốn lánh hai tiếng ăn chơi thời phải tự mình có chức-nghiệp; muốn tự mình có chức-nghiệp, phải liệu từ trong lúc con gái.

Thời-ngữ: Tự mình dung được mình là sang;
Mình lại nhờ vào mình là vững.

DẪN TRUYỆN. — Bà Kính-Khương, chồng là quan đại-phu nước Lỗ; chồng chết, con giai lại làm đến quan tướng-quốc, Kính-Khương ở nhà, hết sức về việc ươm tơ. Con đi chầu về, xem thấy, nói rằng: «Như nhà con cũng không nghèo nữa mà mẹ còn ươm tơ!» Kính-Khương nghe rồi, than rằng: « Nước Lỗ đến mất nước mất thôi! Cho mày ra làm quan mà mày không biết gì cả! Phép đời xưa, từ ông vua, vợ vua, các quan, vợ các quan đều phải siêng chức-nghiệp, sao dám lười. Mày nay nói câu như thế, ta sợ giòng-giống nhà này rồi đến tuyệt mất thôi! »

Đức thánh Khổng nghe thấy, khen rằng: « Như đàn bà nhà ấy, thật là không hư lười.»