Đôi lứa xứng đôi (tập truyện ngắn)/Nguyện vọng
NGUYỆN-VỌNG
Trận mưa lúc nãy tuy đổ xuống ào ào nhưng chẳng bao lâu đã tạnh. Mây tản hết. Mặt trời lại nhô ra. Ánh nắng nhuộm tươi những chòm lá me non rợn. Hơi nước bốc lên như khói. Đường loang lổ, hỗ ướt chỗ khô. Sài-gòn lúc ấy giống như một cô bé ngây-thơ, vừa khóc chưa ráo lệ dã lại cười tươi tắn. Tôi vội vàng mặc áo ra đi.
Như thế đã quen rồi. Cái ngày mà tôi đặt bước đến Sài-gòn là ngày chấm hết cho cuộc đời « cấm cung » của tôi hồi còn là một học sinh tỉnh nhỏ. Bây giờ tôi không thể ngồi nhà luôn hàng buổi được. Những vẻ lộng lẫy kiêu-xa của « hòn ngọc Viễn-đông », cũng như những cảnh lầm-than của nó, đối với tôi, có một sức quyến-dũ lạ lùng. Đôi chân tôi lúc nào cũng muốn đi. Tôi cứ phải luôn luôn ở ngoài, trà trộn với đám đông, chen chúc, xô đẩy, mải mốt, vội vàng của Saigon hoạt động. Giữa đám người không ai biết ai, không ai để ý đến ai, tôi tò-mò nhận xét từng dáng-điệu, từng cử-chỉ, từng vẻ mặt, từng cái nhìn của những khách qua đường không quen. Tất cả những cái ấy « nói » với tôi nhiều lắm. Có khi chúng hé cho tôi thấy một cuộc đời tan nát, một kiếp sống âm-thầm, một linh-hồn mệt nhọc, một cái nguyện-vọng bị đè nặng dưới những trở lực không bao giờ vượt nổi...
Đến đầu đường Bonard, tôi gặp chị Thanh từ chợ mới Bến-thành đi lại. Sự ngạc-nhiên của tôi lộ ra ngoài mặt. Đã từ lâu, tôi nghe nói anh ấy đã xin được một chỗ làm ở Nam-Vang. Tôi cứ tưởng chị đã theo chồng đến đấy từ bao giờ rồi. Tôi hỏi. Chị đáp lại với một cái lắc đầu chán nản:
— Ông ấy xin thôi rồi!
Tôi mỉm một nụ cười thương hại và hơi chế nhạo. Anh Tá, chồng chị Thanh, tôi không được biết cho rõ lắm. Lần nào đến chơi, tôi cũng chỉ gặp một người ít nói, nghe chuyện người ta bằng đôi tai lơ-đễnh và đáp lại bằng những nụ cười rất mơ-hồ, vẻ mặt trầm-ngâm, và đôi mắt, đáng nhẽ rất tinh nhanh, lại luôn luôn lờ-đờ như nhìn những cái gì ở đâu xa, xa tắp Đó là một cái linh-hồn đi vắng. Tôi không có cớ gì để ghét, nhưng mà không thân.
Còn chị Thanh thì đã nhiều dịp than phiền về anh nhiều lắm. Chị trách chồng vơ vẩn, viển-vông, không thiết làm ăn đứng-đắn. Và quả chị không hiểu anh, khi anh cáu-kỉnh bảo chị rằng:
— Mình làm gì hiểu tôi!
Thú thật, vì thương chị, tôi đã hơn một lần thấy Tá là một người đáng khinh. Người chồng ấy quá ích-kỷ, quá hèn nhát, không biết phấn-đấu để dành-giựt lấy miếng ăn cho gia-đình. Không thế thì sao một chỗ làm hơn bẩy chục đồng một tháng, tự nhiên bỏ để trở về với cái nghề giậy học tư chỉ độ ba chục đồng?
— Sao anh ấy buồn cười thế! Xin thôi để làm gì?
Chị Thanh chép miệng:
— Nào ai biết! Đang ngồi sù sù ở nhà ấy, bây giờ cậu có rảnh thì đến chơi.
Tại sao tôi lại có ý muốn gặp con người ngơ ngẩn ấy? Gần như vô tình, tôi rẽ vào đường Colonel Grimaud. Nhà Tá ở là cái căn nhà lụp xụp số 123 này.
Anh đang chúi đầu vào sách nên tôi bước vào mà anh không biết. Phải đợi tôi chào anh mới ngẩng đầu lên, nhìn một lúc, và thong thả chào:
— À, cậu Định.
Rồi anh chỉ một cái ghế để bên bàn học, bảo:
— Mời cậu ngồi chơi đây. Vẫn như thường đấy chứ?
Tôi mỉm cười: hiếm họa lắm, mới được nghe anh dùng một câu xã-giao như vậy. Xưa nay, anh vẫn chỉ nói khi nào muốn nói. Tôi nhắc quyển sách anh đang đọc. Đây là một cuốn sách giậy về giáo-khoa. Tôi hỏi:
— Anh yêu nghề giậy học lắm?
Mắt anh sáng hẳn lên. Cái mặt ngờ-ngờ đột nhiên thành nhanh-nhẹn:
— Thì đã hẳn. Mà chẳng riêng gì tôi, những kẻ còn nghĩ đến giống nòi đều nghĩ đến việc đào-tạo óc. Vì chỉ có sự học thôi, chỉ có sự học là cải-tạo được con người. Xã-hội Việt-nam muốn tiến, quốc-dân Việt-nam phải học. Yêu nước, lo đến tương-lai của giống nòi, không gì bằng học, khuyến-khích việc học, khuếch-trương việc học, truyền-bá sự học. Gieo hạt giống tốt vào óc thiếu-niên để đợi lớp người sau, ai yêu nước một cách sáng-suốt đều nghĩ như tôi cả...
Tôi không tránh được một nụ cười ngờ vực. Anh Tá, hình như nhận thấy, hăng hái tiếp:
— Tôi nghiền-ngẫm đã lâu rồi, và bây giờ tôi đã quyết: tôi quyết sẽ mở một trường tư thật lớn...
Cái trường tư ấy nằm ở trong đầu anh đã từ lâu. Anh đã tìm được cả chỗ làm trường; anh đã vẽ kiểu trường; anh đã nghĩ cách quảng-cáo; anh đã thảo một cái chương-trình to-tát chưa trường nào ở Đông-dương theo nổi. Anh sẽ trả lương giáo-sư rất hậu, đặt quĩ hưu-bổng để các ông có thể yên lòng về vật-chất mà tận-tụy với nghề. Anh sẽ tổ-chức các lớp theo những phương-pháp tối-tân. Anh sẽ cấp học-bổng cho những thiếu-niên lanh-lợi đi ngoại-quốc để nghiên-cứu thêm về khoa sư-phạm...
Anh nói luôn mồm, hăng-hái, trơn-tru, hùng-hồn như diễn-thuyết, lật cho tôi xem nào bản đồ, nào kiểu nhà, nào mẫu bảng quảng cáo, nào mẫu giấy viết thư... đủ thứ. Tôi tưởng như đó là việc của ngày mai, hay của tháng sau, và anh đã sẵn có từng chồng bạc trắng xóa xếp hàng trong tủ sắt.
Bỗng cánh cửa kịch, mở ra. Một cái đầu đàn-bà đen-đủi ló vào, nhìn xoi-mói:
— Cô có nhà không, thầy hai?
Bị quấy rối, anh Tá của tôi hơi gắt:
— Cô đi vắng.
Cái mặt đen, khoặm lại:
— Người chi mà kỳ-cục! Có một đồng bạc gạo ba tuần chưa trả!
Con chim đang bay bổng trên mây, bỗng rơi bẹt ngay xuống đất. Anh Tá bẽn lẽn ra ngoài mặt. Anh không nói nữa, cầm bút vờ chữa lại vài chữ trên bài diễn-thuyết để đọc hôm khánh-thành trường. Tôi rầu rầu để một nỗi chán nản không đâu lôi cuốn tâm hồn. Bỗng tôi hỏi Tá:
— Anh có biết em Tịnh không?
— Sao vậy?
— Tịnh là em tôi, chết đã được đến sáu, bảy năm rồi. Hồi ấy chị có về đưa đám.
Tá không khỏi hơi ngạc-nhiên về cách tôi xoay câu truyện. Nhưng có lẽ thấy ở đấy một cách để thôi ngượng-nghịu, anh hỏi:
— Chết vì bệnh gì thế?
— Bệnh tê bại. Nó mới mười hai tuổi. Không hiểu sao nó bỗng gầy sút người đi, lâu dần chỉ còn xương với da, đứng lên không vững. Tính trẻ con đang ưa chạy nhẩy, bỗng bị nằm só nhà suốt ngày ấy sang ngày khác, nó bứt-rứt khóc-lóc luôn. Tôi thương hại thường nói chuyện với nó cho nó khuây đi đôi chút. Nó rất thích đá bóng; tôi bèn đem truyện đội ban của chúng tôi kể cho nó nghe...
— Đến chủ nhật này, hội chúng mình đá với hội Mãnh-sư đấy Tịnh ạ.
Tịnh kêu lên:
— Thế ả? Cứ gọi là cho chúng nó « cát dô » (4 à 0). Để Tịnh đứng « a-la-de » cho; Tịnh mà đứng « a-la-de » thì phải biết!
Và Tịnh đứng vùng lên. Nhưng hai ống chân gầy đét không đỡ nổi, khiến Tịnh bị vật nằm soài xuống. Thế là Tịnh nức-nở khóc mãi, không sao dỗ cho lặng nữa.
Tá cười chua-chát. Tôi rút khăn lau nước mắt. Tôi đã thương đứa em khốn-nạn, hay đau buồn cho số kiếp Tá, cho số kiếp tôi, số-kiếp của tất cả những người có những chân ống sậy mà lại mang những nguyện-vọng to-tát quá?